Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 52. Amen

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 52. Amen

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 52. AMEN

Lời cuối cùng trong Kinh Tin Kính là AMEN. Trong tiếng Do thái, từ “tin” và từ “amen” có chung một gốc, có nghĩa là chắc chắn, đáng tin, trung tín (GLHTCG số 1062). Cho nên từ đầu tiên trong Kinh Tin Kính “Tôi tin” và từ cuối cùng “Amen” tương ứng với nhau. Tiếng “Amen” củng cố sự đáng tin của những điều chúng ta tuyên xưng. Sách Giáo Lý viết: “Đức tin thì chắc chắn, bời vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối” (số 157). Khẳng định này khiến chúng ta ngỡ ngàng bởi lẽ ta thấy niềm tin của mình sao quá mong manh. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn đức tin từ quan điểm của Đấng mà mình tin, thì sẽ thấy đức tin của ta dựa trên nền tảng vô cùng vững chắc. Điều chúng ta tin xem ra mù tối, không hiểu nổi; tuy nhiên nó chắc chắn vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin.

Thánh Kinh thường nhắc đến hai phẩm tính song song của Thiên Chúa: nhân hậu và trung tín, tình yêu và chân lý (số 214). Từ “trung tín” và “chân lý” có cùng một gốc với những từ “tin” và “Amen”. “Thiên Chúa là chính Chân lý” (số 215) và lời của Ngài không lừa dối chúng ta. Chính vì thế các tiên tri nói đến “Thiên Chúa của Amen” nghĩa là “Thiên Chúa của chân lý” (Isaia 65,16).

Đức Giêsu Kitô chính là lời “Amen” của Thiên Chúa (Kh 3,14) vì “Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều nên trọn nơi Người” (2Cor 1,20). Người là lời Amen dứt khoát của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người (số 1065). Do đó lời AMEN kết thúc Kinh Tin Kính là lời chúc tụng, tạ ơn của chúng ta trước tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa.

Lời AMEN còn mang một ý nghĩa khác, làm vọng lại lời cuối cùng trong Sách Thánh: “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20). Hàm trong lời AMEN này là lời cầu khẩn xin Chúa thực hiện điều Ngài đã hứa, xin Chúa hoàn tất những gì Ngài nói và làm. Đức tin của chúng ta đang gặp nguy nan, có thể bị nhận chìm (số 162). Do đó chúng ta phải xin ơn bền đỗ (số 2016-2017). Để có thể trung tín với Chúa đến cùng, chúng ta phải nài xin Đức Kitô đưa tiếng “xin vâng” nghèo nàn và yếu ớt của chúng ta vào lời AMEN của Người (số 1065). Không có ân sủng của Người, chúng ta không thể đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu Người đã hứa ban.

Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. AMEN.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top