Tiếng La tinh không phải là tử ngữ

Tiếng La tinh không phải là tử ngữ

WHĐ (20.02.2012) / ZENIT – Ngày 22 tháng Hai 1962, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã ký tông hiến Veterum Sapientia, về việc học và sử dụng tiếng La tinh, qua đó ngài hi vọng một Viện hàn lâm về La ngữ sẽ được thành lập.

Ngày 22 tháng Hai 1964, ĐGH Phaolô VI thành lập Viện hàn lâm này với bức tông thư Studia Latinitatis (Học La ngữ) và ủy thác cho các tu sĩ Salêdiêng nhiệm vụ “thúc đẩy việc phổ biến La ngữ”.

Nửa thế kỷ sau Veterum Sapientia, Học viện Giáo hoàng Altioris Latinitatis tổ chức một hội nghị vào ngày 23 tháng Hai với chủ đề “Lịch sử, văn hóa và tính hợp thời của tông hiến Veterum Sapientia”. Hội nghị sẽ duyệt lại những giai đoạn quan trọng trong lịch sử Học viện và cũng sẽ lưu tâm đến những thách thức của thời đại liên quan tới việc học cổ ngữ.

Zenit đã phỏng vấn cha Roberto Spataro, giáo sư khoa Văn chương Kitô giáo và cổ điển của Viện đại học Giáo hoàng Salêdiêng, về hội nghị sắp tới.

– Thưa cha, lý do nào đã đưa đến việc tổ chức hội nghị này và đâu là những mục tiêu của hội nghị?

– Cha Spataro: Hội nghị này được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày ban hành tông hiến Veterum Sapientia, một văn kiện quan trọng, nhưng không may đã bị nhanh chóng lãng quên một cách bất công.

Chúng tôi có ý định đọc lại văn kiện này và cho thấy văn kiện này vẫn còn rất hợp thời vì nó cho thấy trong Giáo hội, nhất là đối với các linh mục, những giá trị lớn về đạo đức, thiêng liêng và tôn giáo cần phải được nhận biết; đó là những giá trị đã được thế giới cổ đại phát triển và Kitô giáo hoàn thiện; trên cơ sở đó xây dựng những nền tảng của nền văn minh đương đại.

– Nhiều người cho rằng tiếng La tinh là một “tử ngữ”. Cha nghĩ sao?

– Đây thật là một cách nói không phù hợp. Tôi tự hỏi tại sao người ta lại bảo ngôn ngữ ấy là tử ngữ, ngôn ngữ mà Seneca, thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô và bao nhiêu thế hệ các nhà khoa học, từ Galvani là nhà phát minh điện lực, đến Gauss là ông trùm toán học, đều sử dụng.

Làm sao người ta có thể coi ngôn ngữ ấy “đã chết”, ngôn ngữ mà ngày nay rất nhiều người còn đang học, ngôn ngữ nuôi dưỡng những tư tưởng cao quý và cao thượng? Cũng đừng quên rằng đây là ngôn ngữ của Tòa Thánh và những nghi thức phụng vụ bằng tiếng La tinh vẫn thu hút số các tín hữu ngày càng đông, trong đó có nhiều người trẻ.

– Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dường như tiếng La tinh đang chết dần. Các chủng sinh không học tiếng La tinh nữa và trong phụng vụ, người ta cũng không dùng tiếng La tinh. Thế thì Viện hàn lâm của cha sẽ đối phó thế nào với tình trạng này?

– Trong những năm gần đây, Giáo hội Công giáo đã có những thử nghiệm bước đầu liên quan đến việc đổi mới sự quan tâm về việc học tiếng La tinh. Trong các thử nghiệm này, phải kể đến sự ra đời của những cộng đoàn mới và những phong trào giáo dân. Họ hiểu rõ rằng di sản quý giá nhất là Truyền thống, là chính đời sống của Giáo hội, của những lối diễn đạt về phụng vụ, giáo luật, giáo huấn và thần học mà nội dung của chúng chỉ có thể hiểu được trong hình thức ngôn ngữ của nó, đó là tiếng La tinh. Do đó, Viện hàn lâm của chúng tôi mong muốn được dạy nhiều giáo sĩ và giáo dân hơn nữa để họ biết trân quý di sản này, hầu mỗi giáo hội có thể đến với những ai yêu mến cách thức mà qua đó sự thật, vẻ đẹp và sự hòa hợp được hợp nhất trong ngôn ngữ này.

– Dường như nhiều nơi trên thế giới đã đổi mới mối quan tâm về tiếng La tinh. Điều đó có đúng không?

– Đúng như thế! Trước đây ít lâu, một giáo sư của một đại học nổi tiếng ở Đức nói với tôi là có hơn 800.000 sinh viên học sinh trung học và đại học học tiếng La tinh. Còn tại Viện hàn lâm của chúng tôi, chúng tôi nhận những sinh viên Trung quốc được đại học của họ gởi đến, bởi vì họ cảm thấy nhu cầu hiểu biết nền văn minh và nguồn gốc văn hóa của Âu Châu được trình bày bằng tiếng La tinh.

– Thưa cha, đâu là những lý do của sự đổi mới này?

– Nói chuyện với các giáo sư và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, tôi tin tưởng là họ muốn học tiếng La tinh để có thể tiếp cận một thế giới, một nền văn chương có mức độ rất cao về tâm linh. Khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay không nghiêm trọng hơn khủng hoảng về đạo đức và nhân học. Người trẻ ở nhiều nơi trên thế giới học các tác phẩm viết bằng tiếng La tinh, từ Cirero đến Cyprian, và đến Erasmus Rotterdam; họ chán và thất vọng vì những “giáo sư dở” thời nay và họ muốn thâu lượm được những tư tưởng tinh ròng, thật sự. Việc học tiếng La tinh có thể giúp họ đạt được “sự ngây thơ thiêng liêng” ấy.

– Ngay cả trong những trường trung học ở Ý, cũng có ý muốn học lại tiếng La tinh?

– Tiếng La tinh là một ngôn ngữ học rất thú vị, với một điều kiện: phải bỏ đi cách học nguy hiểm hiện đang ngự trị trong các trường học, do ngành ngữ văn của Đức áp đặt hồi thế kỷ thứ 19. Thay vào đó, nên dùng phương pháp của những nhà nhân bản lớn; phương pháp này đã được áp dụng trong nhiều thế kỷ ở các trường của Dòng Tên, còn gọi là “phương pháp tự nhiên”. Với phương pháp này một sinh viên, không cần quá gắng sức và nhất là không nhàm chán, chỉ cần học trong vòng 150 tiếng đã có thể đọc được những tác phẩm cổ điển. Cần có một lớp giáo sư mới, biết và say mê áp dụng phương pháp này, bởi vì nó đem lại kết quả không thể tưởng tượng được.

– Xin cha cho vài ví dụ về thành quả của phương pháp này.

– Có chứ! Thí dụ như ở Viện Vivarum Novum Academy ở Roma là nơi mà Phân khoa chúng tôi từng hợp tác. Những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến đó học tiếng La tinh và Hy Lạp một hay hai năm. Lúc mới đến, họ chẳng biết một chữ nào ngôn ngữ của Ceasar, của Plato, nhưng chỉ sau vài tháng, họ đã có thể nói lưu loát tiếng La tinh. Đến cuối khóa, thì họ đã hiểu biết chính xác về nền văn minh nhân bản, nghĩa là những giá trị đích thực về con người mà tông hiến Veterum Sapientia diễn tả.

(Salvatore Cernuzio, Zenit, 09-02-2012)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top