Thượng Hội đồng giám mục châu Phi tại Vatican: Giáo Hội hướng về châu Phi

Thượng Hội đồng giám mục châu Phi tại Vatican: Giáo Hội hướng về châu Phi

Khóa họp đặc biệt thứ hai của Thượng hội đồng giám mục vì châu Phi đã khai mạc tại Rôma. Châu Phi là nơi Giáo Hội có thể đóng vai trò hòa giải, đồng thời đốc thúc việc thực thi nhân quyền. Người ta đang nóng lòng chờ đợi các câu trả lời của Thượng hội đồng.

Các Thượng hội đồng nối tiếp nhau, châu Phi đang hướng về Giáo Hội của mình. Đối với cuộc họp thứ hai này, các nghị phụ sẽ làm việc với một tài liệu thẳng thắn, không nhượng bộ. Tài liệu làm việc này là chương trình nghị sự chính thức của Thượng hội đồng, đã được công bố tại Yaoundé ngày 19 tháng ba vừa qua. Không phải vòng vo, tài liệu phác ra một bức tranh hiện thực về tình hình châu Phi, dù vẫn còn những lỗ hổng đáng ngạc nhiên, chẳng hạn về cuộc đối thoại với Hồi giáo.
Từ phiên họp đặc biệt thứ nhất của Thượng hội đồng dành cho châu Phi vào năm 1994, châu Phi và Giáo Hội công giáo tại đây đã bị tổn thương bởi vụ diệt chủng Rwanda. Mọi người đều biết là các tín hữu, kể cả các tu sĩ và giáo sĩ, đã can dự vào việc triệt hạ các anh em của mình. Vả lại, các cuộc khủng hoảng tài chính và sinh thái, không kể bệnh sida, đã đổ ập lên trên một châu Phi với các cấu trúc gia đình, xã hội và kinh tế quá mỏng manh.
Lục địa này rõ ràng là đang ở trong một kairos, một thời điểm quyết định: “Đây là lúc thuận tiện để mỗi người làm hòa với Thiên Chúa và với người khác, thực thi một sự hòa giải đem lại công lý và hòa bình” (Tài liệu làm việc, số 146). Mục tiêu quả là rõ ràng: “Mọi người chúng ta hãy trở thành những con người mới, có khả năng tạo hòa bình tại châu Phi” (số 47). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói điều này với các giám mục Mali trong buổi tiếp kiến năm 2007: “Việc các tín hữu dấn thân phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình là một mệnh lệnh khẩn thiết.”
Một vai trò hòa giải
Trên bình diện chính trị, đã có những bước đi lớn. Đối mặt với tình trạng bấp bênh vốn là đặc điểm của lục địa đen, trong khi các thế hệ thời hậu thuộc địa không còn, “ước muốn giữ vị trí khách quan của Giáo Hội đã được nhìn nhận và chào đón, trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại một số nước, qua việc yêu cầu có các giám mục làm chủ tịch các Hội đồng giám mục quốc gia và qua các sáng kiến của các giáo dân để đẩy mạnh các thể chế dân chủ thực thụ” (số 7).
Cũng phải băng bó các vết thương. Ở đây, Giáo hội đã, và còn có thể đóng vai trò làm dịu, đồng thời, thúc đẩy việc thực thi nhân quyền. “Mô hình của Ủy ban chân lý và hòa giải tại Nam Phi và các nơi khác đã thành công trong việc sử dụng mô hình truyền thống của “cây thương lượng” và các yếu tố kitô giáo, chẳng hạn việc ban ơn tha thứ cho người xưng thú tội lỗi của mình, để tránh cho đất nước khỏi chìm trong sự hỗn loạn” (số 8).
Tham nhũng quả là một khối u thực sự. Điều này đã được nói đến một cách mạnh mẽ, nhưng tiếng nói của các nghị phụ về chế độ bộ lạc, cả đến chủ nghĩa chủng tộc, đang được chờ đợi hơn hết, “để nước Thánh tẩy có thể mạnh hơn cả huyết thống” (số 87).
Sự gia tăng các “giáo phái”
Văn kiện cũng nói đến và tố cáo sự gia tăng của các “giáo phái”, có nguồn gốc Tin lành, thường mang màu sắc thần thông: “Cơn khát Thiên Chúa được biểu hiện một cách nghịch lý qua việc phát triển của các giáo phái” (số 9).
“Trong xã hội, Giáo hội công giáo là đối tượng của một thái độ khiêu khích cay độc từ phía các giáo phái kitô hữu bị các nhà chính trị sử dụng để đánh đổ các giá trị mà Giáo hội cổ vũ: gia đình, sự tôn trọng phẩm giá và tính thánh thiêng của mạng sống con người, sự thống nhất.” Về điểm này, các giám mục châu Phi tham dự Thượng hội đồng tỏ ra bình tâm, tỉnh táo đối với những thiếu sót ở địa phương trong việc loan báo Tin Mừng, nhưng quan tâm tới việc trở lại đạo Công giáo của những tín đồ vốn thất vọng trước những hứa hẹn suông của các tổ chức tự tuyên bố là Giáo hội.
Sự tự túc về mặt tài chính của các Giáo hội là một trong những mục tiêu đề ra tại hội nghị lần trước. Nhưng các giáo phận châu Phi, trở nên ít lệ thuộc vào các nguồn phương tây hơn, đã thành lập những doanh nghiệp thực sự sản sinh lợi nhuận, được quản lý theo các chuẩn mực địa phương không mấy phù hợp với học thuyết xã hội của Giáo hội, theo “những cách làm và xử sự được chấp nhận về mặt văn hóa nhưng đi ngược lại tinh thần của Đức Kitô” (số 74). Roma nhiều khi cũng đã phải lớn tiếng và đưa ra những hình phạt đối với một số hồ sơ tế nhị: “Việc quản lý tài sản của Giáo hội do các mục tử đôi khi thiếu sự minh bạch” (số 62).
Ngược lại, các quan hệ với Hồi giáo lại xem ra không được xem như một vấn đề thiết yếu trong các bản văn được gửi về Roma. Ngoại trừ việc ghi nhận “khuynh hướng chính trị hóa căn tính tôn giáo” (số 102) hay “các xung đột do các cuộc hôn nhân hỗn hợp gây nên”.
Đào tạo, quy chế và thái độ của các linh mục sẽ là chủ đề được các nghị phụ đặc biệt quan tâm: “Người ta mong đợi các giám mục chỉ định các linh mục và tu sĩ theo những tiêu chuẩn khách quan chứ không phải chủng tộc (…). Cần phải có sự tuyển chọn kỹ lưỡng hơn và một nền đào tạo vững chắc cho các ứng viên linh mục và các tu sĩ. (…). Ngoài ra nền đào tạo này còn phải quan tâm đến những thách thức do cuộc sống thực sự của các cộng đoàn kitô hữu trong đó các chủng tộc, bộ lạc, dân tộc và nguồn gốc xã hội khác nhau được mời gọi sống hợp nhất với nhau do cùng niềm tin nơi Đức Kitô, nêu lên” (số 126).
Khoảng ba mươi người trong số các chuyên viên là phụ nữ
Vấn đề độc thân của hàng giáo sĩ chỉ được đề cập đến một cách gián tiếp trong phần nói chung về “lối sống của các linh mục”. Đàng khác, thảm kịch của các vụ di dân cũng ít được đề cập đến trong tài liệu làm việc, mặc dù đây là sự kiện có liên quan đến hàng triệu người châu Phi, và một số khá đông các linh mục. Các giám mục thấy họ ra đi mà không phải lúc nào cũng có thông tin về họ, và những người có trách nhiệm trong các giáo hội ở phương Tây phải chăm lo cho họ, nhưng thường thì không có bàn tính gì trước với nhau.
Trong khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ định khoảng ba mươi phụ nữ trong số các chuyên viên và dự thính tự do tại Thượng hội đồng, quy chế của phụ nữ trong xã hội cũng như trong Giáo hội công giáo châu Phi, lại bị phê phán trong tài liệu làm việc: “Phụ nữ và giáo dân nói chung không có mặt một cách đầy đủ trong những cơ cấu chịu trách nhiệm về giáo hội.”
Mọi người đều biết, tại lục địa này, người phụ nữ là nguồn gốc của sự phát triển, của sự ổn định của gia đình và nhiều khi, của sáng tạo trong kinh tế. Nhưng “nhân danh văn hóa hay truyền thống của cha ông, phụ nữ lại là nạn nhân của những quy chế liên quan đến việc thừa hưởng gia tài và của các nghi thức về tình trạng góa bụa, của việc hủy hoại giới tính, của hôn nhân ép buộc, của chế độ đa thê, vv…” (số 32). Và trong Giáo hội, người ta cũng thấy có “những việc làm, tình trạng đi ngược lại công lý: trong việc hợp tác với phụ nữ, phụ nữ thường chỉ được đặt ở hàng dưới” (số 62). Do đó, “vai trò của phụ nữ sẽ hữu hiệu hơn nếu giáo hội, gia đình giao cho họ một sứ vụ cụ thể hơn, rõ ràng hơn, thẳng thắn hơn, bởi vì phụ nữ có thể làm cho các xã hội châu Phi trở nên người hơn”.
Cũng vậy, đối với người giáo dân, đặc biệt là các giáo lý viên, những kẻ rao giảng Tin Mừng, Tài liệu làm việc khuyến nghị: “Cần phải cho họ một nền đào tạo vững vàng hơn và một sự trợ cấp xứng đáng để họ có thể chăm lo cho gia đình một cách xứng hợp, có đủ phương tiện cho con cái tới trường” (số 116).

(Frédéric Mounier, La Croix)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top