Tòa Thánh kêu gọi cải cách triệt để các hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới

Tòa Thánh kêu gọi cải cách triệt để các hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới

Trong khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng tồi tệ, Tòa Thánh vừa kêu gọi cải cách rốt ráo hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới và đề nghị thành lập một tổ chức siêu quốc gia – “một tổ chức chính trị quốc tế để phục vụ lợi ích chung” bằng cách điều hành nền kinh tế thế giới.

Để đạt mục tiêu này, Tòa Thánh đề nghị thành lập một “Ngân hàng trung ương thế giới”, quy định lưu lượng và hệ thống hối đoái, giống như các ngân hàng trung ương quốc gia. Tòa Thánh kêu gọi củng cố các ngân hàng trung ương quốc gia và xuyên quốc gia hiện có, như Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tòa Thánh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự kinh tế mới dựa trên nền tảng đạo đức và được giám sát bởi “tổ chức pháp lý quốc tế thích hợp”, nhờ đó tổ chức toàn cầu mới này có thể trừng phạt những kẻ hành động thiếu trách nhiệm.

Đề nghị của Tòa Thánh được đề cập đến trong văn kiện của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình và được Đức Hồng y chủ tịch Peter Turkson giới thiệu với báo chí hôm thứ hai, 24-10.

Đức Hồng y giới thiệu văn kiện trước khi nhóm G20 tức 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nhóm họp tại Cannes, vào đầu tháng 11. Ngài miêu tả đây là sự góp ý sẽ diễn ra ở đó khi các bộ trưởng tìm cách phục hồi sự ổn định của kinh tế toàn cầu và đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Khủng hoảng đã kéo dài gần 4 năm nay và hiện nay có hơn một tỷ người trên thế giới (trong bảy người có một người) đang sống với mức chưa tới một Mỹ kim một ngày.

Lấy tựa đề “Hướng tới cải cách các hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế trong bối cảnh quyền lực chung toàn cầu”, Tòa Thánh giải thích cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay “xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau”, trong đó có lỗi hệ thống, yếu kém về cơ cấu của các tổ chức chính trị, kinh tế và tài chính, và “suy thoái đạo đức” ở tất cả các cấp.

Tòa Thánh nhắc lại sau Thế Chiến thứ hai cơ cấu kinh tế toàn cầu mới được thành lập tại Bretton Woods, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng những tổ chức này không còn thích hợp với thực trạng kinh tế toàn cầu mới nữa.

Tòa Thánh đưa ra nhiều thất bại khác nhau trong hệ thống trong nửa thế kỷ nay qua các cuộc khủng hoảng kinh tế do khủng hoảng dầu vào thập niên 1970, và 1980 tại Mexico, 1990 tại Brazil, Nga, Hàn Quốc và Mexico, và sau đó tới Thái Lan và Argentina vào đầu những năm 2000.

Kể từ thập niên 1990, Tòa Thánh nói có sự phát triển nhanh chóng về “các công cụ tiền tệ và tín dụng” hoạt động không có quy tắc hay đạo đức, và bị điều khiển bởi “một phương pháp theo hướng tự do, không đồng cảm với sự can thiệp chung trên các thị trường”, điều này vào năm 2008 tại Mỹ “đã cho phép một tổ chức tài chính quan trọng rơi vào tình trạng phá sản, vì cho rằng điều này sẽ ngăn được khủng hoảng”.

Phương pháp theo hướng tự do mở ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930 và dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện nay, theo Tòa Thánh. Trong khi tạo ra bộ mặt giàu sang trong nửa sau của thế kỷ 20 nhờ toàn cầu hóa, bên trong và giữa các nước cũng tạo ra nhiều vấn đề bất bình đẳng.

“Một chủ nghĩa tự do kinh tế bác bỏ các quy định và quyền quản lý” đã đưa thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng hiện nay, đang đặt hòa bình và sự ổn định của thế giới vào cảnh hiểm nghèo, Tòa Thánh tuyên bố và kêu gọi cần cấp bách thay đổi đường hướng giải quyết khủng hoảng và tránh gây thêm chia rẽ và thù địch.

Tòa Thánh kêu gọi phục hồi quyền quản lý kinh tế của chính trị và nhu cầu đạo đức trong cả hai lĩnh vực này và nhấn mạnh cần “từ từ” thành lập “một tổ chức chính trị quốc tế”, một “tổ chức siêu quốc gia”, “phục vụ lợi ích chung”.

Tòa Thánh kêu gọi đánh thuế “các cuộc giao dịch tài chính” để giúp đẩy mạnh sự phát triển toàn cầu và tạo ra “một quỹ dự trữ thế giới” để giúp các nước bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, và các qui định được mọi người tán thành để chỉnh đốn “các chợ đen” vốn là nơi diễn ra sự đầu cơ ồ ạt.

Đề nghị của Tòa Thánh nhắc lại một số kêu gọi cải cách của những người biểu tình – “the indignados” – ở New York, London và các thành phố khác trên toàn thế giới, nhưng thực ra nó đã bén rễ trong giáo huấn xã hội của Giáo hội có từ thời các Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI và Công đồng Vatican II cũng như hai Đức Thánh cha Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top