Trách nhiệm cấp thiết bảo vệ môi sinh
Phỏng vấn Đức ông Angelo Casile, giám đốc văn phòng xã hội của Hội Đồng Giám Mục Italia về việc cấp thiết bảo vệ môi sinh
Ngày 29-7-2009 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố đề tài Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chọn cho Ngày Hòa Bình Thế Giới mùng 1 tháng Giêng năm 2010 là ”Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy giữ gìn thụ tạo”.
Qua đề tài này Đức Thánh Cha muốn khích lệ mọi người có ý thức cao đối với tương quan mật thiết giữa thế giới toàn cầu và việc bảo vệ thiên nhiên và vun trồng thiện ích của hòa bình. Tương quan mật thiết này ngày càng bị thảo luận vì nhiều vấn đề liên quan tới môi trường sinh sống tự nhiên của con người, tới việc sử dụng các nguồn tài nguyên, các thay đổi khí hậu, việc áp dụng và sử dụng kỹ thuật sinh học, hiện tượng dân số gia tăng vv... Và sứ điệp đưa ra lời mời gọi ”hoán cải môi sinh”: ”Nếu gia đình nhân loại không biết đối phó với các thách đố mới này với ý thức công bằng và bình đẳng xã hội và tình liên đới quốc tế, thì sẽ có nguy cơ gieo vãi bạo lực giữa các dân tộc và giữa các thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.
Đề tài của Ngày Hòa Bình Thế Giới tìm thấy các quy chiếu rõ ràng trong thông điệp ”Yêu thương trong sự thật”. Trong một vài đoạn Đức Thánh Cha đã đề cập tới tương quan đúng đắn giữa con người và mội trường thiên nhiên. ”Thiên nhiên đã được Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người, và việc sử dụng nó đối với chúng ta diễn tả một trách nhiệm đối với người nghèo, đối với các thế hệ tương lai và đối với toàn nhân loại. Coi thiên nhiên như là một ”cấm kị không thể đụng tới” hay biện minh cho việc sử dụng nó thái qúa đều là các lập trường sai lầm. Cần phải có một sự cai quản có trách nhiệm đối với thiên nhiên để canh giữ nó, làm cho nó sinh lợi và vun trồng nó cả trong các hình thức mới mẻ để nuôi người dân sống tại đó. Thông điệp cũng cảnh cáo việc vơ vét các tài nguyên thiên nhiên làm nảy sinh ra bóc lột và các xung khắc thường xuyên giữa các quốc gia và bên trong một nước. Việc tích trữ năng lượng cũng diễn tả một sự cản trở phát triển của các nước nghèo. Thiên nhiên là một thực tại duy nhất và không thể phân rẽ, trên bình diện môi sinh cũng như trên bình diện sự sống, tính dục, hôn nhân, gia đình và các tương quan xã hội, tắt một lời sự phát triển con người toàn diện.
Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa Bình Thế Giới nêu bật sự cấp thiết phải bảo vệ môi sinh. Nó là một thách đố đối với toàn nhân loại: đây là một bổn phận chung và đại đồng phải tôn trọng thiện ích tập thể, dành để cho tất cả mọi người. Nó mời gọi tinh thần trách nhiệm, bởi vì không được đương đầu với vấn đề môi sinh chỉ khi có các viễn tượng kinh khủng mà tình trạng môi sinh đồi tệ vẽ ra trước mắt mà thôi, nhưng trong lăng kính của việc cấp thiết vun trồng hòa bình.
Trong các năm vừa qua sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha đã khai triển nhiều khía cạnh khác nhau như ”Chống nghèo đói. Xây dựng hòa bình” (2009); “Gia đình nhân loai, cộng đoàn hòa bình” (2008); ”Bản vị con người, trọng tâm của hòa bình” (2007); ”Hòa bình trong sự thật” (2006).
Mặt khác mùng 1-9-2009 Giáo Hội Italia cử hành ”Ngày cứu vãn thiên nhiên”. Trong sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước các Giám Mục Italia đề cập tới việc khí hậu thay đổi và mời gọi mọi người làm một cuộc ”hoán cải môi sinh”, ý thức trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai, cũng như chú ý tới các anh chị em nghèo túng trên thế giới đang phải gánh chịu các khổ đau vì các thay đổi khí hậu.
Sứ điệp của Hội Đồng Giám Mục Italia đã do các Ủy bản xã hội, lao động, công lý và hòa bình, đại kết và đối thoại liên tôn soạn thảo hồi tháng 5 năm nay 2009. Sứ điệp gồm 3 phần mở đầu với một lời chúc tụng trích từ Bài Ca Vạn Vật của thánh Phanxicô thành Assisi, và mời gọi mọi người chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng khí như nguồn sống cho mọi tạo vật. Phần thứ nhất trình bầy quan niệm về việc tạo dựng trong năng động của tội lỗi và ơn cứu chuộc theo các văn bản Kinh Thánh từ sách Sáng Thế cho tới các Phúc Âm và thư của thánh Phaolô.
Phấn thứ hai của sứ điệp mời gọi mọi người ”hoán cải môi sinh” theo kiểu nói của Đức Gioan Phaolô II, và dấn thân canh giữ và bảo vệ môi sinh trong thái độ tôn trọng tương quan giữa các sinh hoạt của con người và các thay đổi khí hậu. Khí hậu là một thiện ích cần được bảo vệ. Do đó cần phải canh tân sâu rộng cung cách sống của chúng ta và canh tân nền kinh tế: tiết kiệm năng lực, đánh giá cao các nguồn năng lượng lành mạnh có thể canh tân, thanh đạm trong cách sống và giảm thiểu tối đa lượng thán khí thải vào không trung. Phần thứ ba của sứ điệp đề cập tới việc bảo vệ sự ổn định của khí hậu, liên hệ tới trách nhiệm và cuộc sống của toàn nhân loại, đồng thời cũng là vấn đề công bằng, vì các dân tộc phải gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn cả do các thay đổ khí hậu gây ra là các dân tộc thuộc các nước nghèo, tiêu thụ rất ít năng lượng. Do đó các nước kỹ nghệ giầu tiêu thụ nhiều năng lượng có bổn phận nhanh chóng đưa ra các sáng kiến và biện pháp dài hạn để giải quyết vấn đề do chính họ đã gây ra, mà không được viện cớ khủng hoảng tài chánh kinh tế để trốn chạy trách nhiệm và tiếp tục kéo dài các bất công.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Ông Angelo Casile, giám đốc văn phòng xã hội của Hội Đồng Giám Mục Italia về việc cấp thiết bảo vệ môi sinh.
Hỏi: Thưa Đức Ông, Đức Ông có cảm tưởng gì khi Văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới mùng 1 tháng Giêng 2010 tới đây vào đầu mùa hè?
Đáp: Trong các cộng đoàn Italia, hằng năm chúng tôi vẫn tiếp nhận tin liên quan tới đề tài của Ngày Hòa Bình Thế Giới vào đầu mùa hè. Đề tài cho Ngày Hòa Bình thứ 43 của năm tới đây là: ”Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, thì hãy tôn trọng thụ tạo”. Nó có nghĩa là ngay trong mùa hè này khi đi nghỉ hè đó đây, tín hữu được khích lệ biết nhìn ngắm thiên nhiên, vui hưởng cảnh đẹp của môi sinh, và ý thức được bổn phận của mình là phải tôn trọng và giữ gìn môi sinh.
Hỏi: Đề tài nói trên có điểm gì đánh động Đức Ông hay không?
Đáp: Có, đó là sự kiện Đức Thánh Cha đã lấy lại và đề nghị trở lại với tất cả mọi người dữ kiện Kinh Thánh như được trình bầy trong các trang đầu của sách Sáng Thế (St 2,15). Con người được Thiên Chúa đặt để trong vườn địa đàng để vun trồng và giữ gìn nó. Như thế Kinh Thánh trình bầy một ơn và một bổn phận, trong nghĩa không phải giữ gìn một cách thụ động, để ý đừng để cho nó vỡ hay sứt mẻ đi, mà là một sự tham dự trực tiếp tích cực. Nó cũng diễn tả một ơn không được hiểu trong nghĩa chỉ giữ ơn đó cho riêng mình, mà giữ gìn nó cho cộng đoàn, sử dụng nó cho tập thể.
Hỏi: Như vậy đề tài diễn tả một hiệu qủa giữa dấn thân giữ gìn thụ tạo và hành động cho hòa bình. Chúng ta đã ý thức được nhiệm vụ này tới mức nào thưa Đức Ông?
Đáp: Nhắc lại sự kiện này là việc quan trọng, vì đôi khi người ta bị gợi hứng bởi một huynh hướng duy môi sinh thái qúa, chỉ chú ý tới chuyện cứu các loài vật khác nhau, mà lại không chú ý tới việc duy trì và cứu sống con người, bắt đầu từ việc cứu sống các phôi thai. Đức Thánh Cha đặt để chúng ta trước việc cần thiết phải giữ gìn con người trong sự toàn vẹn của nó, bên trong cái nhìn toàn cầu của thiên nhiên.
Hỏi: Từ các thay đổi khí hậu cho tới việc sử dụng các kỹ thuật sinh học đều hiển nhiên có các bất quân bình có thể xảy ra trên bình diện toàn cầu. Nhưng tại ”địa phương” tương quan tế nhị, mà đề tài của sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới đề ra, được nhìn như thế nào?
Đáp: Tại khắp nơi chúng ta đều có thể nhận ra rằng thiên nhiên luôn luôn sống động. Nó không phải là một bồn chứa vô hình thể, nhưng nó phản ứng một cách tích cực và tiệu cực đối với sự can thiệp của con người. Con người càng biết giữ gìn thụ tạo bao nhiêu, thì thiên nhiên càng cống hiến cho con người cái tinh túy nhất của nó bấy nhiêu. Có những biến cố chứng minh cho thấy loài người chúng ta không chú ý và không lo lắng gì tới thiên nhiên, chúng ta phải luôn ý thức rằng chúng ta tất cả đều ở trong tình trạng bất toàn, không đầy đủ, như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Roma: Toàn thụ tạo đều rên siết và đau khổ chờ đợi được cứu rỗi, được biến đổi, và nó bao gồm cả loài người chúng ta nữa.
Hỏi: Tình trạng báo động môi sinh như đề tài gợi ý cho chúng ta, không chỉ được đương đầu trên bình diện môi sinh trở thành đồi tệ và dơ bẩn, mà cũng phải được đối phó như là lãnh vực có thể làm nảy sinh ra các bạo lực mới nữa, có đúng thế không thưa Đức Ông?
Đáp: Con người càng không coi mình như là các hòn đảo riêng rẽ, nhưng như là anh chị em liên kết với nhau bao nhiêu - như Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ trong thông điệp ”Yêu thương trong sự thật” - thì lại càng có thể dấn thân giữ gìn và vun trồng thụ tạo một cách hữu hiệu bấy nhiêu. Nếu nền văn hóa tùy thuộc nhau này giảm thiểu đi, thì người ta sẽ đi tới các xung khắc, kể cả các xung đột bạo lực nhằm chiếm hữu các nguồn tài nguyên sơ đẳng như nước uống.
Vấn đề rác rưởi xảy ra tại Italia trong năm nay cũng nhắc cho chúng ta biết điều đó. Nó đòi buộc chúng ta phải có các lựa chọn cá nhân và tập thể: nếu mỗi người trong chúng ta không xả rác, cho dù chỉ là một mẩu giấy xuống đất, thì những người hốt rác sẽ chỉ có nhiệm vụ hốt lá cây rơi trên đường phố thôi.
Hỏi: Đức Ông có nghĩ rằng đề tài này có thể thôi thúc sự dấn thân của các chính quyền liên quan tới ”các mục tiêu của ngàn năm thứ ba” hay không?
Đáp: Có chứ. Văn bản sứ điệp của Đức Thánh Cha sẽ trở thành một điểm tham chiếu, cả cho tất cả những người làm việc tạo dựng hòa bình mà không có niềm tin tôn giáo, như đã từng thấy trong qúa khứ. Và nó cũng có thể được đào sâu trên bình diện đại kết và đối thoại liên tôn nữa.
Hỏi: Vậy thì đâu là những chặng kế tiếp thưa Đức Ông?
Đáp: Tôi đang nghĩ tới ngày mùng 1 tháng 9 tới đây là ”Ngày canh giữ thụ tạo”. Tôi thích dùng từ canh giữ hơn là cứu vớt, vì từ cứu vớt xem ra ít có tính cách dấn thân, và là ngày được cử hành trong nhiều giáo phận Italia. Đồng thời tôi tin rằng cùng đề tài này sẽ được lấy lại trong ngày Hòa Bình Thế Giới 2010 trong nhiều giáo phận. Trên bình diện Giáo Hội toàn nước, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức ngày tuần hành toàn quốc vào cuối năm. Năm nay cuộc tuần hành sẽ diễn ra trong ba ngày: ngày 30 tháng 12 nó sẽ bắt đầu tại giáo phận Terni với một cuộc suy tư; ngày 31 là ngày tuần hành chính một cách rất có ý nghĩa tại L'Aquila là vùng bị động đất; và cuộc tuần hành cho hòa bình sẽ kết thúc ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2010 tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự thánh lễ cho Ngày Hòa Bình Thế Giới do Đức Thánh Cha chủ sự.
(Avvenire 30-7-2009)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19