Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn

Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm khánh thành Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn (11/4/1880-2012), BBT xin gởi đến quý độc giả những thông tin và hình ảnh về ngôi nhà thờ mẹ của Giáo phận này...

* * *

Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ chọn địa điểm nào nếu bất chợt được đề nghị tham quan ba công trình kiến trúc, văn hóa ở đất Sài Gòn này không? Riêng mình, một trong ba nơi đó sẽ là Nhà thờ Đức Bà. Nằm lọt thỏm giữa bao công trình kiến trúc hiện đại xung quanh, Nhà thờ Đức Bà như được tô thêm nét cổ kính, trầm mặc của một ngôi thánh đường. Đó là nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, một hòn ngọc, một khoảng lặng cả về không gian và thời gian giữa một đô thị sầm uất nhất nước. Ngôi thánh đường đã tồn tại 132 năm…

Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ và kiến trúc sư J. Bourad với thiết kế mang phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn phong cách Gotich đã được chọn.

Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Đức Cha Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên và ba năm sau, vào Lễ Phục Sinh ngày 11 tháng 4 năm 1880, ngài đã chủ sự nghi thức cung hiến và khánh thành ngôi nhà thờ.

Nhà thờ lúc mới khánh thành (1880) khi 2 tháp chuông chưa được xây thêm

Trên mái vòm của cổng chính có khắc năm khánh thành Nhà thờ - 1880

Năm 1895, nhà thờ được xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn, các quả chuông này mang một âm sắc khác nhau (sol, la, si, đô, rê, mi) được đúc tại Pháp và mang về Việt Nam năm 1879. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,5m, ngang 2m, nặng 600kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,5m.

Nhà thờ Đức Bà - năm 1955

Một trong 6 quả chuông của Nhà thờ

Trên vườn hoa trước nhà thờ, năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng giám mục Bá Đa Lộc. Năm 1945, tượng này được cất đi, nhưng giữ nguyên bệ bằng đá hoa cương đỏ. Năm 1959, cha xứ giáo xứ Sài Gòn, linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (sau là Giám mục Phú Cường), đi dự đại hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt tạc một tượng Nữ Vương Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch quý hiếm. Tượng được dựng trên bệ đài trên ngày 16.02.1959. Hôm sau, hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép tượng.

Tượng đồng Gm Bá Đa Lộc được thay bằng tượng Nữ Vương Hòa Bình

Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn ngày nay (ảnh sưu tầm từ internet)

Ngày 09.12.1959, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền chủ sự lễ cung hiến với tước hiệu Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm. Ngày 24.11.1960, Tòa Thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn cho đến ngày nay.

Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ chiều dài thánh đường là 93m. Chiều ngang nơi rộng nhất là 35m. Chiều cao của vòm mái thánh đường là 21m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người.

Nội thất thoáng đãng với mái vòm cao cùng hai hàng cột chia thành hai dãy nhà nguyện

Sảnh chính của thánh đường có hai hàng cột hình chữ nhật, mỗi bên sáu tượng các thánh tông đồ, các nhà nguyện hai bên được chia thành từng khu riêng biệt, một không gian cầu nguyện riêng tư giữa mênh mông thánh đường...

Các thánh tích bằng kính màu lung linh tuyệt đẹp nhờ những tia nắng chiếu vào

Một góc nhà nguyện

Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình sáu vị thiên thần khắc thẳng vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ. Mặt bàn thờ tròn đặt trên khối đá vuông, bên dưới là các bệ bát giác (tượng trưng cho Bát Phúc). Nếu tính cả các bậc thang bước lên Cung Thánh thì có tất cả 7 bậc thang (tượng trưng cho 7 ơn Chúa Thánh Thần?).

Bàn thờ là khối đá trắng tròn đặt trên bệ bát giác...

Một buổi dâng Lễ tại Vương cung Thánh đường

Thời gian lặng lẽ trôi, đã hơn một thế kỷ ngôi thánh đường này đứng sừng sững nơi đây, chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, bao buồn vui của dân tộc và của cả Giáo hội Việt Nam. Thời gian cứ trôi và Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn cứ gánh lấy vai trò của mình trong lòng đời sống người Kitô hữu Việt Nam, là nơi thờ phượng Chúa, nơi diễn ra các sự kiện tôn giáo lớn với sự tham gia không chỉ có người công giáo. Có khác chăng, giờ đây ngôi thánh đường mang thêm trong mình một không gian văn hóa, nơi các đôi uyên ương yêu thích chụp ảnh, nơi bất cứ ai cũng có thể trút lấy những mệt mỏi ưu phiền khi đắm mình trong không gian của Nhà thờ. Và mươi mười năm sau, một trăm năm nữa, ngôi thánh đường sẽ luôn sừng sững như vậy...

(Xem thêm video: Tháp chuông Vương cung nhà thờ Đức Bà Sài Gòn)

Top