Tôn giáo giúp người Nhật như thế nào sau thảm họa vừa qua?
Tự hào với xã hội thế tục của mình, hầu hết người Nhật không sùng đạo như kiểu người Mỹ. Người Nhật không có khuynh hướng định vị tôn giáo truyền thống đơn lẻ hay học giáo lý từ sách.
“Hầu hết người Nhật nói chung không tự nhiên đến với Phật giáo cho đến khi có đám tang.” Brian Bocking, một chuyên gia tôn giáo học về Nhật Bản ở trường đại học Cork của Ireland cho biết.
Khi có đám tang, tôn giáo gắn kết người Nhật rất chặt chẽ:
“Phần lớn người Nhật tin rằng những gì họ làm cho tổ tiên sau khi chết là quan trọng, những điều mà họ không cầu mong trong đời sống thế tục. Có một niềm tin phổ biến về sự hiện hữu của linh hồn tổ tiên.” Bocking cho biết.
Trong những ngày tháng sắp tới, rất nhiều người Nhật sẽ trở về với truyền thống tôn giáo của quốc gia để bày tỏ lòng thương tiếc với người quá cố và cũng cố sức mạnh để xây dựng lại đất nước sau trận động đất kéo theo siêu sóng thần tàn phá kinh hoàng hôm thứ sáu vừa qua.
Với hầu hết người nhật, tôn giáo phức tạp hơn việc trở về với truyền thống Phật giáo của quốc gia. Họ pha trộn niềm tin Phật giáo với đạo Shinto có từ thế kỷ thứ XV.
“Nhật Bản không sùng đạo như cách mà người dân Bắc Mỹ làm.” John Nelson, trưởng bộ môn thần học và tôn giáo của trường đại học San Francisco cho biết. “Họ đi tới đi lui giữa hai truyền thống tôn giáo và xem như là một phương tiện thích hợp cho tùy trường hợp.”
“Với những thứ cần kết nối với cuộc sống, họ có hướng về nghi lễ của Thần đạo Shinto để hiểu biết. Tuy nhiên, khi cần kết nối với thảm họa và đau thương, họ quay về với Phật giáo.” Nelson cho biết.
Có rất nhiều trường phái Phật giáo ở Nhật Bản, mỗi trường phái có cách dạy khác nhau về khổ đau và điều gì xảy ra sau khi chết.
“Có rất nhiều sự giải thích của Phật giáo về việc tại sao thiên tai xảy ra: từ cộng nghiệp sinh ra thiên tai như là dấu hiệu của ngày tận thế.” Jimmy Yu, giáo sư Phật giáo và Trung Hoa học của trường đại học Florida cho biết. “Và có thể tất cả những điều đó không liên quan đến việc cần phải làm gì.”
Có lẽ, Thiên Chúa giáo, Do Thái hay Hồi giáo thường bận tâm đến nguyên nhân gây ra thảm họa - câu hỏi tại sao Chúa Trời lại để cho động đất xảy ra, ví dụ vậy. Truyền thống Á Đông như Phật giáo và thần đạo Shinto chú tâm vào hành động sinh ra hậu quả và thảm họa.
“Điều quan trọng trong cuộc sống của người Nhật là hành động theo hướng tích cực, kiên trì để vượt qua nghịch cảnh và tôn giáo của họ nhấn mạnh đến điều này. Họ sẽ nói rằng chúng ta phải tăng cường sức mạnh ngay cả thái độ vui mừng khi đương đầu với nghịch cảnh.” Bocking cho biết.
Các tôn giáo chính của Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển để đương đầu với thiên tai nhưng các chuyên gia cho biết sự thúc đẩy để giữ bộ mặt tích cực sẽ giúp cho người Nhật kêu gọi nhau giúp đỡ bạn bè và người thân lau dọn và xây dựng lại.
Cùng thời điểm đó, các tu sĩ Phật giáo sẽ tổ chức các nghi lễ an tang người chết. Phật giáo Nhật Bản thường được cho là Phật giáo của đám chết vì liên hệ đến các nghi lễ trong tang lễ.
Dù người Nhật kết nối các truyền thống tôn giáo, ngay cả với truyền thống phương Tây như Thiên Chúa Giáo, hầu hết họ đều chôn cất theo nghi lễ Phật giáo: hỏa táng và chôn cất trong khu nghĩa trang của gia đình.
Sau khi chôn cất, người Nhật tiếp tục làm các nghi lễ chăm sóc cho vong linh của người quá cố. Hầu hết người Nhật đều có tượng Phật trong nhà và dùng để bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên.
“Trong những ngày tới, bạn sẽ thấy họ lạy, với tay chắp cho vong linh của những người đã chết. Điều này quay về với những hiểu biết ban đầu về tâm linh của con người và các nghi lễ dùng để kiểm soát những vong linh đó, có thể trong 49 ngày tùy theo trường phái Phật giáo mà có thể lên đến bảy năm.”
Một trong những trường phái Phật giáo nổi tiếng của Nhật Bản là Tịnh Độ Tông hay Cực Lạc tin rằng người chết có thể được sinh về cực lạc với sự giúp đỡ của người thân.
Dù sẽ có rất nhiều nghi lễ tôn giáo được cử hành sau động đất, cũng có vài sự bất bình qua những nghi lễ truyền thống này.
Rất nhiều người trẻ Nhật Bản đã không theo Phật giáo, lên án các tu sĩ làm giàu qua sự đau khổ của người khác vì họ phải trả tiền cho các nghi lễ này. Nhiều người còn chỉ trích rằng các tu sĩ dùng tiền đám tang vào chùa mà chẳng giúp ích gì cho xã hội cả.
“Động đất là cơ hội cho các tu sĩ Phật giáo thể hiện rằng họ vẫn còn liên quan. Giới trẻ bây giờ chẳng còn quan tâm đến nữa.” Nelson cho biết.
(phatgiaovnn.com)