Về việc phong chân phước cho Hồng y Newman
WHĐ (25.09.2010) – Linh mục Keith Beaumont, người Australia, thuộc dòng Oratoire tại Pháp, là tác giả bản tiểu sử chính thức của Đức hồng y John Henry Newman dùng trong việc phong chân phước hôm Chúa nhật 19-09 vừa qua tại Birmingham và của nhiều tác phẩm khác về vị chân phước này. Cha đã chia sẻ với hãng tin Zenith các cảm nghĩ của mình về việc phong chân phước, và những triển vọng mở ra từ việc phong chân phước này: việc phong thánh và Tiến sĩ Hội Thánh cho chân phước Newman?
– Thưa cha, những giai đoạn lớn của cuộc đời hồng y Newman là những giai đoạn nào?
– Nhiều người công giáo cho rằng việc Newman “trở lại” Công giáo vào năm 1845 là khoảnh khắc mấu chốt của cuộc đời của Newman. Thực ra, khoảnh khắc mấu chốt này đã diễn ra trước đó rồi, vào lúc Newman 15 tuổi, khi người thanh niên này có được trải nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa như một “sự Hiện diện” trong nội tâm của mình: đó là ý nghĩa của câu nói nổi tiếng về việc ngài “khám phá ra hai thực thể -và chỉ hai mà thôi- có tính hiển nhiên tuyệt đối và sáng chói: tôi và Đấng Tạo hóa của tôi”. Trong suốt cuộc đời của ngài, Newman sống với sự trải nghiệm thầm kín này về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ngài, trải nghiệm sẽ thúc đẩy ngài trên con đường của sự “thánh thiện”. Chính quan hệ này với Thiên Chúa cuối cùng sẽ dẫn ngài đến với Công giáo năm 1845.
Ngài trở thành giảng viên của Oxford năm 21 tuổi. Kế đó, vào năm 1828, một giai đoạn mới bắt đầu khi, ở tuổi 27, ngài được chỉ định làm cha xứ St Mary nằm tại trung tâm Oxford. Từ 1828 đến 1843, ngài giảng dạy tại đây, không mệt mỏi, và xuất bản một tuyển tập các bài giảng gồm 8 tập. Các bài giảng của ngài vừa có nội dung giáo thuyết, vừa mang tính luân lý (tuy nhiên không hề mang tính dạy đời), bộc lộ một nhận thức tâm lý sắc bén; nhưng tất cả đều nhằm tạo nên một sự thức tỉnh tinh thần, đạo đức nơi những người nghe ngài. Ở cốt lõi của tất cả các bài giảng là giáo thuyết, bắt nguồn từ giáo huấn của thánh Gioan và Phaolô được tiếp nối nơi các giáo phụ, về sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng “trú ngụ” hay “ở” trong chúng ta.
Từ năm 1833, Newman và các bạn hữu của ngài đã lao vào một chiến dịch canh tân rộng lớn có tính thần học, phụng vụ và đạo đức của Giáo hội Anh giáo đang rơi vào một thứ tình trạng đờ đẫn và vô thức về sứ vụ đích thực của mình: người ta gọi đây là “Phong trào Oxford” hay “Phong trào tờ bướm”. Qua các tờ bướm, các buổi nói chuyện, qua sách vở và nhất là qua các bài giảng của ngài, Newman tìm cách gây ý thức trong Giáo hội về sứ vụ đích thực của Giáo hội, bằng cách đào sâu ý nghĩa của bốn từ trong kinh Tin Kính, Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Vấn đề là giúp mọi người suy nghĩ về các mối quan hệ giữa các Giáo hội khác nhau; tìm thấy lại kho tàng phụng vụ và đạo đức quý giá đã bị mai một (chiều kích “công giáo”); giúp tái khám phá ra tầm quan trọng của một Truyền thống lên tới tận thời các Tông đồ (Tông truyền); và khám phá lại tầm quan trọng của các bí tích cũng như của việc cầu nguyện riêng tư và phụng vụ như “máng” thông ơn Thiên Chúa, nghĩa là như các nguồn của một sự “thánh thiện” đích thực.
Và các việc tìm kiếm của Newman đã dẫn ngài dần dần đến chỗ xác tín rằng chính Giáo hội công giáo chứ không phải Giáo hội Anh giáo, mới là kẻ thừa hưởng đích thực của Giáo hội các thế kỷ đầu. Chính nơi Giáo hội này trước tiên, người ta tìm ra, trong các bí tích và trong đời sống cầu nguyện của Giáo hội, các nguồn đích thực của sự “thánh thiện”. Ngày 9/10/1845, ngài được nhận vào Giáo hội Công giáo. Đối với ngài, đây là một sự cắt đứt đau đớn trên bình diện con người; nhưng ngài được sống sự liên tục hoàn toàn trên các bình diện trí thức và tinh thần: ngài có cảm tưởng đơn thuần là “về lại bến sau một trận cuồng phong”.
Một giai đoạn mới của cuộc đời của Newman bắt đầu từ đó. Mặc dù xem vụ “trở lại” của một con người sáng chói này như một ‘thắng lợi’, Giáo hội Công giáo xem ra lại không biết phải làm gì với Newman; đàng khác, không ít người còn tỏ ra nghi ngờ về những tư tưởng độc đáo của con người mới “trở lại” này. Trong 20 năm, ngài bị xã hội Anh giáo và Tin Lành khước từ, tấn công, mắng mỏ; đồng thời, nhiều khi còn bị hàng giáo phẩm Công giáo e ngại. Năm 1864, để trả lời cho một cuộc tấn công chống lại tính liêm chính của ngài và của tất cả các linh mục công giáo, ngài đã xuất bản cuốn tự thuật của mình, Apologia pro vita sua. Ngài được phục hồi, gần như bởi phép lạ, trong công luận sau tập sách này. Đây quả là một thứ tái sinh đối với bản thân ngài.
Thời kỳ từ 1864 đến khi qua đời là giai đoạn phong phú về văn chương và tiếng tăm của ngài liên tục gia tăng. Ngài tái bản trọn vẹn các công trình của ngài khi còn ở trong Giáo hội Anh giáo, chỉ thêm chú thích và lời tựa. Năm 1879, vị giáo hoàng mới, Đức Thánh Cha Lêô XIII, phong hồng y cho ngài, như một sự nhìn nhận tầm quan trọng của tư tưởng và công trình trí thức của ngài. Ngài qua đời, trong sự kính nể của mọi người, tại Oratoire của ngài ở Birmingham, ngày 11/8/1890, ở tuổi 89.
– Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đặc biệt quan tâm đến việc phong chân phước này. Bản thân ngài đã chủ tế việc phong chân phước vào dịp ngài viếng thăm Anh quốc. Hai việc làm này có quan hệ gì với nhau?
– Hai người không xa lạ với nhau do văn hóa của hai người (hiểu biết thâm sâu về các giáo phụ), do thị hiếu nghệ thuật (thích âm nhạc, một người chơi piano, một người kéo vĩ cầm), do óc tinh tế và nhất là do độ sâu của đời sống thiêng liêng, đạo đức. Thêm vào đó, tư tưởng của Newman –đặc biệt giáo thuyết của ngài về ý thức và về sự “phát triển” giáo lý– đã gây một ấn tượng sâu sắc nơi người thanh niên Ratzinger trong những năm tháng còn ở chủng viện. Nhưng khi phong chân phước cho Newman để tiến tới việc phong thánh cho ngài, Đức giáo hoàng không chỉ muốn giới thiệu cuộc đời của Newman như một “mẫu mực” của sự thánh thiện, mà chính là tác phẩm và tư tưởng của ngài: Trong bài giảng, Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh tới “việc giảng dạy, giáo huấn và tác phẩm của ngài”.
– Cha đã sống chuyến tông du của Đức giáo hoàng tại Anh quốc như thế nào? Ấn tượng nhất là lúc nào?
– Đối với tôi, đỉnh điểm là thánh lễ phong chân phước sáng Chúa nhật. Một khoảnh khắc khó quên, đầy cảm xúc (mặc dù rất mệt, chúng tôi đã phải dậy lúc 4 giờ sáng!). Nhất là, đối với Đức giáo hoàng, rõ ràng là việc phong chân phước chỉ là một giai đoạn để tiến tới chuyện khác nữa…
– Trên máy bay từ Roma đến Edinburgh, Đức giáo hoàng đã dùng từ “tiến sĩ”: việc phong thánh và phong tiến sĩ Hội Thánh có được nghĩ tới?
– Tất cả các Đức giáo hoàng từ Piô XII đều mong được thấy hồng y Newman được phong thánh và công bố là Tiến sĩ Hội Thánh. Đây cũng chính là ước nguyện của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Ngài còn tế nhị bày tỏ ước nguyện này với các nhà báo trên máy bay và trong bài giảng lễ phong chân phước. Khi công bố một số vị thánh là Tiến sĩ Hội Thánh, Giáo hội nhìn nhận giáo thuyết các ngài giảng dạy có một quyền uy đặc biệt đối với tất cả các tín hữu. Newman sẽ sớm được gia nhập hàng ngũ nhóm nhỏ gồm 30 thánh nam và 3 thánh nữ có được quy chế này. Việc phong thánh và phong Tiến sĩ Hội thánh chắc sẽ không phải đợi lâu. Tuy nhiên, tôi không dám triển khai ‘lời tâm sự’ tôi hân hạnh nhận được này.
– Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh đến ‘tính hiện đại’ của Newman. Ngài có điều gì đặc biệt để nói với chúng ta ngày nay?
– Trả lời câu hỏi này một cách vắn tắt, thật chẳng dễ dàng chút nào. Một cách hết sức giản lược, có thể nói Newman để lại cho chúng ta mô hình của một trí hiểu thấu đáo, của một nền văn hóa bao quát, của một ý chí dấn thân trong mọi trào lưu tư tưởng của thời ngài, của một sự tôn trọng thực sự đối với ‘cái thực’ (tư tưởng của ngài hoàn toàn đi ngược lại mọi hình thức của ý thức hệ), và của một bộ óc mở rộng, tất cả đều gắn với một ý thức thâm sâu và thân mật về Thiên Chúa, với một sự tìm kiếm Thiên Chúa không ngơi nghỉ, và với một tình yêu Thiên Chúa sâu sắc. Như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngài vừa là một đại trí thức vừa là “một con người của Thiên Chúa”.
Giuse Nguyễn lược dịch
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19