Vấn đề Đồng tính Luyến Ái & Ơn gọi Linh mục
Trên chuyến bay tông du Hoa Kỳ vào ngày 15.4.2008, ĐTC Bênêđíctô XVI đã khẳng định với các phóng viên báo chí một cách dứt khoát: "Điều quan trọng đối với Giáo Hội là cần có những Linh Mục tốt, chứ không phải có nhiều Linh Mục."
Câu nói đó là một định hướng rõ ràng nhất cho việc tuyển chọn và huấn luyện các ứng sinh dọn mình lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục trong Giáo Hội Công Giáo: Đó là phải cân nhắc thận trọng tối đa trong việc tuyển chọn các ứng sinh tiến tới thừa tác vụ Linh Mục! Nói cách khác, điều cơ bản trước tiên ở đây là phẩm chất người Linh Mục, rồi mới đến số lượng Linh Mục. Nếu ngày nay số lượng Linh Mục đang thiếu hụt trầm trọng và đang là một điều trăn trở cho Giáo Hội, thì mối quan tâm lo lắng đầu tiên của Giáo Hội bao giờ cũng vẫn là việc tuyển chọn những ứng sinh tốt vào hàng ngũ Giáo Sĩ.
Vậy, để một ứng sinh có thể tiến tới thừa tác vụ Linh Mục trong Giáo Hội Công Giáo, ứng sinh đó phải thoả mãn được hai phương diện:
• Phương diện tích cực: phải hội đủ các điều kiện Giáo Hội đã thiết định về đức dục, trí dục, khả năng phán đoán, tư cách cá nhân và sự lành mạnh về tâm sinh lý, v.v…
• Phương diện tiêu cực: hoàn toàn không bị vướng mắc bất cứ ngăn trở khách quan nào đối với việc lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục.
Nhưng khi đề cập đến những ngăn trở không cho phép một ứng sinh được lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục, người ta đã không khỏi băn khoăn tự hỏi: Phải chăng khuynh hướng đồng tính luyến ái (Homosexualität) cũng thuộc về những ngăn trở đó ? Hay nói rõ hơn, phải chăng khuynh hướng đồng tính luyến ái là một ngăn trở khách quan bất khả kháng không cho phép một ứng sinh được lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục và gia nhập hàng Giáo sĩ ?
Nếu nói một cách khách quan, người ta phải công nhận rằng đối với não trạng con người ngày nay, nguyên việc nêu lên câu hỏi trên và nhất là việc cho rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể là một ngăn trở khiến một ứng sinh bất khả lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục, cũng đã gây những phản ứng tiêu cực từ nhiều phía trong các từng lớp xã hội và ngay trong lòng Giáo Hội cũng không thiếu những phản ứng tiêu cực tương tự. Người ta cho rằng việc cấm cản những người có khuynh hướng tự nhiên về đồng tính luyến ái như hiện nay là một thái độ kỳ thị bất công đối với những người nhạy cảm về khuynh hướng tự nhiên đó; và theo họ thay vì cấm cản, Giáo Hội nên bày tỏ sự khoan dung và thông cảm, nhất là phải hết sức loại bỏ tư tưởng chống đối và đố kỵ đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Vì người ta luôn xác tín rằng đồng tính luyến ái là một khuynh hướng bẩm sinh, do di truyền gây ra. Bởi vậy, họ cho rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái cũng có giá trị tương đương với khuynh hướng lưỡng tính luyến ái bình thường, tức sự luyến ái giữa hai giới tính khác nhau (Heterosexualität), dù rằng cách thực hành có khác nhau. Được thế, nhân phẩm những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái mới được kính trọng và cách sống cũng như khuynh hướng bất khả thay đổi của họ mới được luật pháp bảo vệ.
Sự thay đổi ý thức một cách tuyệt căn tận gốc rễ
Đó là điều người ta nhìn thấy rõ được trong quan niệm cụ thể của con người ngày nay. Thật vậy, suốt dòng lịch sử nhân loại người ta luôn có một thái độ phê phán tiêu cực và kết án khắt khe đối với hành động đồng tính luyến ái và coi như một sự sa đọa thoái hóa về luân lý, có tính cách tội lỗi như chúng ta đã từng chứng kiến. Nhưng bỗng chốc, trong khoảng thời gian từ 30 năm nay, ít là tại lục địa Âu Châu và tại các nước Bắc Mỹ, người ta đã có một cái nhìn ngược lại đối với khuynh hướng đồng tính luyến ái: Từ một hành động hay cách sống tội vạ đáng kết án đã trở thành một phần chính yếu của nhân phẩm con người. Một dẫn chứng tiêu biểu là ông Gene Robinson, một Linh Mục thuộc Anh Giáo ở Hoa Kỳ mặc dù đã công khai tự nhân mình là đồng tính luyến ái, vào ngày 2.11.2003 đã được tấn phong Giám Mục và ngày 7.3.2004 ông đã chính thức làm lễ nhận chức GM Giáo phận New Hampshire. Sự thay đổi quan niệm và ý thức một cách nhanh chóng và tuyệt căn này của một số không nhỏ con người ngày nay quả là một hiện tượng khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên.
Dĩ nhiên, sự thay đổi quan niệm và ý thức này là một vấn đề đầy chủ ý; hay nói đúng hơn, đó là một khúc ngoặt cả về phương diện văn hóa lẫn luân lý đã được dàn dựng và lèo lái, và những lý do của khúc ngoặt văn hóa và luân lý đó thì rất đa dạng. Bên cạnh những xác tín đạo đức về một cuộc sống đúng đắn bị suy thoái kể từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, người ta phải kể đến ảnh hưởng sâu đậm của "Kinsey-Reporte"(1), không những mang tính cách giả tạo, đượm màu sắc ý thức hệ, mà còn chứa đầy sai lầm nữa, là một sự thành công vô tiền khoáng hậu trong việc thay đổi toàn diện được não trạng của một số lớn người đương thời và đồng thời cũng là nguyên nhân làm nảy sinh ra phong trào những người đồng tính luyến ái. Đây là một phong trào còn chứa đựng những tình tiết phảng phất tính cách "trinh thám". Thật vậy, cả là một vấn đề đầy căng thẳng, đầy tính chất giật gân và kinh ngạc đối với những người đồng tính luyến ái khi họ theo đuổi mục đích là gây được sự chú ý và nhất là sự chấp nhận của xã hội. Nhưng càng kinh ngạc hơn nữa khi họ dùng tất cả mọi phương tiện để đạt cho được mục đích đó.
Thật vậy, trong một thời gian tương đối ngắn ngủi, phong trào những người đồng tính luyến ái đã thành công không những trong chiến lược làm cho xã hội chấp nhận khuynh hướng đồng tính luyến ái của họ, mà còn gây nên được ấn tượng là khuynh hướng tính dục đó của họ hoàn toàn bình thường, nếu không nói là còn đáng đề cao nữa. Họ luôn quảng cáo khuynh hướng đồng tính luyến ái của họ được dựa trên lý do khoa học và họ còn ầm ĩ kết án những quan điểm chống đối khuynh hướng của họ là thiên kiến chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, nếu không nói là họ còn kết án những quan điểm đó là tội ác vì xúc phạm đến phẩm giá và sự tự do của con người. Ở đây, người ta cũng không quên nhắc đến thái độ tương đối hóa thiếu trách nhiệm của một phần lớn các chính sách trong phạm vi chính trị và xã hội đã quá hấp tấp vội vàng bị chinh phục bởi chiến lược của những người đồng tính luyến ái, và qua đó đã gián tiếp góp tay loại bỏ những giá trị luân lý đạo đức truyền thông và tạo nên một sự thay đổi sâu xa tận nền móng xã hội, nhất là một đe dọa trầm trọng cho các giá trị gia đình truyền thống.
Luận cứ trọng yếu và sự khẳng định của phong trào những người đồng tính luyến ái đưa ra là khuynh hướng tính dục đồng tính luyến ái của họ do di truyền bẩm sinh và thuộc về bản chất của con người nên bất khả thay đổi, vâng, thuộc về căn tính của mỗi người liên hệ.
Thế nhưng, nếu được phân tích một cách khách quan và đúng đắn thì người ta sẽ thấy rằng luận cứ trọng yếu hay điểm tựa căn bản đó của những người đồng tính luyến ái mang đầy tính cách chủ quan và không thể đứng vững. Hơn thế nữa, luận cứ và sự khẳng định đó có nguồn gốc từ một quan điểm chính trị được khơi dậy từ khoảng 100 năm trở lại đây, nhưng lại là một quan điểm chính trị thiếu hẳn nền tảng chắc chắn về sinh lý lẫn tâm lý. Thật vậy, từ trước cho tới nay chưa hề có một nghiên cứu khoa học khách quan nào chứng minh được rằng yếu tố sinh học là nguyên nhân chính của khuynh hướng đồng tính luyến ái nơi một số người. Dĩ nhiên, có một ít nhà khảo cứu tự nhận mình có khuynh hướng đồng tính luyến ái đã tự đưa ra những kết luận tích cực, nhưng những kết luận của họ lại thiếu tính cách khách quan và chỉ thuần lý thuyết suông mà thôi. Vì thế, người ta không quan tâm hay ít quan tâm đến những yếu tố và những giải thích thuộc lãnh vực tâm lý do những cuộc khảo cứu của họ đưa ra và điều đó cũng có nghĩa là nó không đủ khả năng tạo cho tâm lý một trọng lượng có tính cách thuyết phục, trái lại điều nó có được là một sự bất mãn mà thôi.
Đúng thế, những ai chưa hề hay rất ít hiểu được khuynh hướng đồng tình luyến ái khi được nhìn dưới góc cạnh tâm lý học, thì sẽ vô cùng bỡ ngỡ và ngạc nhiên trước những nhận định của các nhà tâm lý học thời danh, như Sigmund Freud, Stekel, Alfred Adler, Carl Gustav Jung, v.v… Tuy dựa theo những nghiên cứu khác nhau, nhưng tất cả họ đều cho rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái là một sự xáo trộn trong giai đoạn phát triển thể lý thuộc phạm vi xác định về phái tính, một điều hoàn toàn không do bẩm sinh, nhưng gây ra bởi những điều kiện và những ảnh hưởng nhất định nào đó và vì thế hoàn toàn có thể thay đổi được. Chính nhà phân tâm học E. Ringel, người Áo, cũng nhận định rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái là triệu chứng loạn thần kinh; đó là một kết quả mà ông đã rút tỉa ra được từ một trường hợp phát triển bệnh hoạn nơi trẻ con, và sự phát triển bệnh hoạn này chắc chắn sẽ dẫn tới một cấu trúc nhân vị bất bình thường trong lãnh vực tình cảm. Đối với giáo sư phân tâm học Ringel, khuynh hướng đồng tính luyến ái là một thí dụ điễn hình cho một thứ triệu chứng bệnh hoạn về phái tính, mà trên thực tế trong triệu chứng đó còn ẩn chứa một sự xáo trộn về nhân cách của đương sự.
Vậy, đã quá hiển nhiên, là xét về phương diện khoa học về con người, thì khuynh hướng đồng tính luyến ái biểu lộ một khuyết điểm của bản sắc con người thuộc lãnh vực phái tính. Đó là một khuyết điểm gây nên bởi sự xáo trộn tâm lý trong giai đoạn phát triển và qua những cách thức khác nhau hoặc nhiều hay ít đã tạo nên những ảnh hưởng cụ thể trên chính nhân vị của đương sự.
Riêng đối với các khoa học gia và các nhà trị liệu (Thérapeute), như G.J.M. van den Aardweg, J. Hatterer, J. Nicolosi, R. Fitzgibbons hay R.L. Spitzer, cả là một vấn đề đầy khó khăn và rắc rối khi lên tiếng phản đối trào lưu tâm lý hiện nay thiên về khuynh hướng đồng tính luyến ái, kể từ khi Ủy ban phân tâm học Hoa Kỳ, gọi tắt là APA, bị áp lực của phong trào những người đồng tính luyến ái, đã gạch bỏ khuynh hướng đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách những xáo trộn về tâm lý vào năm 1973. Và kể từ đó, những nghiên cứu về nguyên nhân của khuynh hướng đồng tính luyến ái càng ngày càng mang nặng màu sắc ý thức hệ và đánh mất đi các giá trị khách quan của mình, khi đưa ra những kết quả gượng ép phò khuynh hướng đồng tính luyến ái một cách thiên vị. Trên thực tế, thái độ chống đối khuynh hướng đồng tính luyến ái trên khắp thế giới từ trước tới nay đã và đang phải đối đầu với sức ép kinh khủng của phong trào những người đồng tính luyến ái, mà một số lớn trong họ đang nắm giữ những địa vị chủ chốt trong nhiều lãnh vực quan trọng của xã hội.
Những thái độ xử sự trong Giáo Hội
Vì Giáo Hội là một phần của xã hội nhân loại và ngược lại, nên người ta không lấy làm ngạc nhiên khi nhận thấy rằng vấn đề đồng tính luyến ái cũng đã và đang gây nên bao bức xúc và bao khó khăn ngay trong lòng Giáo Hội và cho Giáo Hội. Ở đây, một báo động không kém phần nghiêm trọng, đó là so sánh với tổng số dân cư thì con số những Chủng sinh, Linh Mục và các Tu Sĩ có xu hướng thiên về đồng tính luyến ái (hay đang thực hành điều đó) là quá cao; và trong lãnh vực này người ta có thể nói là Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nhiều trăn trở vào hàng đầu.
Khi mà người ta không thể đưa ra một lời giải thích có tính cách nguyên nhân độc điệu cho hiện tượng xảy ra được, thì đương nhiên hiện tượng đó không chỉ đơn thuần gây nên bởi xã hội. Một điều chắc chắn là sự thay đổi ý thức và quan niệm của con người ngày nay trong xã hội không hề chịu dừng lại trước ngưỡng cửa Giáo Hội hay miễn trừ cho Giáo Hội, trái lại nó còn gây nên những tác động không kém phần nghiêm trọng trong Giáo Hội, như ngày nay người ta đang phải chứng kiến và đối mặt.Người ta cũng phải thành thật công nhận rằng con số cao các Chủng sinh, Linh mục và Tu sĩ có khuynh hướng đồng tính luyến ái như đã nói trên là phần lớn tự mình gây ra. Thật vậy, nhiều vị có thẩm quyền trong Giáo Hội đã và đang hành động một cách cụ thể trong công tác Mục Vụ dựa theo những quan niệm lệch lạc về sự khoan dung và đức bác ái, và nhất là thái độ chối bỏ thực tế cụ thể, tương đối hóa vấn đề, giữ im lặng hay không muốn quan tâm đến vấn đề một cách vô tình hay bất cẩn. Và đây là điều không ai trong họ có thể biện minh cho thái độ của mình và tránh né trách nhiệm được.
Trong khi đó, ngược lại có những vị khác lại đã và đang hành động đầy ý thức và có đường hướng rõ ràng. Nhưng họ lại hành động qua một thái độ giải thích chứng từ Kinh Thánh một cách chủ quan độc đoán và một chiều, luôn trích dẫn truyền thống và những cắt nghĩa của Giáo Hội như bằng chứng để kết luận rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái là một sự xáo trộn trong lãnh vực phái tính và sự thực hành khuynh hướng đó là một trọng tội. Mãi cho tới thời gian gần đây, các nhà thần học mới dứt bỏ được quan điểm đó. Qua một tiếp cận đúng đắn với Kinh Thánh, người ta mới nhận thức được rằng quan điểm trên thuần tuý tuỳ thuộc phạm trù thời gian và mang tính cách cá nhân, chứ không phải là những phát biểu chính yếu có tính cách cơ bản. Trong trường hợp như thế, sự chú giải Kinh Thánh đã trở thành sự chú giải chính quan niệm của cá nhân đương sự.
Trở lại vấn đề, ai đòi hỏi là sự đồng tính luyến ái cũng phải được nhìn nhận như một dị biệt trong công trình sáng tạo và có giá trị ngang hàng với khuynh hướng lưỡng tính luyến ái (giữa nam-nữ), thì người đó thực sự đã có một cái nhìn về hình ảnh con người hoàn toàn xa lạ với chứng từ Kinh Thánh về con người. Những đòi hỏi và ý nghĩ như vậy là không phù hợp với Kinh Thánh, nghĩa là đi ngược lại chương trình sáng tạo của chính Thiên Chúa Tạo Hoá. Đồng thời con người đã chống lại hàng ngàn năm lịch sự của nhân loại và hàng triệu năm của sự tiến hóa. Con người đã chống lại chính bản chất tự nhiên của mình. Con người tự phát minh ra chính mình một cách mới mẻ. Con người tranh đấu chống lại Đấng Tạo Hóa của mình. Nói cách khác, con người không còn muốn mình là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, nhưng muốn chính mình là Tạo Hóa và chúa tể của chính mình.
Những mạng lưới liên kết mới đang được nảy sinh
Một điều không thể chối cãi là giáo huấn về luân lý phái tính (Sexualmoral) của Giáo Hội đã bị nhiều thành phần có trách nhiệm trong Giáo Hội tẩy chay, một cách công khai hay ngấm ngầm. Đó là những tố cáo mà Michael S. Rose đã nêu lên trong tác phẩm của ông tựa đề là «Goodbye! Good Men! How Catholic Seminaries Turned Away Two Generations of Vocations From The Priesthood”, xuất bản năm 2002 và ông nhìn thấy trong đó nguyên nhân quyết định của con số đang mỗi ngày mỗi tăng cao những Chủng sinh, Linh Mục và Tu Sĩ có xu hướng thiên về đồng tính luyến ái (kể cả những người đang thực hành điều đó). Rose trích dẫn những dẫn chứng về phía những ứng sinh bị từ chối, những người vì do có quan điểm lệch lạc và bất đồng đối với các giáo huấn của Giáo Hội về phái tính và về luân lý phái tính, đã phải trải qua một cuộc trắc nghiệm về tình trạng tâm lý, và mặc dù những cuộc trắc nghiệp đó thường được thực hiện bởi các nhà tâm lý học khô khan nguội lạnh trong vấn đề đức tin, vô thần hay có khuynh hướng chống đối Giáo Hội, kết quả vẫn tiêu cực: Tình trạng tâm lý của họ bị phê là “chậm phát triển về phái tính” hay “quá võ đoán”.
Trong khi đó, ngược lại, ai chấp nhận việc độc thân và từ chối việc công nhận khuynh hướng đồng tính luyến ái là một điều bình thường, sẽ bị coi là một người có những dấu hiệu đồi bại về tính dục. Sự kỳ thị công khai như thế đối với những Chủng sinh bình thường sẽ dẫn tới việc tạo nên một văn hóa đặc thù riêng tư về đồng tính luyến ái và những mạng lưới liên kết những thành phần đồng tính luyến ái trong các Chủng Viện và cả trong hàng ngũ các Giáo sĩ lại với nhau. Đây là một điều gây nên những ảnh hưởng không nhỏ làm cho những Linh Mục và Chủng sinh bình thường bị cô lập và mất sự tự tín và nhiều khi còn bị tẩy chay. Và đó chính là một trong những nguyên nhất quyết định khiến cho một số Giáo Sĩ dần dà bị lôi kéo vào tình trạng đồng tính luyến ái.
Ở đây người ta cũng tự hỏi là liệu những động lực và ảnh hưởng bên ngoài Giáo Hội Công Giáo có góp phần vào hiện tượng này hay không? Những quan sát khách quan cho thấy rằng ở Hoa Kỳ vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước hàng loạt người có khuynh hướng đồng tính luyến ái đã ồ ạt gia nhập các chủng viện, và con số họ càng ngày gia tăng. Điểm trùng hợp đặc biệt ở đây là cũng chính vào lúc đó phong trào quốc tế những người đồng tính luyến ái đã bắt đầu xuất hiện một cách công khai với khẩu hiệu “Chúng ta hãy tạo nên cơ chế cho mình”, chứ họ không muốn bị tẩy chay nữa. Và đương nhiên Giáo Hội Công Giáo là mục tiêu đầu tiên mà phong trào đồng tính luyến cương quyết nhắm tấn công, họ luôn coi Giáo Hội Công Giáo là đối thủ không đội trời chung, bởi vì Giáo Hội Công Giáo là cơ cấu xã hội duy nhất đã, đang và sẽ không bao giờ thỏa mãn được những đòi hỏi của những người đồng tính luyến, như hợp thức hóa sự sống chung của họ và đánh giá ngang hàng với gia đình truyền thống, cho phép họ được gia nhập hàng Giáo Sĩ, được nắm giữ những địa vị then chốt trong Giáo Hội, được cử hành và được lãnh nhận các phép Bí tích, v.v…
Những trường hợp lạm dụng tính dục của những Giáo Sĩ và Tu Sĩ đối với các thanh thiếu niên thuộc nam giới - mà đa số họ nay đã quá tuổi dậy thì và đã trưởng thành - đã gây nên trong những năm vừa qua bao tổn thất to lớn cho Giáo Hội về mặt luân lý cũng như về mặt tài chánh. Nhưng những trường hợp này hoàn toàn có liên hệ chặt chẽ với giai đoạn phát triển thể lý của con người, và dĩ nhiên những người liên hệ luôn kịch liệt gạt bỏ yếu tố này. Và những trường hợp đã công khai bị coi là xì-căng-đan lạm dụng tính dục trẻ con thì trên thực tế đa số là những xì-căng-đan thuộc lãnh vực đồng tính luyến ái.
Trong Huấn thị của Thánh Bộ về Giáo dục Công Giáo công bố ngày 29.11.2005 với sự phê chuẩn của ĐTC Bênêđíctô XVI đã nhắc lại luật cấm ngặt việc truyền chức Linh Mục cho những người thực hành đồng tính luyến ái, những người có khuynh hướng quá thiên về đồng tính luyến ái hay những người ủng hộ lối giải trí được gọi là “Gay-kultur”, trò chơi khêu gợi tính dục đồng tính luyến ái và cho đó là hợp lý. Việc chu toàn khoản 1024 của Giáo Luật – đòi buộc đối tượng được nhận lãnh Bí tích Truyền chức Linh Mục phải thuộc nam giới - một cách thuần tuý hình thức là chưa đủ. Bởi lẽ, Vị Linh Mục là đại diện cho Đức Giêsu Kitô trong hành động chuyên biệt của Người với tư cách là “Chú Rể” đối với “Cô Dâu”, tức Hiáo Hội. Nhưng một người có khuynh hướng quá thiên về tính dục đồng tính luyến ái sẽ không đủ khả năng và tư cách để chu toàn được nhiệm vụ đó, vì quan hệ “cô dâu-chú rể” hoàn toàn xa lạ đối với anh, nằm ngoài quan niệm của anh. Nếu ý nghĩa và biểu tượng của Bí tích truyền Chức thánh với lý do thầm kín như vừa nói cũng như dữ kiện cơ bản về nhân chủng học không bị làm lu mờ hay bị chối từ bởi sự tự đồng hóa mình cách công khai với lối giải trí “Gay-kultur” hay với sự đánh giá khuynh hướng đồng tính luyến ái của chính mình như là một điều tích cực, thì đương nhiên đã khẳng định rằng chỉ những người bình thường, tức những người có khuynh hướng tính dục lưỡng tính, mới được lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục là một điều hợp lý.
Để hiểu rõ điều đó hơn, chúng ta hãy quan sát những nạn nhân bị lạm dụng tính dục bởi một số Giáo Sĩ và Tu Sĩ mà đa số trong họ là những người trưởng thành thuộc nam giới đã qua tuổi dậy thì, điều đó đã chứng minh cho thấy khuynh hướng đồng tính luyến ái là một yếu tố nguy hiểm không thể phủ nhận và không thể coi thường được.
Sự hữu ích bó buộc của người Linh Mục đối với tác vụ của Giáo Hội theo Giáo Luật khoản 25, điều 2, được hiểu như là khả năng thi hành tác vụ cũng như không gây nên tổn hại cho Giáo Hội và những người thuộc quyền săn sóc của vị Linh Mục. Nếu thế thì những ứng sinh lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục có khuynh hướng tính dục thiên về đồng tính luyến ái sẽ được coi là quá bị giới hạn, vì sự thi hành tác vụ của họ cho Giáo Hội trong những lãnh vực vừa tế nhị vừa quan trọng, như trong công tác Mục Vụ cho trẻ con và thanh thiếu niên thì trên nguyên tắc sẽ là một mạo hiểm rất lớn.
Thái độ kính trọng những người đã được Giáo Hội giao phó cho mình coi sóc cũng như việc bảo vệ sự toàn vẹn về phương diện thể lý và luân lý của những người đó hoàn toàn phải được ưu tiên hơn những tình cảm của những người có khuynh hướng thiên về tính dục đồng tính luyến ái, mặc dầu những người này cảm thấy mình bị xúc phạm và bị đối xử bất công khi bị từ chối không được truyền chức Linh Mục. Theo Giáo Luật khoản 1037, lời tuyên hứa giữ đời độc thân của ứng sinh trước khi lãnh nhận Bí tích truyền Chức thánh đòi buộc không những bổn phận phải khước từ hành động tính dục, nhưng cả việc khước từ đời sống hôn nhân vợ chồng và gia đình. Theo nguyên tắc, sự khước từ này đòi hỏi những người thuộc phái nam bình thường, tức những người có khuynh hướng tính dục lưỡng tính. Trong khi đó, những người thuộc phái nam có khuynh hướng tính dục đồng tính luyến ái sẽ không thể chu toàn được sự đòi hỏi đó đối với việc lãnh nhận Bí tích truyền Chức thánh, trừ khi cái mà người ta gọi là “hôn nhân-đồng tính luyến ái” là một Bí tích hôn phối thực sự.
Vậy, người ta có thể nói rằng, khuynh hướng tính dục đồng tính luyến ái hoàn toàn không thể phù hợp với Bí tích truyền Chức thánh, nếu không, người ta sẽ tạo ra trong Giáo Hội và trong thần học những đối kháng phức tạp và bất khả vượt qua khi hợp pháp hóa việc truyền chức Linh Mục cho những người đồng tính luyến ái. Sự minh định rõ ràng dứt khoát trong phương diện suy lý và nhất là trong phương diện pháp lý đã nói lên sự thật của vấn đề và giải toả được tất cả những khúc mắc tồn đọng. Vì vậy, cần phải nêu danh rõ ràng rằng dựa theo Giáo Luật thì vấn đề đồng tính luyến ái là một ngăn trở khách quan đối với Bí tích truyền Chức thánh.
Chỉ trên giấy tờ một mình thì chưa đủ
Tuy nhiên, ở đây một câu hỏi được đặt ra là đứng trước những chống đối của nhiều thành phần trong Giáo Hội, liệu luật cấm truyền chức Linh Mục cho những người đồng tính luyến ái có thể tiếp tục đứng vững được không. Nếu chỉ căn cứ trên giấy tờ một mình là chưa đủ. Những người có trách nhiệm trong Giáo Hội trước hết còn cần phải có ý chí muốn nhìn thẳng vào vấn đề, tìm cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách cởi mở và dứt khoát, chứ không như thái độ từ trước tới nay vẫn thực hành là chỉ muốn giữ thái độ im lặng, coi thường hay tránh né vấn đề. Dĩ nhiên vấn đề cũng không thể để tồn đọng một chiều trong nội bộ của mình được, vì bên cạnh phương diện khuynh hướng có ơn gọi tiến tới thừa tác vụ Linh Mục còn có phương diện quan trọng cần thiết là việc đánh giá phẩm chất của ứng sinh vào thừa tác vụ Linh Mục vẫn chưa được làm sáng tỏ, dù rằng nguyên tắc đã được vạch ra một cách rõ ràng: “Điều quan trọng đối với Giáo Hội là cần có những Linh Mục tốt, chứ không phải có nhiều Linh Mục”. Nhưng một điểm có tính cách quyết định, là liệu tất cả mọi thành phần của Giáo Hội có chấp nhận trách nhiệm mà ĐGH Gioan Phaolô II đã từng đòi hỏi là ý thức được bổn phận của mình trong việc “chu toàn chân lý Kitô giáo trong lãnh vực luân lý phái tính” và qua đó góp phần vào một sự canh tân thừa tác vụ Linh Mục, đời sống hôn nhân và gia đình một cách thực tiễn.
Lm Nguyễn Hữu Thy
______________________
Chú thích:
1. Alfred G. Kinsey (1894-1956), một nhà động vật học và một nhà khảo cứu về phái tính. Ông đã viết “Kinsey-Reports“; tức “Thái độ phái tính nơi nam giới“ và “Thái độ phái tính nơi nữ giới“.
Sách tham khảo:
Peter Mettler: Die Berufung zum Amt im Konfliktfeld von Eignung und Neigung. Eine Studie aus pastoraltheologischer und kirchenrechtlicher Perspektive, ob Homosexualität ein objktives Weihehindernis ist. Peter Lang – Internationaler Verlag der Wissenschaften, Frankfurt a.M., 2008, 390 Seiten. Europäische Hochschulschriften: Reihe 23, Theologie. Band 875.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn
-
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Viết cho người linh mục -
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay -
Những bước chân -
Chiếc áo chùng thâm -
Linh mục - người mang Chúa cho trần gian -
Linh mục, con người đối thoại -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi”