Văn thơ Công Giáo: Trao giải “Sen giữa Lầy”
HỌP MẶT GIAO LƯU CÁC TÁC GIẢ VĂN THƠ CÔNG GIÁO VÀ TRAO GIẢI SEN GIỮA LẦY
Cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy đã kết thúc tốt đẹp. Buổi trao giải được thực hiện tại Hội Trường An Phong Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chiều 29-7-2010, lồng trong sinh hoạt hằng tuần của lớp Điểm Hẹn Giêsu. Đây cũng là dịp để giao lưu giữa một số những tác giả đã tham gia cuộc thi viết và một số tác giả thơ văn Công giáo khác.
Khoảng 40 tác giả có mặt, nhiều vị trên 70 và cũng có cả những bạn trẻ tuổi 20. Chương trình chính thức bắt đầu lúc 15 giờ. Linh mục Trăng Thập Tự, người đề xướng cuộc chơi xướng họa, chào mừng và mời mọi người hát kinh Chúa Thánh Thần. Sau khi mọi người tự giới thiệu làm quen, nhà thơ nhạc sĩ Cao Huy Hoàng trình bày tổng quát về cuộc thi viết thứ hai và chuẩn bị để bình chọn một bài xướng theo chủ đề TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH.
Cha Trăng Thập Tự nói về tình trạng yếu kém môn văn của học sinh ngày nay và cần tổ chức thi đua để giúp các em ý thức và cố gắng về mặt này. Ở cuộc họp mặt 20-1-2010 tại Phan Thiết, các tác giả hiện diện đã đề ra phương hướng lập các câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo để vận động các em tập sáng tác, đồng thời phát hiện và chăm sóc những tài năng trẻ để chuẩn bị thêm nhiều cây bút cho Giáo hội về sau. Hiện đã có ba câu lạc bộ bắt đầu sinh hoạt: một tại Sài Gòn, một tại Xuân Lộc và một tại Qui Nhơn. CLB tại Sài Gòn đã đều đặn phát hành mỗi tháng trên mạng ba trang: thơ, văn và thiếu nhi. CLB Qui Nhơn đã giúp Ban Mục Vụ Văn Hóa Giáo Phận chấm thi “Giải sáng tác văn thơ Lm Đặng Đức Tuấn 2010” và đảm trách phần tập huấn về thơ văn trong ba ngày hội trại cho các em đạt giải thưởng ấy và những em có năng khiếu văn chương.
Chia sẻ về CLB Xuân Lộc, nhà thơ Cao Danh Viện cho biết sau cuộc họp mặt Phan Thiết, ba thành viên ở địa bàn giáo phận Xuân Lộc đã kết hợp với Legio Mariae Xuân Lộc tổ chức cuộc thi sáng tác cho các bạn trẻ của Legio. Công việc đã được Giáo quyền biết đến và khích lệ.
Tiếp nối câu chuyện, nhiều tác giả đã thay nhau chia sẻ cảm nhận, kinh nghiệm, suy tư và ước vọng cho một nền văn học nghệ thuật Công giáo.
Sau 20 phút giải lao, chương trình tiếp tục với ba bài nói chuyện thân tình: Giáo sư Trần Văn Cảnh, chủ nhiệm tập san nghiên cứu Bản Tin Dũng Lạc, từ Paris về, chia sẻ về sinh hoạt văn thơ Công giáo ở Giáo Xứ Việt Nam tại Paris và về nỗ lực của Bản Tin Dũng Lạc từ đầu tới nay. Nhà văn Vương Đình Chữ, Tổng thư ký Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, chia sẻ giới thiệu về mục đích, quá trình sinh hoạt và hướng đi sắp tới của Câu Lạc Bộ này. Cả hai bài chia sẻ đã mở ra cho các tác giả trẻ thêm một chân trời: ngoài sáng tác thơ văn, họ còn được mời gọi đầu tư học hỏi để dấn thân vào các lãnh vực nghiên cứu. Sau cùng, nhà thơ Lê Đình Bảng chia sẻ về việc tổ chức giỗ 70 năm Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử là nhà thơ có có chỗ đứng quan trọng trong văn học Việt Nam nói chung và văn học Công giáo nước nhà nói riêng. Theo định hướng từ cuộc họp mặt tại Phan Thiết, mỗi địa phương đều nên tổ chức việc kỷ niệm này để gây ý thức cho bạn trẻ Công giáo. Tuy nhiên, theo nhà thơ Lê Đình Bảng, ước gì các Bề Trên trong Giáo Hội, cụ thể là Ban Văn Hóa của HĐGMVN chính thức đảm nhận việc này.
Đến 18 giờ, mọi người vừa dùng bữa ăn nhẹ vừa tiếp tục câu chuyện. Nhà thơ bác sĩ Đoàn Xuân Dũng, Nha Trang, nêu một ý mới: Để đẩy mạnh việc xây dựng văn học Công giáo, không những cần tưởng niệm người xưa mà còn phải đề cao cả những nỗ lực hiện nay, cụ thể như nhà thơ Lê Đình Bảng với bộ sách Ớ Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam vừa xuất bản và quyển Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam sắp phát hành.
18 giờ 30, các học viên lớp Điểm Hẹn Giêsu đến càng lúc càng đông. 19 giờ, cha chủ nhiệm Lê Quang Uy, giới thiệu buổi trao giải Sen Giữa Lầy và nhường quyền hướng dẫn cho hai nhà thơ Cao Huy Hoàng và Mặc Trầm Cung. Hai vị đã trình bày tổng quát về định hướng đoan hứa khiết tịnh của các bạn trẻ, về cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy và các thành quả. Buổi trao giải được minh họa sống động nhờ các slide show rất công phu và mỹ thuật của họa sĩ Sương Mai, các tiết mục Quan Họ tuyệt vời của các chị Tu Hội Hiệp Nhất giáo phận Bắc Ninh và giọng ngâm thơ điêu luyện của nghệ sĩ Kim Lệ. Nhà văn trẻ An Thiện Minh đã thay lời những tác giả đạt giải nói lời cám ơn Ban Tổ Chức và nói lên khát vọng của anh về một nền văn học Công giáo rực sáng sứ điệp Tin Mừng. Cha Trăng Thập Tự giới thiệu Tuyển tập Sen Giữa Lầy, gồm 2 truyện ngắn, 10 bài văn, 204 bài thơ, với 82 tác giả: giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân từ già đến trẻ. (Những ai cần mua số nhiều xin liên lạc về nguoi_phucvu@yahoo.com. Nếu mua lẻ trên mạng hoặc mua từ nước ngoài, xin liên lạc với Fatimacompany.com qua email: hung.pham@fatimacompany.com).
Để kết thúc, cha TTT công bố thể lệ cuộc thi viết mới cho thời gian còn lại của năm thánh 2010, với chủ đề TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH. Sau bài hát Kinh Hòa Bình, ra về, mỗi người được tặng một quyển Sen Giữa Lầy.
TÂM AN
CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE
VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH
Nhân dịp trao giải xướng họa Sen Giữa Lầy đã có buổi giao lưu các tác giả sáng tác thơ văn Công giáo tại Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chiều 29-7-2010. Nhằm cổ võ chương trình Đoan Hứa Khiết Tịnh của mạng Hướng Về Đại Hội Dân Chúa, các tác giả hiện diện đã nhất trí mở cuộc thi viết trên mạng mang tên CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH
I. CHỦ ĐỀ
+ Cuộc thi viết lần trước đã nhìn lên gương khiết tịnh của Mẹ Maria, lần này sẽ nhìn lên gương Thánh Giuse. Nghệ thuật thường diễn tả sự chín muồi về tâm linh của thánh nhân bằng những nét của người cao tuổi nhưng thật ra Thánh Giuse là một người trẻ giữa những người trẻ ở tuổi lập gia đình, xưa cũng như nay.
+ Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, còn Thánh Cả Giuse cũng vướng mắc tội tổ tông truyền như chúng ta. Như thế Ngài rất gần gũi chúng ta trong thân phận tội lụy và cuộc chiến đấu của Ngài cũng gần gũi với cuộc chiến đấu của chúng ta hơn.
+ Lần trước, biểu tượng đức khiết tịnh được lấy theo kinh nghiệm Việt Nam: hoa sen. Lần này cuộc thi dùng biểu tượng truyền thống của Giáo hội Công giáo là hoa huệ.
“Làm chủ được bản năng và chiến thắng được đam mê, bạn trẻ sẽ thành người giàu nghị lực, sớm thành đạt. Điều ấy bạn trẻ đã biết, thế nhưng truyền thông, quảng cáo, phim ảnh đang liên kết thành một đạo quân có vẻ bách chiến bách thắng, nội lực của bạn trẻ thật mong manh yếu ớt, làm sao đứng vững được trước những tấn công dồn dập đến thế? Hơn nữa, trong thực tế, có thể những tấn công ấy đã đã khiến ta bị vấy bùn và bị tổn thương trầm trọng. Lắm khi nó gây tượng mãnh liệt khiến ta có cảm tưởng sẽ phải chào thua cả đời, không sao thắng vượt được. Chính ở đây ta cần đến sự khôn ngoan của hoa huệ: Ngoi lên khỏi bùn, nó vươn cao thật cao. Nơi hoa huệ ngoài đồng, dù ếch nhái có nhảy xuống bùn, bùn cũng không bắn lên cao tới bông hoa được. Trong cuộc chiến tâm linh, cái vươn cao của hoa huệ là vươn đến Chân Thiện Mỹ Tuyệt Đối tức là Thiên Chúa. Ta không dựa vào sức riêng nhưng dựa vào ơn Chúa. Người môn đệ của Chúa Giêsu quyết vươn cao nhờ đức tin, đức cậy và đức mến. Chính tình yêu của Ngài cuốn hút ta vượt lên không ngừng, thoát khỏi mọi vấn vương tục luỵ.” (Trăng Thập Tự, lời dẫn vào tuyển tập Sen Giữa Lầy)
Tóm lại, cuộc thi nhằm hỗ trợ chương trình cổ võ đoan hứa khiết tịnh theo gương Thánh Cả Giuse trong cuộc sống độc thân, cuộc sống tiền hôn nhân cũng như trong cuộc sống gia đình – với hình ảnh hoa huệ.
II. THỂ LỆ
1. Cuộc thi sẽ có bốn bộ môn: truyện ngắn, kịch bản, thơ mới và xướng họa thơ Đường luật.
- Truyện rất ngắn: dài không quá 350 từ, chưa đầy 1 trang A4, chữ Times New Roman 12 hoặc VNI-Times 11
- Kịch bản: dài không quá 5 trang A4, chữ Times New Roman 12 hoặc VNI-Times 11
- Thơ mới: Không quá 24 câu.
- Thơ Đường: Cuộc xướng hoạ sẽ được chấm theo các chuẩn mực của thơ Đường nhưng ở đây không nhắm so tài mà chỉ nhắm giao lưu giữa các tác giả, tôn vinh Thánh Giuse và cổ võ Đức Khiết Tịnh. Bài dự thi tối thiểu phải họa đủ 5 vần, đúng luật bằng trắc và có hai cặp đối. Những bài không đạt chuẩn tối thiểu sẽ được gởi lại cho tác giả chỉnh sửa trước khi giới thiệu.
2. Bài xướng thơ Đường (Sẽ thông báo sau)
3. Mỗi bộ môn sẽ có một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và 10 giải (triển vọng).
4. Quà tặng các giải thưởng sẽ gồm những sách các tác giả ký tặng. Cũng sẽ có cả phần thưởng tiền mặt, nhiều ít tùy sự ủng hộ của các ân nhân.
5. Để tiện liên lạc khi trao giải, mỗi bài dự thi đều xin ghi rõ: tên thật, bút danh, địa chỉ nhà và số điện thoại. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được giới thiệu.
6. Địa chỉ nhận bài, xin gởi cùng lúc về 2 điện chỉ email: gopnhattho@yahoo.com và dongxanhtho@gmail.com
7. Thời gian nhận bài: Từ nay đến hết ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24-11-2010.
8. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên www.dunglac.org, trang www.huongvedaihoidanchua.net và những trang mạng ủng hộ chương trình này.
9. Sẽ công bố kết quả trước tết Tân Mão.
10. Quà tặng sẽ được trao qua CLB Đồng Xanh Thơ gần nhất, ngày giờ do mỗi CLB ấn định và thông báo sau, hoặc nếu tác giả yêu cầu sẽ được gởi qua đường bưu điện tới một địa chỉ trong nước.
11. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.
III. XIN HỖ TRỢ VẬT CHẤT
Cũng như lần trước, cuộc thi viết lần này mang tính chất một cuộc chơi. Quà tặng hoàn toàn tùy thuộc sự ủng hộ của độc giả bốn phương. Lần trước chúng tôi chỉ nhận được một ngân khoản duy nhất của cha Anrê Trần Cao Tường giúp in một số sách tặng các tác giả đạt giải, các tác giả tham gia cuộc chơi và tặng để giới thiệu đến các Ban Mục Vụ Giới Trẻ cấp giáo phận, các Chủng Viện và Dòng Tu. Còn giải thưởng chỉ gồm toàn sách, không có tiền mặt. Lần này chúng tôi ước mong sẽ nhận được cả sự hỗ trợ tiền mặt để giải thưởng được hào hứng hơn. Ước mong độc giả khắp nơi quan tâm hỗ trợ. Danh sách ân nhân và kết toán chi thu sẽ được công bố trên mạng, trong các bản tin của cuộc thi.
Các hỗ trợ xin gởi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.
Sách tặng, xin quý tác giả vui lòng ký tặng và cũng gởi về địa chỉ trên. Xin chân thành cám ơn.
Trung tâm mục vụ DCCT, ngày 29-7-2010
TM Ban Tổ Chức
Lm Trăng Thập Tự
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020