Từ vựng Công Giáo: "Cơ mật viện" Conclave hay Consistorium?
WGPSG -- Chúng ta biết rằng: “Các Hồng Y của Giáo Hội Rôma tạo thành một hiệp đoàn riêng, hiệp đoàn này lo liệu việc bầu cử Ðức Giáo Hoàng Rôma chiếu theo quy tắc của luật riêng; các Hồng Y cũng trợ giúp Ðức Giáo Hoàng, bằng hành động mang tính hiệp đoàn, khi các ngài được triệu tập để cùng bàn luận những vấn đề quan trọng, hoặc với tính cách cá nhân bằng cách giúp Ðức Giáo Hoàng Rôma qua những nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhận, nhất là qua việc chăm lo hằng ngày cho Giáo Hội phổ quát” (Giáo Luật. Điều 349).
Cuộc họp các Hồng Y để bầu cử Đức Giáo Tông tiếng Latinh gọi là conclave (tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cùng chữ). Cuộc họp các Hồng Y do Đức Giáo Tông triệu tập gọi là consistorium (Anh: consistory; Pháp: consistorie),
Bản dịch tiếng Việt, Bộ Giáo Luật 1983 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (xuất bản năm 2006) thì dịch consistorium là cơ mật viện (x. Đ. 350, 353). Trong khi đó thuật từ conclave cũng được nhiều người dịch là cơ mật viện... ?
1. Cơ mật viện (機密院) là gì?
Cơ: có 15 chữ: 機 (机), 基, 飢 (饥), 饑, 姫, 肌, 奇, 箕, 譏 (讥), 犄, 錤, 基, 丌, 觭, 踦, trong trường hợp này là chữ機. Nghĩa là: (dt.) (1) Máy móc gọi chung: Cơ khí, cơ giới, động cơ. (2) Máy bay nói riêng: Phi cơ (máy bay), chuyên cơ (máy bay riêng). (3) Thời điểm, lúc, dịp: Cơ hội, đầu cơ, sinh cơ (dịp may, dịp tốt để làm việc mà sống), thời cơ (dịp may đưa tới đúng lúc). (4) Quan trọng, chính yếu, điểm then chốt, cốt yếu: Quân cơ (việc trọng yếu trong hoạt động của quân đội), thiên cơ; xu cơ: (i) Phần trọng yếu nhất; (ii) Chức vụ trọng yếu trong triều đình, trong chính phủ trung ương). (5) Vật có tổ chức (Hoá): Hữu cơ (chỉ chung các vật, các chất có sự sinh hoạt, có sự sống), vô cơ (chỉ chung những vật không có sự sống chết). (6) Nguyên nhân thúc đẩy, lý do xảy ra hay thay đổi của sự việc: Động cơ, tâm cơ(dục vọng trong nội tâm). (tt.) (7) Nhanh nhẹn, linh động, tài khéo: cơ trí, cơ xảo, tuỳ cơ ứng biến.
Mật: có 6 chữ: 密, 蜜, 宓, 虙, 謐 (谧), 嘧, ở đây là chữ 密, nghĩa là (dt.) (1) Riêng tư: Bất khuy mật (không nhìn lén việc riêng tư người khác). (2) Việc giấu kín không công khai: Bảo mật, bí mật. (3) Kín, dầy đặc: Mật bất thấu phong (gió không lọt qua được). (4) Tỉ mỉ: Chu mật; (5) Phật Giáo Tây Tạng: Mật Tông. (6) Họ Mật; (tt.) (7) Thân mật: Mật hữu. (8) Độ dầy đặc: Mật độ nhân khẩu. (9) Giữ kín:Mật mã. (10) Liền kề: Mật thiết (khắng khít nhau). (pht.) (11) Kín đáo: Mật báo. Nghĩa Nôm: Chất đắng do gan tiết ra: Nằm gai nếm mật (sự tích Câu Tiễn).
Viện: có 5 chữ院, 瑗, 援, 媛, 垸. trong trường hợp này là chữ 院. Nghĩa là (dt.): (1) Sân (có tường bao quanh): Tiểu viện (sân nhỏ). (2) Nơi chỗ, nhà ở (có tường thấp bao chung quanh): Thư viện (chỗ đọc sách), tăng viện (nhà dành cho các thầy tu ở), kỹ viện (nhà chứa), kịch viện (nhà hát). (3) Toà quan, công sở: Thượng viện, hạ viện, tối cao pháp viện, hàn lâm viện, học viện, bệnh viện.
Cơ mật: Việc quan trọng cần giữ kín, việc cơ yếu bí mật. Cơ mật viện (機密院), nghĩa mặt chữ: Cơ quan đặc trách những việc quan trọng kín mật. Cơ mật viện là (1) một cơ quan của triều đình, hoạt động theo phương thức họp kín để bàn luận và tư vấn về những vấn đề quan trọng. Thuật từ này còn được dùng để chỉ (2) các phương thức họp kín để bàn luận, tham vấn về một vấn đề nào đó; cũng chỉ về (3) một kiến trúc hay cơ quan, nơi làm việc của các vị trong hội đồng cố vấn đó.
Về phương diện lịch sử: Ở Trung Quốc, thời nhà Đường (618-907) đã có cơ mật viện, tiếng Hán chính thức gọi là xu[1] mật viện (樞密院), cơ quan này có nhiều thay đổi, có khi chỉ lo về quân sự, có lúc lại kiêm luôn việc của thủ tướng. Ở Nhật Bản, thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno, 明治天皇, 1867-1912) xu mật viện là hội đồng cố vấn cho Thiên Hoàng hoạt động từ năm 1888 đến 1947. Ở Việt Nam, năm 1834, vua Minh Mạng cũng đã thành lập cơ mật viện theo mẫu xu mật viện Triều Tống của Trung Quốc.
Theo daitudien.net, cơ mật viện là: “Tổ chức cao cấp của triều đình, có trách nhiệm bàn bạc và quyết định tất cả các việc đối nội, đối ngoại lớn bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động của quốc gia, đặt dưới sự chủ toạ của vua. Thành viên gồm bốn thượng thư đứng đầu bốn bộ quan trọng nhất, hoặc liên bộ. Bốn viên quan này thường gọi là ‘Tứ trụ triều đình’; khi vua vắng mặt hay còn nhỏ tuổi, bốn viên quan này sẽ kiêm giữ chức ‘Phụ chính đại thần’ để thay mặt vua lãnh đạo đất nước. Dưới thời Pháp thống trị, theo dụ của vua Thành Thái 27.9.1897, sáu thượng thư của sáu bộ đều là thành viên của VCM; có trách nhiệm họp bàn các công việc quan trọng của tất cả sáu bộ và làm tờ trình để vua xét, ra các đạo dụ hoặc sắc chỉ; văn bản do vua xét và kí phải được sự phê chuẩn trước của khâm sứ Pháp; khâm sứ có quyền chủ toạ cuộc họp của VCM. Dụ 23.5.1933 của Bảo Đại quy định lại: Các thượng thư họp dưới sự chủ toạ của vua thì gọi là viện cơ mật; các văn bản như dụ sắc chỉ do viện cơ mật soạn thảo để vua kí, phải được khâm sứ duyệt y trước, các thượng thư họp dưới sự chủ toạ của khâm sứ thì gọi là Hội đồng Thượng thư”.
Viện cơ mật - Tam toà - Trụ sở Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế (1903)
2. Conclave.
Conclave (dt) do hai chữ cum + clavis: với + chìa khoá[2], Nguyên nghĩa có thể là cái phòng có khoá; chữ này có nghĩa là: (1) Nhà tù, nhà lao, trại giam; (2) Phòng ngủ, phòng ăn (3) Không gian kín có thể khoá; (4) Nhà vệ sinh công cộng; (5) Phòng, sảnh. Nghĩa mở rộng: (6) Nơi các Hồng Y họp để bầu Giáo Tông (từ thế kỷ 14); (7) Cuộc họp kín của chính quyền (được ghi nhận năm 1560); (8) Cuộc họp kín bầu Giáo Tông (từ năm 1568).[3]
Vào những thế kỷ đầu, Giáo Hội bầu chọn Giáo Tông bởi một số giáo sĩ và giáo dân. Vào năm 1059, Đức Giáo Tông Nicolas II, theo đường hướng các vị tiền nhiệm, chỉ định Hồng Y Đoàn là thành phần duy nhất được bầu Giáo Tông. Vì chính trị can thiệp quá nhiều vào việc bầu chọn Giáo Tông, nên Công Đồng Lyon II (1247) quy định các Hồng Y phải được ở một nơi tách biệt “cum clavis” (với chìa khoá) cho đến khi bầu được Giáo Tông mới. “Cum clavis”, dần dần biến thành conclave và trở thành một thuật từ chuyên biệt. Conclave lúc đầu chỉ có nghĩa là “nơi các Hồng Y họp lại để bầu Giáo Tông”. Vào năm 1568 có thêm nghĩa mới là “cuộc họp kín bầu Giáo Tông”. Nay conclave có nghĩa là nơi bầu Giáo Tông, cuộc họp kín bầu Giáo Tông.
Điện Sixtine - Nơi các Hồng Y họp bầu Đức Giáo Tông
3. Consistorium.
Consistorium (dt) do hai chữ con + sistere: cùng nhau + đứng. Nguyên nghĩa chỉ nơi họp, nơi những người đầy tớ đứng chờ hay nơi họp nguyên lão viện của đế quốc Rôma[4]. Khoảng thế kỷ 14, được dùng để chỉ công đồng trong Giáo Hội. Hiện nay, chữ này có nghĩa: (1) (Công giáo) Cuộc họp của các Hồng Y do Đức Giáo Tông triệu tập; (2) (Anh giáo) Toà án giáo phận; (3) (Tin Lành) Ban mục vụ giáo hội địa phương.[5]
Bộ Giáo Luật hiện nay đề cập đến hai hình thức “consistorium”: (1) “Consistorium thường lệ”: Tất cả các Hồng Y, ít là các vị đang ở Rôma được triệu tập, hầu góp ý về một số việc quan trọng nhưng khá thường xảy ra, hoặc để thực hiện một số hành vi đặc biệt long trọng. (x. GL. 352§2); (2) “Consistorium ngoại lệ”: Tất cả các Hồng Y được triệu tập, mỗi khi Giáo Hội có nhu cầu đặc biệt hay có những vấn đề nghiêm trọng hơn phải bàn. (x. GL. 353§3)
4. Ngự tiền viện (御前院) là gì?
Ngự (御): (dt.) (1) Kẻ cầm cương xe; (2) Phàm các thứ gì của vua làm ra đều gọi là ngự cả: ngự thư (chữ vua viết), ngự chế (bài văn của vua làm ra); (đt.) (3) Cai trị tất cả. Vua cai trị cả thiên hạ gọi làlâm ngự, vì thế vua tới ở đâu cũng gọi là ngự cả; (4) Hầu: ngự sử (chức quan ở gần vua giữ việc can ngăn vua), các nàng hầu gọi là nữ ngự; (5) Ngăn (cũng như chữ ngữ, còn đọc ngự, 禦); (6) (Một âm là nhạ) Ðón: bách lạng nhạ chi (trăm cỗ xe cùng đón đấy).
Tiền (前): (tt.)(1) Trước: đình tiền (trước sân). (2) Cái trước: tiền biên (quyển trước). (3) Sớm trước: tiền hiền (người hiền trước), tiền bối (bậc trên mình). (4) Tương lai: Tiền trình tự cẩm (tương lai rất tốt đẹp). (5) Nhiệm kỳ trước: Tiền tổng thống (tổng thống tiền nhiệm). (đt.) (6) Tiến lên: phấn vãng trực tiền (gắng sức bước lên trước). (7) Dẫn trước: Tiền đạo.
Ngự tiền: Trước mặt vua, trước nơi vua ngự hay ở bên cạnh vua.
Ngự tiền viện (御前院) là cơ quan làm việc bên cạnh nhà vua, giúp việc soạn thảo các văn bản. Ví dụ: Ở Nhật Bản, năm 806, Bình Thành Thiên Hoàng (Heizei Tenno, 平城天皇, 806-809)[6] đã lập ra ngự tiền viện là cơ quan giúp nhà vua soạn thảo các chiếu chỉ trực tiếp và chắc chắn hơn trước kia.
Ngự tiền hội (御前會): Cuộc họp trước mặt vua hay hội nghị họp ở trong cung vua (Conseil impérial)[7].
5. Nhận xét và kết luận.
Chúng tôi nhận thấy: Consistorium, theo nghĩa: cuộc họp của các Hồng Y do Đức Giáo Tông triệu tập, thường được dịch là: công hội [8]; thượng hội nghị [9]; mật hội [10]; cơ mật hội [11]; cơ mật viện [12]. Trong khi đó, Conclave, theo nghĩa: cuộc họp của các Hồng Y để bầu cử Giáo Tông, thường được dịch là: cơ mật viện, mật viện, mật tuyển viện [13], mật nghị, mật hội. Ý nghĩa của hai thuật từ consistorium và conclave rõ ràng là khác biệt, nhưng trong tiếng Việt lại lẫn lộn nhau!
Chúng ta đã dùng thuật từ “công nghị” để dịch từ “synodus”. Ví dụ: Cuộc họp do một Giám mục chính toà triệu tập các đại biểu trong cộng đồng giáo phận của chính ngài, gọi là Công Nghị Giáo Phận (Synodus Diocesanus). Cuộc họp định kỳ 04 năm của các đại biểu cho Giám Mục Đoàn toàn thế giới, gọi là Công Nghị Giám Mục (Synodus Episcoporum, còn dịch là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới). Vì vậy, thiển nghĩ không nên dùng chữ công hội hay thượng hội nghị để dịch chữ consistorium nữa.
Chữ viện thường gợi hình ảnh một ngôi nhà lớn, một kiến trúc bề thế. Thật ra chữ này cũng được hiểu về cuộc họp của một nhóm người, như khi nói “Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch ngân sách 2013”, không có nghĩa là “viện” - một kiến trúc thông qua, mà là một nhóm người, một cuộc họp thông qua ngân sách.
Cũng như conclave, các consistorium đều có tính kín mật và quan trọng. “Chỉ có ‘Consistorium thường lệ’ trong đó cử hành một vài nghi thức long trọng, mới có thể là công khai (public), tức là ngoài các Hồng Y còn có sự tham dự của các Giám Chức, các đại diện các nước và những người được mời khác” (GL. 353§4). Việc bầu cử Giáo Tông là việc tối mật và tối quan trọng nên có hẳn những quy tắc và luật riêng của nó. Do đó, chúng tôi thiển nghĩ có thể dùng thuật từ “cơ mật viện” hay “cơ mật hội” để dịch từ “conclave”, và “ngự tiền viện” hay “ngự tiền hội” để dịch từ “consistorium”. Những thuật từ khác như mật viện, mật tuyển viện, mật nghị Hồng Y, hội nghị bí mật đều không nói lên được tính quan trọng (= cơ) trong việc tuyển chọn Giáo Tông, do đó không chính xác bằng thuật từ cơ mật viện hay cơ mật hội. Giáo Hội tại Trung Quốc cũng dịch từ “consistorium” là “ngự tiền hội nghị”[14]
Như vậy, chúng tôi thiển nghĩ dùng thuật từ “cơ mật viện” để dịch từ “conclave”, dùng “ngự tiền viện” để dịch từ “consistorium” là đúng hơn. Nhưng khi đi với Synodus - Công nghị, để nghe cho thuận tai hơn có thể dùng thuật từ “cơ mật nghị”, "cơ mật hội" để dịch từ “conclave”, thuật từ “ngự tiền nghị”, "ngự tiền hội" để dịch từ “consistorium”.
[1] Xu mật viện, có người đọc là khu mật viện. Xu chữ Hán là 樞. Chữ này phiên thiết theo Tự Điển Khang Hy là xương + chu, lấy phụ âm của chữ xương là x, vần của chữ chu là u, nên phải đọc là x + u = xu, đọc khu là lẫn lộn chữ 區 (khu của khu vực).
[2] Trong La ngữ: Tiếp đầu ngữ con- (cùng với nhau) phát sinh từ tiếp đầu ngữ com-, com- phát sinh từ chữ cum (với); Clavis: chìa khóa, chốt cửa, thanh cài cửa.
[3] Xem http://www.etymonline.com và http://www.latin-dictionary.net.
[4] Xem http://www.etymonline.com và http://www.latin-dictionary.net.
[5] Nguyễn Đình Diễn, TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO ANH VIỆT, nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.
[6] Không nên nhầm lẫn với Bình Thành Thiên Hoàng (Heisei Tenno, 平成天皇) là thuỵ hiệu (sau khi băng hà) của đương kim Nhật Hoàng Akihito.
[7] Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
[8] Nhiều tác giả, THUẬT NGỮ THẦN HỌC ANH VIỆT, Học viện Đa Minh Gò Vấp, TP.HCM, 2003.
[9] Lm Vũ Kim Chính & ntg, TỪ ĐIỂN THẦN HỌC TÍN LÝ ANH VIỆT, Đài loan, 1995.
[10] Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh, TỪ VỰNG TRIẾT THẦN CĂN BẢN ANH - VIỆT, HTTH, Paris, 1996; BỘ GIÁO LUẬT bản dịch của Đức Ông Nguyễn Văn Phương.
[11] Ban giáo sư Trường Thần Học Bùi Chu, DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952.
[12] BỘ GIÁO LUẬT bản dịch của HĐGMVN, xb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
[13] Ban giáo sư Trường Thần Học Bùi Chu, sđd.
[14] Xem bản dịch Giáo Luật tiếng Hoa tại http://www.vatican.va/chinese/cic_zh.htm
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh