Xây dựng cái Tâm an định: Ngày tĩnh nguyện của Ban Mục vụ ĐTLT

Xây dựng cái Tâm an định: Ngày tĩnh nguyện của Ban Mục vụ ĐTLT

BMVĐTLT-Lúc 9 giờ sáng ngày 11.12.2010, 16 anh chị em Kitô hữu giáo dân, tu sĩ và linh mục đã qui tụ tại Dòng Anh Em hèn mọn - Thủ Đức, để tham dự ngày tĩnh nguyện, nhân dịp sinh nhật lần thứ nhất của Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn (2009-5/12-2010). Chủ đề của ngày lắng đọng trong Chúa này là: “Xây dựng cái Tâm an định”.

Trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cùng hát bài “Để Chúa đến” với những tâm tình và ý hướng sau đây: mừng Ban MV ĐTLT vừa tròn một tuổi; Thầy Giêsu là Tâm điểm quy tụ anh chị em giáo dân, linh mục và  tu sĩ thuộc 7 Hội dòng, tạo nên tình liên đới hiệp thông giữa các thành viên; cầu nguyện cho tất cả đạo hữu của các tôn giáo mà anh chị em đã tiếp xúc trong năm vừa qua, để xây dựng những nhịp cầu đối thoại tâm giao có Chúa ở trung tâm. Trong thinh lặng, anh chị em chúng con sống tâm tình tri ân.

1. Linh đạo hài hòa

Với dụ ngôn hai con nợ (Mt 18,23-35), cha Antôn Nguyễn Ngọc Kính (ofm) khai mào phần chia sẻ về Linh đạo hài hòa. Nét đẹp của Nước Trời là tha thứ. Thiên Chúa luôn tha thứ cho ta, ta cần thứ tha cho anh chị em. Điểm chung của con người đó là tất cả đều là tội nhân, là những con nợ. Có những món nợ không thể trả hết được nên cần được tha nợ. Quả là phi lý nếu muốn người khác tha nợ cho mình đang khi ta lại không muốn tha nợ cho tha nhân. Muốn được tha thứ thì hãy thứ tha trước. Đó chính là quy tắc của sự công bằng. Tha thứ và được tha thứ là con đường tái lập sự hài hòa. Chúa Giêsu đã đưa ra phương thế tái lập sự hài hòa là tha thứ, qua dụ ngôn người đầy tớ bất nhất trên.

Trong cuộc đối thoại liên tôn để xây dựng sự hài hòa trong thế giới hôm nay, cần sống linh đạo hài hòa: hài hòa với chính mình, với thiên nhiên, hài hòa với tha nhân và với Thiên Chúa. Đây cũng chính là nét độc đáo của nền văn hóa và tôn giáo tại Á châu. Người Á châu sống hài hòa không dựa trên một lý thuyết nào, nhưng theo tinh thần hài hòa tự nhiên sẵn có. Ngày nay, kinh nghiệm sống ở Á châu ngày càng phức tạp về kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo… mời gọi những người Kitô hữu trở nên chứng nhân, sứ giả của sự hài hòa, góp phần kiến tạo sự hài hòa. Kinh Hòa Bình được hát lên ở nhiều nơi như một phương thế xây dựng sự hòa giải, tạo nên sự hài hòa. Linh đạo hài hòa chỉ có thể dựa trên Tin Mừng và được làm cho phong phú hơn nhờ những tìm kiếm, khám phá nơi văn hóa, tôn giáo Á châu, phù hợp với tâm tình của con người Á châu.

Chúa Thánh Thần ở trong mỗi người và là tác nhân nối kết mọi người. Tâm hồn mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nhưng nhiều khi  chính Ngài lại bị lãng quên. Thinh lặng và trở về với chính mình nhờ Chúa Thánh Thần giúp ta sống linh đạo hài hòa một cách sâu sắc hơn.

2. Kinh nghiệm thiền trong đời sống Kitô hữu

Rời phòng hội đầy đủ tiện nghi, chúng con tụ tập trên một chòi gác nhỏ, hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên chung quanh và nghe cha Giuse Đặng Chí San (op) chia sẻ về kinh nghiệm thiền. Trong tâm tình đơn sơ, ngôn ngữ mộc mạc, cha San đã tự thú: “Con xin thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, con là người không hài hòa - cả về thể lý và lối sống”. Với “thân tàn tâm lạnh”, ngày trở lại “am hoang”, cha đã rất xúc động khi cảm nhận cái am ấy chính là thân tâm của mình, được để tâm mình vắng lặng và trở nên hư không. Tiếp đến, người trưởng nhóm nghiên cứu Phật giáo này đã đề cập đến ba loại thiền:

- Thiền đốn ngộ: thực tại sâu xa nhất trong lòng mình, tâm bao la như hư không. Khi đó, bầu trời bao la cũng là sự thể hiện tâm của mỗi người. Ý thức về Lời: sự hiện diện của Ngôi Lời hằng hữu. Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh lan tràn mọi nơi. Làm sao ta chấp nhận điều này? Hãy trở về với chính mình, yêu thương mọi tạo vật một cách trọn vẹn và tự do như cái thật của mỗi người là Thiên Chúa yêu thương. Khi đó, những bất an, cô đơn… chỉ là những cái bên ngoài. Trong thiền đốn ngộ, thiền sư không dạy đạo hay dạy thiền mà chỉ giúp cảm nhận qua hành động và kinh nghiệm. Kiến thức có thể là chướng ngại ngăn cản ta đến với chân lý. Thay vì chỉ sống luân lý, người Kitô hữu hãy nhìn vào thực tại mầu nhiệm đức tin: Thiên Chúa luôn hiện diện ở mọi nơi, trong mọi loài thụ tạo.

- Thiền mặc chiếu: ngồi yên, nghỉ ngơi và tan hòa trong Chúa. Để ngồi yên trong Chúa, tự bản thân ta không thể làm được. Hãy tin vào thực tại Thiên Chúa luôn hiện diện, dù có thể phải tin trong tối tăm.

- Thiền tào động: không tập chú xua đuổi chia trí, vì khi cố sức đánh đuổi chia trí là ác với chính mình và ác với anh em. Hãy để tâm mình sống trong ánh sáng đức tin.

Ngoài ra, cha còn chia sẻ tâm tình của người linh mục với thánh lễ: trở nên linh mục là không còn sống cho mình mà sống cho anh chị em, đưa anh chị em vào tâm mình. Khi dâng thánh lễ, bản thân người linh mục là bàn thờ và đặt anh chị em vào tâm mình như của lễ trên đĩa thánh dâng lên Thiên Chúa.

3. Cầu nguyện với Hơi Thở

Bên mô hình thành phố Assisi thu nhỏ trong khu vườn tĩnh nguyện, chúng con cùng nghe cha trưởng ban chia sẻ về Cầu nguyện với Hơi Thở. Ý niệm về Hơi Thở được chiêm ngắm qua hình ảnh Thiên Chúa tạo dựng con người, ban sự sống cho con người bằng cách thổi hơi vào con người và hình ảnh Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Chúa Giêsu đã trao ban tất cả: phó dâng mạng sống cho Thiên Chúa Cha và trao tặng chính hơi thở, sức sống, Thần Khí  của mình cho nhân loại.

Hơi thở của Thiên Chúa chính là Thần Khí được không ngừng trao ban cho nhân loại. Con người chỉ có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong Thần Khí của Ngài. Khi thở ra, ta đưa cái tiểu ngã, cái tôi giới hạn của mình vào cái đại ngã vô biên của Thiên Chúa. Khi hít vào, ta đón nhận cái bao la của vũ trụ thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa vào bản thân. Nhịp điệu hít vào - thở ra tạo nên sự hài hòa thân tâm-vũ trụ, bản thân bé nhỏ của ta được hòa quyện vào sự vô biên của Thiên Chúa. Đức Tin giúp ta ý thức mình đang sống nhờ hít thở Thần Khí, hòa vào nhịp thở của Thiên Chúa-Tình Yêu-Sáng tạo, cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Tâm ta chỉ thực sự an bình nhờ sự hiện diện đầy tràn của Thần Khí chứ không do nỗ lực của bản thân.

Động - tĩnh làm nên nhịp điệu quân bình của đời sống con người và vũ trụ. Ta phải động thì mới có thể tĩnh. Làm thế nào để động trong tĩnh và tĩnh trong động? Bức tranh thứ X: Thỏng tay vào chợ, trong bộ tranh “Thập mục ngưu đồ” của thiền tông Phật giáo làm nổi bật trạng thái quân bình của người đạt đạo. Tình trạng an tĩnh ở sâu kín trong “lâu đài nội tâm” (Teresa Avila), nơi chỉ có mình Chúa và tôi, không ai có thể vào được nếu ta không mở cửa lòng. Sự thinh lặng sâu xa cần khoảng không gian nội giới bao la để cho bao bận tâm, ham muốn khác không thể bó cái Tâm hay làm cho nội tâm của mình bị ngột ngạt, ngạt thở vì thiếu Hơi Thở là Thần Khí của Thiên Chúa. Ta càng bị chi phối bởi một đam mê, một loại tình cảm bá chủ hay một con người nào thái quá, thế giới nội tâm sẽ bị mất quân bình, xáo động hoặc náo động và vì thế, không gian tâm linh sẽ bị thu hẹp lại.

Có một mối tương quan giữa tự do và sự chiếm hữu: càng bị chiếm hữu hay muốn chiếm hữu nhiều, thì tự do nội giới càng giảm sút, thậm chí bị đánh mất và mình sẽ rơi vào tình trạng nô lệ.

Nếu biết mở rộng không gian nội tâm để Thiên Chúa chạm đến, hà Hơi Thở của Ngài vào, như một cuộc sáng tạo không ngừng, thì Tâm sẽ an bình, nội giới ta được hài hòa, quân bình. Thực vậy, khi Thần Khí Thiên Chúa càng tràn đầy cái Tâm của mình, thì năng lực nội tâm sẽ càng mạnh mẽ. Khi đó, những tác động từ bên ngoài không còn là sức ép hay trở lực cho sự phát triển tâm giới. Để Thần Khí tác động sâu xa, ta sẽ nới rộng không gian nội tâm của mình hầu có thể được tự do trong Thiên Chúa, tự do với bản thân và với tha nhân.

4. Thánh lễ: sống an tĩnh trong sự tự hiến của Con Thiên Chúa

Thánh lễ được cử hành trong ngôi nhà nguyện ấm cúng, như đỉnh cao của ngày tĩnh nguyện dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và nối kết chúng con nên một, với Phụng vụ Lời Chúa ngày thứ Bảy tuần II Mùa Vọng. Đồng lòng ước mong xây dựng cái tâm an định, chúng con đã chia sẻ với nhau:

- Dìm mình trong cuộc sống như Chúa Giêsu đã dìm mình đến tận cùng trong thân phận con người, chịu đau khổ để dương cao trên thập giá. Trong đối thoại liên tôn, ta cũng phải dìm mình xuống để đến với anh chị em.

- Thánh Gioan Tẩy Giả đã có một tâm hồn an định khi dấn thân dọn đường cho Chúa. Ngài sống trong hoang địa, hòa hợp với thiên nhiên và cầu nguyện cùng Thiên Chúa, để trở thành sứ giả của Con Thiên Chúa.

- Bất cứ khi nào cầu nguyện “Lạy Cha chúng con…”, ta không còn là ta nữa nhưng được liên kết với mọi người và kết hợp với Thiên Chúa. Những tan vỡ trong xã hội cũng như trong tâm hồn con người làm cho ta lao đao, xôn xao và sợ hãi, tâm hồn ta không còn  được bình an. Cầu chúc sự bình an đến với mỗi người, đặc biệt trong mùa Vọng này.

- Hướng đến thiên chức linh mục cao quí, làm sao có thể đem bình an đến với mọi người? Lời chúc cho nhau: mỗi lần dâng thánh lễ, dâng lên Thiên Chúa với bàn tay tràn đầy. Người linh mục dìm mình trong cuộc đời với tấm lòng khiêm cung để mỗi khi cử hành Thánh Thể và đọc “Đây là mầu nhiệm đức tin”, ánh sáng Phục Sinh của Thiên Chúa sẽ bừng lên và tỏa sáng sự bình an trong yêu thương.

Quây quần chung quanh bàn thánh, chúng con dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng và tạ ơn. Tay trong tay, anh chị em cùng thân thưa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”.

Trong Thầy Giêsu, chúng con cùng cảm nghiệm tình Cha bao la. Cuộc đời có Chúa, thì không bao giờ đơn côi. Xin dâng lên Cha mọi thành viên của Ban MVĐTLT và tất cả những ai chúng con sẽ gặp trên hành trình đối thoại. Nguyện cho những nẻo đường chúng con đang dấn bước luôn được Con Chúa đồng hành và ngày càng gặp thêm nhiều đồng bạn trong Thánh Linh. Cầu mong bình an của Thầy Chí Thánh ở lại mãi trong tâm hồn mỗi người.

* * *

Xin tri ân cha bề trên cộng đoàn, quý linh mục, tu sĩ dòng Phanxicô đã tạo bầu khí an tĩnh cho những sứ giả của đối thoại qua một không gian thiên nhiên thanh tịnh để không gian tâm hồn được khai mở ra Vô Biên.

Xin cảm tạ quý cha Antôn Nguyễn Ngọc Kính, Giuse Đặng Chí San, P.X Bảo Lộc đã chia sẻ những cảm nghiệm có sức tiếp thêm nội lực cho chúng con. Cảm ơn quí linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em đã cùng chúng con sống những phút giây an bình giữa cuộc sống đầy biến động này.

* * *

Với tâm hồn rộng mở cho Thiên Chúa, nguyện xin Niềm Vui, Bình An và Tín Thác luôn đồng hành với thời gian Vọng của mỗi người, “để Chúa đến đem ơn trời: nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top