Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 14. Sự quan phòng của Thiên Chúa
TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Bài 14. SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
“Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng. Đấng tạo dựng nên trần gian có trật tự và tốt đẹp, chăm sóc tất cả các thụ tạo của Ngài, thì tại sao lại có sự dữ?” (GLHTCG số 309) “Tại sao Thiên Chúa lại không tạo dựng một trần gian thật hoàn hảo đến nỗi không thể có một sự dữ nào trong đó?” (số 310).
Không ai thoát khỏi câu hỏi tại sao sự dữ hiện diện. Và trong cuộc sống này, không câu trả lời nào có thể giải quyết rốt ráo điều bí ẩn đó. Chúng ta chỉ có thể hiểu hoàn toàn khi diện đối diện với Thiên Chúa. Hiện nay sự hiểu biết của chúng ta mới chỉ là từng phần. Nhưng để chiến đấu với bóng tối của sự ác, chúng ta không thể bỏ qua câu hỏi này cách dễ dàng mà không cố gắng tìm câu trả lời. Chứng từ của các thánh thì rõ ràng và sáng chói cho chân lý đức tin này: Các thánh xác thực rằng không có gì diễn ra nơi chúng ta lại không qua sự quan phòng của Thiên Chúa. Đời sống của các ngài tỏ lộ điều đó: các ngài tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng và tốt lành của Thiên Chúa quan phòng. Các ngài đón nhận Bài giảng trên núi làm la bàn hướng dẫn cho giá trị đời sống: “Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? … Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6,31-32).
Thái độ quy phục theo ý muốn của Cha trên trời là yếu tố trung tâm trong lời rao giảng của Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (số 2822). Ngài hứa ban cho chúng ta “mọi thứ cần thiết khác” nếu trước hết và trên hết, chúng ta tìm kiếm Nước Thiên Chúa (Mt 6,33).
“Sự quan phòng” mà chúng ta tin tưởng đó là gì? Dù thuật ngữ này đã bị hiểu sai trong những chế độ độc tài, nhưng điều đó không ngăn chặn chúng ta sử dụng và hiểu thuật ngữ này cách xứng hợp. Chúng ta hiểu “sự quan phòng” là những sắp đặt qua đó Thiên Chúa hướng dẫn tạo vật đạt đến sự hoàn hảo (số 302). Bởi vì Thiên Chúa không đơn giản là Đấng Tạo Hóa rời bỏ những tạo vật do ‘tay Ngài làm nên’ tùy thuộc cho số phận của nó – theo kiểu kiến trúc sư sau khi trao căn nhà và đã có người đến ở thì ông không còn làm gì khác thêm nữa. Thiên Chúa tạo dựng không chỉ dừng lại ở mức độ Ngài quyết định khởi đầu cho mọi sự, kêu gọi mọi sự đi vào hiện hữu từ hư không, nhưng còn ở mức độ Ngài tiếp tục nuôi dưỡng thụ tạo và hướng dẫn nó đạt đến mục tiêu cuối cùng. Tất cả thụ tạo, ngay cả những ai xa rời Thiên Chúa, vẫn hoàn toàn ở trong tay Ngài (số 301).
Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp: ngay cả những gì nhỏ bé nhất cũng được tính đến như con chim sẻ, như tóc trên đầu (Mt 10,29-30). Mọi năng lực của chúng ta cũng vậy, ngay cả ý muốn của chúng ta cũng ở trong bàn tay tình yêu quan phòng của Thiên Chúa (số 303). Thiên Chúa ban cho thụ tạo của Ngài khả năng để hành động cách hiệu quả. Ý định quan phòng của Thiên Chúa là chúng ta nên sử dụng những gì Ngài trao cho chúng ta vì ích lợi của chính chúng ta. Chúng ta được phép tham dự vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thực hiện bằng cách làm những việc thiện hảo cho nhau và vì nhau (số 306, 1951).
Thật là mầu nhiệm, ngay cả những hành động gian ác của chúng ta cũng không ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Một cách nào đó chỉ có mình Thiên Chúa biết, Ngài cho phép có sự ác nhưng cuối cùng Ngài xoay chiều cái ác thành cái thiện (St 45,8; 50,20). Mầu nhiệm này đạt đến đỉnh điểm trong cái ác lớn nhất mà con người đã làm: giết Người Con chí ái của Thiên Chúa trên thánh giá (số 312). Thiên Chúa đã biến đổi hành động này thành sự thiện: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn thờ Chúa và chúng con chúc tụng Chúa vì nhờ cây Thánh giá mà Chúa đã cứu chuộc thế giới”.
ĐHY Christoph Schönborn
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh