Trưng bày Bộ Đèn gốm sứ qua các thời đại

Trưng bày Bộ Đèn gốm sứ qua các thời đại

WGPSG -- Phòng trưng bày Bộ Đèn gốm sứ qua các thời đại - với chủ đề “Ánh Sáng Muôn dân” để hưởng ứng năm đức tin - đã được khai mạc vào lúc 9g30 ngày 7/4/2013, tại Nhà Truyền thống Tổng giáo phận TPHCM, 6 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.

Đến tham dự có Cha Rôcô Nguyễn Kim Duy - Quản lý Nhà truyền Thống, Cha Phanxicô Bảo Lộc - Trưởng ban Đối thoại Liên Tôn, Bà Phó Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Ông Phạm Thành Nam - Trưởng phòng Quản lý di sản Thành phố, Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch hội Cổ vật TP, Ông Diệp Minh Cường - Phòng Sưu tập và trưng bày của Bảo tàng thành phố, Ông Vũ Anh Tuấn - Chủ nhiệm câu lạc bộ sách Xưa và Nay, Ban chủ nhiệm và hội viên hội Cổ Vật TP, Ban chủ nhiệm và hội viên Câu lạc bộ Gốm Nam Bộ, Nhóm Cổ Xưa của Thành phố, nhân sĩ trí thức, các nghệ nhân, các nhiếp ảnh, các chuyên gia khảo cổ, các phóng viên báo đài, cùng các vị khách quý.

Đây là lần triển lãm cổ vật thứ hai của Ban Văn hóa Tổng Giáo Phận TP.HCM. Trước đấy, cuộc trưng bày về cổ vật và thư tịch cổ Công Giáo đã diễn ra từ tháng 8 năm 2012 đến tháng 2 năm 2013.

Cuộc trưng bày lần này giới thiệu một phần trong bộ sưu tập của Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Trưởng ban Văn hóa của Tổng Giáo phận, với trên 300 chiếc đèn - là đại diện các đèn cổ của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp…, qua nhiều triều đại, từ trước công nguyên cho đến thế kỷ 20. Đặc biệt có các bộ đèn gốm sứ truyền thống từ các địa phương của Việt Nam như Quảng Ngãi, Châu Ổ, Vĩnh Long, Biên Hòa, Lái Thiêu…

Trong lời phát biểu khai mạc phòng triển lãm, linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, trưởng ban tổ chức cho biết: “Cuộc trưng bày đợt I - từ ngày 25/8/2012 đến tháng 2/2013 - có hơn 150 tác phẩm hán nôm và Kitô giáo, là các tài liệu lịch sử của việc hình thành chữ quốc ngữ, nói lên sự góp phần của Giáo hội Công giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học nước nhà. Cuộc trưng bày đợt 2 với chủ đề “Ánh Sáng Muôn Dân” cũng không ngoài mục tiêu trên. Cuộc triển lãm cũng đáp ứng chủ trương của Bộ Văn Hóa: xã hội hóa hoạt động bảo tồn và bảo tàng, quảng bá các giá trị văn hóa cho đồng bào khắp nơi. Giới hạn cuộc trưng bày kỳ này chỉ có các đèn cổ bằng đất nung, gốm, sứ.”

Tiếp theo, Cha Rôcô Nguyễn Kim Duy - Quản lý Nhà Truyền Thống - bày tỏ tâm tình: “Ước mong mọi người cùng nhau thắp lên ngọn đèn trong trái tim của mình, ngọn đèn trong gia đình mình, khi nhìn thấy những hiện vật được trưng bày ở nhà Truyền Thống. Cuộc triển lãm thắp lên trong lòng chúng ta ngọn lửa để chúng ta trân quý kho tàng văn hóa của dân tộc.”

Sau đó, Ông Vũ Văn Quỳnh - chủ tịch Hội Cổ vật Thành phố phát biểu: “Có thể nói linh mục Nguyễn Hữu Triết là người lớn tuổi nhất trong Hội Cổ vật của chúng tôi, cũng là người có những bộ sưu tập thành đạt nhất trong hội. Trong bộ sưu tập cổ vật đồ sộ gồm gốm sứ, đồng, đá, đất nung, nổi bật cách đặc biệt là bộ sưu tập đèn và sách. Với hai chữ “đèn sách”, có lẽ linh mục muốn nói lên cho chúng ta một ý nghĩa gì đó… 1400 cái đèn cùng với bộ sưu tập sách đồ sộ, đó quả là một di sản rất đáng quý, mà linh mục Nguyễn Hữu Triết đã dày công sưu tập cho thế hệ sau này. Đứng trước một tài sản quý như vậy, hội viên Hội Cổ Vật chúng tôi rất tự hào vì có một thành viên có những bộ sưu tập quý như vậy. Bộ sưu tập đèn cổ - gồm những chiếc có từ trước công nguyên đến hiện đại - đã đi vào Guinness Việt Nam. Bộ sưu tập của Cha Triết đã được triển lãm ở Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre… đi đến đâu cũng được mọi người đón nhận rất phấn khởi…”.

Đặt biệt Ông Ung Thanh Dũng - Chủ tịch nhóm Cổ Xưa - đã trao tặng 3 chiếc đèn cổ cho nhà Truyền Thống. Cha Triết đã tiếp nhận trong tiếng vỗ tay của những người tham dự.

Cuối buổi lễ khai mạc, Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, Cha Rôcô Nguyễn Kim Duy và Ông Nguyễn Văn Quỳnh đã cắt băng khánh thành Phòng Trưng bày.

Phòng Trưng bày Bộ đèn gốm sứ qua các thời đại với chủ đề “Ánh sáng muôn dân” được mở cửa từ ngày 7/4/2013 đến 24/11/2013, trừ thứ hai và những ngày đại lễ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top