Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 24. Ân sủng của bí tích Rửa tội

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 24. Ân sủng của bí tích Rửa tội

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 24. ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

Nghi thức rửa tội biểu thị điều thực sự diễn ra trong bí tích Rửa Tội (GLHTCG số 1262). Giác quan, mắt và tai, chỉ nhìn thấy những dấu chỉ bên ngoài. Chỉ có đức tin mới có thể nhận ra cái thực sự đang diễn ra nơi người được rửa tội qua những dấu chỉ. Nghi thức rửa tội biểu thị hai hiệu quả này: chết và tái sinh. Cả hai trở thành thực tại trong bí tích Rửa Tội.

“Đức tin là xác tín vào những điều không thấy” (Dt 11,1). Trong bí tích Rửa Tội, điều chính yếu không phải là kinh nghiệm nhưng là một “hiệu quả sâu hơn”, một cái gì đó mà có lẽ chúng ta “cảm nhận” nhưng chỉ thực sự nắm bắt được từ chiều sâu tâm hồn, một cái gì đó trong sâu thẳm con người.

Giáo huấn công giáo về các bí tích phân biệt hiệu quả của bí tích ở hai mặt. Hiệu quả thứ nhất diễn ra ngay khi lãnh nhận bí tích, còn hiệu quả thứ hai đòi hỏi sự cộng tác của người lãnh nhận bí tích. Hiệu quả thứ nhất do Đức Kitô trực tiếp ban cho, còn hiệu quả thứ hai chỉ phát huy nếu chúng ta thực sự đón nhận quà tặng của Đức Kitô. Sự phân biệt này giúp chúng ta thấy bí tích không đem lại thứ hiệu quả “ma thuật”. Các bí tích là những hồng ân Thiên Chúa ban, và cũng như những nén bạc trong dụ ngôn Tin Mừng, nó phải được phát triển và sinh lời.

Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh ghi trên người lãnh nhận một “dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa”, gọi là ấn tín (số 1272), dấu chỉ cho thấy họ thuộc về Đức Kitô. Người chịu Phép Rửa thuộc về Đức Kitô, họ là Kitô hữu, họ được giải thoát khỏi những lầm lỗi cũ và trở nên một “thụ tạo mới”.

Đức tin dạy chúng ta rằng không ai sinh ra đã là người công chính nhưng tất cả đều cần được cứu độ, cần Đấng Cứu độ. Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu độ nhân loại (số 389). Chính vì thế bí tích Rửa Tội cần thiết để được cứu độ (số 1257). “Nếu không được sinh ra bởi nước và Thánh Thần thì không thể vào Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5). Đức Kitô chính là cửa dẫn vào sự sống. Ngài đã làm cho bí tích Rửa Tội thành con đường dẫn vào sự sống của Ngài. Ngài có thể ban tặng sự sống này mà không cần Phép Rửa, ví dụ trường hợp những người không biết chút gì về Tin Mừng. Thế nhưng Ngài đã truyền cho chúng ta mệnh lệnh làm Phép Rửa: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,16).

Nếu bí tích Rửa Tội giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi thì tại sao khuynh hướng nghiêng về tội lỗi vẫn tồn tại nơi ta? Hội Thánh dạy rằng người mới chịu Phép Rửa được giải thoát hoàn toàn khỏi tội, nhưng những “hậu quả của tội” thì vẫn còn: đau khổ, bệnh tật, cái chết, kể cả sự yếu đuối và “hướng chiều về tội lỗi”. Chính vì thế đời sống của người chịu Phép Rửa là một cuộc chiến đấu không ngừng.

Người chịu Phép Rửa cũng trở nên chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô: “Phép Rửa tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh” (số 1267). Để ân sủng của bí tích được phát huy, chúng ta cần đến sự hiệp thông của toàn thể Hội Thánh: sự trợ giúp của các thánh, sự hướng dẫn của các mục tử, tình huynh đệ đối với nhau trong cộng đoàn.

ĐHY Christoph Schönborn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top