Tổ chức Y Tế Tình Nguyện CYT khám bệnh và Tầm soát Tai Thính học tại Tp Bà Rịa

Tổ chức Y Tế Tình Nguyện CYT khám bệnh và Tầm soát Tai Thính học tại Tp Bà Rịa

WGPSG -- Vào các ngày 12, 13 &14/10/2012, Tổ chức Y tế Tình nguyện do Bác sĩ giám đốc Hồ Quang Hải (trưởng đoàn), các bác sĩ, các tình nguyện viên, sinh viên Y, Dược, khoa Tâm lý đã thực hiện chương trình Hỗ trợ Trẻ Khiếm thính và Tầm soát Tai - Thính học cho các đối tượng chính sách của Tp. Bà Rịa.

Ngày đầu tiên, đoàn đến Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết Tật tại Tp. Bà Rịa khám sức khỏe tổng quát cho hơn 100 em học sinh, khám Tai Mũi Họng, đo thính lực và kiểm tra máy trợ thính cho các em. Ngày hôm sau, đoàn đến Trung tâm y tế xã Hòa Long (xã anh hùng của Tp. Bà Rịa) làm việc.

So với những lần khám bệnh tổng quát mà đoàn đã từng thực hiện với con số hơn 1000 bệnh nhân, thì lần này số bệnh nhân ít hơn (chỉ hơn 200 bệnh nhân) nhưng thời gian làm việc lại dài hơn và khó khăn hơn. Bởi lẽ, bệnh nhân là bệnh nhi: không thể nghe và nói được, do đó phải có phụ huynh đi kèm. Mặc dù đã thông báo trước nhưng vẫn có những phụ huynh bận đi làm, đi biển, lên rẫy, hoặc bán lẻ ở chợ nên không thể đến được. Cô giáo chủ nhiệm phải quản lý hồ sơ sức khỏe của từng em, và dẫn các em qua các bộ phận khám và kiểm tra máy, cũng như nghe các bác sĩ tư vấn. Các em lại rất hiếu động, không chịu ngồi im để các bác sĩ khám bệnh! Dù đã có những dụng cụ và biện pháp chuyên môn để thăm khám nhưng bệnh nhân đôi khi không hiểu và đáp ứng. Quả thật, bác sĩ và các nhân viên phải rất kiên nhẫn để nghe được những câu trả lời như ý muốn. Những câu hỏi rất đơn giản nhưng chỉ được nghe trả lời bằng một từ “Ba” mà thôi: “tên Ba”, “học lớp Ba”, “Ba tuổi” vì em không nói được từ nào ngoài từ “Ba”! Còn người lớn thì chỉ gật đầu, trong lúc bác sĩ muốn nghe câu trả lời chính xác để đánh giá mức nhạy của máy trợ thính.

Cứ nghĩ rằng, đến trường khuyết tật, bầu khí sẽ rất im lặng. Nhưng ngược lại, vì không thể nghe và nói được nên “ngôn ngữ” của các em rất… “khác thường”: thích hét to, luôn gọi nhau bằng những cú đập vào vai nhau, đôi khi khá mạnh, khiến bạn rất đau và… đánh trả lại. Một tình nguyện viên phải thốt lên: “Các em chơi mạnh tay thật!” Nhìn các em bé xíu, khuôn mặt ngây thơ xinh đẹp, nhưng lúc nào cũng phải mang chiếc máy trợ thính. Thật tội nghiệp! Tuy nhiên, các em vẫn còn may mắn vì còn được đến trường, còn có máy trợ thính.

Hôm nay, đoàn cũng hẹn khám cho các em nghèo từ nơi khác chuyển đến. Sau khi khám và kiểm tra máy trợ thính, đoàn lấy mẫu núm tai, hứa sẽ quay lại tặng máy trợ thính cho các bệnh nhân nghèo vào ngày 25/10/2012. Trong số này, có một em bé người Dân tộc rất đáng thương: bị mẹ bỏ, được bà ngoại đưa đi khám. Người mẹ ấy có biết con mình khóc lóc ra sao không? Có cảm nhận được con mình thiếu vắng tình mẫu tử sẽ như thế nào?

Đối với những người có khả năng, đoàn tư vấn về công dụng của chiếc máy thế hệ mới. Ngày nay, người ta không nhất thiết phải trả chi phí đắt tiền cho việc cấy Ốc tai, các máy mới này có khả năng can thiệp đối với những bệnh nặng, có khả năng giảm bớt tiếng ồn của môi trường xung quanh giúp cho bệnh nhân nghe rõ hơn. Đoàn hẹn các bệnh nhân này tại Trung tâm Tai Mũi Họng TPHCM. Đoàn hỗ trợ bằng việc giảm giá tiền mua máy chỉ còn 70-80%.

Sở dĩ chuyến công tác được thực hiện tốt đẹp vì nhờ sự đóng góp và đồng hành của nhiều tình nguyện viên, thuộc nhiều giới. Đặc biệt, mỗi ngày, đoàn được phụ huynh của một tình nguyện viên (doanh nhân cũng là giáo dân của Nhà thờ Chánh Tòa Bà Rịa) tiếp đón, chăm lo việc ăn uống, nghỉ ngơi. Ngoài ra, đoàn còn được tham quan Núi Dinh, Suối Tiên cũng như biển Hồ Tràm, và thưởng thức đặc sản của địa phương. Đoàn được sống những phút giây vui vẻ bên nhau giữa cảnh núi rừng và biển cả bao la. “Người ta không thể cho cái mình không có”. Vâng, chính những phút giây vui vầy đầy ắp tình người này, sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ về sự đoàn kết yêu thương, rồi đây các bạn sẽ truyền cho nhau ngọn lửa hạnh phúc yêu thương này cho bạn bè và những người bất hạnh.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta nhớ lại lời Thánh Giacôbê đã viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Thật vậy, Đức tin không chỉ giới hạn trong thánh đường với những nghi thức phụng vụ mà còn phải được thể hiện ra bằng hành động dấn thân xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp; bằng việc thực thi lòng nhân ái, vị tha, không phân biệt tôn giáo, văn hóa hay phong tục tập quán; bằng chính những khả năng và tài năng mà Thiên Chúa đã ưu ái ban tặng cho mình. Hãy đóng góp phần của mình cho xã hội dù là “Một chút trong đời chỉ cần một chút thật tuyệt vời. Chắt chiu từng phút ấy cho đời này thêm thắm tươi” (Thông Vi Vu).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top