Tìm lại chỗ đứng cho văn chương nghệ thuật trong cuộc sống Dân Chúa tại Việt Nam

Tìm lại chỗ đứng cho văn chương nghệ thuật trong cuộc sống Dân Chúa tại Việt Nam

Tìm lại chỗ đứng cho văn chương nghệ thuật trong cuộc sống Dân Chúa tại Việt Nam
  Tôi xin được phép nói đôi điều về tập 2 trong bộ “Góp Nhặt Thơ Công Giáo Việt Nam” kèm với một kỷ niệm và một vài suy nghĩ.
 
Thêm một cố gắng sưu tập
 
   Nếu bộ sách là một công trình biên khảo đầy đủ về thơ Công Giáo, thì những tác giả nói đến trong tập này phải xuất hiện trong tập đầu. Thế nhưng, tập đầu lại mang dạng một lưu bút, còn những tác giả đi đầu lại được xếp vào tập 2. Ấy là bởi vì chúng tôi chưa thể làm công việc biên khảo mà chỉ mới làm công việc sưu tầm, trong những điều kiện hết sức hạn hẹp và chủ quan.
 
   Tập này giới thiệu với bạn đọc một số tác giả từ các thế kỷ đầu của Kitô giáo Việt Nam cho đến thế kỷ XX, gom góp từ những bài viết có sẵn (đã đăng báo hoặc chưa) của Lê Đình Bảng, và của một số nhà nghiên cứu khác như Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, Đặng Tiến, Phạm Thanh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Ngọc Bích, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Xuân Quế. Anh Lê Đình Bảng chịu trách nhiệm biên tập lại và sắp xếp cho tương đối gãy gọn.
 
   Ở đây, chúng tôi chỉ mới gom được 20 tác giả trong số biết bao nhiêu tác giả khác mà đến nay sử liệu đã bị quên lãng hoặc mai một. Chúng tôi cho rằng sử liệu về một số tác giả khác và tác phẩm của họ hiện vẫn còn ở đây đó. Nếu được sự giúp đỡ của quý vị sở hữu chủ các sử liệu và di cảo ấy, hy vọng trong vài ba năm nữa, chúng tôi sẽ có thêm được những tập góp nhặt khác về các thế kỷ đầu này để cống hiến bạn đọc.
 
   Trong lúc chờ đợi, chúng tôi sẽ dành tập 3 để giới thiệu những bài sưu tầm được từ báo chí những thập niên qua và tập 4 để tiếp tục giới thiệu bài của những vị hiện đang cầm bút. Rất mong được sự hưởng ứng của các tác giả.
 
Một kỷ niệm buồn 
 
   Năm 1960, tôi được nhận vào tiểu chủng viện Làng Sông, giáo phận Qui Nhơn. Tại đây, có một phòng lớn chất đầy sách cũ, để ngổn ngang. Những năm Tiểu học sống ở một trại định cư, rồi tại thị xã Tuy Hoà, tôi chẳng khi nào được cầm một quyển sách đạo. Vào chủng viện, tôi đã ngất ngây khi nhìn thấy biết bao nhiêu là sách báo công giáo. Tôi lục tìm những cái mà lúc ấy tôi thích: những quyển sách mỏng, truyện hoặc truyện thơ, kịch thơ, vè vãn, tuồng tích, những tập minh giáo mỏng, in tại Qui Nhơn vàocuối thế kỷ XIX, cũng như đầu thế kỷ XX.
  
   Lượng sách tôi thấy khi vào chủng viện Làng Sông chỉ là một phần nhỏ còn sót lại. Các cha già kể cho tôi rằng trước những năm kháng chiến, Nhà Chung giáo phận Qui Nhơn có một thư viện lớn. Nó gồm những sách vở của nhiều thế hệ linh mục Thừa Sai làm việc tại vùng Qui Nhơn, những sách vở trang bị cho Tiểu và Đại chủng viện, những sách vở do giáo phận Qui Nhơn xuất bản, những sách vở từ những vùng khác trong giáo phận chuyển về. Có lần, người ta đã chở từ Nha Trang về hơn một toa xe lửa toàn sách. Thế rồi, trong những năm kháng chiến, số sách đó bị lôi ra đốt cháy suốt ba ngày liền.
 
   Năm 1965, toàn bộ tiểu chủng viện Làng Sông phải di tản về Qui Nhơn. Cuối năm 1973, tôi có dịp quay về Làng Sông, mong tìm lại một vài tập sách cũ, nhưng chỉ thấy toàn những phòng trống, các cửa mở toang, tường phía tây của toà nhà bị bắn sập một góc, trên tường một số phòng, thấy đầy những vết máu, vài chỗ thịt người đã khô còn dính cả tóc… 
 
Thiếu sự quan tâm 
 
   Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi tất cả, không riêng tại giáo phận Qui Nhơn mà khắp các giáo phận trên toàn cõi Việt Nam. Giờ đây, những sách vở Việt ngữ Công giáo các thế kỷ trước dường như biến sạch. Các thủ bản càng hết sức hoạ hiếm. Tuy nhiên, không thể trút hết trách nhiệm cho chiến tranh và thời cuộc. Sự mất mát còn là do thiếu quan tâm bảo quản. Cả 6, 7 năm rồi 12, 13 năm sau hiệp định Genève, lượng sách ngổn ngang trên đây vẫn cứ ngổn ngang như thế cho tới khi bị chiến tranh Việt Mỹ thiêu huỷ như vừa nói trên. Sách vở đã từ giã cõi đời vì không có ai yêu thương chúng.
 
   Không riêng sách vở, chính việc sáng tạo văn chương đã không được quan tâm. Nếu được quan tâm đúng mức, chắc hẳn giờ đây văn học Công Giáo Việt Nam đã hết sức rạng rỡ, bởi lẽ giới Công Giáo đã có được những phương tiện thuận lợi ngay từ đầu. 
 
   Thật vậy, để diễn tả Tin Mừng Chúa Kitô cho người Việt, các giáo sĩ đã dày công sáng tạo một hệ thống ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Sang đầu thế kỷ XVII, được sự tích cực đóng góp của các thầy giảng và tín hữu Việt Nam, giáo sĩ Đắc Lộ đã đưa công trình đến chỗ hoàn chỉnh, với cả từ điển, ngữ pháp và sách dùng trong việc dạy đạo, trong giao tiếp đời thường.
 
   Tới nay đã hơn 300 năm. Nếu kể từ ngày giáo sĩ Inêkhu vào truyền đạo tại Ninh Cường và Trà lũ (1533), thì đã gần đến kỷ niệm 475 năm lịch sử Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam. Hệ thống chữ quốc ngữ đã do người công giáo sáng nghĩ ra và đã luôn là một công cụ đắc lực cho công cuộc truyền giáo. Ấy thế mà khi bạn đọc muốn về thăm vườn thơ công giáo từ thế kỷ XVII đến những tác giả đã khuất của thế kỷ XX thì tập này chỉ mới giới thiệu được 20 tác giả. Quá ít ỏi và hiếm hoi! Không mấy ai viết hay là đã có nhiều người viết nhưng ta không còn giữ được bút tích của họ? Gần năm thế kỷ có mặt trên quê hương Việt Nam này, vẫn còn thấy thiếu vắng một dòng văn thơ công giáo thực sự có chỗ đứng trên thi văn đàn chung của cộng đồng dân tộc.
 
   Một vài dấu vết còn sót lại đủ cho ta thấy trong thế hệ ki-tô hữu Việt Nam buổi đầu đã có những người quan tâm vận dụng văn học nghệ thuật vào công cuộc truyền giáo. Sáng kiến của họ đã được hưởng ứng nhiều từ phía người đọc, bằng chứng là có những tác phẩm được in (như chuyện thầy Lazarô Phiền) và in lại nhiều lần (như chuyện Thánh Alêxù)[1], có những tác phẩm khác không có bản in thì được chép tay cách trân trọng (như Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan). Thế nhưng có vẻ không nhiều. Sự tê liệt không hẳn là do những cấm cách của triều đình khiến sinh hoạt đời thường của giáo dân không được ổn định. Nhìn một cách sâu xa, có lẽ là do các nhà truyền giáo đã quá dè dặt, đi đến chỗ hoài nghi và ruồng rẫy - như trường hợp được nói đến trong lời tựa các bản sao Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan. Giả như ngay từ buổi đầu đã có những vị truyền giáo trân trọng những sáng tạo văn chương Việt ngữ như cha Gérard Gagnon mê truyện Kiều, có lẽ tình thế đã khác!
  
Vai trò đào tạo của văn chương nghệ thuật 
 
   Nhắc lại không phải để bi quan hay mặc cảm, mà là để nhìn thẳng vào những nguyên nhân và tìm cách sửa chữa, bổ sung và kiếm tìm. Đây quả là một việc hệ trọng mà tất cả những ai nặng lòng với văn học nghệ thuật công giáo Việt Nam đều cần phải chung tay góp sức.
 
   Thật ra, ta không thể trách các nhà truyền giáo, bởi lẽ quan tâm hàng đầu của các vị là tìm được một ngôn ngữ thật chuẩn với những công thức tín lý chính xác để diễn tả đức tin cho thật đúng. Mà càng quan tâm đến lãnh vực ấy, các vị càng thấy dè dặt, không thể an tâm với những diễn tả có phần phóng khoáng của những tác phẩm nặng tính cách văn chương. Văn chương thi phú rớt lại bên lề, có thể phần nào đó bị coi như là một dạng “xướng ca vô loài”.
 
   Có lẽ nhiều hoàn cảnh thực tế khác nhau hồi ấy đã khiến đi người ta đến chỗ quên mất rằng văn chương nghệ thuật vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống đức tin và cầu nguyện và cũng là kết quả của đời sống ấy. Thánh ca, từ bình ca, các cung hát thánh vịnh, các bài ca phụng vụ, mấp mé phụng vụ cho đến những bài ca vào đời đã dẫn biết bao tâm hồn vào kinh nghiệm chiêm niệm kitô giáo! Hội hoạ và nghệ thuật icône cũng thế. Mà thơ cũng thế, vừa phát xuất từ chiêm niệm vừa dẫn vào chiêm niệm.
 
   Thánh Gioan Thánh Giá nhiều lần nói rằng ngôn ngữ thường tình không sao giúp diễn tả được những điều ông cảm nghiệm, cho nên ông buộc lòng diễn tả bằng thơ. Rồi từ những bài thơ của ông, ông đã triển khai cho môn sinh và hậu thế cả một học thuyết đưa con người đến chỗ kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Tột đỉnh của ki-tô giáo là kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Những sách vở giáo khoa hẳn khó gợi cho người ta nỗi khao khát tột đỉnh ấy hơn là thơ ca nghệ thuật. Hơn nữa, phải chăng vì thiếu bóng dáng văn chương mà tâm thức người tín hữu Việt Nam trước đây dễ nặng tính giáo điều và vụ luân lý? Công cuộc truyền giáo đã khá thành công trong việc giúp Dân Chúa tin nhận giáo lý và hoán cải nhiều về luân lý nhưng hình như đa số vẫn chưa hoán cải vì tình yêu mến. Hoán cải vì yêu mến đòi nhiều chăm sóc mục vụ cá nhân, nhưng cũng có thể được thúc đẩy trên bình diện mục vụ đại chúng nhờ văn chương nghệ thuật. Hiểu như thế, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật không phải để dựng lên một nhu cầu giả tạo, đua đòi với xã hội, nhưng chính là để giúp người tín hữu nâng cao khả năng chiêm niệm và chia sẻ những cảm nghiệm tâm linh. Thiếu khả năng cảm thụ và diễn đạt cái đẹp, ta sẽ chỉ có được những sách vở giáo điều và những tranh tượng cung ứng cho nhu cầu theo số lượng chứ không có nghệ thuật thánh, cũng như, một mặt khác, thiếu cảm nghiệm về Thiên Chúa thì chỉ có được những người Công Giáo làm thơ, viết văn, vẽ tranh, tạc tượng nhưng chưa có được những nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ, điêu khắc gia Công Giáo. 
 
Sức trì cản của kinh bản truyền khẩu 
 
   Hoàn cảnh truyền giáo đã đòi phải thích ứng với trình độ dân trí, phải vận dụng và cậy nhờ vào truyền khẩu và thuộc lòng. Các công thức đức tin cũng như các kiểu nói và từ ngữ chọn lọc đã được đưa vào các kinh thức cầu nguyện và sách bổn giáo lý, và cả hai đều được giáo dân học thuộc lòng và dạy thuộc lòng cho nhau từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Một khi các kinh bản chính thức đã được đám đông dân chúng thuộc lòng sẽ khó mà thay đổi. Đang khi ngôn ngữ đời thường không ngừng tiến triển, ngôn ngữ giới Công Giáo vô tình đứng dừng lại do ảnh hưởng của các kinh bản thuộc lòng. Cả đến cách hành văn của những người có đạo cũng bị ảnh hưởng theo đó, tạo thành một kiểu văn nhà đạo lỗi thời, đáng thương. Cả văn và từ bị chết, không biến thiên kịp với dòng sống.
 
   Cứ thế, cho đến những năm 1950, 1960, cả 20, 30 năm sau cuộc cách mạng nghệ thuật viết văn của Tự Lực Văn Đoàn, nhiều sách vở do giới Công Giáo in ra vẫn còn viết theo cung cách thế kỷ XVIII, XIX. 
 
   Tin Mừng là Tin Mừng cho người nghèo, cho nên cần được diễn tả đơn sơ dễ hiểu. Khẳng định ấy không ngầm ý cho phép ta được hài lòng với sự quê kệch, thiếu nghệ thuật.

    Để có được những thuật ngữ chính xác và dễ hiểu cho tiếng Việt ki-tô giáo
 
    Do nhu cầu đọc kinh Phật bằng cổ văn, trong bước đầu học Phật, hầu như mọi tu sĩ trẻ Phật Giáo được đào tạo đúng quy cách đều phải học chữ Hán. Đó là một điểm hết sức thuận lợi, giúp giới tăng ni nắm vững tiếng Việt tận gốc rễ của nó để sử dụng chính xác, diễn tả trong sáng và hay.
 
   Giới Công Giáo không cần sao chép y hệt kinh nghiệm ấy nhưng hẳn chúng ta cần ý thức rõ tầm quan trọng số một của tiếng Việt trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Không phải tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ một ngoại ngữ nào khác nhưng trước hết và trên hết phải là tiếng Việt. Hội nhập văn hoá cần bắt đầu từ đâu, nếu không phải là nói và viết tiếng Việt cho đúng?
 
   Cùng với việc đặt câu đúng và hay, cần phải biết dùng từ thật chuẩn, cả những từ ngữ mang nội dung tôn giáo và những từ ngữ của đời thường.
 
   Một nguy hại rất lớn hiện nay là những quyển sách được dịch vội vàng và cẩu thả, vì lý do thương mại hoặc vì nhiều lý do khác. Nhiều trang sách dịch đi ngược hẳn ý tác giả, nhiều trang sách dịch đọc lên không sao hiểu được. Có những dịch giả khi gặp chỗ khó thì bỏ qua, không dịch. Rất nhiều từ ngữ được pha chế bừa bãi, sai hẳn cách cấu tạo từ tiếng Việt.
 
   Cái khó của chúng ta là, một đàng chữ Hán đã thực sự đi vào quá khứ, một đàng thì khi cấu tạo từ mới, rất nhiều trường hợp ta vẫn cần đến những từ có gốc Hán Việt mà nếu không quen sẽ có thể hiểu sai. Cả trong số lượng từ ngữ đang dùng để giảng dạy triết học, thần học và linh hạnh ở các chủng viện và dòng tu hiện nay, giữa những từ ngữ đã được cấu tạo đúng và đã được gạn lọc qua thời gian, rất nhiều từ hết sức khó hiểu đối với đại chúng. Bên cạnh đó, do nhu cầu của thời vụ, không thiếu những từ được lắp ghép chắp vá quá vội vàng dễ dãi, sai quy cách. Mà bởi vì những từ ấy được phát hành từ bục giảng cho nên các học viên ngoan ngoãn chấp nhận không phê phán.
 
   Làm sao tiếng Việt ki-tô giáo có thể tiến theo hướng ngày càng chính xác, trong sáng và lôi cuốn, nếu học viên các lớp triết học và thần học – cụ thể là các chủng sinh và các nam nữ tu sĩ trẻ – không có khả năng phê phán được những từ người ta giới thiệu cho họ? 
Nếu chỉ để tiếp cận các nguồn, thì không có gì thuyết phục các anh chị em trẻ phải học chữ Nho, nhưng hướng đến ngọn, tức là công cuộc truyền giáo và hội nhập văn hoá, chắc hẳn mọi anh chị em đều có bổn phận tự trang bị cho mình vốn liếng cần thiết về các từ Hán Việt cũng như cách sử dụng và cấu tạo chúng. Quả thật đáng chúc phúc cho những anh chị em trẻ dám đầu tư thời giờ và sức lực để đào sâu lãnh vực này.
 
   Thế rồi, còn phải quan tâm đến văn chương. Tập viết văn, làm thơ chính là tập để diễn giảng Lời Chúa cách chính xác, dễ hiểu và có sức đi vào lòng người. Hơn nữa, thơ ca còn chính là phòng thí nghiệm để tìm ra và kiểm chứng những thuật ngữ có sức diễn tả được cái cao siêu mầu nhiệm cho thật đúng mà lại gần với tầm hiểu biết của đại chúng. 
 
   Văn chương nghệ thuật từ giáo dân 
 
   Nỗ lực tự kiểm điểm cần bắt đầu từ những người thánh hiến nhưng không được dừng ở đó. Trên lãnh vực văn chương nghệ thuật, chỗ dựa của Hội Thánh không phải là linh mục tu sĩ nhưng là giáo dân. Ngay ở tập này, trong số 20 tác giả, đã có 12 vị là giáo dân.
 
   Song song với khẳng định của tông huấn “Hội Thánh tại Châu Á” nhấn mạnh tầm quan trọng của chiêm niệm trong việc truyền giáo hiện nay tại châu Á, chúng ta cần nhấn mạnh sự cần thiết của văn chương nghệ thuật Công Giáo, để nhờ đó, tâm thức đức tin của đại chúng tín hữu dễ tiến theo hướng chiêm niệm. Mà muốn được vậy, trước mắt, cần có hướng giúp cho những người Công Giáo đang dấn thân vào các bộ môn nghệ thuật được đào tạo cơ bản về giáo lý và linh hạnh, và có được những cảm nghiệm kitô giáo sâu xa để họ thực sự xứng đáng là những văn nhân nghệ sĩ Công Giáo.
   
   Hơn 20 năm trước khi các giám mục và linh mục hô hào giáo dân bước theo tinh thần dấn thân của Công Đồng Vaticanô II,  Hồ Dzếnh, Nguyễn Duy Diễn và một số anh chị em khác, giữa hàng ngũ giáo dân Việt Nam,  đã viết nên Bản tuyên ngôn cho văn học nghệ thuật Công Giáo Việt Nam.
 
   Những hạn chế của tập này
 
   Với những tâm tình ấy, giờ đây xin mời độc giả đi vào nội dung quyển sách. Các tác giả sẽ được giới thiệu theo thứ tự thời gian. Phần của mỗi tác giả thường gồm có:
 
     ° Tác giả và tác phẩm.
 
     ° Nhận định tổng quát.
 
     ° Chung mối đồng cảm: Những bài nhận định khác.
 
     ° Trích tuyển thơ.
 
   Xin quý độc giả tiếp nhận với tất cả sự rộng lượng. Người chủ biên quyển này, anh Lê Đình Bảng, đã chỉ đóng góp với một tấm lòng. Ngay giữa những tất bật của cơm áo đời thường cho gia đình, thiếu hẳn những sách vở tham khảo cần thiết, anh đã cố gắng tối đa để đóng góp một chút gì. Nếu có điều kiện hơn, hẳn nội dung quyển này sẽ có bài bản hơn. Thế nhưng chúng tôi nghĩ  mình không được phép chờ điều kiện thuận lợi. Chúng tôi tâm niệm rằng cứ khởi đầu một cách chuệch choạc còn hơn là ngồi nhìn. Nếu có sai sót thì cũng là cái cớ cho người khác nhập cuộc mà sửa lại.
 
   Vâng, không ai sẽ gặt được gì nếu đã không có người gieo. Ta phải gieo và ta sẽ gieo gì đây để, 30 năm nữa, mừng 500 năm Kitô giáo Việt Nam, con em chúng ta có đưa mắt nhìn vào mảnh vườn văn thơ Công Giáo sẽ khỏi phải lại gặt lấy một tiếng thở dài?
 
   Cuối cùng, chúng tôi xin gửi đến quý vị có bài in trong quyển này tất cả tấm lòng của chúng tôi. Cách riêng, đối với những vị chúng tôi chưa kịp xin phép để sử dụng bài, chúng tôi rất mong được quí vị thông cảm và miễn thứ. Mà không phải chỉ là biết ơn và tạ lỗi, chúng tôi còn sung sướng được đồng cảm, được phần nào tiếp nối những thao thức và mối nhiệt tình của quý vị, nhằm giới thiệu cho mọi người những tác giả mà cả quý vị và chúng tôi đều yêu mến.
_______________________ 
[1] Truyện thầy Lazarô Phiền, xem….. , chuyện Thánh Alêxù, nxb… –  về cả hai tác phẩm (và tác giả)
 

 Tác giả: Trăng Thập Tự, Lm

Nguồn: 
 dunglac.org

Top