Tính dục và việc dùng túi cao su
Một số nhận định của Đức Ông Livio Melina, thần học gia luân lý, Giám đốc Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình, về việc dùng túi cao su trong cuốn sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Sáng 23 tháng 11 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã mở cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tựa đề ”Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo hội và các dấu chỉ thời đại. Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với ký giả Peter Seewald”.
Sách gồm các câu Đức Thánh Cha trả lời cho 90 câu hỏi của ký giả Peter Seewald, người Đức, nêu lên rất nhiều vấn đề, kể cả đời tư của ngài. Sách dầy 284 trang và chia thành 13 chương. Hiện diện tại buổi họp báo, ngoài ký giả Peter Seewald, còn có ký giả người Ý Luigi Accattoli, nguyên là phái viên kỳ cựu tại Vaticăng của báo ”Người Đưa Tin Chiều” ở Italia và Linh Mục Costa, dòng Don Bosco, Giám đốc Nhà xuất bản Vaticăng. Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết địa bàn cuộc phỏng vấn rất bao quát, kể cả các ngõ ngách đời sống riêng tư của Đức Giáo Hoàng và trong những vấn đề lớn của nền thần học ngày nay cũng như các biến cố chính trị. Đức Giáo Hoàng không tránh né câu hỏi nào, ngài muốn làm sáng tỏ mọi sự bằng một ngôn từ đơn sơ, nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc, ngài sẵn sàng chấp nhận sự khiêu khích mà bao nhiêu câu hỏi chứa đựng.
Hướng đi chung của cuốn sách đó là Giáo hội được kêu gọi trở thành Ánh Sáng cho trần thế, trở thành dấu chỉ hiệp nhất của toàn thể nhân loại và là phương thế để đón nhận cốt tủy của cuộc sống.
Liên quan tới vấn đề tính dục, Ông Seewald đã hỏi tại sao trong chuyến công du Phi châu hồi tháng 3 năm 2009, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng giáo lý truyền thống của Giáo hội đã vén mở cho thấy nó là phương thế chắc chắn duy nhất giúp chặn đứng sự lan tràn của bệnh Sida, trong khi tại nhiều nước Phi châu như Lesotho có tới 40% dân số bị bệnh Sida. Những người phê bình chỉ trích, kể cả bên trong Giáo hội, coi việc cấm dùng túi sao su là chuyện điên khùng.
Đức Thánh Cha trả lời rằng chuyến viếng thăm Phi châu đã bị quan điểm truyền thông che tối bởi một câu nói duy nhất của ngài. Người ta hỏi ngài tại sao Giáo hội lại có lập trường không thực tế và không hữu hiệu đối với bệnh Sida như vây. Đức Thánh Cha cảm thấy bị thách đố bởi vì Giáo hội hoạt động cho các bệnh nhân Sida hơn tất cả mọi người khác. Giáo hội là cơ cấu duy nhất thực sự đến gần các người bệnh một cách rất cụ thể trong việc phòng ngừa cũng như giáo dục, trợ giúp, cố vấn, và ở bên cạnh họ. Và hơn bất cứ ai khác, Giáo hội săn sóc biết bao nhiêu bệnh nhân liệt kháng, đặc biệt là các trẻ em bị bệnh.
Đức Thánh Cha cho biết ngài đã thăm một trong các trung tâm cho người bệnh Sida, gặp gỡ các bệnh nhân và họ đã nói với ngài rằng: Giáo hội hoạt động hơn mọi người khác vì không chỉ nói, mà trợ giúp các anh chị em bệnh nhân. Trong dịp này ngài đã không đưa ra lập trường liên quan tới túi cao su, và chỉ nói rằng không thể giải quyết vấn đề bệnh Sida với việc phân phát túi cao su. Cần phải làm nhiều hơn nữa. Cần phải gần gũi các bệnh nhân, hướng dẫn họ và trợ giúp họ, và phải làm như thế cả trước khi họ mắc bệnh.
Sự thật đó là không có các túi cao su ở khắp nơi đễ hễ ai muốn là có thể tìm thấy ngay. Nhưng một mình điều này không thể giải quyết vấn đề. Cần làm nhiều hơn nữa. Trong khi chờ đợi cả trong lãnh vực học đường cũng đã phát triển thuyết ABC là các từ tiếng Anh viết tắt: Tiết dục Abstinence, Chung thủy Be faithful và dùng tùi cao su Condom. Khi thiếu hai yếu tố kia thì túi cao su chỉ là một lối tẩu thoát. Điều này có nghĩa là chỉ tập trung nơi việc dùng túi cao su có nghĩa là tầm thường hóa tính dục và chính việc tầm thường hóa đó diễn tả lý do nguy hiểm, qua đó biết bao nhiêu người không trông thấy trong tính dục kiểu diễn tả tình yêu hiến dâng nữa, mà chỉ trông thấy một loại ma túy mà người ta tự dùng. Vì thế cả việc chống lại sự tầm thường hóa tính dục ấy cũng là một phầàn của nỗ lực lớn, để cho tính dục được đánh giá một cách tích cực và có thể thực thi hiệu qủa tích cực của nó trên bản vị con người trong sự toàn vẹn của nó.
Có thể có các trường hợp riêng rẽ được biện minh, chẳng hạn khi một người nam mại dâm dùng túi cao su và điều này có thể là bước đầu tiên của việc luân lý hóa, một hành động có trách nhiệm đầu tiên giúp phát triển ý thức mới của sự kiện không phải mọi sự đều được phép, và một người không thể làm tất cả những gì mình muốn... Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp đích thật để vượt thắng sự truyền nhiễm của vi trùng HIV. Cần phải nhân bản hóa tính dục một cách thực sự.
Ký giả Seewald hỏi tiếp: như thế điều này có nghĩa là, một cách nền tảng, Giáo hội công giáo không chống lại việc dùng túi cao su? Đức Thánh Cha trả lời: Dĩ nhiên là Giáo hội không coi túi cao su như là giải pháp đích thực và luân lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng như trong trường hợp kia, với chủ ý giảm sự nguy hiểm của việc lây bệnh, nó có thể diễn tả một bước đầu tiên trên con đường dẫn tới một tính dục được sống một cách khác, nhân bản hơn.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Ông Livio Melina, thần học gia luân lý, Giám đốc ”Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình”, về lập trường của Đức Thánh Cha trong cuộc chiến chống bệnh Sida, được trình bày trong sách, như vừa tóm lược trên đây.
Hỏi: Thưa Đức Ông Melina, các câu Đức Thánh Cha trả lời ký giả Seewald liên quan tới việc dùng túi cao su để phòng ngừa bệnh Sida, có phải là một điều mới mẻ trong lập trường của Giáo hội như được trình bầy trong thông điệp ”Sự sống con người - Humanae vitae” hay không?
Đáp: Qua các điều báo chí đã đăng tải trước khi sách được giới thiệu, chúng ta thấy rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn thắng vượt việc tầm thường hóa tính dục, và giúp tiếp nhận ý nghĩa đích thực của nó. Trong đường hướng đó, giáo lý đo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đưa ra trong thông điệp ”Humanae vitae” hoàn toàn được xác nhận. Luật luân lý định nghĩa việc ngừa thai là điều xấu trong nội tại, là tiếng ”không” nhằm chỉ cho thấy một cách tích cực các điều kiện, qua đó hành động giao hợp giữa vợ chồng thực sự diễn tả sự trao hiến trọn vẹn chính mình và rộng mở cho việc truyền sinh. Trong các năm qua, huấn quyền Giáo hội, và đặc biệt là nền thần học tình yêu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho thấy các lý do nhân bản, luân lý đạo đức và thần học của giáo huấn này, mà học viện của chúng tôi cũng đã đặc biệt đào sâu trong các năm qua.
Hỏi: Đức Thánh Cha đã ám chỉ một trường hợp rất hạn hẹp, nhưng qua sự đơn sơ hóa của giới truyền thông, người ta nghĩ rằng Giáo hội đã thay đổi tư tưởng. Nhưng mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã muốn nói điều gì thưa Đức Ông?
Đáp: Trong cuộc sống của Giáo hội, khoa ”giải nghi học” đã luôn luôn giúp hiểu rõ hơn điều liên quan tới các thảm cảnh cuộc sống. Từ những gì đã nói về bệnh liệt kháng Sida, Đức Thánh Cha không chỉ cho thấy sự lo lắng mục vụ đối với những con người, mà còn cống hiến một ánh sáng cho lộ trình hoán cải nữa.
Hỏi: Đức ông muốn nói rằng: như là một tiêu chuẩn chung cần phải xem xét từng trường hợp một, có phải thế không?
Đáp: Đối tượng luân lý của một hành động - như nói trong thông điệp ”Bác ái trong chân lý” - được tiếp nhận trong viễn tượng của chủ thể hành động. Và đôi khi việc xem xét các hoàn cảnh cụ thể có thể cho thấy rằng chúng ta đang đứng trước một trường hợp khác với trường hợp do luật thấy trước. Trong tình trạng được miêu tả trong đoạn phỏng vấn, Đức Thánh Cha không nói tới hành động giao hợp của vợ chồng, mà nói tới việc mại dâm, tự nó đã là một thái độ hành xử hạ nhục con người và khiến cho con người xuống cấp về mặt luân lý rồi. Trong hành động này, việc dùng túi cao su không thêm gì vào ác ý luân lý của hành động, nhưng có thể điễn tả một yếu tố tối thiểu của tinh thần trách nhiệm, để không truyền bệnh nguy hiểm cho cuộc sống của các người khác, như bệnh Sida. Vì thế nó là một sự dữ - mặc dù là thực thể nhỏ hơn - bên trong một hành xử vô trật tự, mà chắc chắn là Đức Giáo Hoàng không khuyến khích thi hành rồi.
Hỏi: Cũng nảy sinh ra vấn đề liên quan tới việc dịch từ ”phụ nữ mại dâm” hay trong văn bản gốc tiếng Đức là ”người nam mại dâm”, Đức Ông nghĩ sao?
Đáp: Xem ra nó ám chỉ liên hệ buôn bán kiểu đồng phái, là trường hợp tương tự như trường hợp giả thiết phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, trên bình diện cuôc sống nói chung, bối cảnh của khoa ”giải nghi học” không phải là bối cảnh của việc giảng dậy công khai của Giáo hội liên quan tới ý nghĩa nhân bản sâu thẳm của tính dục. Khoa ”giải nghi học” đã luôn luôn tìm ra nơi chốn riêng trong các sách cẩm nang luân lý dành cho các linh mục giải tội, hay trong cuộc đối thoại giữa cha giải tội và hối nhân, vì một cách đương nhiên nó bao gồm việc duyệt xét rất chi tiết các trường hợp riêng rẽ. Việc các phương tiện truyền thông trình bầy vấn đề ngoài các bối cảnh tự nhiên, đối với tôi, xem ra là điều chủ quan gây ra rất nhiều mập mờ.
Hỏi: Điều Đức Thánh Cha nói trong một cuộc phỏng vấn có được coi như là một hành động giáo huấn không thưa Đức Ông?
Đáp: Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã muốn cống hiến cho chúng ta một ánh sáng mới mà không liên lụy tới nhiệm vụ giáo huấn của ngài. Vì thế thách đố mà hành động can đảm của ngài đòi hỏi nơi chúng ta, đó là tháp nhập chính mình vào trong chính sự lo lắng của ngài đối với vấn đề của con người, liên quan tới ý nhgĩa của tính dục.
Hỏi: Câu hỏi của người phỏng vấn đặt để câu trả lời của Đức Thánh Cha vào trong bối cảch chính xác của nó: đó là bệnh dịch liệt kháng lan tran bên Phi châu. Người ta đã thảo luân nhiều về việc có nên hay không nên dùng túi cao su. Riêng Đức Ông, thì Đức Ông nghĩ sao?
Đáp: Trước tình trạng các bệnh dịch lan tràn qua ngã tính dục, quan điểm luân lý không là điều duy nhất: thật thế, vì có việc phòng ngừa trên bình diện y khoa được giao cho các giới chức lãnh đạo chính trị. Mỗi người phải chu toàn nhiệm vụ riêng trong lãnh vực của mình, bằng cách tôn trọng các viễn tượng khác biệt. Trong trường hợp của bệnh liệt kháng Sida, chúng ta đang đứng trước sự lan tràn của một căn bệnh, gắn liền với việc sử dụng sự tự do trong một lãnh vực rất tế nhị của cuộc sống cá nhân như lãnh vực tính dục. Yêu sách giải quyết vấn đề với các phương tiện kỹ thuật, khi nó liên quan tới sự tự do và các giá trị nền tảng, có nghĩa là hạ nhục con người, đáng lý ra phải được tôn trọng trong các giá trị của nó và phải được giáo dục hướng dẫn. Có chế độ thực dân mới của các công ty đa quốc chế tạo dược phẩm, và nó tìm thấy ở đây dịp áp đặt trên các dân tộc nghèo hơn một ý thức hệ chống lai gia đình và chống lại sự sống. Con đường giáo dục không chỉ được tôn trọng mà cũng phải hữu hiệu trên quan điểm thăng tiến sức khỏe công cộng cho người dân nữa.
Hỏi: Chiến thuật ABC tức là Tiết dục, Chung thủy, và dùng Túi cao su đề nghị việc dùng túi cao su như là lý lẽ tột cùng. Phán quyết luân lý liên quan tới sáng kiến này như thế nào thưa Đức Ông?
Đáp: Giáo hội không có bổn phận xen mình vào trong cái luận lý của sự dữ, dù xem ra nó ít có hại hơn đi nữa, bằng cách giảm thiểu các hậu quả tiêu cực mà chính sự dữ đó gây ra. Cả khi có các lý do nghiêm trọng đi nữa, không bao giờ được phép làm sự dữ để từ đó phát xuất ra sự thiện. Không kể sự thái quá của cái an ninh giả dối, nó gây ra hậu quả trái ngược với điều người ta muốn có được.
Hỏi: Thần học gia luân lý nghĩ gì trước một ”trường hợp” nảy sinh từ một câu nói của Đức Thánh Cha?
Đáp: Biết bao nhiêu lần tôi có cảm tưởng là cuộc tranh luận hiện nay - qua đó người ta tìm cách lôi cuốn Giáo hội và một cách đặc biệt là lôi kéo Đức Thánh Cha vào - giống như cuộc tranh luận của các kinh sư và biệt phái xưa kia muốn lôi kéo Chúa Giêsu vào cuộc: họ đặt ra các câu hỏi nhằm gài bẫy Ngài, mà không muốn thực sự lắng nghe sứ điệp của ơn cứu độ. Vì thế, theo tôi, cần phải ra khỏi chân trời nhỏ hẹp của của các câu hỏi này, để rộng mở cho chân trời rộng rãi và tích cực hơn của một đề nghị lớn liên quan tới ý nghĩa của tính dục, của thân xác, là bí tích dấu chỉ của bản vị con người, là nơi chốn của ơn gọi trao ban chính mính, của sự hiệp thông và việc thông truyền sự sống, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói với các Giám Mục Thuy Sĩ bằng cách trích lời thánh Ignatio thành Antiokia: ”Kitô giáo không phải là vấn đề thuyết phục, mà là vấn đề của sự cao cả”.
(Avvenire 23-11-2010)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19