Tiếng kêu cầu của Chúa Giêsu trên Thánh giá

Tiếng kêu cầu của Chúa Giêsu trên Thánh giá

WHĐ (10.02.2012) / Vatican Radio – Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư, tiếp tục loạt bài giáo lý dạy về những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, tuần này, chú trọng đến tiếng kêu cầu của Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ con?”, ĐTC Bênêđictô đã giảng: “Trong mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa, trước những hoàn cảnh rất khó khăn và đau khổ, khi chúng ta cảm thấy dường như Chúa không lắng nghe chúng ta, chúng ta đừng sợ giao phó cho Chúa tất cả gánh nặng mà chúng ta phải chịu đựng trong tâm hồn. Chúng ta cũng đừng sợ kêu cầu Chúa khi chúng ta phải khổ đau.”

Lời kêu cầu “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ con?” của Chúa Giêsu thốt ra sau khi tối tăm bao trùm cả mặt đất 3 tiếng đồng hồ. Trong Thánh kinh, “tối tăm” có 2 nghĩa mâu thuẫn nhau: nó thường là dấu hiệu quyền lực của ma quỷ, nhưng nó cũng được dùng để diễn tả một sự hiện diện thần bí. Chẳng hạn như lúc ông Môsê được bao phủ trong đám mây đen khi Chúa hiện ra với ông trên núi hay như Chúa Giêsu trên đồi Canvê bị bóng tối bao trùm. Mặc dù dường như Chúa Cha vắng mặt, bằng một cách mầu nhiệm, Người đang âu yếm ngắm nhìn người Con yêu dấu của Người đang hy sinh trên Thánh giá.

Rồi ĐTC giảng bằng tiếng Ý: “Chúa Giêsu cầu nguyện vào lúc Người bị nhân loại chối bỏ, lúc Người bị bỏ rơi; dầu thế nào đi nữa, Chúa vẫn cầu nguyện. Người luôn ý thức Chúa Cha vẫn hiện diện trong giây phút mà Người cảm thấy cái chết nhân tính thật thê thảm. Nhưng chúng ta tự hỏi: Làm thế nào Chúa Cha là Đấng quyền năng lại không can thiệp để cứu Con mình khỏi thử thách ghê sợ này? Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không phải là tiếng kêu tuyệt vọng của người đối diện cái chết, cũng không phải là tiếng kêu của người biết chính mình bị bỏ rơi. Rồi Chúa Giêsu áp dụng Thánh vịnh 22 cho mình; Thánh vịnh này viết về dân Do Thái chịu đau khổ, và bằng cách này Người nhận lấy không những hình phạt của dân Người, mà còn của tất cả những ai chịu đau khổ vì áp lực của tà thần và đồng thời dâng hết cho Trái tim Thiên Chúa với xác tín là tiếng kêu ấy sẽ được Thiên Chúa lắng nghe trong biến cố Phục Sinh.”

“Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu bày tỏ sự tín nhiệm và phó thác tuyệt đối trong tay Chúa Cha, ngay cả khi Chúa Cha dường như vắng mặt, ngay cả khi Chúa Cha dường như vẫn lặng thinh, mà đối với chúng ta thật là không thể hiểu nổi. Chúa Giêsu chịu đau khổ chung với chúng ta, vì chúng ta, bởi yêu thương chúng ta và đã đem đến cho chúng ta ơn cứu chuộc, đó là chiến thắng của Tình Yêu”.

ĐTC kết luận: “Các bạn thân mến, trong lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa những thập giá hằng ngày của chúng ta, hãy xác tín là Chúa đang hiện diện và lắng nghe chúng ta. Tiếng kêu cầu của Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng khi cầu nguyện, chúng ta phải vượt qua những rào cản là chính mình, vượt qua những vấn đề, đồng thời mở lòng ra với nhu cầu và nỗi đau khổ của tha nhân. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đang hấp hối trên Thánh giá dạy chúng ta cầu nguyện với tình yêu cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang cảm nhận gánh nặng của cuộc sống hằng ngày, những anh chị em đang gặp khó khăn, đang chịu đau khổ, mà không nhận được một lời an ủi, để họ cũng có thể cảm nhận được Tình Yêu của Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi ai cả.”

Tiếp theo bài giáo lý, ĐTC kêu gọi nhớ đến những nạn nhân của thời tiết lạnh giá chết người vừa xảy ra ở Châu Âu tuần này: “Trong những tuần vừa qua, một đợt lạnh và băng giá đã quét ngang nhiều khu vực ở Châu Âu gây nhiều trở ngại và thiệt hại đáng kể. Tôi xin bày tỏ nỗi lòng của tôi gần gũi với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu khốc liệt này. Tôi xin mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Đồng thời, tôi kêu gọi bày tỏ tình liên đới, quảng đại trợ giúp những ai phải chịu đau khổ vì thiên tai này.

(Vatican Radio, 08-02-2012)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top