Ủy ban Thánh nhạc: Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 29

Ủy ban Thánh nhạc: Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 29

WGPSG -- Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 29 của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam đã được tổ chức vào sáng thứ Ba, ngày 11/10/2011 tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM. Ngoài các công việc thường lệ, Hội thảo lần này tiếp tục tập trung vào việc góp ý để hoàn thiện văn kiện hướng dẫn mục vụ thánh nhạc toàn quốc đã được dự thảo.

Tham dự Hội thảo có hơn 80 tham dự viên, gồm Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Thường vụ Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc, các linh mục, tu sĩ, ca trưởng và anh chị em nhạc sĩ giáo dân đến từ các Giáo phận.

Sau lời khai mạc của Đức cha Vinh Sơn, cha Rôcô Nguyễn Duy - Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến đóng góp trong buổi Hội thảo lần thứ 28, đồng thời gợi ý để tham dự viên thảo luận, góp ý cho Bản Dự thảo “Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc” toàn quốc với 3 nội dung sau:

1/ Vai trò và công tác đào tạo, huấn luyện ca trưởng.

2/ Việc lạm dụng cái gọi là "thánh vũ" (múa khi dâng lễ vật).

3/ Duy trì và bảo tồn: Cung kinh - ca vãn - ngắm tụng trong các giờ kinh lễ.

Trước phần thảo luận, Đức cha Vinh Sơn nhấn mạnh: “Mỗi thành viên cần tích cực lắng nghe, mạnh dạn bàn thảo để góp phần mình vào Bản Dự thảo trước khi được công bố, vì trong cùng một vấn đề, có thể rõ với người này nhưng chưa sáng với người khác”.

Thảo luận:

Các tham dự viên đã thảo luận từ 09g00 đến 10g15. Để việc thảo luận đạt kết quả tốt, Đức cha Vinh Sơn đã chia thành 3 nhóm thảo luận gồm:

- Nhóm 1 gồm: Quý cha Trưởng ban Thánh nhạc các Giáo phận, quý cha đặc trách thánh nhạc của chủng viện.
- Nhóm 2 gồm: Các nhạc sĩ sáng tác, thành viên Câu lạc bộ sáng tác.
- Nhóm 3 gồm: Quý linh mục, tu sĩ phụ trách thánh nhạc các Hội dòng và các ca trưởng.

Đúc kết

Đến 10g30, các tham dự viên tập trung về hội trường để nghe các nhóm báo cáo và đúc kết thảo luận. Các vấn đề được các nhóm quan tâm gồm:

1/ Về Vai trò và công tác đào tạo, huấn luyện ca trưởng:

- Nên đào tạo và huấn luyện theo chuyên môn như ca trưởng, xướng âm, hòa âm... Tuy nhiên tất cả đều phải học những phần chung như Kinh Thánh, mục vụ thánh nhạc, phụng vụ... để việc chọn bài hát phù hợp với Thánh lễ và nghi thức phụng vụ.

- Các ca trưởng cần được hướng dẫn về mối tương quan giữa phụng vụ và thánh nhạc.

- Cần có văn bản ngắn gọn hướng dẫn sử dụng thánh nhạc. Việc chọn bài hát hằng tuần có thể thống nhất chung cho toàn quốc, thông qua việc cập nhật các bài hát theo từng tuần thông qua trang website riêng.

- Chưa có sự thống nhất giữa cha xứ với ca trưởng. Mỗi giáo hạt nên có một vị linh mục đặc trách về thánh nhạc. Cần tăng cường việc đào tạo thánh nhạc trong các chủng viện, hầu trong mối tương quan giữa cha xứ và ca trưởng gắn kết hơn, qua đó việc chọn và hát những bài thánh ca thích hợp, sẽ giúp cộng đoàn cầu nguyện sốt sắng trong các giờ kinh lễ.

- Trong giáo xứ, nên cơ cấu ca đoàn vào ban phụng vụ trực thuộc cha xứ, qua đó việc sinh hoạt và phục vụ của ca đoàn sẽ phù hợp với phụng vụ hơn.

- Các nhạc sĩ rất lưu tâm đến thời gian được các đấng bản quyền duyệt các bài Thánh ca mới sáng tác (Imprimatur).

2/ Việc áp dụng thánh vũ (múa trong Thánh lễ).

- Trong Thánh lễ phụng vụ Thánh Thể là chính, việc dâng lễ vật chỉ là phần phụ. Do đó, chúng ta lưu tâm đến đội hình, cung cách dâng lễ vật chứ không phải là múa.

- Thánh vũ còn phụ thuộc văn hóa từng vùng, miền và dân tộc... cần có sự phối hợp hài hòa giữa thánh thiêng và bản sắc văn hóa dân tộc.

- Về lãnh vực này, tùy thuộc vào Đức Giám mục bản quyền cân nhắc và cho phép vận dụng cho đúng nghi thức phụng vụ.

3/ Duy trì và bảo tồn: Cung kinh - ca vãn - ngắm tụng trong các giờ kinh lễ.

- Cần có chuyên viên địa phương am tường nền văn hóa từng vùng, miền khác nhau để tìm, nghiên cứu và phục hồi lại nguồn gốc các bản văn, cũng như các cung điệu của Cung kinh - ca vãn - ngắm tụng trong các giờ kinh lễ.

- Cần tạo và kêu gọi nguồn kinh phí để thực hiện công trình bảo tồn nền văn hóa “Kinh - ca - vãn” xưa, vận dụng vào thực tại tùy theo từng địa phương. Dẫu sao, đây cũng là kết quả của sự hội nhập văn hóa dân tộc vào nghi thức phụng vụ mà cha ông đã để lại.

- Hiện nay, những giáo xứ ở thành phố lớn, giáo dân thuộc dạng đa dân tộc và văn hóa, nên việc vận dụng “Kinh - ca - vãn” cũng rất tế nhị, cần được sự thống nhất giữa cha xứ và giáo dân.

- Cha Rôcô Nguyễn Duy cho biết, ngài đã nhận được nhiều tài liệu, băng đĩa về “Kinh - ca - vãn” từ các Giáo phận gửi về. Hiện nay, ngài đang cần người cộng tác để nghiên cứu, hệ thống và lưu trữ lại.

Sau cùng, cha Phêrô Trương Huy Hoàng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác đã báo cáo sinh hoạt của Câu lạc bộ trong thời gian qua.

Giải đáp

1/ Cha Rôcô Nguyễn Duy:

- Ngài vui mừng vì được lắng nghe những thao thức về nền thánh nhạc của Giáo hội Việt Nam. Đồng thời, ngài nhấn mạnh: “Trong thánh nhạc, lời là chính còn nhạc là phụ. Có những từ khi hát lên, mỗi miền sẽ hiểu theo một nghĩa khác nhau, dẫn đến tình trạng không phù hợp về tín lý.

- Hoan nghênh việc hình thành tập “Hướng dẫn sử dụng các bài hát”. Cũng vậy, hiện nay đã có Tuyển tập thánh ca 1, chúng ta sẽ tiếp tục xuất bản tập 2 và 3, để từ đó các ca trưởng có cơ sở lựa chọn những bài hát đã được duyệt tác (Imprimatur).

- Về việc imprimatur, Ban Thánh nhạc của mỗi Giáo phận sẽ giúp Đức Giám mục xét duyệt các bài hát mới. Tuy nhiên, còn một số Giáo phận chưa có người phụ trách thánh nhạc, nên việc kiểm duyệt vẫn còn chậm trễ. Hơn nữa, một bài hát hay cũng cần phải có thời gian để hiệu chỉnh cho hoàn thiện.

- Câu lạc bộ sáng tác là sân chơi có Chúa Thánh Thần tác động, để các nhạc sĩ Công giáo sáng tác theo từng chủ đề, anh em ngồi lại với nhau, góp ý cho nhau với từng tác phẩm của mình, chứ không làm thay nhiệm vụ xét duyệt của Ban Thánh nhạc Giáo phận.

- Các bài được xét duyệt sẽ được in thành sách, kinh phí in ấn Ban Thánh nhạc sẽ đảm trách, tác giả sẽ giữ bản quyền và nhận một khoản thù lao nhất định.

- Việc thực hiện website cần được cân nhắc, vì cần có người chăm lo, viết, nhận và đăng bài...

2/ Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản:

- Ngài lưu tâm đến mối tương quan giữa các đấng bản quyền với nhau, với các nhạc sĩ và ca trưởng, cũng như việc vận dụng thánh vũ trong phụng vụ.

- Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến vai trò, uy tín và trách nhiệm cá nhân (ca trưởng) đối với tập thể trong việc lựa chọn bài hát phù hợp. Vì vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện trước khi quyết định chọn bài hát.

- Nếu là nhạc sĩ kiêm ca trưởng, chúng ta rất thận trọng đưa những bản nhạc do mình sáng tác vào hát trong Thánh lễ nếu chưa được duyệt. Nỗ lực cá nhân cần hòa tan trong tập thể, cá nhân chấp nhận chịu gọt giũa sẽ ngày càng trở nên hài hòa, đồng cảm với tập thể hơn.

Sau cùng, Đức cha Vinh Sơn đã cám ơn quý cha, quý tu sĩ, ca trưởng và anh chị em nhạc sĩ giáo dân từ các Giáo phận đã về tham dự buổi hội thảo, góp tiếng nói chung cho nền thánh nhạc Việt Nam. Đồng thời, ngài cũng thông báo buổi Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 30 sẽ được tổ chức vào ngày 17/04/2012 tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 11g45, Đức cha, quý cha và tham dự viên đã hàn huyên với nhau trong bữa cơm gia đình trước khi chia tay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top