Truyền thông xã hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng
Dẫn nhập
Loan báo Tin Mừng luôn là sứ mệnh cấp thiết mà Đức Kitô mời gọi Giáo Hội thi hành dù ở bất cứ thời đại nào. Tuỳ thuộc vào những hoàn cảnh đặc thù và sự tiến triển của xã hội mà mỗi giai đoạn Giáo Hội định ra cho mình phương thức rao truyền Lời Chúa theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Trong thời đại hôm nay, đứng trước nhu cầu phục vụ lợi ích thiêng liêng, Giáo Hội đã khôn ngoan đưa ra những sáng kiến và can đảm sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
“Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người và do đó có nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm, Giáo hội Công giáo nhận thấy mình cũng có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cách đúng đắn” (Vatican II, IM, số 4).
1. Truyền thông và các phương tiện truyền thông xã hội
Truyền thông được sử dụng nhiều ở các lĩnh vực khác nhau và theo nghĩa rộng nhất của nó là sự tạo ra mối liên hệ giữa hai đối tượng có thể mang bản chất sự sống hay không. M. Weber đã định nghĩa “truyền thông như là phương diện của tương tác xã hội làm sáng tỏ các nghĩa mang tính chủ quan của một hành động xã hội” (G. Endruweit và G. Trommsdorff, Từ điển Xã hội học, NXB. Thế Giới, 2002, tr. 518).
Phương tiện truyền thông xã hội, theo Mark Dykeman, “là những phương tiện cho bất kỳ người nào tới: xuất bản nội dung kỹ thuật số sáng tạo, cung cấp và có được thông tin phản hồi thời gian thực thông qua các cuộc thảo luận trực tuyến, bình luận, và đánh giá; và kết hợp các thay đổi hoặc cải chính với nội dung ban đầu”.
2. Giáo huấn của Giáo Hội về truyền thông xã hội
Quan tâm đến những vấn đề đang được đặt ra cho Giáo Hội trong giai đoạn mới, ngoài các hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn mang tính nền tảng, Công đồng Vatican II còn đưa ra Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội (Inter Mirifica). Đây là Sắc lệnh mang tính chất cụ thể và mục vụ, “kết thúc một giai đoạn ý thức về sự lợi hại của các phương tiện, và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, là giai đoạn tổ chức lại những nỗ lực của tất cả những người và những cơ quan Công giáo đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông” (IM, Lời giới thiệu).
Lý do thúc đẩy Công đồng quan tâm đưa ra Sắc lệnh Inter Mirifica, đó là: “Giáo Hội là Mẹ cũng biết rằng những phương tiện đó, nếu được sử dụng đúng đắn sẽ mang lại những lợi ích hữu hiệu cho nhân loại vì chúng đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, huấn luyện tinh thần cũng như việc mở rộng và củng cố Nước Chúa. Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể dùng chúng nghịch lại với ý định của Đấng Tạo Hoá, và làm nguy hại cho chính mình; hơn nữa Giáo Hội là Mẹ hết sức đau lòng vì những thiệt hại quá thường xảy ra cho xã hội con người do việc cố ý dùng sai những phương tiện này” (số 2).
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng đề cập đến vai trò, mục đích và những định hướng luân lý khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (số 906, 2492-2496).
“Trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông xã hội có một vai trò quan trọng trong việc thông tin, việc thăng tiến văn hoá và việc giáo dục đào tạo…” (số 2493).
Các sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, nhất là những sứ điệp gần đây (42, 43, 44) đã trực tiếp đề cập đến thực trạng của truyền thông xã hội trong đời sống xã hội nói chung và cách riêng với công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 44 đã nêu bật tính bổ trợ giữa hoạt động truyền thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng: “… Quả thế, khi nắm trong tay những phương tiện mang lại một khả năng diễn đạt hầu như vô hạn, thế giới kỹ thuật số mở ra những viễn ảnh hiện tại hoá đáng kể cho lời khích lệ của Thánh Phaolô: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Do đó, với việc phổ biến chúng, trách nhiệm loan báo không chỉ gia tăng, nhưng còn trở nên cấp bách hơn và đòi hỏi một sự dấn thân có động cơ và hữu hiệu hơn…”.
3. Thực trạng truyền thông xã hội hôm nay
* Những tác động tích cực
Nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, nhân loại hôm nay đang xích lại gần nhau hơn để cùng trao đổi, học hỏi và cùng nhau hành động theo những gợi mở tinh tuý, bổ ích từ những nền văn hoá khác nhau. Nó hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đối thoại để hướng tới mục tiêu hiệp nhất mà loài người đang theo đuổi. Một khi chúng ta đã tìm được tiếng nói chung, cũng có nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý và những định hướng tốt nhất cho những vấn đề chung cấp bách hiện nay: xung đột sắc tộc, tôn giáo, nghèo đói, giáo dục, môi trường… Các phương tiện truyền thông sẽ giữ vai trò tiên phong cho tiến trình này một khi con người biết khôn ngoan sử dụng nó. Như Tuyên ngôn của Hội đồng Giám mục Ấn Độ về vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội, đã phần nào nói lên điều này:
“Chúng tôi vui mừng ghi nhận rằng các phương tiện truyền thông chính yếu tại Ấn Độ cách chung đã góp phần quan trọng trong việc cổ vũ cho những giá trị dân chủ và dân sự. Đôi khi trước áp lực mạnh đến từ những thế lực đối nghịch, các phương tiện truyền thông này đã cố gắng bảo vệ những quyền lợi của các công dân, nhất là của những kẻ yếu thế và thuộc thành phần thiểu số. Chúng tôi nói lên tâm tình biết ơn đối với các phương tiện truyền thông này vì đã góp phần đáng kể, để giải phóng xã hội Ấn Độ khỏi những thế lực tối tăm, như kỳ thị giai cấp, lòng thù ghét giữa các nhóm, nạn tham nhũng và tội phạm. Chúng tôi ngưỡng mộ tất cả những ai giữ vững lập trường trong một thế giới tranh giành thị trường, để không “loan tin giật gân”, không cổ vũ lòng hận thù trong xã hội. Họ đã chứng tỏ rằng các phương tiện truyền thông có một vai trò tiên tri, một ơn gọi, là biết nói lên tiếng nói chống lại những thần tượng giả tạo và những lý tưởng chóng qua, như chủ thuyết duy vật, chủ thuyết hưởng thụ và tinh thần quốc gia hẹp hòi”.
Đối với các gia đình, các phương tiện truyền thông hiện đại đã đem lại cho họ những thụ hưởng to lớn về thông tin, tri thức giáo dục, văn hoá - xã hội và cả những đáp ứng giúp tăng trưởng về đời sống tâm linh mà trước đây đa số các gia đình không dám nghĩ tưởng đến.
Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet, đã góp phần đem lại nhiều thành tựu đáng kể cho công cuộc loan báo Tin Mừng hiện nay. Nó không chỉ giúp cung cấp một lượng kiến thức khổng lồ liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội mà còn liên tục cập nhật, phản ánh nhanh chóng các nỗ lực trong hoạt động truyền giáo khắp nơi. Đặc biệt, chính các phương tiện này đã bắc nhịp cầu liên đới giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức rộng lớn khi thi hành sứ vụ tông đồ; nhờ đó, các đối tượng này có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quý và có thể tương trợ những nguồn lực quan trọng trong diễn trình truyền rao Lời Chúa. Và đây chính là con đường vô hình tốt nhất cho Lời Chúa lan toả đến mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nêu lên trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 44: “… Lời Chúa sẽ có thể băng qua những ngã đường vô số được tạo nên do mạng lưới giao nhau của những đường cao tốc đang cày nên không gian mạng và khẳng định “quyền công dân” của Thiên Chúa cho dầu vào thời đại nào, để xuyên qua những hình thức truyền thông mới mẻ, Ngài có thể tiến bước trên những con đường dài của thành phố và dừng lại ở ngưỡng cửa của những mái nhà và những tâm hồn để vẫn còn nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, Ta sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Một kinh nghiệm thực tế cho thấy vai trò của các trang mạng Công giáo trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại miền Trung Việt Nam. Các trang tin này đã liên tục cập nhật tin tức, hình ảnh liên quan đến các vùng bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt, nhờ đó đã giúp cho đồng bào, đồng hương từ khắp muôn phương kịp thời nắm bắt tình hình và nhiệt tâm cứu trợ trên tinh thần “con một Cha, nhà một Chúa”.
* Những hạn chế và bất cập
Bên cạnh những tác động tích cực đối với xã hội, các gia đình và Giáo Hội, các phương tiện và hoạt động truyền thông xã hội hiện vẫn tồn tại những hạn chế và bất cập.
Mối bận tâm nhất liên quan đến hiệu quả của hoạt động truyền thông hiện nay chính là vấn đề đạo đức truyền thông. Theo tác giả Thiên Phong khi bàn về “Truyền thông, những bất cập…”, thì “điều khủng khiếp thật sự, đó là khi người ta làm truyền thông một cách phi đạo đức truyền thông (không thật, không công bằng)…” (Web Xuân Bích Việt Nam). Thực trạng này cũng được nêu lên trong bản Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số Vấn đề trong Hoàn cảnh Hiện nay: “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó, con người được gia tăng hiểu biết và tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cho cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và của dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này”.
Bên cạnh những tác động tích cực, các phương tiện truyền thông xã hội đang là nguyên nhân làm cho nhiều người trẻ hiện nay “bị làm cho tê dại vì vô vàn khả năng cung ứng bởi mạng lưới toàn cầu và các kỹ thuật khác” trong khi họ dự phần vào những phương pháp truyền thông có cơ nguy là gia tăng cảm giác về sự cô đơn và mất định hướng” (theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI).
Ngoài thực trạng kể trên, Giáo Hội tại Việt Nam đang thiếu đi những phương tiện truyền thông chính yếu trong hoạt động loan báo Tin Mừng. Giới Công giáo chưa có một cơ quan ngôn luận chủ quản chính thức về báo viết. Mọi nguồn tin liên quan đến đời sống tôn giáo của đông đảo tín hữu chủ yếu dựa vào các trang mạng của các giáo phận, nhưng trên thực tế việc tiếp nhận theo phương cách này còn rất nhỏ lẻ, do đa số bà con giáo dân tại các giáo xứ còn nghèo, lại hạn chế về trình độ thu thập thông tin.
Tình trạng yếu kém về truyền thông xã hội của giới Công giáo Việt Nam ngoài lý do “pháp lý”, theo Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, “phải chăng còn có yếu tố nội bộ, do sự thiếu nhiệt thành, thiếu năng động, ít sáng tạo và tổ chức yếu kém? Chúng ta đang sống trong giai đoạn thông tin kỹ thuật số: thông tin không chỉ được phổ biến trên nguyệt san, tuần san hay nhật báo, mà còn trên mạng, với nhịp độ từng giờ, từng phút và từng giây” (Gm. Paul Nguyễn Thái Hợp, OP, Việt Nam dấu yêu Quê Hương và Giáo Hội, 2010, tr. 268).
4. Mục vụ truyền thông: cần một hướng đi
Trước những bất cập đang đặt ra, mục vụ truyền thông Công giáo cần một hướng đi đúng đắn, cụ thể, hiệu quả theo những gợi mở mà Công đồng Vatican II đã đưa ra trong Sắc lệnh Inter Mirifica. Tuân theo những chỉ dẫn của luật luân lý là ưu tiên hàng đầu cho việc triển khai hoạt động truyền thông trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Người làm công tác truyền thông cần “cân nhắc nội dung những gì được truyền thông, tuỳ bản tính riêng của mỗi phương tiện; đồng thời họ cũng phải chú ý đến mọi trường hợp hay hoàn cảnh, tức là mục đích, khán thính giả, địa điểm, thời gian liên quan đến việc truyền thông này: chính những trường hợp hay hoàn cảnh đó có thể biến cải hoặc đổi mới hoàn toàn tính cách luân lý của sự truyền thông…” (IM, số 4).
Các phương tiện truyền thông xã hội chỉ thực sự có ý nghĩa thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng khi nó nhắm mục tiêu là Sự Thật và Đức Ái Kitô giáo; như lời Đức Giêsu đã dạy: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27). Trong quá trình thông tin, “đòi hỏi “sự bảo đảm” tính xác thực của đời sống từ những người làm việc trong ngành truyền thông, và nhất là các ký giả Công giáo; tính xác thực của đời sống vốn không kém hơn chút nào trong thời đại kỹ thuật số” (Thông cáo của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội).
Tính hiệu quả khi rao giảng Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông hệ tại ở việc “mang lại cho con người những chân lý giá trị mà nó nâng đỡ và nâng cao phẩm giá con người” (trích lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II).
Giới trẻ là đối tượng được ưu tiên đặc biệt trong giáo dục đào tạo tâm linh. Do vậy, khi hướng dẫn các em tiếp cận với giáo huấn Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông, thì việc “giáo dục các em sử dụng các phương tiện truyền thông thích hợp là cần thiết về văn hóa đạo đức và tinh thần của các em. Cha mẹ, Giáo Hội và nhà trường có trách nhiệm giáo dục các em biết phân biệt các phương tiện truyền thông… Trẻ em phải được tiếp cận những gì thật đẹp đẽ và đạo đức…” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 41 của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI).
Một nhiệm vụ tối cần thiết đối với mục vụ truyền trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là phải làm sao kiến tạo bầu khí hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa. Vì đây chính là cốt lõi để những người xung quanh nhận ra gương mặt Đức Kitô cách sinh động, thân tín dựa trên những phương thức truyền thông đúng đắn theo chỉ dẫn luân lý đặt ra.
Để có thể hiện thực những định hướng chung này, chúng ta cần triển khai quy tụ đội ngũ những người làm công tác truyền thông có khả năng, giàu tâm huyết. Hướng mục vụ truyền thông này phải làm sao để “mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian…” (IM, số 13).
Để phục vụ việc loan báo Tin Mừng cách hiệu quả và có hệ thống, việc thiết lập “một ban truyền thông trong giáo xứ là khả thi, và cần thiết ngay lúc này. Điều đó cũng lệ thuộc hoàn toàn vào Cha sở. Cha sở có duyệt không? Thiết nghĩ, đã đến lúc, chỉ cần các cha “cho phép” là có thể có ngay những người tâm huyết thiết kế sớm nhất, tốt nhất những bảng thông tin cuối Nhà thờ theo mô hình “Hãy đến mà xem” đã bắt đầu xuất hiện ở một số giáo xứ trong Nam ngoài Bắc” (Cao Huy Hoàng, Truyền thông và Hiệp thông, Web dongcong.net).
Kết luận
Trong bài trả lời phỏng vấn của Web Giáo phận Vinh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã bày tỏ ước nguyện đối với Trang Web Giáo phận nhà: “Ước mong sao Trang tin (trang Web) của giáo phận có thêm cộng tác viên, nhất là các cây viết trẻ và trở thành một phương tiện hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Để thực hiện được điều đó, đã đến lúc cộng đồng Dân Chúa cần ý thức hơn nữa vai trò của truyền thông và tích cực hỗ trợ Trang tin của Giáo phận về tinh thần cũng như vật chất” (Gm. Paul Nguyễn Thái Hợp, OP, sđd, tr. 270). Thao thức của Đức cha Phaolô cũng là nỗi trăn trở, hy vọng của các chủ chăn trong Giáo Hội và người tín hữu nói chung về vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng hôm nay.
ĐCV Vinh Thanh 1-12-2010
bài liên quan mới nhất
- Billie Eilish: Nội dung khiêu dâm khiến tôi bị tổn thương sâu sắc
-
ĐTC trao huân chương giáo hoàng cho hai nhà báo -
Đức Hồng y Bo sẽ khai trương Ứng dụng điện thoại di động mới của Đài Chân Lý Á Châu -
Văn hóa và Bác ái khi sử dụng Mạng Xã Hội -
ĐTC gửi sứ điệp tới 5.600 nhà truyền thông Công giáo Brazil -
ĐTC Phanxicô thăm trụ sở Vatican News và báo Quan sát viên Roma -
Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 55: Những ấn tượng đọng lại -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội lần thứ 55 tại Sài Gòn -
Tín hữu Hoa Kỳ được mời gọi quyên góp giúp hoạt động truyền thông của Giáo hội
bài liên quan đọc nhiều
- Kết quả Tổng điều tra dân số 2019
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Người Công giáo trong tầm ngắm của Big Tech -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo -
Ứng dụng đọc Kinh Mân Côi điện tử “Click to Pray eRosary” -
Thánh lễ tạ ơn 'Thập niên truyền thông' của Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn -
Ủy Ban TTXH / HĐGMVN chúc tết ĐGM Phêrô - thành viên Bộ Truyền Thông Tòa Thánh -
Phát hiện các tin tức giả