Từ vựng Công Giáo: An nghỉ trong Chúa
WGPSG -- Ngày nay, trong các bản cáo phó ta thấy có rất nhiều kiểu báo tin về người quá cố, văn ngôn có thể nói thiên hình vạn trạng. Bên Lương có cách nói, như: An giấc nghìn thu; mãn phần; (an nhiên) thu (thâu) thần thị tịch (viên tịch, tịch diệt), viên tịch;nhập cõi niết bàn; thuận lý vô thường; tiêu diêu nơi miền cực lạc; về nơi chín suối…
Riêng về phía Công Giáo, cách thường thấy là: An nghỉ (nghỉ yên) trong Chúa; được (Thiên) Chúa (thương) gọi về; (vĩnh viễn) ra đi về với Chúa (nhà Chúa); (trở) về nhà Cha (nước Chúa), qua đời, tạ thế, từ trần, vừa (đã) hoàn tất hành trình trần thế (hành trình Đức Tin Công Giáo, cuộc đời thánh hiến), đã mãn phần trong tay Chúa và Mẹ Maria…Vậy, cách nói nào thích hợp. Thiết tưởng cần tìm về truyền thống của Hội Thánh.
1. Truyền thống.
Các mộ bia Công Giáo thường có ghi những chữ R.I.P., viết tắt của “Requiescat in pace” (Rest In Peace: Hãy an nghỉ). Câu này đến từ lời nguyện lễ an táng: “Anima eius et animae omnium fidelium defunctorum per Dei misericordiam requiescant in pace: Nhờ lượng từ bi Chúa, xin cho linh hồn ấy và linh hồn các tín hữu đã qua đời được nghỉ ngơi bình an”.
Trong Sách Isaia cũng tìm thấy câu có nghĩa tương tự: “The just man enters into peace; There is rest on his couch for the sincere, straightforward man: Người công chính bước vào cõi phúc bình an; Kẻ dõi theo đường ngay nẻo chính sẽ nghỉ ngơi trên giường của mình” (Is 57, 2). Câu này đã được tìm thấy trong tiếng Do Thái, trên bia mộ có niên đại từ thế kỷ I trước Công Nguyên, trong nghĩa trang của Beit She’arim, nói về người công chính đã chết, bởi vì anh ta không thể chịu được cái ác xung quanh mình. Câu tắt là “đến và nghỉ bình an”đã được chuyển thành lời cầu nguyện trong tiếng Talmudic cổ đại của thế kỷ III. Nhưng trước thế kỷ VIII, người ta chưa thấy câu “Requiescat in pace” trên mộ bia, sau thế kỷ XVIII thì rất phổ biến.
Thánh lễ an táng trong tiếng Anh thường được gọi là A requiem hay Requiem Mass, vì câu đầu tiên trong ca nhập lễ là: “Requiem æternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Như vậy, truyền thống Hội Thánh luôn nhấn mạnh đến requiem: an nghỉ.
2. Thử tìm câu thích hợp.
Những lời báo tử cách chung chỉ nói là “qua đời”, “tạ thế”, “từ trần”. Trong các tôn giáo thường dùng cách nói thích ứng với niềm tin của mình. Riêng với Công Giáo lại càng cần thiết có cách nói thích hợp hơn, nhằm diễn tả đúng đắn giáo lý của Hội Thánh về mầu nhiệm sự chết và sự sống lại.
Trong những câu thường dùng, chúng tôi thấy câu “an nghỉ trong Chúa” có lẽ tốt hơn. Bởi vì Chúa là cùng đích của con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, và phải trở về với Chúa, Chúa là niềm hoan lạc đời đời. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33, 14) . Chúa Giêsu cũng nói tương tự: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”(1Pr 5,7).
“Requiescat in pace” chỉ có nghĩa là “Nghỉ ngơi trong an bình”, và bài ca nhập lễ của lễ an táng: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời” cũng chỉ là nghỉ yên muôn đời. Nhưng câu “An nghỉ trong Chúa” không những giữ được truyền thống của Hội Thánh, mà còn nhấn mạnh được sự bình an nơi Thiên Chúa. Bài ca “An nghỉ trong Chúa” của Thanh Đan nói: “Khi tấm khăn phủ che thân xác con, con an nghỉ trong Chúa Tình Yêu”.
3. Cách hành văn.
Trong cáo phó, người ta thường viết: “Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc (đau đớn) báo tin (T.) đã được Chúa gọi về (an nghỉ trong Chúa)…“. Cách hành văn như thế xem ra có sự mâu thuẫn trong niềm tin. Đã có “niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh”, đã “được Chúa thương gọi về” (hay an nghỉ), thì tại sao lại còn “vô cùng thương tiếc” hay “đau đớn” được? Thật ra chỉ cần viết “trân trọng kính báo” thì thích hợp hơn: “gia đình chúng tôi trân trọng kính báo (T.) đã được Chúa gọi về…”
Kết luận
Các bản cáo phó từ sau năm 1975 có nhiều thay đổi, lồng vào ý nghĩa tôn giáo rất hay, nhưng cũng cần chú ý đến tính tổng thể. Nếu thấy người khác dùng một câu nào hay, rồi cứ thế mà đưa vào, vô tình làm sai lệch ý nghĩa.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh