Tranh chủ đề "Truyền Tin"

Tranh chủ đề "Truyền Tin"

WGPSG -- Thiên Thần Gabrien đến gặp trinh nữ Maria, truyền tin nàng sẽ thụ thai bởi hồng ân Thiên Chúa, và con nàng, sẽ là Đấng Cứu thế...

Biến cố này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với người Công giáo trong niềm tin về Mầu nhiệm Nhập thể và công cuộc Cứu độ của Thiên Chúa… mà còn đi vào tâm thức con người nói chung, như hình ảnh về sức mạnh của ân sủng và tiết hạnh, của đức tin và sự công chính…

Vì thế, biến cố này đã đi vào lịch sử nghệ thuật Công giáo, ít nhất kể từ thế kỷ XII, như là một trong những chủ đề quan trọng bậc nhất, để lại vô số thành tựu với rất nhiều tác phẩm bất hủ... Đây còn là nguồn cảm hứng cho không ít nghệ sĩ ngoại đạo ở khắp mọi nơi, cho đến ngày nay...

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đã nêu ra thắc mắc là tại sao người ta đã không tìm thấy dấu vết của chủ đề này trong suốt mười thế kỷ đầu của lịch sử nghệ thuật Công giáo (từ thế kỷ III đến thế kỷ XII). Phải chăng các nhà Thần học và các nhà Truyền giáo đã có sự thiếu sót? Hay phải chăng cuộc chiến "bài trừ ảnh tượng" đã quá tàn khốc?

Từ giữa thế kỷ XII, số lượng icon về chủ đề "Truyền tin" xuất hiện ngày càng nhiều. Dưới đây là vài tác phẩm tiêu biểu:

 

Icon Nga-TK 14

Trong hệ thống icon Công giáo và Chính thống giáo, theo các nhà nghiên cứu, mảng icon này, có cấu trúc ngôn ngữ đơn giản nhất. Gần như hầu hết chỉ tập trung mô tả biến cố "Truyền tin" như một sự kiện thực tế, chứ không hướng đến ý nghĩa thần học như thường thấy. Chính bởi sự đơn giản trong mảng icon này, mà các nhà nghiên cứu đã nêu ra câu hỏi về sự thiếu sót của các nhà Thần học và các nhà Truyền giáo đối với mảng đề tài này trước đó...

Bước vào kỷ nguyên "lịch sử nghệ thuật gắn liền với tên tác giả", tác phẩm được biết đến nhiều nhất về chủ đề "truyền tin", chính là tác phẩm của Simone Martini (1284–1344) vẽ năm 1333 cho một bàn thờ trong Đại giáo đường thành Siena, ở Florence, Uffizi.

Simone Martini-1333-Tempera on wood, 184 x 210 cm, Galleria degli Uffizi, Florence

Đây cũng được xem là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nghệ thuật Gothic về chủ đề này. Hầu như mọi sử gia nghệ thuật đều hết lời khen ngợi. Nhiều người cho rằng tác phẩm này là sự kế thừa hoàn hảo các chuẩn mực của nghệ thuật Byzantium ở sự tuân thủ các qui phạm nghiêm ngặt của chủ đề trong hình thức "kiểu thức hóa", nhưng đồng thời cũng hết sức mới mẻ và đầy cá tính. Sự khéo léo trong cách bố cục vừa ước lệ vừa tự nhiên, đặc biệt, sự uyển chuyển tinh tế của hình dáng nhân vật và đường nét... đã khiến cho tác phẩm vừa uy nghiêm vừa có sức quyến rũ lạ thường. Wendy Beckett trong Histoire de la Peinture đã viết: "Những nhân vật của Simone Martini có vẻ thanh tao khác thường. Thiên thần hay người phàm tục với một vẻ đẹp tình tứ, họ xuất hiện một cách uy nghiêm, vừa thuộc về thế giới chúng ta vừa thuộc về thiên giới. Từ người họ toát ra một thứ ma lực siêu nhiên. Tác phẩm của Martini cho thấy một sự táo bạo về màu sắc và sức mạnh của niềm tin, những thứ tạo cho ông địa vị trong làng hội họa và buộc chúng ta bước vào thế giới tưởng tượng lạ lùng của ông." Còn E. H. Gombrich, trong The story of Art, đã cho rằng: "Toàn bộ bức tranh thực sự giống như một tác phẩm quí giá nào đó của thợ kim hoàn, với các nhân vật nổi bật trên hậu cảnh màu vàng, được sắp xếp khéo léo đến độ chúng tạo nên một kiểu mẫu đáng ngưỡng mộ..."

Kể từ thời Phục Hưng, tranh về chủ đề "Truyền tin" nở rộ. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, sự bùng nổ của chủ đề "Truyền tin" trong hội họa, ở thời kỳ này, không đơn giản chỉ là kết quả ước thác từ Giáo hội như trước đó, mà là sản phẩm của tình cảm tự nhiên, và mang tinh thần thời đại. Chúng ta đã biết, thời đại Phục hưng trong nghệ thuật, là thời đại của những niềm say mê khám phá và trình hiện những bí ẩn của tự nhiên - nơi thế giới tâm hồn con người với lý tưởng hướng đến những vẻ đẹp nhân văn. Và, cùng với tất cả, là ý thức về cá tính, về phong cách trong nghệ thuật, và đam mê khám phá khả năng thể hiện vô tận của ngôn ngữ tạo hình... Chủ đề "Truyền tin", là một trong những chủ đề phù hợp nhất với những say sưa, đam mê và lý tưởng này. Chúng ta sẽ thấy, tranh chủ đề "Truyền tin" từ thời Phục hưng, đặc biệt trong suốt thời Phục hưng và Baroque, không chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện mà còn khác nhau rất nhiều trong cách kiến giải chủ đề.

Tác phẩm "Truyền tin" của Fra Angelico (1395-1455) sáng tác trong khoảng thời gian từ 1438 đến 1445-có ảnh dưới đây-được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ thuật Phục Hưng thời kỳ đầu.

Fra Angelico, 1438-45, fresco, 230×321 cm, Museo San Marco

Nếu so với tác phẩm thuộc truyền thống Gothic của Simone Martini vừa giới thiệu ở trên, tác phẩm này của Fra Angelico có sắc thái quá dung dị. Tuy nhiên, chính sự dung dị này đã làm nên giá trị. Tác giả không chú tâm tạo nên sự sửng sốt, choáng ngợp. Trong tác phẩm, ông chỉ muốn trình bày câu chuyện Thánh với tất cả vẻ đẹp và sự giản đơn của nó. Ông hướng đến sự khiêm nhường, tĩnh lặng. Và, tác phẩm của ông đã khơi dậy nhiều cảm xúc sâu lắng hơn nơi tâm hồn người xem... Nhiều nhà phê bình nghệ thuật cho rằng, sự khiêm nhường, tĩnh lặng nơi tác phẩm của Fra Angelico đã biểu hiện tinh thần với đức tin kiên định nơi ông...

Tác phẩm của Rogier van der Weyden (1399-1464) này cũng là một tác phẩm "Truyền tin" điển hình của nghệ thuật Phục Hưng thời kỳ đầu.

Rogier van der Weyden, 1440, oil on panel, 86 × 92 cm, Musée du Louvre, Paris

Xem tranh, dễ thấy, Rogier van der Weyden khác quá xa Fra Angelico. Trong khi Fra Angelico chủ yếu tập trung vào cách kiến giải chủ đề, nhằm làm sáng tỏ tư tưởng, thì với Rogier van der Weyden, mọi mối bận tâm chủ yếu tập trung vào khía cạnh hình thức. Trong tranh, ông không ngần ngại sử dụng lại những biểu tượng quen thuộc và sự kiểu thức hóa của nghệ thuật Gothic. Ông cũng không che giấu sự say mê mô tả không gian và thế giới sự vật như ở Jan Van Eyck. Bức tranh chinh phục người xem bởi "sự chân thực vật lý" và vẻ đẹp quý phái của hình ảnh...

Còn tác phẩm của Sandro Botticelli (1445-1510) dưới đây lại mang một tinh thần khác nữa. Theo nhiều sử gia nghệ thuật, đây có lẽ là tác phẩm "Truyền tin" nổi tiếng nhất của thời đại Phục hưng.

Sandro Botticelli, 1489-1490, Tempera on panel, 150 cm × 156 cm, Uffizi, Florence

Nổi tiếng nhất, bởi sắc thái lãng mạn và sự duyên dáng của nó. Sandro Botticelli hầu như không bận tâm nhiều đến ý nghĩa chủ đề như Fra Angelico; cũng không tập trung phô diễn kỹ thuật tái tạo thế giới sự vật như Rogier van der Weyde. Ông quan tâm nhiều hơn đến phản ứng của trinh nữ Maria trước biến cố bất chợt này. Và thể hiện, chủ yếu thông qua diễn tả thế dáng nhân vật và sự chuyển động của đường nét. Đức trinh nữ đã giật mình hoảng hốt trước sự xuất hiện bất ngờ trong dáng vẻ khiêm cung của vị Thiên sứ. Nhiều nhà phê bình đã nói về "cú chạm tay phiêu hốt" đầy mê hoặc nơi tác phẩm. Và, có người, đã liên hệ đến "cú chạm tay" của Đức Chúa trời trong tác phẩm "Sự tạo thành Ađam" của Michelangelo. Cái màu đỏ nơi áo Đức trinh nữ và nơi áo vị Thiên sứ gơi cảm giác về một sự sống mới, một sức sống mới đang hình thành...

Trong thời Baroque, khi mà các giáo đường Công giáo ở châu Âu được xây dựng rầm rộ, đặc biệt, do các tín điều về sự Thông công của Đức mẹ Maria trong công cuộc Cứu chuộc của Chúa đã được phổ cập rộng rãi, tranh về chủ đề "Truyền tin" xuất hiện nhiều hơn nữa, và được thể hiện như một sự kiện thánh thiêng - mang màu sắc thần thoại - "không bàn cãi"...

Dưới đây là hai tác phẩm "Truyền tin" tiêu biểu nhất của thời kỳ này - một của Caravaggio (1571-1610), một của Rubens (1577-1640):

Caravaggio, 1608, Oil on canvas, 285 cm × 205 cm, Musée des Beaux-Arts de Nancy, Nancy

 

Peter Paul Rubens, 1609-10, Oil on canvas, 224 x 200 cm, Kunsthistorisches Museum, Vienna

Trong hội họa Rococo, cái tính chất Thánh thiêng mang màu sắc thần thoại đã có trong nghệ thuật Baroque càng được đẩy xa hơn nữa. Tác phẩm của Paolo de Matteis (1662-1728) có ảnh ngay dưới đây là tác phẩm "Truyền tin" tiêu biểu của thời kỳ này.

Paolo de Matteis, 1712, oil on canvas, 206.1 x 178.1 cm, Saint Louis Art Museum

Và, dưới đây, là vài tác phẩm "Truyền tin" được biết đến nhiều nhất ở Thế kỷ XX:

Trước hết, là tác phẩm sáng tác năm 1913 của Maurice DENIS (1870-1943), người Pháp, một tín đồ Công giáo thuần thành, một họa sĩ Tượng trưng nổi tiếng.

Maurice DENIS (1870-1943), 1913

Điều khiến người ta yêu thích tác phẩm này, ngoài ý nghĩa tượng trưng của màu sắc - “tràn ngập ánh sáng Thiên Chúa” - chính là sắc thái trong trẻo, hồn nhiên toát lên một vẻ đẹp thánh thiện mà gần gũi của nó…

Còn bộ ba tác phẩm “sáng tác năm 1990, của nữ họa sĩ người Nga Suvorova Olga (1966), có ảnh dưới đây, đang thu hút sự quan tâm của giới phê bình nghệ thuật Âu-Mỹ, và được xem là tác phẩm “Truyền tin” tiêu biểu của kỷ nguyên hậu hiện đại.

Suvorova Olga (1966), 1990

Suvorova Olga (1966), 1990

Suvorova Olga (1966), 1990

Nhiều nhà phê bình đã cho rằng, bộ ba tác phẩm này, là sự hòa trộn tuyệt vời các yếu tố truyền thống với các yếu tố đương đại; các yếu tố tượng trưng với các yếu tố hiện thực; và cả các yếu tố thánh thiêng với các yếu tố trần tục. Với sự hòa trộn như vậy, trường nghĩa của các tác phẩm mở rộng mênh mông. Điều khiến các nhà phê bình băn khoăn nhất trước bộ ba tác phẩm của Suvorova Olga, chính là bên cạnh dáng vẻ tự tin, mạnh mẽ của Đức Trinh nữ, các vị Thiên sứ xem ra lại quá tư lự. Nhiều người cho rằng, đây có thể là một ẩn dụ chính trị!

Top