Vài nét chấm phá về đối thoại với các tôn giáo tại Việt Nam và loan báo Tin Mừng cho người Việt
WĐHDC -- Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa số 21 có nhận xét: "Những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các tôn giáo bạn chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho việc cộng tác nhằm lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Mặt khác, nhờ việc đối thoại và hợp tác với các tôn giáo khác, Giáo Hội càng xác lập rõ nét hơn về bản chất của chính mình và càng thêm xác tín Đức Giêsu là tương lai của nhân loại, là Alpha và Omega của toàn thể vũ trụ." Trong tinh thần đó xin giới thiệu bài viết về Đối thoại tôn giáo dưới đây của linh mục P. Phan Xuân Thanh.
NHẬP ĐỀ
1. Cuối năm 1990, xuất hiện thông điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II như một ý thức mới của Giáo Hội về việc truyền giáo trong thế kỷ 21. Đây là bệ phóng toàn thể Giáo Hội vào thiên niên kỷ thứ III. ĐTC nói: "Tôi thấy rằng đã đến lúc dốc toàn lực trong Giáo Hội vào một cuộc loan báo Tin Mừng mới... Không một ai..., không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này" (RM 3).
2. Không đầy 5 tháng sau, tháng 5 năm 1991, văn kiện “Đối thoại và Loan báo" (Dialogue & Annonce, DA) đưa ra những định hướng về việc đối thoại với các tôn giáo ngoài kitô giáo. Văn kiện này nhìn thẳng vào các tôn giáo ngoài kitô giáo như là những thực thể trường tồn không thể phủ nhận trong việc truyền giáo của Giáo Hội.
PHẦN THỨ NHẤT
HIỆN TRẠNG VĂN HÓA TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU (THEO MỘT SỐ TÀI LIỆU)
Á CHÂU NÓI CHUNG
3. Á Châu ngày nay được đánh dấu bởi một sự biến đối xã hội mau lẹ, đối diện với sự nghèo nàn và sự đa dạng văn hóa và tôn giáo. Vì thế đưa ra những nhận xét đúng đắn có thể ứng dụng được khắp nơi là một việc hết sức khó khăn. (L’ évangélisation en Asie. Conclusion de la commission de consultation theologique de la Federation des Conferences des Evêques d’Asie, Novembre 1991, trong Documentation catholique 15 Mars 1992, numero 2046, trang 287 đến 293. Tài liệu này được viết tắt bằng ký hiệu FABC trong bài này).
4. Hiện trạng tôn giáo ở Á châu phản ánh rộng rãi hiện trạng xã hội. Lý do là vì ở Á châu có một sự giao thoa chặt chẽ giữa tôn giáo và văn hóa ... Á châu có khuynh hướng đồng hóa quốc gia, tôn giáo và văn hóa. Các tranh chấp sắc dân và cộng đồng thường liên hệ với sự cuồng tín tôn giáo. Nhà nước thường khuyến khích và bênh vực hẳn một tôn giáo (FABC 7)
5. Các tôn giáo lớn ở Á châu thường được sống trên bình diện cá nhân hoặc gia đình như là những tôn giáo dân gian hoặc thiên nhiên ... .Đây là 1 sự "hỗn dung" (syncretisme)... hay 1 sự giao thoa văn hóa tự phát (FABC 8)
TẠI VIỆT NAM
6. Trong 1 thời đại như 100 năm qua, ở Việt Nam, dã tồn tại và xuất hiện nhiều hệ tư tưởng khác nhau, tác động lẫn nhau, đấu tranh hay hòa hợp với nhau, bị biến dạng do khúc xạ qua môi trường xã hội... tạo nên một trường tư tưởng hệ (ideological Field) rất phức tạp cho đến hôm nay. (Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hóa Đông Tây, bài của Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong Đất Mới, tháng 3 và 4 năm 1991, từ trang 32 đến 44. Tài liệu này được viết tắt bằng ký hiệu TQV trong bài này) (TQV tr 35).
7. Hệ tư tưởng thâm căn cố đế trong đám bình dân Việt Nam ở các xóm làng từ trước Công nguyên cho đến thế kỷ XX, từ văn minh Âu Lạc cho đến văn minh Đại Việt, dù có biết bao nhiêu biến động trên bề mặt lịch sử , thì vẫn là một hệ tư tưởng thần thoại, với một hệ thần linh đa tạp từ nhiên thần (thần tự nhiên, thần núi non, sông biển, cây cối đá đất...) thiên thần (trời, đất, ngọc hoàng...) đến nhân thần (từ người anh hùng cứu nước đến thằng kẻ trộm chết vào giờ thiêng...). Trong tâm trí nông dân làm ruộng, ở làng quê đầy ắp các Thần và thế đối xứng, đối lập với thần là ma quỷ. Tôi gọi đó là những hằng số lịch sử, những hằng số xã hội - văn hóa của hàng mấy ngàn năm văn minh thôn dã (...): Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn - Folklore (Thần, Quỷ) (TQV trang 35 ).
8. Tâm thức đa số người Việt cho đến nay vẫn là animiste. Người Việt tin rằng, trong cuộc đời này, ở vũ trụ này, ngoài con người còn có các thế lực siêu nhiên khác, với các tên gọi khác nhau: Trời, Đất, Phật, Thần, Ma quỷ. (TQV tr.35)
9. Người Việt không tin rằng "chết là hết chuyện" . Người chết vẫn sống "theo cách khác, ở thế giới khác và vẫn tiếp tục tác động vào thế giới người đang sống, theo hướng “phù hộ” hay là “ trách phạt”. Trời, Đất, Thần linh hay Ma quỷ cũng vậy. Do đó phải có tín ngưỡng, có thờ cúng (TQV tr.35)
10. Ở gia đình, và gia đình mở rộng là họ hàng, là sự thờ cúng tổ tiên. Không nhà nào không có bàn thờ tổ tiên ở nơi trang trọng nhất (giữa nhà, gian chính) . Không họ nào không có nhà thờ họ. Do đó mà cúng giỗ những ngày kỵ nhật (deathday mà không là birthday) là sinh hoạt xã hội văn hóa phổ biến của người Việt Nam. Do đó mà có sự đặc biệt coi trọng mồ mả tổ tiên: sống về mồ mả, ai sống về cả bát cơm. Do đó mà có tục lệ cải táng, có mùa tảo mộ (cuối năm tháng chạp, kiểu dân gian) thanh minh (tháng ba, kiểu Hán Việt) ( TQV tr. 35)
11. Ở làng xóm là tín ngưỡng thần làng (thành hoàng) với các ngôi đình và thần linh khác nhau với các miếu đền, và tín ngưỡng Phật với các ngôi chùa: Đất vua, Chùa làng, phong cảnh Bụt.
12. Ở cả nước là tín ngưỡng về Quốc Tổ Hùng Vương với đền thờ tổ và ngày giỗ Tổ cả nước 10.3 âm lịch. Đây cũng là một ảnh hưởng Nho giáo, từ gia tiên mở rộng ra cả nước. (TQV tr.36)
SƠ KẾT
13. Một trong những hằng số (longúes durees) của tín ngưỡng Việt Nam mà những người cộng sản Việt Nam “vô tín ngưỡng” về mặt lý thuyết và hữu thức đến đâu đâu cũng phải “chịu” , chịu Dân và đồng hóa với nhân dân và dân tộc, và những thế hệ sinh ra từ thập kỷ 30 của thế kỷ này , dù có “ tây “ đến đâu cũng “ chịu “ và phải “ đồng hóa “ với cái cổ truyền là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (người dân miền nam Việt Nam gọi là đạo Ông Bà.) (TQV tr.36)
14. Sắc thái đặc thù của văn hóa tôn giáo (culture religieuse) Việt Nam là sự hỗn dung tôn giáo (syncretisme religieuse ) và từ đó hỗn dung văn hóa (syncretisme culturel) (TQV tr.36)
Sự hỗn dung văn hóa và tôn giáo, nét đặc thù của bản sắc văn hóa Việt Nam, nét trường tồn của văn hóa Việt Nam, được cắt nghĩa về mặt địa văn hóa (geo-culture) là do cái vị thế ở giữa Đông Nam Á, nơi gặp gỡ và giao thoa văn hóa giữa 2 nền văn minh lớn nhất Châu Á: Trung Hoa và Ấn Độ ...Những ảnh hưởng Ấn Hoa đều được dung hòa và trung hòa (neutralize) lẫn nhau, và được tích hợp (integrate) vào tảng nền văn minh lúa nước (Rice growing civilization) bản địa. Chính nền văn minh nền tảng này vốn có sẵn bản chất nhu hòa, hài hòa trời đất với con người trong cuộc sống và văn hóa, hài hòa núi non, sông biển , hài hòa Đất và Nước. Ở vùng châu thổ giáp giới núi biển này , lối sống (way of life) Việt Nam là lối sống dung hòa (compromise) (TQV tr.36)
15. Điều đó khiến nảy sinh ở tâm thức người Việt cái mà nhiều người trong ngoài nước đều nhận thấy, là sự khoan dung tôn giáo (religious generoity). Không có “chiến tranh tôn giáo” trong lịch sủ Việt Nam vốn có lắm chiến tranh. Và cũng nảy sinh nét khác của bản sắc văn hóa Việt Nam (identite culturelle) mà Feray gọi rất hay là sự không chối từ (non refus) về văn hóa trong việc hấp thụ các yếu tố ngoại sinh (Pierre Richard Feray, le Vietnam au xx siecle, PUF, Paris 1974, p.33-54) (TQV tr.56)
16. Ở thế kỷ xx... có đủ mọi đứt gãy truyền thống, trong đủ mọi lĩnh vực văn hóa , vật chất, xã hội, tinh thần... nhưng tinh thần dung hòa của Việt Nam, hay nói như Vũ Quốc Thúc “ extreme tendance au compromis “ thì cho đến hôm nay vẫn là một thực thể trường tồn . (TQV tr.41) . Bản lĩnh bản sắc của văn hóa Việt Nam là mọi sự Hoa hóa, Pháp hóa , Mỹ hóa...cuối cùng ,ở từng chặng đưòng lịch sử văn âm , đều nảy sinh hiện tượng Việt Nam hóa mà Paul Mus đã phân tích một cách tinh tế ; các “vay muợn” từ bên ngoài đều trở thành và được coi là “của ta” sau khi đã thâu hóa (assimile) (TQV tr.43)
CHỖ ĐỨNG CỦA CÁC TÔN GIÁO TRONG VĂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM
17. Phật giáo cũng như Đạo giáo (Lão) được truyền bá từ Ấn độ và từ Trung Hoa vào Việt Nam thì chúng cũng dung hòa và dung hóa với những tín ngưỡng dân gian vốn có. Kết quả là Thần điện Việt Nam thêm phong phú và bác tạp, hoặc thần cũ được gọi theo tên mới, Tây hay Ấn , hoặc thần ngoại lai được biến dạng đi. Thí dụ điển hình nhất là Quan Thế Âm Bồ Tát, từ 1 vị bồ tát tính nam của Ấn biến thành mấy dạng Bà Quan Âm Bồ Tát của Việt Nam, để phù hợp với tín ngưỡng thờ thần mẫu (Deesse Mere) của dân gian Việt Nam (“Việc thờ mẫu là một đảm bảo cho sự tồn tại của ngôi chùa hay sự dung hội với tín ngưõng dân dã này là con đường đi tất yếu của Phật giáo Việt, nhờ đó mà đạo Phật có bệ đỡ quần chúng,”, Trần Lâm Biền, nhà Mỹ thuật học và tôn giáo học , tạp chí Sông Hương số 5, tháng 9 - 10 năm 1992, tr.92.). Người Việt Nam nhìn Phật của Ấn cũng như sau này, từ thế kỷ 16 nhìn Chúa của đạo Giatô, đều là thần linh, đều được cúng cầu để được sự phù hộ của những thế lực siêu nhiên đó (TQV tr.35)
18. Đạo Phật, dung hòa dễ dàng với tín ngưỡng dân gian cổ truyền, lại chủ trương từ bi, bình đẳng (mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật) nên từ hàng ngàn năm nay, đã thấm sâu vào tâm linh người Việt như nước thấm trong lòng đất. (TQV tr.35)
19. Phật giáo đã chiếm được Đông Phương bằng bất bạo động, qua thẩm thấu (osmose) xã hội văn hóa., không áp đặt bằng sức mạnh quân sự hay bằng một ý thức tự tôn nào. Qua các nhà sư “khất thực” hòa đồng với cuộc sống dân chúng ở mỗi nơi, tôn giáo này ảnh hưởng ra bằng sự cộng sinh (symbiose) xuyên qua sự nghèo khó, từ bỏ và từ bi hỷ xả của các tín đồ.
20. Ở Việt Nam nảy sinh nhiều Phật phái (Buddhist sects): có tiểu thừa, đại thừa, có thiền tông (cũng nhiều phái thiền) mà cũng có tịnh độ tông. Triết lý cao siêu cùng Kinh điển Phật Thiền thì chỉ có một số thiền sư cao cấp hiểu biết, nghiền ngẫm và biểu dương ít nhiều, còn người bình dân... thì họ tín ngưỡng Phật theo kiểu “Thần”, cầu cúng mong “cứu khổ cứu nạn“. Chất siêu hình thì ít mà chất “ thực tế “ nhiều hơn, kiểu :
Có bệnh thì vái tứ phương
Không bệnh thì đồng hương chẳng mất. (TQV tr.35)
21. Chính sách dung hòa tam giáo (Khổng, Lão, Phật) ở thời Lý Trần (thế kỷ XI - XV) là phù hợp với tâm thức Việt Nam, tạo nên một thời kỳ thịnh đạt của văn hóa Việt Nam. Chính sách độc tôn Nho giáo của Triều đình Lê - Nguyễn (thế kỷ XV - XIX ) không phù hợp với tâm thức Việt Nam: Confucianisme - Absolutisme - Isolationisme - Immobilisme: đó là 4 điều giáo sư Lê Thành Khôi tổng kết về hệ tư tưởng chính trị xã hội văn hóa chi phối triều Nguyễn cho đến giữa thế kỷ XIX. (TQV tr.35).
22. Đạo Nho cũng được truyền bá vào đất Việt từ khoảng đầu Công nguyên, nhưng vốn không thích bàn chuyện quỷ thần. Câu nói điển hình của Khổng tử: Quỷ thần kính nhi viễn chi , bàn nhiều về đạo đức (ethic) và những nghi lễ nhằm duy trì sự quân bình xã hội với những nghiệp cấp (profession cast): sĩ, nông, công, thương... nên không được dân gian hưởng ứng lắm, tác động chậm và chủ yếu ảnh hưởng sau này ở một thiểu số (chưa bao giờ quá 5% dân số) có học. (TQV tr.35).
23. Ảnh hưởng lớn nhất của đạo Nho với dân Việt Nam... là sự củng cố vững chắc thêm việc Thờ cúng Tổ tiên rất đặc trưng của tín ngưỡng dân gian Việt Nam (TQV tr.35)
24. Đạo Thiên Chúa cho tới trước công đồng Vatican II (1965) không cho phép giáo dân thờ cúng tổ tiên, nên dù có sự ủng hộ của thế lực thực dân và cũng vì các tương quan chặt chẽ giữa Giáo Hội và thực dân mà, dưới mắt người dân thường Việt Nam, bị xem là anti- nationale, cho nên dù đã được truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ XVI vẫn phát triển rất chậm . (TQV tr.35)
PHẦN II
VỊ THẾ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, XÃ HỘI CỦA KITÔ GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU
MỘT THẨM ĐỊNH NGHIÊM KHẮC MÀ HŨU ÍCH
TÍCH CỰC
25. Vào thế kỷ 17, các nhà truyền giáo đã tìm đường đến Viễn Đông. Kể từ đó thiện ích mà họ mang lại cho Á Châu là rất to lớn, ảnh hưởng hoạt động của họ thì không thể chối cải. Có thể nói là chung quanh sứ điệp trọng tâm về ơn cứu độ nơi Đức Kitô, thì hoạt động truyền giáo đã đem lại cho Á Châu một thứ nhân bản mới (nouveau humanisme) với những giá trị đáng chú ý nhất là :
- ý thức phục vụ người nghèo và phục vụ con người
- sức phản ứng chống lại thuyết định mệnh, thái độ cam chịu và sự áp bức của xã hội phong kiến.
- sự cởi mở với tinh thần khoa học, óc lý luận, vì nói chung Đông Phương tư duy bằng trực giác.
- giáo dục tri thức được phổ cập trong các trường và các đại học, nhất là cho nữ giới thường bị bỏ quên nhiều nhất ở Á Châu.
- tại Việt Nam là sự phổ biến văn hóa mau lẹ, văn hóa dân tộc cũng như ngoại quốc, nhờ chữ Quốc ngữ là công trình vô giá của linh mục Alexandre de Rhodes, dòng Tên.
- các dòng tu, nhất là dòng nữ đã đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao phẩm giá người phụ nữ trong các nền văn hóa Á Châu.
- các chứng nhân đức tin tận tụy hy sinh đến cả mạng sống là điểm son chói ngời trướcmắt mọi người dân và chắc chắn gieo sâu vào đất quê hương hạt giống Tin mừng.
26. Chịu ảnh hưởng của các trào lưu đô thị hóa, di dân, tị nạn, các Giáo Hội đã ra khỏi lãnh địa cổ truyền để hòa mình với dân chúng. Các nữ tu sống gần dân. Việc đối thoại tôn giáo phát triển hơn. Các Giáo Hội địa phương dấn thân truyền giáo cho địa phương mình. Số ơn gọi gia tăng. Sự hiệp thông và thông tin giữa các Giáo Hội gia tăng (chia sẻ vật chất và nhân sự). Hàng giáo phẩm đa số là bản xứ. Thần học được giảng dạy bằng tiếng bản xứ, được mở cửa cho giáo dân. Có một sự lưu tâm lớn đến việc đào tạo nghiiêm chỉnh những người giáo dân. Trong những miền Giáo Hội gặp khó khăn, lòng trung thành với đức tin là chứng từ hạng nhất. Truớc sự áp bức, thường chỉ các người công giáo là giữ vững niềm hy vọng. Giáo Hội được đánh giá cao về sự lưu tâm xã hội sâu sắc và về những công tác bác ái như trường học, bệnh viện, cô nhi viện.... ( FABC 14)
TIÊU CỰC
27. Tuy nhiên, Kitô giáo vẫn không tránh khỏi mang một bộ mặt đậm nét Tây Phương. Kitô giáo đã đến Á Châu cùng lúc với sự bành trướng các thế lực quân sự và thương mại của Âu Châu trong những thế kỷ trước. Hậu quả là trước mắt người dân bản địa, Kitô giáo bị đồng hóa với chủ nGiáo Hộiĩa đế quốc Tây Phương.
Đa số các Giáo Hội địa phương ở Á Châu đều phát sinh đồng thời với các nhà buôn và các thực dân vào đầu thế kỷ 16 và 19. Các Giáo Hội này được bứng lên từ “thế giới cũ” đem trồng vào “đất mới”. Mặc dù rất hăng say truyền giáo, các vị truyền giáo đã đến với một tâm tư tự tôn về tôn giáo và văn hóa (FABC 17)
28. Ở Á Châu thành kiến sống rất dai. Là một cơ chế, Giáo Hội được xem như là một vật thể ngoại lai (corps etranger) do các nguồn gốc thuộc địa của mình, trong khi các tôn giáo lớn khác thì không như vậy (FABC 13). Hình ảnh thuộc địa vẫn còn tồn tại trong những cơ cấu của Giáo Hội và trong sự lệ thuộc kinh tế vào Tây Phương. Điều này khiến cho Giáo Hội bị nghi ngờ. (FABC 13)
29. Giáo Hội vẫn xa lạ trong lối sống của mình (style de vie), trong cơ cấu, thể chế, trong phụng tự, trongviệc đào tạo các cấp lãnh đạo và trong thần học. Các Giáo Hội lễ Kitô giáo vẫn thường còn là hình thức, thiếu hẳn sự tự phát và thiếu hẳn mọi nét Á Đông...Việc đào tạo trong các Chủng viện thường làm cho các chủng sinh tách biệt với dân chúng. Thần học Thánh Kinh, systematique và historique (hệ thống và lịch sử) hiện nay thường là non-pastorale và non-asiatique (không có tính mục vụ và tính Á Đông) (FABC 13)
30. Ở Á Châu các tín ngưỡng tôn giáo bén rễ rất sâu trong dân chúng. Lẽ tất nhiên Giáo Hội gặp phải những phản ứng : mặc cảm tự ti, tự tôn, tự vệ, tấn công từ phía nhà cầm quyền. Do đó các người trở lại đạo Kitô sống đóng kín trong những làng, những giáo xứ như là những “ghetto” (ốc đảo) Kitô giáo bất khả xâm phạm đối với người ngoài.
31. Trong lãnh vực công cộng, Giáo Hội mang bộ mặt của một cơ chế xã hội hùng mạnh. Giáo Hội là một tổ chức hữu hiệu, nhưng thường không được xem như là một guide spirituel (lãnh đạo tinh thần), nhất là tại một lục địa mà cái tôn giáo và cái tinh thần nhuần thấm đời sống công cộng. Trong lãnh vực riêng tư, đức tin được sống trong đời sống cá nhân và gia đình cũng như trong các nhóm cơ bản, cho dù cùng lúc người ta thấy có nhiều yếu tố hỗn dung (elements de syncretisme) phát xuất từ tâm tình tôn giáo tự nhiên (religiosite cosmique) (FABC 12).
32. Giáo Hội thường đưa ra một phản chứng đối với sứ mệnh truyền giáo. Trước hết là trong sự thiếu đồng hóa thiết thực với người nghèo, thiếu dấn thân cụ thể trong việc đối thoại với các tôn giáo, và thiếu lưu tâm thực sự tới việc hội nhập văn hóa... Trong nhiều trường hợp, Giáo Hội thiếu sót bổn phận phải lên tiếng trước những bất công, với lý do mình chỉ là cộng đồng thiểu số. Ngoài ra Giáo hội vẫn còn chia rẽ, thiếu hẳn một sự đại kết thực tiển: có rất ít sự hiệp thông thực sự giữa các Giáo Hội Kitô, và càng ít hơn với các tôn giáo. (FABC 15)
33. Đôi khi Giáo Hội còn bị xem như là một vật cản hay một đe dọa cho sự toàn vẹn quốc gia và cho bản sắc tôn giáo và văn hóa dân tộc ( FABC 13) như dưới mắt sĩ phu thời Nguyễn ở Việt Nam: các nhà truyền giáo đã vứt bỏ những truyền thống tôn giáo và văn hóa nghìn năm của Á Châu vì cho là ngoại đạo và mê tín, như việc thờ cúng tổ tiên. Sự vứt bỏ này dựa trên nguyên tắc “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi” vẫn còn tồn tại và là một xúc phạm rất lớn cho đến ngày nay.
34. Hình như một sự thiếu xác tín khiến cho Giáo Hội sợ hãi trước vấn đề hội nhập văn hóa. Việc rao giảng Lời Chúa còn ít quy chiếu vào văn hóa địa phương, vào lịch sử và triết học. Giáo Hội còn dè dặt để học các ngôn ngữ, các văn hóa và nGiáo Hộiệ thuật Á Châu. Thương khi Giáo hội nhổ bật gốc văn hóa (exculture) các người mới trở lại Kitô giáo ra khỏi chính xã hội của họ. Giáo Hội là một cơ chế được trồng xuống đất Á Châu hơn là một cộng đoàn loan Tin Mừng cho Á Châu. (FABC 15)
PHẦN III
GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VÀ NHỮNG SUY TƯ BÊN LỀ THẦN HỌC VỀ VẤN ĐỀ CÁC TÔN GIÁO NGOÀI KITÔ GIÁO
GỢI Ý ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG
GIÁO HUẤN
35. Các truyền thống tôn giáo phải được tiếp cận một cách trân trọng vì những giá trị tinh thần và nhân bản trong đó, và chúng đã là nơi biểu lộ kinh nghiệm tôn giáo (DA 14). Công Đồng đã công khai nhìn nhận có những giá trị tích cực không những trong đời sống tôn giáo của cá nhân các tín đồ, mà còn trong chính các truyền thống tôn giáo của họ nữa (DA 17). Bởi vậy bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt mà được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất để Chúa được tôn vinh (x. DA 18).
36. Khẳng định những truyền thống tôn giáo khác có “những yếu tố ân sủng, không vì thế có nghĩa là mọi sự trong đó đều là hoa trái của ân sủng.( x. DA 31 ) .” . Vậy mọi sự tiếp cận cởi mở và tích cực với các truyền thống tôn giáo khác, không cho phép nhắm mắt trước những mâu thuẫn có thể có với mạc khải kitô (x. DA 31 ).
Sứ điệp Kitô giáo thăng tiến nhiều giá trị được tìm thấy trong gia sản phong phú của các nền văn hóa, nhưng nó cũng có thể đạt thành vấn đề những giá trị thường được chấp nhận trong một văn hóa nào đó (x. DA 46).
37. Đối thoại đòi hỏi một thái độ quân bình, không được quá ngây thơ hoặc phê bình khắc khe, có tinh thần vô vị lợi và vô tư, cởi mở và biết đón nhận, quyết tâm sẵn sàng để mình được biến đổi (x. DA 47). Sự chân thành đòi hỏi người ta phải bước vào đó (đối thoại) với trọn vẹn niềm tin của mình. Đồng thời các Kitô hữu phải nhớ rằng Thiên Chúa cũng đã tỏ mình cách nào đó cho những thành viên các tôn giáo (x. DA 48).
38. Các người Kitô phải sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận những giá trị tích cực trong các truyền thống tôn giáo, chiến thắng những thành kiến thâm căn, duyệt xét lại những định kiến, phải chấp nhận là sự hiểu biết về đức tin của mình cần được thanh luyện ( x. DA 49 ). Đối thoại đích thực không làm suy yếu đức tin Kitô mà sẽ đào sâu đức tin.
39. Linh đạo đối thoại đòi hỏi sự phân biệt và suy tư thần học về ý nghĩa của các truyền thống tôn giáo trong chương trình của Thiên Chúa, và về ý nghĩa của kinh nghiệm của những người tìm được lương thực tinh thần trong đó (x. DA 78). Muốn vậy, các Kitô hữu phải đào sâu đức tin, thanh luyện các thái độ, làm sáng nghĩa ngôn ngữ và làm cho việc thờ phượng trung thực hơn (x. DA 82).
40. Những trở ngại chính từ cả hai phía đối thoại (x. DA 52,73,74):
a) đức tin không đâm rễ sâu đủ, chứng từ không tương ứng với đức tin .
b) hiểu biết không đủ về niềm tin và những thực hành của các tôn giáo; người Kitô hữu không biết đánh giá cao cũng chẳng biết tôn trọng các tín đồ cũng như các truyền thống tôn giáo khác thì ít có đủ tư cách để loan báo tin mừng cho họ.
c) những khác biệt văn hóa; thái độ từ tôn trọng bình diện văn hóa khiến lầm tưởng sứ điệp Kitô giáo được nối kết với một nền văn hóa độc thù sẽ được áp đặt.
d) những nhân tố xã hội chính trị , lịch sử: đôi khi một số phương pháp ngày xưa gợi lên nghi ngờ và sợ hãi.
e) đồng hóa một tôn giáo với một nền văn hóa , một thể chế chính trị đưa tới thái độ không khoan nhượng, tự do tôn giáo bị xúc phạm.
f) nghi ngờ các động lực của phía đối thoại: sợ sứ vụ Giáo Hội làm biến mất tôn giáo và văn hóa của họ.
g) thái độ luận chiến trong xác tín tôn giáo, thiếu cởi mở làm phát sinh thái độ tự vệ hay tấn công.
i) trào lưu duy vật, sự dửng dưng tôn giáo, giáo phái tràn lan, sự hỗn dung tôn giáo.
SUY TƯ BÊN LỀ THẦN HỌC
41. Cho đến nay cũng như mãi mãi, các tôn giáo lớn trên hoàn cầu sẽ không chết. Chúng tiếp tục làm cái công việc “giáo hóa“ mà các giáo phụ đã từng nói tới, khiến cho Giáo Hội Công giáo dù cho đến thế mạt vẫn còn là một trong những tôn giáo... Không lẽ các tôn giáo kia đã trở thành vô ích. Nên nếu xét theo hoàn cảnh con người, thì không thể nào khoa thần học không gán cho các tôn giáo kia một vai trò và một môi trường cứu độ cho thế giới ngoài Kitô giáo.
( Hoàng Sĩ Quý, Vấn đề đối thoại tôn giáo,Ra khơi 1972, tr.33 và 35. Ký hiệu viết tắt là HSQ)
42. Rõ ràng là những người tốt thường bao giờ cũng là ngưòi sùng đạo, nghĩa là sống với một tôn giáo nhất định và trung thành với tôn giáo đó. Chính môi trường tôn giáo này đã giáo hóa họ, đã phát triển trong họ ý thức thần thiêng và đạo đức (HSQ tr.53). Bao lâu con người chưa nhận ra Kitô giáo là chân đạo, thì chẳng những họ được phép sống tôn giáo của họ mà còn bó buộc phải trung thành với tôn giáo ấy nữa (HSQ tr.60 ). Người ngoài được cứu độ trong và còn do các tôn giáo (HSQ tr.63). Công giáo hóa Phật hay Ấn không có nghĩa tiêu diệt họ, mà đưa họ tới chính cái đích mà họ được hướng về (HSQ tr.87).
43. Đối thoại tôn giáo có tầm quan trọng đặc biệt ở Á Châu là nơi mà các tôn giáo lớn cổ truyền vẫn còn cảm hứng và ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu con người. Các tôn giáo Á Châu khiến chúng ta phải kính nể vì những giá trị tinh thần và nhân bản trong đó. Chúng là những cách thế diễn tả sự hiện diện của Lời Thiên Chúa và hành động phổ quát của Chúa Thánh Thần trong chúng. Đối với các Giáo Hội ở Á Châu, việc thiết lập những liên lạc liên tôn tích cực và xây dựng với các cá nhân và các cộng đồng tôn giáo là thành phần cấu thành của sứ mệnh truyền giáo (FABC 43).
44. Cuộc đối thoại tôn giáo ở Á châu ngày nay đòi hỏi một thái độ tích cực, một tâm hồn cởi mở thực sự và chân thành giúp khám phá và nhìn nhận các huyền nhiệm đang hiện diện và hoạt động trong mỗi bên đối thoại.
45. Một cách sâu xa hơn, các ngưòi Kitô Á châu phải đi sâu và trong mọi chiều kích của mầu nhiệm Nhập thể: Con Thiên Chúa tối cao trở thành người như mọi người, nhập thể trong một dân tộc, nói ngôn ngữ của dân tộc, sống văn hóa dân tộc, cho đến độ xin chịu phép rửa bởi tay người đã tự cho là không đáng cởi dép cho ngài. Các người Kitô cần phải một cách khiêm tốn học và hiểu các tín ngưỡng khác, làm cho họ chấp nhận mình, như Chúa Giêsu đã làm đối với Gioan tẩy giả. Sau khi được thanh tẩy như thế, người Kitô sẽ có tư cách để thông tin về chính bản sắc của mình cho các tôn giáo khác.
PHẦN IV
ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM NGÀY NAY
A. NHẮC LẠI VÀI NHẬN XÉT
46. Ở nơi người dân Việt Nam, tâm thức tôn giáo luôn luôn là một tâm thức phong phú, sâu đậm và phổ cập, chi phối và thấm nhuần mọi sinh hoạt hàng ngày. Ước chi tâm thức tôn giáo này cũng chính là tâm thức Kitô giáo. Đây chính là vấn đề hội nhập văn hóa xã hội tôn giáo của Kitô giáo, đâm rễ sâu và trở thành Việt Nam.
47. Có thể nói ở Việt Nam không có người vô thần, vô tín ngưỡng hiểu theo nGiáo Hộiĩa tuyệt đối không chấp nhận một giá trị thần linh nào khác bên ngoài thế giới vật chất hữu hình này. Ngay cả những người cọng sản thấm nhuần triêt thuyết Mác Lê vẫn mang trong ngưòi một số tín ngưỡng về linh hồn bất tử, về thế giới bên kia, về sự thưởng phạt đến từ bên trên. Chính tâm thức tôn giáo quá phì nhiêu này của người Việt một mặt sẽ phản ứng lại cách mãnh liệt trước một thái độ tự tôn văn hóa tôn giáo và có tính cách tấn công muốn hủy diệt, một mặt đòi hỏi và sẳn sàng đón nhận một tôn giáo siêu việt hơn, biết tôn trọng và hoàn thiện tâm thức tôn giáo này.
48. Tuy nhiên chính vì tâm thức tôn giáo ấy quá ư đậm đà và phong phú, nên người Việt đã cùng một trật đón nhận tín ngưỡng của nhiều tôn giáo khác nhau. Cụ thể một người theo đạo Phật vẫn có những tín ngưỡng thuộc về Khổng giáo hay Lão giáo. Một người lương, chính thức không phải là Phật tử, chỉ thờ kính Tổ tiên Ông Bà theo Khổng giáo, vẫn có nhiều tín ngưỡng vay mượn ở Phật giáo. Từ xa xưa ba tôn giáo lớn Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đã pha lẫn hòa nhập vào nhau đến nỗi không có tôn giáo nào còn giữ được tính chất thuần túy nguyên thủy. Có thể nói là ngoài giới tu sĩ cao cấp của các tôn giáo và có lẽ ngoài một số rất ít người có học thức, đại đa số người Việt không hẳn thuộc về một tôn giáo nào một cách rạch ròi, mà họ có một thứ tín ngưỡng hết sức pha tạp, nhuần nhuyễn giữa các tôn giáo lớn với tín ngưỡng dân gian, để trở thành một thứ có thể nói là đạo Việt Nam, rất khó xác định, vừa có tính chất tôn giáo, vừa là một phong cách văn hóa, vừa là một lối sống xã hội. Đây là điều hết sức phức tạp cho việc đối thoại tôn giáo, nhưng đồng thời là một thuận lợi khi sánh với người Campuchia, Lào, Thái, Ấn có một tôn giáo thuần túy thì sức đề kháng sẽ mãnh liệt hơn nhiều.
49. Riêng tại miền Nam, từ xa trước 1975 và có lẽ gần đây vẫn thế, người dân rất dễ tin, rất ưa huyền nhiệm (mystique) và huyền bí (mysterieux). Vì thế rất nhiều “Ông Đạo” xuất hiện, các chốn hành hương nhiều và sầm uất (như Thất Sơn, Bà Đen), các phương pháp tu luyện rất phổ biến (yoga, thiền nhập định, trường trai, dưỡng sinh...), các nơi chữa bệnh thần bí rất ăn khách, các lịch Thái Ất, tác phẩm khoa học huyền bí bán rất chạy... Trong các tôn giáo bạn, hầu hết nghĩ rằng trong Công giáo không có Huyền nhiệm nên xem thường. Ngược lại một số người Công giáo đã bỏ sang nghe thuyết pháp và đến các chùa am ở Thất Sơn vì thấy có gì sâu xa hơn.
50. Có lẽ phụng vụ của giáo hội Đông phương đáp ứng hơn chiều kích huyền bí của người Việt Á Đông. Kitô giáo ở Việt Nam đã được khúc xạ qua văn hóa La - Hy, rồi văn hóa Tây phương thuần lý, điều này có cái lợi là giáo lý thần học trở nên rõ ràng, chính xác, có hệ thống, nhưng lại đánh mất rất nhiều chiều kích huyền ảo của Huyền nhiệm; mà chiều kích này lại là hàng đầu đối với Đông phương.
51. Tính cách khoa học thuần lý đến độ trở thành gần như “phàm tục”, toán học, khô khan này không chỉ có ở trong thần học, triết học kitô, mà còn đậm nét cả trong phụng tự, lễ nghi, phạm trù ngôn ngữ và lối sống nữa. Điều này là tối kỵ đối với tâm thức tôn giáo Việt Đông phương: càng khoa học, càng chặt chẽ, càng thuần lý thì đối với người Đông phương, Huyền nhiệm càng tối tăm hơn và không còn là Huyền nhiệm nữa.
Điểm này cần được nghiên cứu đầy đủ hơn.
B. NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN
I. MỘT LỜI KÊU GỌI HOÁN CẢI
52. Để đáp ứng với hoàn cảnh đang sống, Gióa Hội Á châu được gọi mời làm một cuộc thẩm định (discernement) nghiêm chỉnh sự có mặt và chỗ đứng của mình trong xã hội. Giáo Hội cần một sự hoán cải liên lỉ và cần thực hiện cuộc “vượt qua” của mình, với Đức Kitô , tới với những người nghèo, những văn hóa Á Châu và những tôn giáo khác (Fx BC 16)
53. Cần thay đổi một não trạng thâm căn dựa vào một quan niệm thần học không biết tại sao rất phiến diện về vấn đề truyền giáo: sự cần thiết của bí tích rửa tội bằng nước, bằng mọi giá; ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi... Chính não trạng này đi đôi với lòng nhiệt thành, đã vô tình dẫn tới một thái độ truyền giáo cực đoan triệt để, rất dễ mang tính tấn công hủy diệt. Một mặt nó gây nên phản ứng tự vệ , nghi kỵ, khép kín hẳn nơi các tôn giáo, mặt khác nó là một nguyên nhân của thái độ “trả miếng”, hiểu lầm, hiểu sai , thành kiến, dèm pha, ganh đua, tranh giành... giữa đôi bên, mà phần thua thiệt lớn hơn là thuộc về Kitô giáo, do hoàn cảnh lịch sử và màu sắc Tây phương của Kitô giáo.
54. Cần một sự hoán cải đồng bộ và triệt để (giáo dân, giáo xứ, chủng viện, tu viện, linh mục) như là nền móng mới cho sự cất cánh của việc truyền giáo vào thiên niên kỷ thứ ba: “người Công giáo, nhất là cha sở và nữ tu cần bỏ thái độ ngờ vực và tự tôn, đi bước trước đến với bạn bằng thái độ chân thành, cởi mở, thậm chí sẵn sàng học hỏi nữa” (HSQ)
II. VÀI VẤN ĐỀ THIẾT THỰC CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP SỚM
55. Những vấn đề sau đây như đã nói, rất khó phân biệt rạch ròi tính chất tôn giáo, văn hóa hay xã hội... do khuynh hướng hỗn dung của người Việt. Trong cụ thể đời sống, chúng gần như đã trở thành văn hóa, phongtục, nếp sống xã hội hơn là tôn giáo, tín ngưỡng. Kitô giáo không thể không có giải đáp tích cực cho những vấn đề này, nếu muốn có một nền móng bền vững cho đức tin Kitô trên đất Việt: phải chăng khi đổ thau nước bẩn, chúng ta đã đỏ luôn em bé trong thau!
56. Vấn đề thờ cúng tổ tiên
Tầm quan trọng gần như tuyệt đối cơ bản và phổ quát của vấn đề này đã được sơ lược trình bày ở trước. Đối với tâm thức người Việt, thờ cúng tổ tiên hầu như không còn là một vấn đề tôn giáo đúng nghĩa, mà là nét đẹp văn hóa Đông Phương, có giá trị nhân bản xã hội sâu rộng, to lớn và lâu dài, cần được trân trọng bảo tồn và phát huy.
57. Giáo Hội Việt Nam đã có Thư chung về Nghi lễ Tôn kính Tổ tiên (15/11/1964), Thông cáo của Hội dồng Giám mục Việt Nam về việc Tôn kính Tổ tiên và các bậc Anh hùng liệt sĩ, chỉ rõ Thể thức áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est (08/12/1939) cho Giáo Hội Trung Hoa, Thư chung của các Đức Giám mục Việt Nam về Lễ nghi Tôn kính Ông Bà Tổ tiên (14/11/1974): đây là một bước hội nhập văn hóa quan trọng.
58. Tuy nhiên một mặt não trạng chối từ triệt để không biết tại sao đã ăn sâu vào tâm thức người Kitô hữu Việt đến độ họ không áp dụng bao nhiêu các chỉ thị này; mặt khác vấn đè Thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam còn hỗn dung mà sâu sắc hơn nhiều, các chỉ thị này chưa giải đáp chính bản chất của vấn đề: nguời Kitô hữu Việt phải Thờ cúng Tổ tiên như thế nào (chứ không chỉ là tham dự, dù tích cực hay thụ động thôi) tại gia đình, tại nhà thờ họ tộc, tại nhà thờ giáo xứ vào các dịp lễ cổ truyền như Tết Nguyên đán, lễ Vu lan, để đúng là một người Việt thực sự có văn hóa Việt. Có thể nói đây là chìa khóa mở vào hồn Việt, và bởi vì không có nó, cho nên bấy lâu nay chúng ta hầu như chỉ quanh quẩn bên ngoài ngôi nhà văn hóa Việt.
59. Vấn đề kỵ giỗ, họ tộc, mồ mã
Có thể nói được rằng bản chất của vấn đề trong thực tế là văn hóa xã hội tập quán, có lẻ còn một thoáng hỗn dung tôn giáo (syncretisme religieux) có thể phân biệt dễ dàng. Không chỉ là thamdự mà phải tổ chức như thế nào để đúng là người Việt Kitô hữu. Đối với văn hóa phong tục Việt Nam, thánh lễ cầu hồn ở nhà thờ giáo xứ không thay thế được việc kỵ giỗ; sổ Rửa tội không thay thế được Gia phả dòng họ; cộng đoàn giáo xứ không thay thế được dòng tộc bà con; nhà thờ giáo xứ không thay thế được nhà thờ họ tộc. Ngưòi Việt ngoài Kitô giáo cho ngưòi Việt Kitô hữu là mất gốc, ngoại lai, xa lạ hay Tây cũng phần nào có lý do.
60. Vấn đề tang chế
Trong thực tế vấn đề này còn mang một tính chất hỗn dung hết sức, rất phức tạp và chi li, đòi hỏi được nghiên cứu thấu đáo. Cách cử hành tang chế và tang lễ của Kitô giáo hiện nay nói chung còn quá đâm sắc Tây Phương duy lý. Người Việt biểu lộ tâm tình thảo hiếu một cách khác người Phương Tây.
61. Vấn đề hôn lễ
Cuộc sống văn hóa người Việt có 4 dịp lễ quan trọng : quan, hôn, tang ,tế. Văn hóa Tây Phương nói chung chịu ảnh hưởng thuyết duy lý, còn người Việt sống tình cảm dạt dào, nội tâm hơn, sâu sắc. Ngoài những yếu tố hoàn toàn mê tín, các nghi lễ quan hôn tang tế có một giá trị văn hóa xã hội rất to lớn. Hôn lễ của người Kitô hữu việt phải được cử hành như thế nào để nói lên được cái đặc sắc của nét văn hóa Việt này.
62. Vấn đề hôn nhân khác đạo
Về mặt xã hội, không thể không có hôn nhân khác đạo, trái lại càng sẽ có nhiều hơn, vì người Kitô hữu càng ngày càng đi ra giữa xã hội nhiều hơn bởi nhiều lý do và càng ngày người Kitô hữu càng là thiểu số so với đà tăng dân số của một miền hay của thế giới ngoài Kitô giáo.
63. Về mặt tôn giáo, nói chung ở Việt Nam vấn đề trở lại đạo Kitô trong hôn nhân khác đạo đã gây nên một mặc cảm mà tầm mức tác hại là không ngờ và không lường được : về phía người Kitô hữu thì đó là một bế tắc, mặc cảm, để rồi rất dễ dàng trở thành hình thức khi tìm cách để ngưòi khác tôn giáo từ bỏ niềm tin của họ mà theo tôn giáo mình; về phía người khác tôn giáo thì đó là một sự chối bỏ tín ngưỡng của mình, kéo theo sự chối bỏ cả một văn hóa, rồi cả một xã hội gia tộc nữa, do một áp lực tình cảm. Có khi được một người theo đức tin Kitô (mà thế nào gọi là được!) mà đành mất cả một dòng họ, một tập thể và gần như mất hẳn.
64. Vấn đề rửa tội bằng nước cho người muốn theo đức tin Kitô trước khi chết, người lớn và trẻ em.
Về mặt thần học, cần nhắc lại là ơn cứu rỗi được ban qua nhiều cách khác nữa, như là rửa tội bằng lòng muốn, rửa tội bằng máu.. .Về mặt xã hội, nếu vấn đề này được quan niệm một cách quá hẹp hòi triệt để đến độ trở thành máy móc, hình thức (và có thể nói gần như mê tín!) kèm theo một sự hăng say tông đồ nào đó, sẽ dẫn đến một thái độ kỳ cục có thể nói là “giành giựt”, hoàn toàn thiếu tinh thần Tin Mừng và thiếu tôn trọng đối với cả một tập thể khác tôn giáo, đồng thời phần nào thiếu trách nhiệm đối với người vừa được rửa tội, nếu họ không chết... Làm sao vừa đúng giáo lý vừa tôn trọng kẻ khác.
65. Vấn đề các Lễ tiết của người Việt
Như Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Trung Nguyên, lễ Vu lan, Tết Trung Thu, Ngày Rằm, Ngày mồng một... Đây là những nét đẹp trong phong tục văn hóa của người Việt Nam và Á Đông. Ngưòi Kitô hữu Việt Nam cử hành những Lễ tiết này thế nào? Phụng vụ của Kitô giáo ở Việt Nam có thể của hành những Lễ tiết này thế nào?
TẠM KẾT: BẤT TẬN NGÔN
66. Chúng tôi mơ một Giáo Hội là tôi tớ phục vụ (servante): phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Chúa Kitô, phục vụ chương trình cứu độ của Ngài, phục vụ cả các dân tộc Á Châu, phục vụ các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, phục vụ tất cả mọi người, hoàn toàn và chỉ phục vụ tha nhân. Một Giáo Hội tôi tớ phục vụ thì không có tham vọng cũng chẳng có đòi hỏi nào. Một Giáo Hội tôi tớ phục vụ thì không nhấn mạnh các quyền lợi của mình, Giáo Hội dâng hiến những việc phục vụ và không cảm thấy bị xúc phạm nếu bị từ chối. Một Giáo Hội tôi tờ phục vụ thì làm thinh khi bị đặt ra một bên, bị lãng quên hoặc bị đối xử bất công. Một Giáo Hội tôi tớ phục vụ thì không sợ là thiểu số. Đó là một Giáo Hội đang lữ hành trên đường về Nước Trời. Trước hết đó là một cộng đoàn đức tin, diễn tả và công bố những giá trị của Nước Trời (FABC 23,25)
67. Chúng tôi chú ý tới sự kiện là các hành động thì nói rõ hơn là các lời nói và tốt hơn là yêu mến đi thay vì rao giảng về tình yêu, đối thoại đi thay vì viết về đề tài này. Tất nhiên cả 2 việc đều cần thiết, nhưng tình yêu là ân huệ lớn hơn tất cả, đặc sủng tồn tại đến cùng (x. 1 Cor 13,13). Các Giáo Hội Á Châu phải vượt thắng nổi sợ hãi cái ẩn số (inconnu) và có can đảm rời con chiên độc nhất trong chuồng để đi tìm 99 con chiên khác đang ở ngoài chuồng.
68. Vì thế chúng tôi mơ một Giáo Hội không điều kiện cũng chẳng tính toán, phục vụ những ngưòi thuộc các tôn giáo khác, một Giáo Hội của sự hòa giải, phục vụ những cộng đồng nhân loại đang tranh chấp nhau, một Giáo Hội cởi mở, phục vụ những người nghèo. Việc phục vụ này bao gồm một liều lĩnh, sự liều lĩnh mất mạng sống để tìm lại được nó (x. Mc 8,15). Chúng ta có can đảm cầu xin để đi theo Chúa cho đến cùng không? (FABC 54)
69. Chắc hẳn còn nhiều khía cạnh của Kitô giáo mà chúng ta chưa khám phá ra và chúng ta chỉ thấy khi Kitô giáo đã được khúc xạ qua tất cả những mặt khác nhau của tấm lăng kính. Kitô giáo mới chỉ khúc xạ qua thế giới hy la, và nó còn phải khúc xạ qua mặt kính Trung Hoa và Ấn Độ nữa, để có thể hoàn thiện vào lúc kết thúc thời gian, và sự hoàn thiện này không phải là công việc của những cá nhân, nhưng là của hết thảy các nền văn minh khi chùn được Kitô hóa. “ Hết thảy các nền văn minh phải được thấm nhuần Kitô giáo, và Kitô giáo phải làm phát triển tất cả những gì là an bài và chuẩn bị của Thiên Chúa nơi các tôn giáo ấy” (Hoàng Sĩ Quý, sdd, tr. 94)
70. Các giáo phụ rất am tường những truyền thống La Hy của mình. Vì thế chúng tôi mơ một Giáo Hội Á Châu cảm thấy như ở nhà mình, ở trong chính văn hóa của mình : một Giáo Hội mà sự giáo dục và cho đến cả tâm hồn đều múc ra từ những truyền thống văn hóa quê hương. Các chủng sinh và các tu sĩ đang được huấn .luyện không nên bị kéo ra khỏi môi trường văn hóa của họ, mà phải luôn luôn tiếp xức với những truyền thống sống động của họ (FABC 20)
71. Chỉ khi nào người Kitô hữu vừa am hiểu về các tôn giáo, lại vừa sống đạo sâu xa, cũng như biết rõ giáo lý và nền tảng thần học của vấn đề đối thoại tôn giáo thì khi ấy họ mới thực sự trở thành ánh sáng để soi lối cho người ngoài Kitô giáo (HSQ, sđd, tr 94)
72. “Tôi thấy rằng đã đến lúc dốc toàn lực trong Giáo hội vào một cuộc loan báo Tin Mừng mới. Không một ai, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này” (Gioan-Phaolô II, Redemptoris Missio, 3)
Đại Hội Dân Chúa 21-25/11/2010 tại TPHCM
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền