“Tinh thần Assisi” là gì?
Chính Đức Gioan Phaolô II đã dùng thuật ngữ “tinh thần Assisi” để gọi ngày lịch sử 27.10.1986, khi các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn, theo lời mời của Đức giáo hoàng, đã cùng với ngài về Assisi để cầu nguyện cho hòa bình.
Người ta đã coi thường và chế nhạo công thức này. Phải nhìn nhận rằng thuật ngữ này vừa gợi ý vừa mơ hồ. Không thiếu người đã ít nhiều minh nhiên dùng thuật ngữ này như một nhãn hiệu ý thức hệ, mà áp dụng cho việc đối thoại liên tôn theo một tầm nhìn mà Kitô giáo không thể chấp nhận được, vì từ khước khẳng định Đức Kitô như là Đấng Cứu độ duy nhất và phổ quát.
Vậy “tinh thần Assisi” là gì và không là gì?
Trong thư, cách biến cố hai mươi năm (2006), gửi cho Đức giám mục Domenico Sorrentini, giám mục Assisi, Nocera Umbra-Gualdo Tadino, Đức Bênêđictô XVI đã xác định: “Để không mơ hồ về ý nghĩa của những gì, vào năm 1986, Đức Gioan Phaolô II muốn thực hiện, và là điều, theo một thuật ngữ của ngài, thường được gọi là “tinh thần Assisi”, điều quan trọng là vào lúc đó người ta chú ý làm sao để cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện không được đưa đến những lối giải thích chiết trung, dựa trên một quan niệm duy tương đối hóa”.
Ngày 17.6.2007, trong chuyến viếng thăm mục vụ Assisi, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng nhắc lại đề tài. Một lần nữa, ngài công nhận trực giác ngôn sứ của vị tiền nhiệm, nhưng đồng thời, ngài tìm cách làm sáng tỏ trực giác này, dưới ánh sáng của linh đạo thánh Phanxicô Assisi: một linh đạo hòa bình, nhưng trước tiên, là một linh đạo Kitô trung tâm và Phúc Âm.
Ngài nói: “Việc chọn cử hành cuộc gặp gỡ ấy ở Assisi được gợi ý bởi chứng từ của thánh Phanxicô như một con người hòa bình, mà nhiều người nhìn cách thiện cảm, dù từ những quan điểm văn hóa và tôn giáo khác. Đồng thời, ánh sáng của Vị Thánh Nghèo trên sáng kiến là một đảm bảo về tính trung thực Kitô giáo, bởi vì đời sống và sứ điệp của ngài dựa thật rõ ràng trên việc chọn lựa Đức Kitô, khiến phải loại trừ tiên thiên bất cứ cám dỗ nào về xu hướng dửng dưng tôn giáo, không hề dính dáng gì đến việc đối thoại liên tôn trung thực”.
Mới đây trong nhật báo Osservatore Romano ngày 6.7.2011, Đức hồng y William Levada, Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin, cũng đã nhắc lại các điểm giáo lý này: “Tóm lại, vấn đề không phải là che giấu niềm tin của mình nhắm có được một sự hợp nhất bề ngoài, nhưng là tuyên xưng, như Đức Gioan Phaolô II và Đức thượng phụ đại kết đã làm, rằng hòa bình của chúng ta là Đức Kitô, và chính vì lẽ đó, con đường hòa bình là con đường của Hội Thánh”. Rồi ngài nhắc lại thông điệp Redemptoris Missio của Chân phước Gioan-Phaolô II mà nói rằng: Trong Thông điệp ấy, Đức Gioan Phaolô II đã tố giác một não trạng mang dấu ấn của sự dửng dưng, đáng tiếc là rất phổ biến giữa lòng các Kitô hữu, mà thường đặt nền tảng trên các quan niệm thần học không chính xác và rất thấm nhuần một chủ trương duy tương đối hóa về tôn giáo, đưa đến chỗ coi mọi tôn giáo có giá trị như nhau”. Rồi Đức hồng y Bộ trưởng nhắc đến Tuyên ngôn Dominus Deus, do Bộ Giáo lý đức tin phát hành vào năm 2000: Tuyên ngôn này “không chỉ nhắm phi bác ý tưởng về một cuộc chung sống liên tôn trong đó các ‘tín ngưỡng’ khác nhau được coi như những nẻo đường bổ túc cho nẻo đường căn bản là Đức Giêsu Kitô; sâu xa hơn, tuyên ngôn nhắm đặt các nền tảng giáo lý cho một suy tư về tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo”.
Cuối cùng ngài nhắc lại chủ đề của cuộc hành hương sắp tới về Assisi, “Các khách hành hương về chân lý, các khách hành hương về hòa bình” và giải thích rằng “để có thể hy vọng cách thực tiễn là cùng nhau xây dựng hòa bình, phải lấy tiêu chuẩn là chân lý”. Như Đức giáo hoàng, khi còn là Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin đã nói: “Không thể có hòa bình nếu không có chân lý, và ngược lại, thái độ mở ra với hòa bình là một “tiêu chuẩn chân lý trung thực”.
Vậy Đức Bênêđictô XVI sẽ đến Assisi. Theo vết chân vị tiền nhiệm, ngài sẽ đến để biện minh cho nhiệm vụ chung của các tôn giáo là tìm hòa bình. Sáng kiến của ngài, cũng như của Đức Gioan Phaolô II, được đặt theo chiều hướng vững vàng liên kết với chiều kích đối thoại là một sự chặt chẽ trong việc tuyên xưng đức tin. Chúng ta vui mừng coi Thành này như là một phòng thí nghiệm và một thánh tượng về hòa bình.
Trong vòng 25 năm nay, “tinh thần Assisi” đã lan tỏa khắp năm châu.
* Cho Trung Đông
Hôm nay, tại bất cứ cuộc gặp gỡ liên tôn quốc tế nào, nếu nói đến Trung Đông, là có sự hiện diện của người Hồi giáo, Kitô hữu và Do Thái; các cộng đồng Do Thái sẵn sàng cộng tác tại bất cứ nơi đâu. Cuộc đối thoại thường đạt tới chỗ “biến kẻ thù thành bằng hữu” (sách Talmud coi đây là đặc điểm cao quý nhất của một anh hùng).
* Cho châu Á
Năm mươi vị lãnh đạo đại diện các tôn giáo lớn của châu Á, kể cả Kitô giáo, đã nồng nhiệt đáp lại lời mời của Đức Gioan Phaolô II về Assisi ngày 27-10-1986 để cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Trong quá khứ, các tôn giáo thường bị tố cáo là gây ra chia rẽ, nhưng tại Assisi, các nhà lãnh đạo tôn giáo đến từ châu Á và các châu lục khác đã truyền thông một sứ điệp rất khác vào lúc các ngài đang sát cánh bên nhau, cùng được liên kết trong lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Đức Đạt Lai Lạt ma cầu nguyện bên cạnh Đức Gioan Phaolô II vào nghi thức kết thúc. Một hậu duệ của Mahatma Gandhi đã thuộc phái đoàn Ấn Độ, đứng bên những nhà lãnh đạo Hồi giáo Pakistan và Bangladesh. Đức Gioan Phaolô II đã xin “ngừng bắn một ngày” và “sự thinh lặng của vũ khí” ngày 27-10. Lời đáp của các xứ sở đang có xung đột vũ khí trên khắp thế giới thật không sao tin nổi, phản ánh một ao ước phổ biến và sâu sắc là có hòa bình.
* Cho châu Mỹ
Nghĩ tới châu Mỹ là nghĩ tới hy vọng và táo bạo. Trước khi được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Barack Obama đã đặt tên cho quyển sách thứ hai của ông là “Sự táo bạo của niềm hy vọng – các suy tư về việc tái chinh phục giấc mơ Mỹ” (The Audacity of Hope: Thoughts on Reclaiming the American Dream, 17-10-2006). Những gì Đức Gioan Phaolô II đã làm vào năm 1986 tại Assisi thì chứa chan hy vọng và đồng thời táo bạo. Ai có thể tưởng tượng ra là có thể quy tụ những lãnh đạo của các tôn giáo thế giới tại một nơi duy nhất mà cầu nguyện bên nhau cho hòa bình? Ai có thể tưởng tượng được rằng một vị lãnh đạo lại có thể thuyết phục tất cả buông vũ khí trong một ngày? Rất lì và liều! Thật ra một trong những điều Đức Gioan Phaolô II đã dạy cho thế giới là đôi khi phải mạo hiểm, đôi khi phải lì và đôi khi phải liều. Giá trị của sự biện phân của ngài là đã làm chào đời “tinh thần Assisi”. Rõ ràng là không được ngừng liều lĩnh nếu muốn có hòa bình.
* Cho châu Âu
Đây là khoảnh khắc trung tâm của buổi gặp gỡ lịch sử. Người ta cầu nguyện chung mà không cầu nguyện chung, để tránh gây ngộ nhận. Do đó mỗi gia đình tôn giáo luân phiên cầu nguyện trước những gia đình khác.
Theo Đức hồng y Gianfranco Ravasi, nếu muốn giải thích “tinh thần Assisi”, ta có thể dùng hình ảnh thánh Phaolô đã dùng trong chương 2 của thư Êphêxô: nay không còn ngăn cách giữa dân Do Thái và Dân Ngoại nữa, cả hai đã thành một. Đức Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách, đó chính là “tinh thần Assisi”, nhưng luôn luôn nhớ rằng mỗi người vẫn đứng vững trong miền đất của mình. Bởi vì sự phong phú của mỗi tôn giáo vẫn được duy trì, chứ không có việc loại bỏ lẫn nhau. Từ đây tuôn trào ra một sứ điệp về sự khiêm nhường, nghèo khó, hiền lành, liên đới, tạo ra một bầu khí lý tưởng trong đó các khác biệt có thể gặp nhau, mà không ai phải từ chối căn tính của mình, nhưng đồng thời được thúc đẩy khẳng định căn tính này là không có thứ kiêu ngạo tạo ra những hàng rào và gây ra những cuộc chiến tranh.
Còn nếu là Assisi là vì cách nào đó Assisi, nhờ có thánh Phanxicô, đã trở thành một thứ biểu tượng phổ quát về Kitô giáo trung thực. Quả thật, Phanxicô là một Kitô hữu nghiêm túc, sống một Kitô học không giải thích (sine glosa), nhưng đàng khác cũng sống một Kitô giáo phong phú, trong đó không còn Do Thái hay Hy Lạp, nghĩa là không còn quan tâm đến các phân biệt văn hóa nữa, nhưng tìm tối đa gặp gỡ và đối thoại. Nhìn vào đời sống ngài, ta thấy gương mặt của Phanxicô và của Đức Kitô chồng vào nhau. Ngài sống điều chính yếu, đó chính là sự nghèo khó. Ngài tìm gặp gỡ, đối thoại, tìm cách đưa tay ra cho người anh em. Ngài có những kiểu nói chắc nịch Phúc Âm: “Pace e Bene”. Assisi là như thánh tượng (icône) của Đối thoại liên tôn, do Phanxicô đã gặp quốc vương Hồi Giáo al-Kamil. Lời Kinh Đức hồng y ĐHY Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Đối thoại liên tôn nói rằng Đối thoại liên tôn chủ yếu là một sinh hoạt tôn giáo. Tất cả chúng ta đều có bổn phận “cổ võ sự hiệp nhất và bác ái giữa loài người, và thậm chí giữa các dân tộc, bằng cách trước tiên cứu xét tất cả những gì loài người có chung với nhau và đang thúc đẩy họ cùng sống định mệnh chung” (Nostra Aetate, s. 1). Chính Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định vào đầu năm: “Ai tiến bước về với Thiên Chúa thì không thể không truyền đạt hòa bình, ai xây dựng hòa bình, không thể không đến gần Thiên Chúa”.
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah