Tuần tĩnh tâm của Giáo triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Giáo triều Roma

Phỏng vấn Linh Mục Enrico Dal Covolo, về tuần giảng tuần tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và giáo triều Roma.

Từ Chúa Nhật thứ I mùa Chay 21-2-2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và các chức sắc thuộc Giáo Triều Roma đã bắt đầu tuần tĩnh tâm hằng năm về đề tài “Các bài học của Thiên Chúa và của Giáo Hội về ơn gọi linh mục.”

Vị thuyết giảng cho tuần cấm phòng năm nay là Cha Enrico Dal Covolo, dòng Don Bosco, giáo sư văn chương Kitô tại Đại học Giáo Hoàng Salesien ở Roma. Cha cũng là cố vấn Bộ Giáo lý Đức tin và là thỉnh nguyện viên các án phong chân phước cho các tu sĩ dòng Don Bosco.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha về tuần tĩnh tâm này.

Hỏi: Thưa cha Dal Covolo, cha có thể giải thích một chút về đề tài mà cha đề nghị cho tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và các cộng sự viên của ngài năm nay hay không?

Đáp: Đề tài “Các bài học của Thiên Chúa và của Giáo Hội về ơn gọi linh mục” vừa bao hàm đường nét phương pháp vừa bao hàm đường nét nội dung. Phương pháp là phương pháp cũ và đáng kính của việc đọc hiểu, suy gẫm, cầu nguyện và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống linh mục gọi là “Lectio divina” trong các chặng truyền thống như được Cha Guido Bề trên đan viện Certosa định nghĩa. Nghĩa là đọc Lời Chúa, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm.

Tôi sẽ nhấn mạnh nhiều trên việc chiêm niệm như các Giáo Phụ đã hiểu. Nó không phải là một lời cầu nguyện đặc biệt sâu sắc, mà là dấn thân hoán cải đời sống. Đó là đích điểm của “Lectio Divina” và đó cũng là mục đích của việc tĩnh tâm hay cũng thường gọi là cấm phòng.

Hỏi: Thế nội dung tuần giảng phòng cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều chính cha đã chọn hay ai chọn?

Đáp: Đề tài ơn gọi linh mục trong Năm Linh Mục đã được gợi ý cho tôi. Trong thư chỉ định tôi giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều do Đức Hồng y Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, có viết rằng tôi có thể khai triển một đề tài thống nhất, hay cũng có thể minh giải các gương mặt linh mục gương mẫu. Tôi đã đón nhận cả hai gợi ý.

Đề tài thống nhất là ơn gọi linh mục, đối chiếu với các trình thuật về ơn gọi trong Kinh Thánh. Các trình thuật này có 5 đặc thái: thứ nhất là tiếng Chúa mời gọi, thứ hai là lời đáp trả của con người, thứ ba là sứ mệnh được giao phó, thứ bốn là sự nghi ngờ và thứ năm là việc tái xác định và trấn an từ phía Thiên Chúa. Trong tuần phòng mỗi sáng tôi đều duyệt xét năm yếu tố nòng cốt đó và ban chiều tôi dành suy niệm cuối cùng để minh giải gương mặt một linh mục.

Hỏi: Thế cha đã chọn các gương mặt linh mục nào như mẫu gương cho hàng linh mục?

Đáp: Tôi bắt đầu với gương mặt của thánh Agostino, Giám Mục thành Ippona, tiến sĩ Giáo Hội sinh năm 354 qua đời năm 430. Rồi tới thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars, sinh năm 1786 và qua đời năm 1859. Tiếp đến là gương mặt “cha sở miền quê” của văn sĩ Bernanos. Gương mẫu linh mục thứ tư là cha Giuseppe Quadrio dòng Don Bosco, và sau cùng là gương mặt của Đức Gioan Phaolô II, là vị Giáo Hoàng đã cho trùng tu nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, nơi giảng tĩnh tâm.

Hỏi: Cha đã chọn các mẫu gương linh mục này với các tiêu chuẩn nào?

Đáp: Tôi thấy thật là điều hợp lý bắt đầu với các Giáo Phụ lớn. Và gương mặt ý nghĩa nhất chắc chắn là gương mặt của thánh Agostino, nhất là khi chúng ta chú ý đến ấn tượng ngoại thường mà ngài đã gây ra cho dân Kitô, đó là chưa kể tới gương mặt của vị Giám Mục thành Ippona, một gương mặt rấn gần gũi với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Cha sở họ Ars là một gương mặt phải chọn vì đã được coi là mẫu gương của Năm Linh Mục Đức Thánh Cha đã công bố nhân kỷ niệm 150 năm thánh nhân qua đời. Gương mặt “cha sở miền quê” của nhà văn Bernanos là một gương mặt khổ đau của một linh mục phải trải qua nỗi nghi nan đớn đau, sự thinh lặng của Thiên Chúa, các đêm đen của tinh thần, và tự nó chứa đựng một sứ điệp rất quan trọng ít được đào sâu. Đó là kinh nghiệm của sự cô đơn mà linh mục phải được đào tạo để chấp nhận: sự cô đơn không phải như là cái trống rỗng hiện sinh, nhưng như là điều kiện để có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong chiều sâu hơn.

Hỏi: Tại sao cha lại chọn gương mặt của một nhân vật tiểu thuyết? Ở đây là từ cuốn ”Nhật ký của một cha sở miền quê” của văn sĩ Bernanos. Thiếu các gương mặt linh mục cụ thể hay sao thưa cha?

Đáp: Nếu chọn một gương mặt linh mục cụ thể sẽ vi phạm đến lãnh vực riêng tư thầm kín cuộc sống của vị linh mục ấy. Trái lại gương mặt do nhà văn Bernanos tạo ra cho cha sở vùng quê cho phép đi sâu vào cuộc sống linh mục mà không vén mở cho thấy bí mật nào cả.

Hỏi: Thế còn trường hợp cha Giuseppe Quadrio sinh năm 1921 qua đời năm 1963 đã được chọn vì ngài là tu sĩ dòng Don Bosco hay sao?

Đáp: Dĩ nhiên là không phải chỉ vì thế. Cha Quadrio đã là một thần học gia lớn và án phong chân phước cho ngài đang được tiến hành. Cha là một thí dụ cụ thể chứng minh cho thấy việc nghiên cứu học hỏi và dậy thần học cũng có thể thánh hóa chúng ta. Ngoài ra các thư tín trao đổi của cha trình bầy một gương mặt lý tưởng và toàn vẹn của đời linh mục đến độ có thể đề nghị như là mẫu gương với bất cứ linh mục nào.

Hỏi: Gương mặt của Đức Karol Wojtila thì sao thưa cha?

Đáp: Gương mặt của người sẽ được giới thiệu trong ngày dành cho Đức Mẹ. Vì ai cũng biết lòng sùng kính mà Đức Gioan Phaolô II dành cho Trinh Nữ Maria thật là một gương mẫu. Đó là lòng tôn sùng mà linh mục phải có đối với Đức Đức Maria Mẹ của chức linh mục.

Hỏi: Tĩnh tâm là điều quan trọng đối với linh mục và cả đối với Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Roma đến thế hay sao thưa cha?

Đáp: Theo truyền thống của Giáo Hội tĩnh tâm là điều quan trọng đối với tất cả mọi người. Đối với một linh mục đó là một bổn phận bắt buộc. Hằng năm vị linh mục phải dành ra một tuần để tham dự tĩnh tâm. Lý do là vì và nhất là trong một môi trường văn hóa trong đó chúng ta đang phải sống, cám dỗ quên đi các lý do sâu xa của ơn gọi linh mục rất là lớn, và linh mục có nguy cơ bị đè dẹp bởi chủ trương tiêu thụ đang thống trị xã hội. Tĩnh tâm luôn luôn là dịp “trao ban trật tự cho cuộc sống” như thánh Ignazio thành Loyola thường nói. Nhưng đặc biệt đối với linh mục tĩnh tâm là dịp quan phòng giúp tái say mê Chúa Giêsu và tận tụy đối với đoàn chiên Chúa đã trao phó. Tất cả những điều này lại còn đúng hơn nữa đối với tất cả các linh mục mà Giáo Hội có Chúa Thánh Thần trợ giúp đã giao phó cho các trọng trách lớn hơn.

Hỏi: Đâu là các yếu tố của linh đạo Salesien mà cha sẽ lồng vào trong các bài suy niệm trong tuần giảng phòng?

Đáp: Tu sĩ Salesien có thể đặc biệt chú ý tới khía cạnh giáo dục, là khía cạnh mà trong lúc này Đức Thánh Cha cũng rất nhậy cảm và lưu tâm. Ngài đã mạnh mẽ nhắc tới “sự cấp thiết giáo dục” trong thời đại chúng ta. Tự bản chất của chúng linh đạo và sự thánh thiện Salesien luôn gắn liền với cuộc sống thường ngày. Từng lúc một. Làm tốt các việc bé nhỏ của cuộc sống thường ngày. Trong các ngày tĩnh tâm này tôi cũng sẽ tìm cách nhấn mạnh trên điều này. Nghĩa là cho thấy các việc bé nhỏ được thi hành với đức tin và tình yêu, có thể dẫn đưa linh mục tới đích thánh thiện linh mục một cách hữu hiệu như thế nào.

(Avvenire 20-2-2010)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top