Toà Giám mục Đà Nẵng: Thông cáo về những vấn đề liên quan đến Giáo xứ Cồn Dầu
Trong những ngày vừa qua, thông tin trên các phương tiện truyền thông hải ngoại đề cập nhiều đến vấn đề tranh chấp đất đai giữa chính quyền Thành phố Đà Nẵng và người dân thôn Cồn Dầu, xã Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng. Xung đột này liên quan đến kế hoạch giải toả 4 thôn làng thuộc xã Hoà Xuân, trong đó có thôn Công giáo Cồn Dầu, để xây dựng khu sinh thái Hoà Xuân. Sự kiện bắt đầu từ “Đơn khiếu kiện khẩn cấp về việc chính quyền thu hồi đất của giáo dân Cồn Dầu - Đà Nẵng” có xuất xứ và tác giả là: “Đà Nẵng, ngày 26 tháng 1 năm 2010, Người dân thôn Cồn Dầu đồng ký tên”, được VietCatholic News đăng tải vào lúc 10:48 ngày 26/01/2010.
Được tin, Toà Giám mục Đà Nẵng đã gặp ngay Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, Quản xứ Cồn Dầu, và được Ngài cho biết sự vụ đang căng thẳng tại thôn Cồn Dầu trong vài ngày qua, khi các đoàn công tác của quận Cẩm Lệ đến một số gia đình để kiểm định tài sản mà không có sự đồng thuận của họ. Một vài trường hợp đã dẫn đến căng thẳng. Về lá đơn khiếu nại khẩn cấp, Cha Lục cho biết, Ngài cũng bất ngờ, chỉ nghe nói mà chưa đọc, và cũng không biết phát xuất từ đâu. Về nhân vật có chức danh trong bản tin khẩn kèm theo lá đơn là “Ông Chủ tịch HĐGX”, Cha Quản xứ cho biết vị này là một trong số những người thuộc thôn Cồn Dầu đã đồng ý để tài sản được kiểm định từ lâu, nên không thể là tác giả lá đơn này.
Sáng Chúa Nhật hôm qua, 31 tháng 01 năm 2010, Giám mục Giáo phận, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, cùng với Cha Chưởng Ấn TGM Phêrô Hoàng Gia Thành, Cha Phụ tá Văn phòng TGM Gioan B. Trần Ngọc Tuyến, Cha Tân Quản xứ An Thượng Têphanô Trần Ngọc Nhơn đã bất ngờ đến thăm và dâng Thánh Lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Cồn Dầu, với Cha Quản xứ Emmanuel Nguyễn Tấn Lục. Đây là lần thứ tư trong vòng một năm, Giám mục Giáo phận đã đến Cồn Dầu dâng Thánh Lễ, gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn họ cách hành xử đúng đắn với chính quyền, với lương dân và với nhau. Ngài nhắc lại với họ học thuyết xã hội của Giáo Hội về sự công bằng và những quyền căn bản của con người, khẳng định lập trường của Ngài về vấn đề qui hoạch khu sinh thái Hoà Xuân hiện nay. Qui hoạch để thành phố có bộ mặt hiện đại văn minh hơn, nhưng phải bảo đảm cuộc sống cho người dân liên hệ, nhất là người nghèo. Họ là những người trước tiên phải được chia sẻ những phúc lợi do việc qui hoạch mang lại, chứ không thể bị đặt ra ngoài.
Ngài nhắc nhở họ: trong tư cách công dân, họ có quyền phát biểu ý kiến và đấu tranh ôn hoà để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bên cạnh những người anh em lương dân đồng cảnh ngộ, tránh nguy cơ chia rẽ lương giáo, cũng như đoàn kết nội bộ nhưng trong sự tôn trọng tự do của mỗi người, tránh tình trạng gây áp lực lên nhau. Giáo Hội luôn bênh vực quyền lợi của người nghèo và người cô thế, nhưng mọi người công dân đều phải chu toàn nghĩa vụ dân sự của mình.
Ngài cũng khẳng định đã nhiều lần khuyến cáo các cấp chính quyền quan tâm đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người dân khi hoạch định những chính sách liên hệ sâu sắc đến cuộc sống của họ, mỗi nơi mỗi hoàn cảnh khác nhau, vấn đề dân sinh phải được đặt lên hàng đầu. Ngài cũng bày tỏ sự quan ngại khi hoạch định chính sách không hợp lý, sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, làm cho sự bất bình đẳng và mất cân đối trong lãnh vực xã hội cũng như kinh tế ngày càng thêm trầm trọng. Nhà cầm quyền cũng không được gây sức ép hay dùng bạo lực đối với dân chúng trong tiến trình kêu gọi sự hợp tác, cũng như khi giải quyết những xung đột dân sự. Một thành phố văn minh không phải chỉ là xây dựng các kiến trúc hay hạ tầng hiện đại, nhưng văn hoá ứng xử công dân qua việc xây dựng và thực thi pháp chế cũng phải được “hiện đại hoá” từ trên xuống dưới.
Đức Cha cũng đã thẳng thắn kêu gọi cả chính quyền lẫn người dân trong khi thực thi chính sách và quyền lợi dân sự, phải quan tâm đến công lý và công ích. Hai tiêu chuẩn cho mọi hành động tương quan của con người là công bằng và công ích. Nếu chỉ đề cập đến công bằng mà coi nhẹ tính công ích, thì sẽ đẩy xã hội dân sự đến đường cùng. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân Lý) của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI vừa ban hành vào cuối năm ngoái.
Đối với riêng thôn Cồn Dầu, trong quá trình vận động, chính quyền đã tổ chức được đến 20 lần tiếp xúc giữa nhân dân và những người thi hành chương trình qui hoạch này ở các cấp. Tuy chưa đạt được sự đồng thuận, nhưng đã là một nỗ lực không nhỏ của các bên liên hệ, xưa nay chưa có tiền lệ ở một thành phố đã từng hãnh diện với “thành tích” qui hoạch giải toả đến 85 ngàn căn hộ, làm thay đổi bộ mặt thành phố này. Nhưng đột nhiên, sự nhẫn nại đã bị mất kiểm soát, chính quyền có vẻ mạnh tay hơn trong việc kiểm định và kết quả là “thư kêu cứu” được phát tán vào ngày 26/01/2010. Rất tiếc là tác giả bức thư vì vô tình hay thiếu hiểu biết, đã biến một tranh chấp dân sự giữa công dân với chính quyền thành xung đột giữa tôn giáo và nhà nước. Khó khăn rắc rối lại tập trung vào Giáo Hội, nhất là Giáo Hội địa phương, nơi sự vụ diễn ra.
Bình tĩnh nắm bắt và cân nhắc sự việc, chúng tôi quyết định thay đổi lịch mục vụ để dến dâng Thánh lễ tại Giáo xứ Cồn Dầu. Thánh lễ và câu chuyện cuối lễ của Đức Giám mục đã kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Bầu khí phụng vụ trang trọng với giáo dân đông đúc như thường lệ, dù chúng tôi đến cách bất ngờ. Ông Thái Văn Liên cũng công khai hiện diện trong suốt Thánh Lễ, và là một trong những người cuối cùng tiễn chân Đức Giám mục lên xe ra về - chứ không phải là Ông Liên “tháp tùng với Đức Cha Giuse về Cồn Dầu” như tác giả Xuân Hòa nào đó đã viết và được VietCatholic News đưa tin trong bài: “Đức Giám mục và các Linh mục Đà Nẵng đến thăm và dâng thánh lễ cho giáo dân xứ Cồn Dầu” đăng tải lúc 00:01 ngày 31/01/2010. Ông Liên là người đã trả lời phỏng vấn của phái viên Nam Phong đài RFI, được cho là đang phải cư trú “từ một nơi bên ngoài thôn Cồn Dầu”. VietCatholic News trích đăng tin này lúc 17:21 ngày 27/01/2010, được ngành truyền thông phổ biến khá rộng rãi trong những ngày gần đây. Một áng mây mờ như đang phủ xuống bầu trời Đà Nẵng.
Qua chuỗi biến cố liên quan đến Cồn Dầu, đã phức tạp do chính vụ việc, lại càng phức tạp hơn do nhiễu thông tin, nên Toà Giám mục Đà Nẵng chúng tôi rất thận trọng cân nhắc và gửi đi thông cáo này với những góp ý chân thành, đến những ai quan tâm muốn tìm hiểu vụ việc cách khách quan nhất, và thành tâm muốn chia sẻ những trăn trở của chúng tôi, để cùng xây dựng một đường hướng mục vụ-truyền giáo hiệu quả trong hoàn cảnh hiện nay của Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam quê nhà.
1. Cần phân biệt những hành vi dân sự và hành vi tôn giáo. Tranh chấp dân sự về chương trình qui hoạch tại xã Hoà Xuân không phải là tranh chấp tôn giáo, vì liên quan đến 1500 gia đình phải di dời, mà giáo dân Công giáo chỉ chiếm ¼ sinh sống tại thôn Cồn Dầu. Hơn nữa, Thánh đường và các công trình chung của Giáo xứ không thuộc diện qui hoạch. Giáo xứ Cồn Dầu gồm những giáo dân hôm nay và tương lai không thể bị xóa sổ, dù sinh hoạt có thể ít nhiều thay đổi. Trước đây, đã có những giáo xứ trong Giáo phận từng trải qua kinh nghiệm này ở những mức độ qui hoạch và hoàn cảnh khác nhau như Tam Toà, Thanh Bình, Ngọc Quang, An Hải, An Ngãi, Hoà Ninh, Hoà Cường.
2. Một người hay một nhóm giáo dân nào đó không thể nhân danh tổ chức Giáo hội địa phương, để thực hiện một hành vi hay tuyên bố một quan điểm liên quan đến tôn giáo. Hành vi này không đủ yếu tố pháp lý về mặt tôn giáo thuần tuý hay pháp lý dân sự về tôn giáo. Nhất là khi mang hình thức nặc danh, không có người chịu trách nhiệm. Chúng ta cần cẩn thận với những loại thông tin này.
3. Ý kiến của Bản quyền Giáo phận về những gì liên quan đến một Giáo phận cần được chú ý lắng nghe và tôn trọng, không chỉ trong nội bộ Giáo Hội, mà cả những vị hữu trách dân sự. Không ai biết rõ hơn tình hình tôn giáo tại một địa phương bằng chính Giáo Hội địa phương đó. Hơn ai hết, những người có trách nhiệm mục vụ tại địa phương biết phải nói gì và không nên nói gì, nói như thế nào, lúc nào và trong giới hạn nào, để đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động quản trị và mục vụ truyền giáo tại địa phương mình, trong tinh thần tôn trọng sự thật, xây dựng tình hiệp thông, đối thoại và hợp tác lành mạnh. Nhiều khi chỉ cần âm thầm hành động mà không cần phải nói năng gì.
4. Truyền thông Công giáo cần được xây dựng như một ngành mục vụ thực sự, có đường lối chủ trương rõ ràng theo tinh thần Tin Mừng, để rao giảng chân lý và xây dựng hoà bình, biết thao thức đem Chúa đến cho những người chưa tin, biết quảng bá hình ảnh Giáo Hội như một người mẹ hiền luôn dang tay chờ đón tất cả mọi thành phần trong đại gia đình nhân loại, kể cả những thành phần đối kháng. Bởi thế, để giảm thiểu những nguy cơ có thể gây nên xung đột, nghi kỵ, vì quá tuỳ tiện đưa tin hoặc đăng bài, các cơ quan truyền thông Công giáo cần nhẫn nại kiểm chứng các thông tin trước khi đăng tải, và tôn trọng sự thật khách quan của sự kiện được thông tin. Không nên dễ dàng chấp nhận những cộng tác viên nặc danh hoặc ẩn danh trong những đề tài và nội dung nhạy cảm, khiến chúng ta dễ bị lầm lẫn trong một thế giới ảo và quá dễ dãi như internet.
5. Toà Giám mục Đà Nẵng vẫn muốn theo đuổi đường lối đối thoại ôn hoà theo tinh thần của Công đồng Vatican II, của Toà Thánh, theo học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo và theo đường lối của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tất cả đều dẫn đến Tin Mừng. Nhìn nhận rằng đối thoại là con đường tuy gian khó và nhiều thách đố nhất, nhưng cũng bảo đảm nhất giúp tìm ra công lý và xây dựng hoà bình, công ích. Vì chấp nhận đối thoại, chúng tôi cũng tôn trọng đối tác, tôn trọng ý kiến và danh dự của nhau, nên cũng không có chủ trương đưa những thông tin thuộc loại nhạy cảm lên mạng, chỉ nỗ lực tiếp cận để giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Giáo Hội địa phương. Thông cáo này hy vọng sẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất.
6. Nhân cơ hội này, chúng tôi cũng xin đề cập đến một tiến trình đối thoại hơn hai năm qua với chính quyền Thành phố Đà Nẵng về một biến cố cũng khá nhạy cảm, được nhiều người quan tâm theo dõi và cả thắc mắc. Chính quyền Thành phố Đà Nẵng giải toả Trường Trần Phú, nguyên là Trường Sao Mai của Giáo phận Đà Nẵng trước năm 1975, vì ngôi trường nằm trên trục đường của cây cầu mới băng qua sông Hàn, nối liền phi trường với đường ven biển. Nhân sự kiện này, Toà Giám mục Đà Nẵng đã đề cập với chính quyền Thành phố về chính sách xã hội hoá giáo dục của Nhà Nước hiện nay và khả năng đáp ứng của Giáo phận trong lãnh vực này. Sau một thời gian dài trao đổi thảo luận, kết quả bước đầu là Thành phố đã có văn bản thống nhất chủ trương để Toà Giám mục Đà Nẵng xây dựng một ngôi trường trung học tư thục bằng văn thư số 6807/UBND-QLĐTh do Ông Chủ tịch UBND Thành phố Trần Văn Minh ký ngày 20 tháng 10 năm 2009. Sau khi TGM lập và gửi đề án thành lập trường, cũng như trực tiếp làm việc với Sở Xây dựng về vấn đề đất đai, với Sở Giáo dục và Đào tạo về thủ tục hành chánh, UBND Thành phố đã có văn thư số 8279/UBND-NCPC cũng do chính Ông Chủ tịch UBND Trần Văn Minh ký ngày 18 tháng 12 năm 2009, đề xuất về Trung ương xin ý kiến của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với câu kết rất tích cực: “Rất mong Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm giải quyết”. Và theo thông tin không chính thức, đề nghị này của Thành phố cùng với đề án mở trường tư thục của Giáo phận Đà Nẵng đã được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều người có lý do và kinh nghiệm đã chân thành chia sẻ với chúng tôi rằng Toà Giám mục Đà Nẵng xem chừng đã quá tin vào lời hứa của các quan chức và thủ tục hành chánh lòng vòng để né tránh vấn đề của Nhà Nước hiện nay. Tin rằng thiện chí sẽ được đền đáp, chúng tôi lạc quan nghĩ rằng một khi con đường đối thoại được mở ra, dù cong queo gập ghềnh sỏi đá, muốn tới đích phải chịu đau chân nhẫn nại đi theo đến cùng. Hơn nữa, đề xuất bằng văn bản nghiêm chỉnh lên cấp Trung ương, mà chúng tôi cũng được thông báo bằng một văn bản chính thức, mang chữ ký của vị Chủ tịch, đại diện cao nhất của chính quyền một thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng, với ấn triện và quốc huy, sao lại có thể biến thành một “trò lừa bịp” công khai trước thiện chí của một tổ chức công dân tôn giáo muốn góp phần xây dựng đất nước theo đúng chính sách hiện hành. Chúng tôi đang chờ đợi kết quả và cũng ý thức rằng đường đi sẽ còn dài.
Xin cũng đừng lo lắng là chúng tôi buộc thế phải xin xỏ hay luồn lách. Chúng tôi đã thẳng thắn nói với các vị hữu trách dân sự rằng: “Với chính sách xã hội hoá giáo dục, đúng ra là Nhà Nước phải xin nhân dân cùng làm. Nhưng ở đây, theo đúng qui định, chúng tôi phải làm thủ tục để xin Nhà Nước cho phép làm. Nhưng quí vị nên biết, chúng tôi chỉ đứng thẳng mà xin, chứ không bao giờ quỳ gối”.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm qua, 31/01/2010, Thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu bị người đồng hương chống đối, trục xuất và thậm chí muốn xô Người xuống vực thẳm, “Nhưng Người đã rẽ qua giữa họ mà đi” (Lc 4,30). Sống Tin Mừng hôm nay trên quê hương Việt Nam, chúng ta không được phép sợ hãi, né tránh, luồn lách, đứng xa xa, hay gây chiến, đối đầu… nhưng phải can đảm và sáng suốt theo gương Chúa Giêsu, tìm cách “rẽ qua giữa họ mà đi”, dù là đi về hướng đồi Can-vê.
Đà Nẵng, ngày 01 tháng 02 năm 2010
+ Giuse Châu Ngọc Tri , Giám mục Giáo phận
Linh mục Phêrô Hoàng Gia Thành, Chưởng Ấn, VP Toà Giám mục
Đồng ký tên
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền