Tông đồ Hàng hải: Một công tác mục vụ tối quan trọng

Tông đồ Hàng hải: Một công tác mục vụ tối quan trọng

WHĐ (04.10.2017) – Trong ngày đầu tiên của Đại hội Thế giới lần thứ 24, Hội Tông đồ Hàng hải (AoS) khẳng định công việc của mình là tiếp tục trợ giúp các thuỷ thủ và ngư dân.

Trong sứ điệp gửi đến Đại hội, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các đại biểu hãy trở nên một “Giáo hội gìn giữ mầu nhiệm Thiên Chúa để thu hút mọi người đến với Người”.

Mở đầu Đại hội, Phó Tổng thống Đài Loan, ông Trần Triển Chinh –một tín hữu Công giáo–, nói rằng chính phủ Đài Loan đánh giá cao công việc của AoS, đặc biệt là các thuỷ thủ và ngư dân - đôi khi được tuyển dụng từ các quốc gia đang phát triển, không có phương tiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện, cho biết trên thế giới có 38 triệu người hành nghề đánh cá, trong số đó 90% làm việc theo quy mô nhỏ, phần lớn nằm ở châu Á và châu Phi.

Đức hồng y nói rằng vấn đề phân loại trong ngành hàng hải vẫn khiến cho việc xác định quyền sở hữu trở nên khó khăn. Các vụ lạm dụng vẫn còn tồn tại, bao gồm các trường hợp cưỡng bức lao động và nạn buôn người. Vấn đề càng trầm trọng thêm vì một số tàu cá đi biển trong vài tháng liền hoặc trong nhiều năm, làm cho các ngư dân khó báo cáo về các vụ lạm dụng.

Đức hồng y Turkson nói với các đại biểu rằng việc họ tới Cao Hùng giúp họ có được kinh nghiệm đi ra khỏi nơi quen thuộc, một kinh nghiệm cần thiết để suy tư về đời sống và những vấn đề của ngư dân, là những người thường xuyên phải sống xa nhà.

Đức hồng y nói, công việc của Đại hội là rất cần thiết, vừa để hiểu rõ hơn cuộc sống của những người phụ thuộc vào biển cả vừa để xem công việc loan báo Tin Mừng của Hội Tông đồ Hàng hải đem lại ơn ích như thế nào cho những người ấy.

Trong Thánh lễ khai mạc, Đức hồng y Turkson bày tỏ hy vọng rằng khi thi hành sứ vụ của AoS các vị tuyên uý sẽ “luôn dùng những lời lẽ thích hợp để các thuỷ thủ và ngư dân vững tin rằng Chúa luôn quan tâm chăm sóc họ”.

Các đại biểu cũng được nghe ông Max Schmid thuộc Tổ chức Công lý Môi trường nói về tác hại nghiêm trọng của việc đánh bắt cá bất hợp pháp đối với ngư dân, gồm cả những người không có hợp đồng lao động, các ngư dân không được tự do rời khỏi tàu, những trường hợp lạm dụng tình dục và bạo lực và thậm chí cả các vụ hành quyết trên biển. Ông Max ca ngợi công việc của AoS tại các bến cảng trên thế giới để bảo đảm công lý cho thuỷ thủ.

Đức hồng y Turkson đã gợi ý rằng trong công việc tương lai của AoS nhằm trợ giúp các ngư dân, cần khuyến khích các giám mục ở các quốc gia không có các tuyên uý AoS thiết lập các hoạt động đến với ngư dân. Ngài cũng khuyến khích AoS thúc giục các quốc gia của họ tham gia Hiệp định về Đánh bắt cá của Tổ chức Lao động Quốc tế Liên hiệp quốc.

Đức hồng y Turkson nhấn mạnh thêm rằng vị tuyên uý hoặc tình nguyện viên cần có sự thân thiện với các ngư dân và thuỷ thủ, để khi rời tàu họ có nơi thư giãn, nơi cầu nguyện và phục hồi sức mạnh tinh thần, để có cơ hội gặp gỡ gia đình, nghỉ ngơi, để thoát khỏi gánh nặng.

(Nguồn: WHĐ - Theo www.apostleshipofthesea.org.uk)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top