Xuân Bích ở Việt Nam (3)
Phần Hai
NHÌN VỀ QUÁ KHỨ
I, 1929-1945
Pierre Gastine
BÙI ĐỨC TÍN, pss
Những trang kỷ niệm này nói về một thời kỳ từ 1929 đến 1945. Có thể cho nó một tên gọi là “Thời Hoàng Kim”, trước hết vì trừ phần cuối, thì hoàn toàn là hòa bình, và cũng vì thời đó hơn các thời khác, người ta cho là trong hết mọi phạm vi mọi việc đều tốt đẹp và cứ tiếp tục như thế (29).
I. HIỆN TÌNH XÃ HỘI
HÒA BÌNH THỰC DÂN
Người mới tới miền Bắc có tâm tư thế nào ? Trước hết là an ninh, an ninh nơi mình ở, an ninh khi di chuyển. Bất cứ ở đâu, ngay cả ở biên giới Việt-Trung, nơi chúng tôi có một nhà nghỉ mát mùa hè (30), vẫn có an ninh. Và bất cứ lúc nào, người ta di chuyển đêm hay ngày, ngày hay đêm, cũng không lo ngại gì. Kể từ năm 42 cho tới nay, không bao giờ được an ninh như thế (trừ những năm 56-58 thời ông Diệm). Mấy năm trước khi chúng tôi tới, ở ranh giới hai tỉnh, còn xảy ra trộm cướp, thế nhưng từ ít lâu nay, khắp nơi đã có an toàn.
Về kinh tế cũng thịnh vượng (31). Khi người ngoại quốc đổi tiền quan Pháp, thì thấy giá trị của đồng bạc Việt Nam, lúc đó một đồng đổi được mười quan. Ở Sàigòn hay ở Hải Phòng, mỗi tuần có tàu chở hàng hóa hay chở khách tới, du khách có thể tham quan mỏ than lộ thiên Hòn Gay hay nhà máy xi măng Hải Phòng. Ở Hà Nội không thể không đi xem cầu Long Biên (pont Doumer) (32) dài hai cây số, cầu này theo đường vào tới Nam bộ qua đường quan lộ (33) hay quốc lộ số một hiện nay, hoặc theo đường sắt xuyên Việt. Người ta có thể gặp những nhà kinh doanh nói tới hàng trăm nghìn thước đất hoang vu, nay đã trở thành những trang trại giàu có trồng chè, cà phê hay cao su. Sau cùng, khi đề cập tới tình hình tổng quát, thì nghe nói tới giá cả thóc gạo tám đồng một trăm ký (34), và không có đói kém từ mấy năm nay (35) .
Cảm tưởng đầu tiên thực ra thì thế nào ? Để hiểu giá trị khách quan, thì phải nhớ rằng an ninh với những hậu quả kinh tế là an ninh thời thực dân, áp đặt bằng võ lực. Nước Việt Nam lúc bấy giờ chia làm ba “kỳ”, mỗi kỳ có một cơ chế hành chánh riêng : Nam kỳ là thuộc địa Pháp, Trung kỳ là đất bảo hộ, còn Bắc kỳ thì theo một qui chế riêng. Thế nhưng người Pháp là chủ ông ở tất cả các nơi và nắm trong tay mọi guồng máy xã hội. Những quyết định lớn đều do họ chủ trương, chính quyền bản xứ chỉ có quyền thực sự ở cấp phủ, huyện, và đối với cá nhân, và khi chính quyền thực dân không can thiệp mà thôi. Sự phát triển kinh tế thì hoàn toàn nằm trong tay chính quyền thực dân. Vậy thì phải đặt câu hỏi : quyền này có làm hết sức để đẩy mạnh phát triển kinh tế không ? Và phát triển cho ai được hưởng ?
Năm 1945, khi chế độ thực dân sụp đổ, trong báo chí, tạp chí và sách vở, có rất nhiều phản kháng chống chế độ thực dân đã khai thác lợi dụng dân Việt Nam và không thi hành sự phát triển kinh tế thực sự. Thế nhưng làm thế nào phân chia ranh giới giữa hai bên : một đàng, tinh thần ái quốc phê phán quá đáng và phóng đại sự việc do nhãn giới chính trị ; đàng khác, những thực hiện kinh tế do người Pháp đã làm được, thực ra cũng không được là bao nhiêu so với tiềm năng rất lớn của đất nước, và những thực hiện này còn chứa chấp nhiều bất công, thí dụ những lợi nhuận do đất đai sinh sản không được chia công bằng cho hai bên, thực dân Pháp và người bản xứ. Chúng tôi chỉ nói về kinh tế ở đây, còn về mặt xã hội hay văn hóa, chúng tôi sẽ đề cập sau.
Về an ninh thực dân, người bản xứ nghĩ thế nào và người thực dân coi ra sao ?
Người bản xứ nghĩ thế nào ? Trước hết phải khẳng định rằng : mọi người ai cũng mong muốn Đất Nước được độc lập, nhưng mong muốn này còn nằm ở khung cảnh có ý thức ít hay nhiều và khi tỏ ra thì có những suy tưởng, những nguyện vọng khác biệt nhau. Trước hết là nơi những người có mong muốn mãnh liệt được tỏ ra bằng hoạt động chống thực dân. Hoạt động thường còn là bí mật, thỉnh thoảng bùng nổ dưới hình thức nổi loạn hay ám sát, thí dụ trước năm 1930, ám sát sĩ quan Pháp ở Yên Bái, thành lập phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bỏ thuốc độc cho trại gác của binh lính Pháp ở Hà Nội. Nhưng vào thời kỳ này, mật thám Pháp và quân đội viễn chinh phản ứng rất cương quyết. Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) rời Đông Dương, nghĩa quân hoạt động hết sức bí mật. Như đã nói ở trên, trong những năm đầu thời hoàng kim, an ninh quốc gia ngự trị khắp nơi, dè dặt, nhưng có hiệu quả. Điều đó không có nghĩa là nguyện vọng độc lập đã hoàn toàn biến mất trong tâm khảm thâm sâu của người dân. Thỉnh thoảng nó nổi lên chớp nhoáng, nhưng không dè giữ, không che giấu, ngay trong những cơ sở được an ninh Pháp che chở, nghĩa là trong cơ sở kitô giáo. Về việc này có hai chuyện. Có một giáo sư Xuân Bích vừa tới, ông hòa mình vào nhóm chủng sinh một ngày nghỉ. Nhóm này bàn tới những thi sĩ ái quốc. Có một chủng sinh lên tiếng đọc một bài thơ được tóm tắt bằng mấy lời tiếng Pháp. Tới một phút nào đó, giáo sư Xuân Bích nhìn thấy diện mạo chủng sinh tự nhiên như bốc sáng, tiếng rung lên. Được hỏi lý do, các chủng sinh cho biết : đó là bài thơ ca tụng lòng ái quốc (36). Một lần khác, trong giờ học Pháp văn, chủng sinh đọc một bài nói về Trung quốc. Tác giả bài này cho thấy thực dân Pháp dĩ nhiên không ác nghiệt bằng thực dân Trung quốc. Cho nên nguyện vọng độc lập, lúc nào cũng tỉnh táo, nhưng bị che dấu, cản trở, như bị tê liệt bởi hết mọi nguyên do thay đổi tùy theo mỗi hạng người.
Nơi người trí thức thì có tâm trạng thế này : Nước Pháp đem lại cho chúng tôi một nền văn hóa, cho chúng tôi sống an ninh trật tự, bắt đầu có phát triển kinh tế (37). Tại sao lại không hưởng tất cả những việc đó ? Vì thế các trường trung học và đại học đều chật ních những học sinh và sinh viên. Có nhiều người đi du học Pháp. Họ trở về làm giáo sư, y sĩ, bác sĩ, trạng sư hay làm trong ngành hành chính (38). Có các tờ báo do người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp có tầm cỡ. Tiếng Việt cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp, vừa có thể diễn tả những tư tưởng trừu tượng (ảnh hưởng của Phạm Quỳnh) (39) hay diễn tả cách cụ thể hơn những tâm tình hay thiên nhiên (ảnh hưởng của Khái Hưng) (40) . Ở cấp bậc kém hơn, có nhiều người càng ngày càng đông đã theo cấp trung học để trở thành nhân viên cán bộ cấp dưới trong hành chính hay các xí nghiệp. Tất cả những người này, trí thức hay bán trí thức, đều nhận cộng tác với người Pháp để chuẩn bị cho mình hay cho đất nước một tương lai tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên không loại trừ nền độc lập, nhưng nó ở vào chặng cuối chân trời, mập mờ nhìn thấy trong tương lai xa vời (41). Độc lập coi như xa vời, thế nhưng không hề có nghĩa là công nhận tất cả chế độ thực dân. Văn hóa Pháp mà họ thấu triệt, đã làm cho họ cảm thấy sâu xa các bất công đủ loại đủ thứ gắn liền với chế độ này. Không kể những bất công thuộc kinh tế, còn có chế độ kỳ thị về xã hội không thể chấp nhận được, thí dụ giữa một sĩ quan cấp dưới Pháp và một quan chức bản xứ phủ hay huyện, có một chênh lệch lương bổng không sao chấp nhận được. Mặc dầu có những bất công này, nhiều nhà trí thức không đòi hỏi độc lập ngay tức khắc, bởi vì hy vọng sẽ có một tiến triển xã hội công bình hơn.
Còn quần chúng nhân dân, đại đa số là nông dân cần cù, chịu khó, có tư cách, nhất là ở Bắc và Trung, sống trong những điều kiện hết sức eo hẹp thì sao ? Dĩ nhiên họ hưởng nền hòa bình của thực dân, nhất là an ninh. Đường sắt rất được ưa chuộng, đường sá tốt hơn và an toàn hơn, có một số tiến triển về xã hội, không phải là nhỏ. Sự hiện diện của Pháp được coi như một sự việc đã áp đặt rồi, cho nên còn bền vững lâu dài : một người có óc thực tế như người nông dân Việt Nam, họ tìm cách sử dụng hơn là tranh đấu. Ấy thế mà chính nơi họ đã có những phản ứng chống chế độ thực dân. Trong thành phố, nhất là nơi người trí thức, bên ngoài hầu như có bình đẳng giữa người Việt và người Pháp : Việt và Pháp gặp nhau, ít phân biệt bị trị và thực dân thống trị, ít ra là như thế. Còn ở miền quê, nhất là ở những vùng hẻo lánh, bóng người Pháp làm cho họ sợ : trẻ em chạy trốn, người cao tuổi đứng tại chỗ, với thái độ nghi ngờ và cảnh giác. Bởi vì thực ra người Pháp này thường chỉ là viên quan hành chánh, nhất là nhân viên chú ý đi củ soát xem có chứa chấp rượu lậu (42), rượu cấm. Khá nhiều lần, vì hải quan khám phá ra có rượu lậu tàng trữ trong nhà hay trong vườn đất nhà, làm cho nhà đó kiệt quệ vì bị theo dõi và bị phạt theo luật pháp rất nặng !
Bây giờ hãy đề cập tới một lớp người quan trọng trong nhân dân Việt Nam, những người theo kitô giáo (chừng một phần mười tổng dân số). Vậy người kitô hữu nghĩ gì về an ninh của thực dân ? Có những người triệt để chống hiện diện của người Pháp : có một người anh của một chủng sinh vào trường chúng tôi năm 1933, anh đã bị giam tù vì lý do làm chính trị và đã chết trong tù vì bệnh lao (43). Nơi những người khác, nguyện vọng độc lập không phải chỉ được biểu thị trộm và hiếm. Tuy họ không chống thực dân, nhưng nguyện vọng độc lập vẫn hiện diện thường xuyên, ý thức, được tỏ ra không che giấu, không dè dặt. Như một linh mục đã chú giải lời Phúc âm về các tiên tri giả (Mt 7,15) “Hãy canh chừng những tiên tri giả” này rằng : Những tiên tri giả là những người Pháp đã áp đặt chế độ thực dân. Nhưng nếu nhìn gần vào đại đa số các kitô hữu hay linh mục, thì phải nói rằng: nơi tất cả đều có nguyện vọng độc lập (và sẽ bùng lên rất mạnh vào năm 1945). Nhưng hơn cả người trí thức, công chức hay người kinh doanh, họ có một tâm trạng đã tả ở trên : hẳn không hoàn toàn trong nền an ninh thực dân, bởi còn nhiều bất công và áp bức, nhưng nói chung tình cảnh này có nhiều thuận lợi và với những ai biết hòa mình vào thì có thể tạo nên một tương lai khá hơn, tốt hơn. Nhưng tương lai nào ? Độc lập, phải, nhưng còn nhiều thời gian trước khi đạt tới. Tâm trạng này có ở người kitô hữu hơn ở những người khác (44). Tại sao ? Trước hết trong quá khứ : sự can thiệp của quân đội viễn chinh Pháp đã làm ngưng cuộc bắt bớ đạo. Cho dầu các chính trị gia Pháp đã đưa ra những xác tín triết lý hay chính trị nào đi nữa, nhưng chung qui họ đều có một cương chỉ hành động : họ có thiện cảm với người kitô hữu, cụ thể có nghĩa là người ta dễ dàng sẵn sàng nhận những yêu sách, nhất là khi do các giám mục hay các linh mục đưa ra. Đó là một phương hướng chung, bởi vì có các giáo sĩ thừa sai Pháp, hay cả những linh mục bản xứ phàn nàn về một nhà cầm quyền phủ huyện hay tỉnh tỏ ra không quan tâm hay làm trái nguyện vọng, quyền lợi của họ, thế nhưng nói chung chính quyền thực dân dễ dàng nghe theo những gợi ý của các linh mục (Pháp hay bản xứ) và chú tâm nghe theo những phản kháng của họ. Một kitô hữu sống dưới chế độ thực dân thì cảm thấy mình được bảo đảm về quyền lợi mình hơn và thường được hưởng những ưu đãi và đặc quyền hơn (45).
Còn về tâm trạng những người Pháp có mặt ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ thì sao ? Nơi những người Pháp sống ở Việt Nam vào thời này, có nhiều người có cảm tình với nhân dân Việt Nam và tôn trọng quyền lợi của họ. Có người còn đi xa hơn và chủ trương có thể có một nước Việt Nam độc lập sau này. Thế nhưng chưa phải là lúc này, ngày mai đây : theo họ thì còn phải đợi một thời gian lâu dài nữa, dân tộc Việt Nam mới đạt tới độc lập (46). Tại sao ? Vì chính lợi ích của họ. Nếu muốn cho dân An Nam đạt tới độc lập trong trật tự và tiến bộ, thì quốc mẫu còn phải kiên nhẫn thực hành một nền giáo dục lâu dài về mặt luân lý, chính trị, văn hóa và kinh tế. Đó là đề tài người ta thích thú giảng ở trường Thuộc Địa và trong những diễn văn chính thức của quan Toàn quyền. Và những đề tài này đã được đa số các người thực dân Pháp công nhận, vừa chung thủy vừa thỏa mãn, hơn hay kém tùy cá nhân. Khi xảy ra biến cố mồng 9 tháng 3, làm sụp đổ chế độ thực dân, dưới chiêu bài Đại Á của phát xít Nhật, thì người Pháp mới thấy bị tước lột hết nhiều quyền lợi – quyền bính và lợi nhuận. Nhưng luyến tiếc những quyền lợi xưa thực ra nơi nhiều người còn kèm theo những tâm tư bỡ ngỡ và thất vọng. Bởi đâu người ta đã tỏ ra vô ơn đối với những gì đã làm được do thực dân ? Tại sao không để cho thực dân tiếp tục gây dựng cho công ích (47)? Thật là những suy tư ngay lành thì có, nhưng cũng tỏ ra không hiểu biết gì và còn hẹp hòi trong cảm tình : lợi ích làm được có phải chỉ như thế không hay còn phải hơn thế nữa chứ ? Giúp đỡ một dân tộc chẳng lẽ chỉ là việc che chở dưới chế độ thực dân thôi ư, chứ không chú trọng tới tâm tình hiên ngang rất hợp tình hợp lý của một dân tộc khát vọng độc lập tự do ?
Trong những người Pháp sống ở Đông Dương thời này, có các linh mục, các tu sĩ, nữ tu và họ khá đông. (Cũng có các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Gia nã đại và Tây ban nha). Họ nghĩ gì về tình hình ? Họ thường bị tố cáo là thực dân. Nếu hiểu thực dân là kẻ lợi dụng chế độ này để làm những sự bất công và lạm dụng, thì là bất công nếu đem áp dụng cho các giáo sĩ truyền giáo. Điều này cần phải nói ra và phải được nhắc lại, các giáo sĩ truyền giáo tại Việt Nam là những tay thợ kiến thiết công bằng hơn, nhân đạo hơn đối với hết mọi người, kitô hữu cũng như không kitô hữu: bênh vực quyền lợi trước chính quyền tùy cơ thi hành pháp luật ; giúp đỡ kẻ nghèo khó, không những bằng những phương thế qua thời và cá nhân, nhưng bằng những phương tiện công cộng (đặc biệt bằng cách khai hoang điền địa) (48); ngành giáo dục và đào tạo thực hiện trong các trường học đủ loại ; săn sóc bệnh nhân v.v.. Các giáo sĩ truyền giáo bao giờ cũng lên tiếng chống đối những tệ lạm của chế độ thực dân, và luôn cố gắng nâng đỡ những gì tích cực trong hành chính thực dân. Đàng khác, có nhiều người nhận thấy giá trị riêng của gia sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Tùy theo khả năng riêng của từng người trong họ, hay tùy theo tự do mà phận sự truyền giáo cho phép, họ đã kiên trì nghiên cứu nền văn minh Việt Nam : ngôn ngữ, tập tục, tôn giáo, nhà ở v.v.. Nhiều người trong họ đã để lại danh tiếng trong việc này (Génibrel, Cadière, Hue, Gouin) (49). Sâu sắc hơn nữa, họ biết người Việt Nam còn nhiều khả năng phong phú sống kitô giáo. Nhiều người đã xác tín rằng có thể trao cho người Việt những trách nhiệm quan trọng. Cho nên họ đã chuyên chú và nỗ lực đào tạo huấn luyện các linh mục, sửa soạn cho việc thành lập hàng giáo phẩm từ đội ngũ các linh mục. Hoa trái đầu mùa là bổ nhiệm đức cha Tòng về coi sóc giáo phận Phát Diệm (1933). Mấy năm sau, đức cha Cẩn, đại diện tông tòa Bùi Chu. Người ta không thể cho rằng các thừa sai đã muốn liên kết hàng giáo phẩm với chế độ thực dân. Vậy phải nói ngược lại : những người sáng suốt nhất đã muốn cho Giáo hội Việt Nam có những vị lãnh đạo chọn trong dân tộc Việt Nam.
Nhưng nói thế rồi, còn các thừa sai, họ nghĩ gì về chế độ thực dân ? Cụ thể, trong sinh hoạt, họ có thái độ nào? Trước hết, có những chống đối rõ ràng không ? Tôi muốn nói, những thừa sai, bằng lời nói hay việc làm, đã chống đối chế độ ? Tôi muốn nói chống chế độ trên nguyên tắc, bởi vì ở đây không phải là những thừa sai đã phê bình cách này cách khác về cách làm của nhân viên hành chính thực dân, bởi vì những nhân viên này thì có nhiều. Nhưng có các thừa sai chống đối nguyên tắc bảo tồn chính sách thực dân và đã tỏ ra bằng lời nói và việc làm không ? Nếu có thì thực ra cũng rất ít, nhưng hình như có, bởi vì đó là hoàng kim thời đại, và mọi việc đều tốt đẹp hết, cho nên phải kín đáo che đậy hết những gì có thể làm mất thể diện và uy tín của chế độ. Thế nhưng người ta đồn rằng có một thừa sai, trăm phần trăm đáng kính trong cách ăn nết ở, quảng đại trong cư xử, lại khỏe mạnh, nhưng đột nhiên bị gọi về Pháp. Trong các địa hạt kitô giáo Việt Nam, người ta thầm thì với nhau, không lớn tiếng, rằng : thừa sai chống đối chế độ thực dân. Dẫu sao, thực tế mà nói, không có thừa sai nào chống đối bằng lời nói hay việc làm, nguyên tắc chế độ thực dân. Nếu có, thì chắc chắn là phải chịu số phận khai trừ như vị thừa sai nói trên. Thế nhưng họ nghĩ gì ? Nếu nghiêm chỉnh hỏi một thừa sai nghĩ thế nào về việc này rằng : có muốn cho Việt Nam độc lập hay không ? Tôi thiết nghĩ là đa số sẽ trả lời là có. Thế nhưng ngay tức khắc họ thêm, như đa số các người Pháp sống ở Việt Nam thời này rằng : còn phải nhiều thời gian thì độc lập mới có ích, nhiều thời gian để giáo huấn văn hóa, chính trị … (50) để mở ra một nền độc lập đáng giá. Tóm lại, nơi các vị thừa sai, tâm thần cũng còn bị kẹt, họ chỉ thấy phương thức thăng tiến dân tộc Việt Nam dưới sự bảo trợ hẹp hòi của chế độ thực dân. Họ không tưởng tượng ra được một phương cách khác là gây thành một thăng tiến và độc lập. Cũng dễ hiểu thôi, họ có lý thú nhận, bởi vì hoàn cảnh cho phép, thí dụ khi nhà thừa sai gặp các nhà trí thức Việt Nam đồng tình với chế độ (51). Tôi đã đặt giả thuyết nêu vấn đề độc lập bàn với một thừa sai. Thế nhưng thực ra, thời này, người ta không bao giờ đặt vấn đề và vị thừa sai cũng không đặt vấn đề. Họ đã sững sờ trước những biến cố 1945. Như sẽ thấy sau, những biến cố này đã gây một đụng độ làm thành những hậu quả khác nhau, cởi mở cho người này, khép kín cho người kia.
Nhưng trước những biến cố này, trong thái độ chung, còn có những dị biệt làm cho họ khác nhau trong thái độ. Có người còn hiên ngang bất chấp mọi người, treo cờ Pháp trước nhà mình, hiện diện trong hết các phiên họp do chính quyền Pháp tổ chức, ra vào gặp mặt chính quyền Pháp. Trong phát biểu, họ còn cho thấy cần duy trì nền bảo hộ Pháp, có nghĩa là duy trì những gì là tiêu cực, là thiếu sót nơi dân tộc Việt Nam về mặt văn hóa, luân lý, chính trị… Và chính vì họ có chiều hướng này mà có lẽ họ vô tình duy trì một thái độ bảo hộ, làm thầy, đối với những người Việt Nam mà họ gặp. Thái độ này, bởi vì thường không được đáp ứng với thực tế các sự việc, cho nên phải được ghi nhận như một khinh thị. Ngay cả trong những trường hợp khác, thái độ này thiếu tế nhị và làm khó lòng cho những người thường quen thân với các thừa sai này. Có những thừa sai khác lại có thái độ khác. Họ cảm nhận rõ hơn những khát vọng của dân tộc Việt Nam, họ tỏ ra tôn trọng những giá trị tinh thần và thiêng liêng của người Việt Nam. Ngay cả khi họ cho rằng việc bảo hộ của người Pháp có một giá trị giáo huấn (52), nhưng họ tránh không nói ra vì sợ làm tổn thương tâm tình hiên ngang đích đáng của người dân. Vì thế, không có những tuyên bố táo bạo, không có lời nói làm phật ý người dân. Thực ra, họ tìm hiểu biết hơn, đánh giá đích đáng hơn những người sống chung quanh họ, ngay cả khi địa bàn những người đó sống thì nghèo nàn và trơ trụi. Vì thế với mọi người và mỗi người, họ giữ một thái độ tôn trọng và thân thiện, điều làm cho hết mọi người dân tỏ ra quí mến họ. Những thừa sai này cũng không phô trương lòng ái quốc của mình : không treo cờ trước cửa nhà thờ hay nhà mình ở. Liên hệ với người Pháp không cắt đứt, dĩ nhiên, nhiều khi cần thiết để phục vụ người Việt Nam. Nhưng thời gian liên hệ chỉ ngắn gọn, bởi vì điều chính yếu là phục vụ người Việt. Còn về việc tham gia những lễ hội ái quốc hay những buổi hội họp giữa người Pháp, thì họ chỉ vắn tắt làm cho vừa đủ và không phô trương ra, khi tham dự những thứ lễ hội hay hội họp ấy. Những biến cố 1945 hay những biến cố có trước đó ít lâu (53), đã giúp các thừa sai có ý thức hơn rằng phải tách rời bảo hộ thực dân và cứu trợ tương hỗ. Nhóm thừa sai thứ nhất thường bị người Việt Nam coi là nhóm thực dân, còn nhóm thứ hai, nói chung, không bị liệt vào hàng ngũ thực dân (54).
II. SỰ NGHIỆP CỦA XUÂN BÍCH
TRONG THỜI HOÀNG KIM (55)
1. Mấy điểm ghi nhận về không gian và thời gian
Có những hoàn cảnh nào đã dọn đường cho Xuân Bích tới Việt Nam ? Phải nghiêm túc tra cứu văn khố của Hội, của Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Paris (MEP) và của Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Việt Nam, để có thể khách quan vẽ hết những nét chính yếu trong đề án thiết lập một chủng viện trao cho Xuân Bích. Đây là việc làm của một sử gia, có thể được một người nào có khả năng khởi công… Có những chứng từ vững chắc cho phép phác họa lại những nét chính yếu. Về chương trình dự tính, thì có mấy nhân vật chủ yếu, trong số đó phải kể trước hết là Khâm Sứ Tòa Thánh ở Đông Dương, đức cha Ajuti, mấy vị đại diện tông tòa Bắc kỳ, trong đó có đức cha Gendreau (Đông), đại diện tông tòa Hà Nội và đức cha De Guébriant, bề trên cả hội Truyền giáo Nước Ngoài, nhưng đức hồng y Verdier, sau khi cha Garriguet mất được ít lâu, ngài đã quyết định nhận mở một chủng viện Xuân Bích ở Bắc Việt.
Những cha Xuân Bích tiên khởi. Các cha Paliard (Đoán), Uzureau (Lý), Raison (Luận) là ba người đã dự vào việc thành lập chủng viện Xuân Bích Hà Nội. Hai người đầu tiên đã khởi hành ngày mồng 4 tháng 10 năm 1929, người thứ ba vào mùa thu 1930. Nhiệm vụ của họ là gì ? Trước hết là việc khám phá, khai quang, dò đường. Đặt chủng viện ở đâu ? Loại chủng viện nào và những điều kiện kinh tài ra sao ? Để trả lời, hai cha Paliard (56) và Uzureau đã đi một vòng khắp Đông Dương để gặp các đại diện tông tòa, các giáo sĩ triều và thăm các chủng viện hiện có. Bên cạnh sứ mệnh thăm dò, và khi còn thời giờ, hai cha còn có nhiệm vụ làm quen với địa bàn mới, nhất là học tiếng. Vì thế hai cha đã tạm trú một thời gian vắn ở chủng viện Phát Diệm, rồi cha Uzureau mấy tháng ở trong một giáo xứ gần Hà Nội (57), còn cha Paliard thì ở trong Nhà Chung (Tòa Giám Mục) và làm việc cho các sư huynh (58). Cả hai đều rất chặt chẽ tham dự vào việc thành lập phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể ở Việt Nam.
Thành lập chủng viện. Sau nhiều thương thuyết cam go, thì đã đi tới việc thành lập chủng viện với những điều kiện này : về giáo luật, chủng viện sẽ thuộc về địa phận (59) Hà Nội, nhưng có thể nhận các chủng sinh thuộc các giáo phận khác. Phải nói rằng : không có hợp đồng giữa hội Xuân Bích và địa phận Hà Nội, chỉ hoàn toàn và đơn giản là thỏa thuận thương lượng. Nhưng đất và nhà cửa thì thuộc về hội Xuân Bích : chính hội bỏ tiền ra mua đất và ký kết với xí nghiệp xây dựng ngày 10 tháng 10 năm 1931. Tôi còn nhớ con số chung mua đất, lấp đất và làm nhà, bởi vì nhiều lần cha Paliard nhắc đi nhắc lại : ba trăm nghìn đồng Việt Nam thời đó, nghĩa là ba triệu quan thời đó. Chủng viện nằm xa trung tâm thành phố chừng hai cây số về phía tây, thuộc xã hay thôn Liễu Giai, giáo xứ Kẻ Bưởi. Viên đá đầu tiên được làm phép do đức cha De Guébriant ngày mồng 4 tháng 2 năm 1932. Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1933, đức cha Dreyer, khâm sứ Tòa Thánh, đã chủ tọa khai trương chủng viện. Trong số những quan chức hiện diện thì có đức cha Gendreau (Đông), đại diện tông tòa Hà Nội, đức cha phó Chaize (Thịnh), đức cha De Cooman (Thành) đại diện tông tòa Thanh Hóa. Cũng có thống sứ Bắc kỳ và tỉnh trưởng Hà Đông (60), quan cao cấp triều đình vua (61). Đất thuộc về Hội rộng chừng hai hécta. Chủng viện có thể nhận 150 chủng sinh. Có một khu nhà chính, nằm bên lề đường Quần Ngựa, gồm các lớp chung và phòng ngủ. Khu nhà này, bề dài một trăm thước, được nối với khu nhà khác bằng một lối đi có mái che, song song với nhà chính, nơi đây là nhà cơm, phòng phát thuộc và bệnh xá, nhà quản lý và vài ba phòng khách. Nhà nguyện là một phòng lớn ở khu nhà chính, nhưng về sau có dự tính xây một nhà nguyện riêng : dự tính này đã không bao giờ được thực hiện.
Chủng viện từ 1933 tới 1940. Chủng viện mở cửa ngày mồng 1 tháng 9 năm 1933. Số học viên 31, tất cả đều thuộc năm thứ nhất Triết. Các địa phận Hà Nội, Thanh Hóa, Phát Diệm, Hưng Hóa đều gửi hết số học viên, còn các địa phận khác thì thay đổi tùy tiện. Có mấy nơi đã gửi hết, nhưng về sau chỉ gửi một số. Trái lại, có mấy nơi năm đầu không gửi một người nào, nhưng về sau lại gửi tất cả. Về năm 1945 (năm quá tải nhất trong thời kỳ đang bàn tới ở đây), cha Paliard cho biết có tới 145. Các giáo sư thì : năm 1933, đầu khai trường, cả buổi, có cha Paliard, giám đốc, dạy tiếng pháp, Paul Uzureau, quản lý, dạy triết, Louis Raison dạy khoa học và lịch sử Giáo Hội. Đến tháng chín, Pierre Gastine (Tín) tới, tiếp sau là Daniel Bouis (Cẩn). Cả hai vùi đầu vào việc học tiếng, trước hết trong 4 tháng trong chủng viện, rồi mỗi người đi một giáo xứ khác nhau, cách xa thành phố chừng tám hay chín cây số (62). Mỗi tuần một lần, hai cha về ở chủng viện để gặp anh em và dẫn linh hướng cho chủng sinh. Tháng chín năm 1935, hai cha về ở hẳn chủng viện và bắt đầu dạy học. Daniel Bouis dạy tín lý, Pierre Gastine dạy triết. Nhưng tháng 5 năm 1935, cha Raison phải trở về Pháp vì lý do không hợp thủy thổ. Năm 1936, cha Antoine Carret (Cả) được chỉ định dạy Kinh Thánh, và năm 1938 thêm cha André Courtois (Lịch) dạy khoa học. Antoine Carret cũng học tiếng ở một giáo xứ. Những biến cố năm 1940 chỉ cho phép André Courtois học tiếng được hơn một năm mà thôi (63).
Chủng viện từ 1940 tới 1945. Năm 1940, ở Pháp có chiến tranh ; ở Á châu, từ hai ba năm nay có chiến tranh Nhật-Trung, quân đội Nhật tràn qua hầu khắp Trung quốc. Năm 1940, quân đội Nhật chiếm Quảng Tây, biên giới Bắc kỳ. Từ Hải Phòng đi Côn Minh (tỉnh Vân Nam) có đường sắt. Quân đội Nhật muốn kiểm soát con đường sắt có thể chuyển vũ khí cho quân đội Trung quốc. Với những thất bại của quân đội Pháp ở Pháp, Nhật làm áp lực mạnh ở Bắc Việt, làm cho Pháp phải gọi quân đội trừ bị nhập ngũ. Daniel Bouis và Pierre Gastine bị gọi nhập ngũ ở trại Tông gần một tỉnh lỵ (Sơn Tây, thuộc Hưng Hóa) cách Hà Nội 40 cây số, vào tháng 2 năm 1940, để huấn luyện lính mới nhập ngũ. Thế là lần thứ nhất, có xáo trộn tổ chức việc học ở chủng viện. Cha Cả dạy Kinh Thánh nay thêm tín lý. Cha Đoán kiêm thêm triết. Vào tháng năm, ngay trước khi kết thúc năm học, Pierre Gastine và Daniel Bouis được về, nhưng ngay sau đó ít lâu, trước khi tựu trường, lại bị gọi tái nhập ngũ. Daniel Bouis đi khá xa chủng viện, không thể tiếp tục nhận dạy học, còn Pierre Gastine được nhận việc ở Hà Nội, nên có thể vừa làm việc nhà binh vừa dạy học. Sau cùng là cha Carret (Cả) cũng bị gọi nhập ngũ, sau một thời gian ở Đà Nẵng thì về Hà Nội, cha vừa có thể dạy học vừa làm ở phi trường Bạch Mai. Công việc này kéo dài cho tới năm 1941. Trong khi đó, sau một hiệp ước được ký kết giữa hoàng đế Nhật và thống chế Pétain, cam đoan hai bên có cộng tác giữa chính phủ toàn quyền Đông Dương và chính phủ Nhật. Những năm tháng kể từ biến cố mồng 9 tháng 3 năm 1945 được kể là những năm cuối cùng của hoàng kim thời đại. Trong những năm tháng này, sinh hoạt ở chủng viện được tiếp tục như trước. Nhưng kể từ năm 1943, thường có còi báo động máy bay oanh tạc. Thực vậy, quân đội Mỹ, liên minh với Trung quốc, càng ngày càng cho ném bom các vị trí trong lãnh thổ Đông Dương, bởi vì quân đội Nhật, cạnh quân đội Pháp, lan tràn khắp nơi. Những vụ ném bom càng làm khó khăn việc di chuyển và chuyên chở bằng đường bộ, đường sắt hay đường sông và sẽ là một trong những nguyên do của nạn đói lớn năm 1945 (64). Nhưng về chủng viện nhỏ bé của chúng ta, thực ra chỉ có một báo động trầm trọng : tháng chạp năm 1943 có bom rớt xuống gần chủng viện, làm dân chung quanh chủng viện chết hay bị thương. Chúng tôi đã cho nghỉ hè trước thời hạn chừng mười lăm ngày. Sẽ còn nhiều báo động, thế nhưng chủng viện không bị thiệt hại nặng. Nhưng báo động cũng được khép vào “kỷ luật” của chủng viện. Bắt đầu có còi báo động, các chủng sinh phải xuống tầng trệt nhà, mỗi người một vị trí được vẽ sẵn trên bản đồ do cha Bùi rất chi li trong nguyên tắc thực hiện và do cha Lý điều khiển như điều khiển trên máy vi tính. Kinh nghiệm cho thấy còi báo động thường xảy ra vào giữa trưa và bốn giờ chiều, cho nên hoãn giờ học chiều lại, có vậy thôi. Thực ra, cục diện đã làm đổi thay tâm trạng nơi người Việt Nam, thay đổi khó nhận ra, và có thể ra ngoài ý thức sáng suốt của chính nhiều người, nhưng có thay đổi thực sự. Ngày mồng 9 tháng 3 là ngày bùng nổ tâm tình này, đã được chuẩn bị bởi việc bại trận ở Pháp và quân đội Nhật xâm nhập. Được Nhật nâng đỡ và khuyến khích, việc tuyên truyền chống chính quyền thực dân và nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, trước còn kín đáo, nay được tiếp tục không ngừng : không phải không có hậu quả. Trong những hoàn cảnh này, các chủng sinh có ý thức thế nào về nguyện vọng độc lập đất nước ? Không gì lộ ra bên ngoài một cách rõ rệt. Cho nên chúng tôi có thể kể chúng vào thời hoàng kim, nhưng cũng không loại trừ chúng ra khỏi việc chuẩn bị một thời kỳ mới.
2. Khung cảnh sinh hoạt
Để hiểu rõ tâm lý các chủng sinh và linh mục Việt Nam trong thời kỳ này, thì phải đề cập tới khung cảnh xã hội mà họ trải qua trong việc giáo huấn và đào tạo, đó là “Nhà Đức Chúa Trời”. Nhà Đức Chúa Trời là một cộng đồng rộng lớn qui tụ chung quanh giám mục, các linh mục địa phận, các đại chủng sinh (Triết học và Thần học), các thày giảng chính qui (không bao giờ trở thành linh mục), các tiểu chủng sinh và các bồi bõ (65). Giữa những nhân viên khác nhau đó, có một phẩm trật định đoạt những liên hệ trọng kính và vâng lời, nhất luật không thay đổi. Đó là một cộng đồng tinh thần nâng đỡ nhau bằng kinh nguyện : họ hội nhau nguyện gẫm, đọc kinh sáng, dự thánh lễ, lần hạt, kinh chiều. Có những ngày tĩnh tâm năm cho mỗi hạng người. Nhưng chế độ về của cải thì tương tự như một dòng tu : của do cha mẹ để lại thì là của riêng mỗi người, còn hết các của cải khác thì để làm của chung do các cha chính xứ quản lý (kể cả bổng lễ, trừ một vài lễ do cha xứ giữ cho mình) (66). Với số tiền này cha xứ phải nuôi dưỡng tất cả cộng đồng thuộc về mình, còn thừa thì trả về sở quản lý địa phận. Quĩ trung tâm này dùng để nuôi các chủng viện lớn nhỏ và chi dụng cho các hoạt động chung của địa phận. Mỗi chủng sinh đều có một linh mục bảo lãnh, ngài là cha nuôi. Khi cậu bé được chừng mười tuổi thì cậu được linh mục nhận nuôi trong một hay hai năm, rồi cho đi học ở tiểu chủng viện. Cha đỡ đầu và các “con thiêng liêng” làm thành một gia đình tinh thần liên kết chặt chẽ với nhau, cho nên đa số thời gian nghỉ hè, tiểu hay đại chủng sinh về sống với cha nuôi (67).
Một đôi lời về môi trường : các khu nhà đã được đại khái mô tả. Mỗi khu nhà đều có một sân thượng, nơi vào chiều tối các chủng sinh có thể lên hóng mát. Nếu từ sân thượng này nhìn về hướng nam thì thấy đồng ruộng bao la trải ra vô bờ bến, về hướng bắc thì là những ngôi nhà thuộc thôn Liễu Giai (cây liễu tươi đẹp). Về hướng đông thì là xã Ngọc Hà (Sông Ngọc) với nhiều vườn tược, và sau cùng mãi tít ở chân trời, về hướng tây, chừng năm chục cây số từ Hà Nội, thoang thoáng bóng ba ngọn núi gọi là Ba Vì. Trở về Hà Nội và tới gần chủng viện, thấy khoan khoái khí trong lành miền quê : không sông ngòi, không nhà thấp bé chắn ngăn gió. Trong các phòng và trên sân thượng, còn cảm thấy có gió hơn nữa. Lại nữa, khu nhà có hướng rất tốt, về chiều dài thì có hướng Bắc Nam. Các phòng đều có cửa mở về hướng nam, là hướng tốt nhất trong mùa hè cũng như mùa đông. Các cửa có kính ngăn cách phòng với hành lang về hướng bắc. Trong suốt mùa đông lạnh, các cửa đều được cẩn thận đóng kín. Còn về các phòng thì thế nào ? Những buồng cá nhân, quá nhỏ bé, thì không tiện cho thông khí và có thoáng mát. Cho nên diện tích rộng của mỗi phòng cho bốn chủng sinh thì hợp với đòi hỏi của khí hậu hơn. Nhưng mỗi chủng sinh đều có không gian dành riêng cho mình, gồm có giường, bàn, ghế, kệ và tủ làm thành nội thất riêng của mình ngoài những giờ học trong lớp hay hội họp.
Sinh hoạt hàng ngày. Cha Đoán đã mang theo trong hành lý cuốn sách Nội quy Chủng viện Xuân Bích, theo đó và với một ít thích nghi cần thiết, đã soạn bằng tiếng Việt một Nội Qui đọc mỗi năm cho chủng sinh biết. Có những thích nghi nào ? Có những đơn giản hóa, về việc mặc áo dòng trắng (surplis) hay áo chùng thâm (soutane), thêm giờ giải lao, và mỗi ngày có giờ nghỉ trưa thiêng liêng bốn mươi lăm phút đồng hồ (68). Nhưng về tổng quát thì chính là Nội qui của các chủng viện Pháp thời đó, với thời khóa biểu tỉ mỉ, duy trì thinh lặng trong tầng nhà được tuân thủ trong những giờ giấc đã được ấn định, chế độ được phép ra khỏi nhà cũng rất nghiêm nhặt được ấn định v.v.. Và mỗi tháng, cha bề trên, sau khi hội với các giáo sư, thì nhắc nhở cho chủng sinh những điểm đã sai sót hay lỗi phạm. Nội qui rất cổ điển, nhưng các chủng sinh nhận thấy rộng rãi. Tất cả đã học ở các tiểu chủng viện tuổi từ 10 tới 12, những tiểu chủng viện này duy trì một kỷ luật rất tiû mỉ, giữ những điều đã được qui định nghiêm khắc, và ban giám thị dưới sự điều khiển tối cao của thày thủ trưởng, nghiêm khắc nhắc nhở những sai phạm nhỏ mọn nhất (mới đây không xa, trong các tiểu chủng viện, mới hủy bỏ hình phạt roi vọt) (69).Các thày còn cho là rộng rãi có lẽ vì so với các đại chủng viện khác (70), cạnh cha bề trên còn có cha giám thị nắm trong tay việc tuân thủ các qui luật tỉ mỉ của nhà trường (71). Hơn nữa, môi trường văn hóa (văn hóa cổ truyền Việt Nam (72)) làm cho chủng sinh dễ dàng chấp nhận nội qui. Kể từ khi chớm nở ý thức tinh thần và đạo lý, đứa trẻ đã luôn luôn nghe nói trong gia đình là phải tuân theo tam cương ngũ thường (73) với những chi tiết minh bạch, tỉ mỉ, trong mỗi hoàn cảnh đời sống và đối với mỗi cấp bậc trong xã hội. Có cách thức ăn uống, đứng ngồi, thế nào cho phải phép và không để cho sáng kiến của cá nhân muốn làm thế nào tùy tiện được. Với cha mẹ, cô bác chú dì, anh em, với người hơn tuổi kém tuổi, đều có cách nói năng thưa trình, cách đi đứng xứng hợp phải phép. Nếu đứa trẻ không tuân theo, thì bị phạt nghiêm khắc, trừng trị xứng đáng. Người có giáo dục là người giữ các tập tục trong gia đình, ngoài xã hội. Khi gia nhập “Nhà Đức Chúa Trời”, một gia đình mới, người thiếu niên được cha đỡ đầu bảo lãnh, đã làm quen với lối sống “Nhà Đức Chúa Trời”. Tới đại chủng viện, vì đã biết tuân thủ luật Nhà Chúa, nên cũng dễ theo nội qui nhà trường. Vì đã được sống trong phẩm trật Nhà Chúa, nên cũng là một vinh dự khi nghiêm chỉnh theo phép tắc nhà trường. Nếu chúng tôi không can thiệp, thì các thày lẳng lặng chơi bóng bàn (ping-pong), vì là ngày thứ sáu tuần thánh, ngày phải giữ thinh lặng từ sáng đến tối. Thật là sai lầm về tâm lý người Việt Nam, nếu coi các chủng sinh như những người gượng gạo, cứng nhắc, mỗi lúc mỗi căng thẳng để tuân thủ một điều lệ. Không kể phần nhiều các điều lệ này đã ăn sâu vào bắp thịt đường thần kinh, các thày còn có nguồn sinh lực hồn nhiên và cảm xúc, đến độ những qui luật bên ngoài không hãn ngữ được những thúc đẩy bên trong này. Khi cùng nhau bè bạn hay đồng hành đồng chí, người trên người dưới không can thiệp, hay khi đứng trước một người nào được tín nhiệm, họ rất tự nhiên và rất vui vẻ. Nhiều khi, trước mặt một người Âu, những phản ứng nhạy bén có thể đi quá giới hạn phạm tới tế nhị hay kín đáo (74). Vậy thì về việc giữ nội qui thì thế nào ? Trước hết hãy bỏ ra ngoài trường hợp vì có áp lực xã hội bên ngoài nên việc giữ nội qui thiếu hẳn hồn nhiên và tự nhiên. Ngoài đó ra, thì rất khác nhau tùy theo phản ứng từng cá nhân. Có lẽ so với người Pháp vào thời này, người Việt hòa mình vào một qui chế dễ dàng hơn chăng ? Nhưng cũng chỉ là một so sánh trong tổng quát, chung chung. Trong phạm vi cụ thể những phản ứng cá nhân, thì có tất cả một chuỗi có thể có, từ nghiêm chỉnh tuân theo đến hờ hững buông thả.
Nhưng tôi phải nói thêm, đó là những con người đầy sinh lực, đứng trước qui luật, cũng như trước những gì chúng tôi đưa ra làm phương tiện giáo dục và đào tạo, họ có một thái độ : họ tin tưởng vào chúng tôi. Tại sao ? Phải nhắc lại rằng những gì nói về tâm trạng các thừa sai sống thời hoàng kim thuộc địa bàn thực dân, trừ những trường hợp rất hiếm, hết các thừa sai đều công nhận lợi ích, ít ra tương đối, của việc bảo hộ (75). Nhưng nơi họ, cũng có một rạn vỡ làm cho dân rất sáng suốt trong vấn đề này, đã phân biệt các thừa sai “không có cảm tình với người Việt” (76) và những thừa sai “có cảm tình với người Việt”. Những người có cảm tình với người Việt là những người luôn luôn làm cho người Việt cảm thấy họ nói hay làm cách tế nhị hơn, không đặt trọng tâm về những giới hạn có thực hay phỏng đoán của người Việt, trái lại toan tính nêu cao giá trị những đức tính đặc thù của người Việt, và mặt khác, không hòa mình vào chính sách thực dân. Không có xác tín căn bản này và không để cho Xuân Bích được liệt kê vào nhóm thứ hai này thì không nhận được lòng tín nhiệm của các chủng sinh, khi ở buổi đầu chúng tôi tiếp xúc với họ, và họ đã sẵn sàng và chân thành chấp nhận những gì chúng tôi trình bày để giúp họ chuẩn bị nhận chức linh mục.
Còn có một lý do thứ hai về lòng tín nhiệm này, có lẽ ngây ngô và khó hiểu đối với chúng ta ngày nay, nhưng vào thời đó, như chúng tôi đã nói, giới lãnh tụ, chính quyền, nói chung, họ trông đợi nhiều ở Âu châu. Nhất là về mặt văn hóa, rất nhiều người Việt cho rằng khoa học, nghệ thuật, triết học và văn chương Âu châu sẽ giúp người Việt tiến bộ trên con đường văn minh (77). Cũng có một trào lưu bồng bột, hăng say, nhất là nơi thanh thiếu niên, làm cho họ quên hay khinh những giá trị từ bao thế kỷ nay đã làm thành nền văn minh Việt Nam, nghĩa là văn minh Trung Hoa : khá nhiều bài viết tố cáo các tác giả cổ điển Trung Hoa vì đã làm cắn đọng nền văn hóa chính thực của Việt Nam (78) ! Với tất cả những gì là chủ quan trong việc này, chúng tôi được các chủng sinh và nói chung các nhà trí thức công giáo nhận vào quĩ đạo nền văn hóa Âu châu sáng chói, chúng tôi là những chuyên gia trí thức từ Âu châu tới (79). Và vì họ còn nặng óc về văn bằng từ chương (từ truyền thống Trung hoa), cho nên họ sung sướng biết rằng thày dạy của họ cũng đem theo những mảnh bằng từ Pháp hay Rôma tới. Tôi phỏng đoán rằng với thời gian và kinh nghiệm, sự bồng bột và hăng say này sẽ dịu hẳn đi nơi các chủng sinh cũng như nơi những người khác, thế nhưng thực ra vào năm 30, sự hăm hở theo văn hóa văn học Âu châu này còn rất mạnh và làm cho họ tin tưởng vào các ông thày của họ. Vậy chúng tôi đã đáp lại niềm tin của họ như thế nào và đã thử đem lại cho họ những gì để chuẩn bị cho họ được truyền chức ?
3. Mấy phương hướng trong nỗ lực đào tạo của chúng tôi:
a/ “Tiến triển về trí thức
Phải thú nhận rằng suốt những năm đầu của thời hoàng kim, các nhà hữu trách trong Giáo hội miền Bắc Việt Nam đã cho thi hành một chính sách trí tuệ ngược lại với nguyện vọng của hết mọi người Việt Nam. Người Việt muốn hiểu biết văn hóa Âu châu, nên khao khát học tiếng Pháp (80). Thế mà các linh mục tương lai đã bị cấm, không được học tiếng Pháp, và nếu có chủng sinh nào vi phạm thì có thể bị trục xuất (81). Có mấy người đã khá thành thạo vì khéo che giấu, người khác chờ thời kỳ thực tập để tránh mắt kiểm soát, họ có thể tự do học tiếng Pháp (82). Dẫu sao kết quả còn khá khiêm tốn, không cho phép họ dễ dàng hiểu tiếng Pháp được (83). Nhưng tại sao cấm học tiếng Pháp ? Nếu họ học thì họ có thể rời chủng viện để đi làm công chức tư chức cho chính quyền Pháp, và nâng cao cấp học để làm gì? Để làm cho họ kiêu căng tự đại ư ? Những lý lẽ này tỏ ra sự làm hạ giá bản chất người Việt và quan niệm sai lầm về ơn kêu gọi (84). Sau đây, chúng ta sẽ nói tới một sai lầm khác về ơn kêu gọi ngày này. May sao, khi Xuân Bích tới Việt Nam, sự cấm đoán này không còn, nhưng chúng ta phải trả giá : các chủng sinh mới bắt đầu học tiếng Pháp, họ mới chỉ có một căn bản tầm thường, nhiều người còn rất thiếu sót (các địa phận được xếp theo tinh thần ít nhiều cởi mở, có nhiều hay ít hẹp hòi). Cho nên, ban đầu chúng tôi cố gắng giúp họ học tiếng Pháp (85). Cố gắng này được thực hiện bằng nhiều cách. Trong nhiều năm, lớp Pháp văn được kể vào chương trình chính thức, hết các chủng sinh đều phải học, Vì trình độ không đồng đều, nên mỗi giáo sư dạy một lớp. Rồi vì trong các tiểu chủng viện đã có tiến triển về tiếng Pháp, nên không cần thiết duy trì như trên nữa, nhưng nếu tôi còn trí nhớ tốt, thì đã có những lớp không bắt buộc phải theo, chỉ có những ai muốn theo thì theo mà thôi. Thế nhưng, từng cá nhân, có người xin giáo sư sửa chữa bài vở cho. Không kể việc học Pháp văn được chính thức duy trì nhiều năm sau, còn có phong trào thực hành nói tiếng Pháp (86). Có lớp giảng bằng tiếng Pháp : Kinh Thánh, Thần học luân lý, Giáo luật, vẫn được dạy bằng tiếng Pháp. Cha Bề trên Paliard vẫn làm những bài huấn dụ thiêng liêng bằng tiếng Pháp (87) và cũng thường dùng tiếng Pháp để giao dịch với chủng sinh. Trừ những buổi đầu, cha Đoán cũng dùng tiếng Pháp nói với chủng sinh. Sau cùng, nỗ lực phát triển việc học tiếng Pháp được trợ lực bởi mấy tiểu chủng viện, nhất là tiểu chủng viện Hà Nội và Thánh Hóa (88). Có những thành quả lượm được ở những chủng viện đó trong những năm cuối cùng của thời hoàng kim (năm 1940 và tiếp theo). Mỗi năm chủng sinh đã có thể đi thi Tú tài Pháp phần một và đã có người thi đậu. Để giúp họ thi phần hai và cũng để nâng cao trình độ học thức, chúng tôi cho tổ chức, vào năm học 1941-42, cho học Triết bằng tiếng Pháp. Ngoài chương trình chung, còn có lớp dành riêng cho Tú tài phần hai hoặc những người đã đậu Tú tài nhưng vẫn còn học năm thứ hai Triết.
Song song với việc học tiếng Pháp trong suốt thời hoàng kim, còn có lớp khoa học dưới sự điều khiển của cha Đoán, trong sáu hay bảy năm, rồi cha Lịch, mỗi tuần ba giờ. Đây cũng là một tiến triển không nhỏ về trí thức thích hợp với tình hình học vấn của thời đại.
Còn về những môn học chính thức của chủng viện thì sao ? Nếu đứng về phương diện rất tương đối, so sánh với những chủng viện hiện có ở Việt Nam, thì phải nói rằng chủng viện có một vị trí tốt. Có một điểm tốt sánh với một chủng viện ở Pháp, đó là trong thời hoàng kim này, mỗi người dạy môn chuyên môn của mình. Giáo sư tín lý, triết lý, giáo luật, kinh thánh, khoa học, thảy đã được chuẩn bị trong ngành chuyên biệt của mình. Chỉ có lịch sử giáo hội thì chuyền tay nhau mà thôi, từ giáo sư luân lý tới triết lý, và từ triết lý qua khoa học. Về chương trình, nếu so với những chủng viện khác ở Việt Nam lúc này, thì phải nói rằng chương trình của chúng ta đầy đủ hơn, nhất là về kinh thánh, môn này được giảng dạy rộng lớn hơn và sâu sắc hơn. Về việc làm riêng của các chủng sinh, chúng tôi đã tổ chức các kỳ sát hạch có suy nghĩ hơn, sáng tạo hơn, điều không có trong những chủng viện khác. Trong các chủng viện khác, cuộc sát hạch được thực hiện bằng những câu hỏi và lời đáp như tự động, máy móc, còn chúng tôi bắt thí sinh phải tập trung tư tưởng, suy nghĩ về một khía cạnh của vấn đề. Với những trò khá về tiếng Pháp, cho tổ chức một loại thuyết trình, hoặc bàn luận về một đề tài trong chương trình học. Nhưng phải thú nhận rằng khó tiếp tục được công việc này, bởi vì vào thời này, rất ít trò có thể diễn tả được bằng tiếng Pháp hết những khía cạnh tinh vi của tư tưởng, còn nếu làm bằng tiếng Việt thì gây lúng túng cho một số giáo sư vì ít hiểu biết về tiếng Việt hoặc còn đang cố gắng học hỏi. Đó là giới hạn thứ nhất của vấn đề thăng tiến kiến thức trí tuệ. Còn có những giới hạn khác. Thí dụ thư viện nghèo nàn về sách vở. Khi chúng tôi bắt đầu mở lớp học năm 1933, có hai thư viện, một cho trò và một cho thày. Về chính yếu, chúng tôi chỉ có một số sách do Hội tặng (về kinh tài thì thật đáng quí), một số sách do các chủng viện khác cho, một số khác khá thích thú, như bộ Giáo Phụ học, Giáo luật hay những tác phẩm về miền Đông Nam Á châu. Chỉ có vậy. Nhưng rồi chúng tôi cũng mua được mấy sách mới hơn trước chiến tranh 1940. Những sách này giúp ích cho cả thày lẫn trò, nhưng đa số các sách thày tra cứu hay trò mượn về đọc, thì đều lấy ở những sách thư viện riêng của thày. Một giới hạn khác, thày không có giờ để tự học thêm, trau dồi thêm. Trung bình số trò là từ 100 tới 140, nhưng số thày chỉ chạy quanh con số 6. Có nhiều việc mà ít giờ để đọc và tra cứu. Đa số chúng tôi, giáo sư trẻ tuổi, phải dọn bài, rồi học tiếng Việt cũng mất khá thời giờ, chúng tôi chỉ có 5 linh hướng chia nhau 140 trò. Tôi cũng chưa nói tới thời kỳ tái nhập ngũ của chúng tôi kéo dài trong gần 18 tháng. Chúng tôi đã phải cố gắng hết sức để thăng tiến trí thức cho học trò của chúng tôi mà thực ra chưa thực hiện được những nguyện vọng.
b. Một mục tiêu khác : “Theo yêu sách của bác ái tình thương, hạ bớt những căng thẳng trong một xã hội có tôn ti đẳng cấp khắt khe và từ đó gây dễ dàng những trao đổi giữa các thành phần”.
Trong toàn thể xã hội Việt Nam thời này, sự giáo huấn nhằm dạy mọi người và mỗi người phải kính trọng người cao niên và kẻ có chức vị trong bậc thang xã hội (89). Lời nói, cử chỉ hay thái độ phải được làm chiếu theo cấp bậc mỗi hạng người cách biệt nhau trong xã hội, thí dụ giữa ông huyện và ông xã thuộc quyền ông huyện ; hay trong gia đình, những liên hệ bề trên bề dưới (cha-con, bác-cháu .v.v.) đã được qui định nghiêm chỉnh và tỉ mỉ, rất khác với những liên hệ giữa những thành viên trong gia đình cùng hàng phẩm trật trong gia thất. Cũng một niềm kính trọng trong giáo đoàn Việt Nam, nhất là vào thời kỳ chúng tôi nói ở đây. Tôi còn thấy trước mắt những giáo dân đứng trước cha sở của mình, khoanh tay, không dám nhìn thẳng vào mắt cha sở, vì như thế là vô lễ. Họ thưa trình tay để ngang miệng, không dám lên tiếng và không dám ngắt lời cha sở. Những tập tục này không có gì là mới. Đó là truyền thống thừa hưởng qua nhiều thế hệ từ ảnh hưởng người Tàu. Các thừa sai tới Việt Nam, trước những tập tục đã thấm nhuần sâu xa vào tâm khảm con người, thì chỉ phải chấp nhận thôi. Thừa sai có nên tự mình thích nghi với tập quán địa phương? Phải, nhưng đồng thời cũng phải chiếu theo ánh sáng Phúc âm mà tự đặt cho mình câu hỏi: Có cái gì phải thay đổi trong tập quán để cho phù hợp với những đòi hỏi của Phúc âm ? Phúc âm đưa tới hiệp thông (Ga 17,23) (90), một hiệp thông sâu sắc hết sức có thể, được duy trì bằng đối thoại, bằng trao đổi. Nhưng những qui luật quá khắt khe, quá đòi hỏi, để ấn định những phân biệt trong phẩm trật xã hội, có thể không làm dễ dàng cuộc đối thoại, nhất là trong phạm vi thiêng liêng cao cả. Kinh nghiệm đã cho thấy giả thuyết này là đúng : một giáo dân thưa với linh mục trong thái độ cổ truyền, họ thấy ngượng nghịu ít cởi mở để minh bạch nói hết tâm trạng mình, cho dầu linh mục để cho họ tự do thổ lộ tâm tình mà không cắt đứt lời họ. Nhưng nếu linh mục trực tiếp hay gián tiếp cho họ biết ý nghĩ của mình, không áp đặt, thì giáo dân sẽ như bị ngăn chặn, không dám nói ngược lại lời linh mục. Hay cụ thể hơn nữa, có trò đến gặp thày để nói về mình, về những khó khăn của mình, xin chỉ giáo, thì thày có nên để trò đứng, theo đúng tập quán như thường xảy ra ở những nơi khác ? Trong những gặp gỡ của chúng tôi với các chủng sinh, chúng tôi đã chọn con đường khác với những lề lối truyền thống. Trước hết có mấy tập tục triệt để phải trừ khử : khi trò đến gặp chúng tôi, chúng tôi không để họ đứng khoanh tay, chúng tôi mời họ ngồi ; trò ngồi và lúc này tay không còn khoanh, nhưng để rất thoải mái tự nhiên. Tích cực, chúng tôi để hết ý tứ và thiện cảm để nghe họ, chúng tôi để cho họ hết thời giờ biểu lộ, không hối thúc, không chen lấn, mặc dầu theo cổ truyền, thì bề dưới phải mau mau trình bày, để rồi nghe bề trên vắn tắt chỉ dạy, để rồi bái chào và đi ra. Nói chung, chúng tôi tạo bầu khí thân thương, gần gũi, cho mỗi trò tỏ thiện cảm và tín nhiệm, dễ dàng cho việc trao đổi, đối thoại. Tóm lại, những lễ phép cổ truyền thường quá đáng làm tăng sự cách biệt. Chúng tôi cố gắng dành cho mỗi trò sự chú ý và kính trọng theo đòi hỏi của Phúc Âm.
Ý hướng tổng quát trong giáo dục này, không kể hậu quả trực tiếp làm phát sinh tin tưởng khá lớn nơi trò, còn gây nên mấy sự việc kể ra sau đây. Trước hết là những liên hệ giữa các chủng sinh với nhau. Theo cổ tục, giữa các trò cũng có ngôi thứ cấp bậc, được diễn tả bằng những từ ngữ riêng biệt, dùng cho mỗi cấp bậc, thí dụ “ban triết” nói với “ban thần” thì phải dùng một từ rất khiêm tốn là “con”. Nhưng các thầy thần học muốn thoát ra ngoài vòng cổ tục mà dùng những lời đơn sơ hơn, huynh đệ hơn, và cho biết không nên tiếp tục dùng những từ chỉ cấp bậc, mà dùng một chữ có ý nghĩa chung chung hơn, giữa người đồng vai đồng vế với nhau hơn (91). Phần chúng tôi, chúng tôi không cho chỉ thị, nhưng chính họ, họ đã nắm vững guồng máy. Nhưng cũng có những hậu quả mục vụ, một vài xảy ra tức khắc tại chỗ. Thái độ tôn trọng của chúng tôi thực ra không phải của riêng chúng tôi. Nó là thành phần của một trào lưu trong đó có một số các tu sĩ mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam, trong đó có các cha Đaminh tỉnh dòng Lyon và các cha Dòng Chúa Cứu Thế Canada (92). Trong giới sinh viên, giáo sư trẻ v.v… thì đã biết, và thanh niên, ham muốn được biểu diễn và được trọng nể, họ sung sướng được làm quen với lớp linh mục Âu mới này. Trong số những người chúng tôi quen biết, có các học sinh trường Trung học Bảo Hộ, trường Trung học Albert Sarrault (93), các cử nhân, bác sĩ, dược sĩ trẻ tới thăm chủng viện (94). Có các kitô hữu nhưng cũng có người không kitô hữu, tất cả đều sung sướng đến nói chuyện với các linh mục, các ngài xử với họ bình đẳng bình quyền. Có một người bây giờ đang ở Pháp mà tôi thường gặp (95), đã có lần cho biết ông cảm thấy nhẹ mình với các đồng nghiệp khi tới gặp các linh mục và tu sĩ rất tôn trọng người đối thoại với mình tuy họ còn trẻ. Ông nói : “Chúng tôi được hít đầy phổi luồng không khí tự do.” Hậu quả mục vụ không xảy ra tức khắc, chậm hơn trong các sự việc, tôi muốn nói, chuẩn bị cho các chủng sinh sau này, khi họ làm linh mục, họ có tâm tình tôn trọng con người, thân thương và để ý tới mọi người. Việc giáo huấn này liệu có đem tới hết các hậu quả mong muốn không ? Chủng sinh của chúng tôi, một khi thành linh mục, liệu có chống lại áp lực xã hội của các tập tục, nơi những linh mục có tuổi, các ngài phê phán những thái độ quá mới của các linh mục trẻ không ? Làm thế nào để trả lời những câu hỏi này một cách chính xác? Có nên đặt những câu hỏi này không ? Chúng tôi và nhiều người khác, cũng đã thử sống hay vận động sống lý tưởng hiệp thông và thân thương huynh đệ này. Và với hy vọng rằng sẽ không vô ích, chúng tôi không cần kê khai danh sách thống kê hay phát phần thưởng danh dự.
c. “Tập sử dụng tự do”
Tự do, tôi muốn nói tự do để chọn con đường tiến tới chức linh mục. Không tự do, tức là tiếp tục chuẩn bị chịu chức dưới ảnh hưởng của nhiều áp lực tâm lý, khi trong thâm tâm không muốn làm linh mục. Vào thời Xuân Bích tới Việt nam, các chủng sinh thường không có tự do này. Nơi giáo sĩ và giáo dân, người ta có một quan niệm rất mực sai lầm về ơn kêu gọi. Trước khi quảng diễn trình bày, còn phải đề cập tới môi trường rất đặc biệt, nơi phát sinh hết các ơn kêu gọi, đó là Nhà Đức Chúa Trời. Thực ra, Nhà Đức Chúa Trời không dành nhiều chỗ cho sáng kiến, cho hồn nhiên : tất cả như đều được tính toán hết rồi, trong liên hệ giữa các phần tử khác nhau. Những ai sống phù hợp với các qui luật này thì có thể dễ dàng và hầu như tự động tiến lên bậc cao hơn trong Nhà Chúa ; sau thời thử nơi cha sở, cậu bé vào tiểu chủng viện, bỏ lớp này lên lớp khác, rồi đi thực tập hay đi thử , rồi vào ban Triết hai năm, sau đó, lại đi thực tập hay đi thử một năm nữa (như trên), rồi về học Thần học, tất cả dưới con mắt săn sóc canh chừng của người cha nuôi đỡ đầu. Bây giờ nếu chứng minh rằng đó là một quan niệm sai lầm về ơn kêu gọi, thì sai lầm ở chỗ nào, chế độ Nhà Chúa có hỗ trợ cho quan niệm sai lầm này không?
Một cậu bé được cha sở chọn làm thành phần của bọn trẻ được vào tiểu chủng viện (97). Thế là theo quan niệm người thời này, cậu đã có tích chứng có ơn kêu gọi, nhưng chỉ là tích chứng thôi, không có gì là chắc chắn. Rồi cậu vào tiểu chủng viện (98), học ba hay bốn năm, về trình độ trí thức thì vào bậc trung bình, về đức hạnh thì là cậu bé ngoan ngoãn không có vấn đề. Lần này, chắc là cậu có ơn gọi, được Chúa chọn giữa những trẻ khác, thì Chúa đã chọn cậu để cho cậu vào tiểu chủng viện và học ở đó. Nếu bây giờ cậu bỏ tiểu chủng viện thì cậu có ý gian, cậu không nghe theo tiếng Chúa gọi. Nếu cậu tự ý bỏ chủng viện, thì ít nhất cậu kém lòng quảng đại và có thể có cái gì khác nữa. Nếu cậu bị loại trừ, thì bấy giờ không còn nghi ngờ gì nữa, cậu có lỗi phạm tỏ tường. Tóm lại, bỏ chủng viện, là một tội. Điều này đúng với tiểu chủng viện, vì đã học ở đây một thời gian, còn đúng hơn nữa khi bỏ đại chủng viện. Quan niệm này khá phổ biến nơi giáo dân, một tiểu chủng sinh, nhất là một đại chủng sinh bỏ nhà trường thì tức khắc bị lên án nghiêm khắc, đương sự bỏ Nhà Chúa, Nhà Đức Chúa Trời ; phải có tội thì mới xảy ra như vậy (99). Cho nên một đại chủng sinh phải có can đảm lớn để vượt qua áp lực của làng xóm, của xứ họ, nơi họ gắn bó và sinh sống từ nhỏ. Nếu nghĩ tới gia đình, thì can đảm này là gì? Dĩ nhiên, gia đình trông mong cho người con của gia đình được thăng quan tiến chức (100), nghĩa là làm linh mục, họ đã vui mừng trước ngày giờ, họ chuẩn bị cho ngày trọng đại này. Mà quả thật là ngày lớn, ngày trọng đại, về kinh tài, không kể những chi phí khác, có những chi phí về một hay nhiều bữa ăn thịnh soạn, có mời khá nhiều khách (101); trọng đại nữa và nhất là khi con mình chịu chức linh mục có tiệc linh đình thì cha mẹ được kể vào hàng những bậc vị vọng đáng được trọng kính nể nang với cách gọi riêng khi thưa chuyện với các ngài. Thật là cay đắng biết bao khi cha mẹ thấy con mình bỏ chủng viện. Sau cùng còn có cha đỡ đầu hay cha nuôi : đối với linh mục này, thật là một danh dự lớn khi có một người “con” làm linh mục, ngài được ngồi ở hàng nhất, hàng danh dự trong những lễ long trọng do tân linh mục dâng thánh lễ cho cha cố (102), và ngài được gọi tên danh dự là “cha cố” để tỏ tình phụ tử tinh thần này. Cho nên thất bại bao giờ cũng là một đau đớn, nhất là thất bại do chính đương sự, người con gây nên. Thường thì người con không trở về thăm cha thăm mẹ, bởi vì hầu chắc người cha người mẹ không còn muốn gặp lại con. Do đó có một áp lực cực kỳ mạnh mẽ, có ý thức hay bán ý thức đối với chủng sinh ; có người tự đáy lòng mình, không muốn làm linh mục và dễ dàng theo một con đường khác, có người khác rất có ý thức là không đủ khả năng làm linh mục. Thế nhưng làm thế nào để đối phó với dư luận của làng xóm, thất vọng của gia đình và bất mãn của cha đỡ đầu ? Khi chúng tôi bắt đầu mở chủng viện, dư luận hay tâm thức này vẫn còn khá sinh động. Dĩ nhiên với năm tháng và dưới ảnh hưởng nhiều nguyên cớ chúng tôi sẽ nói thêm sau, tâm thức này đã giảm đi khá nhiều (103). Thế nhưng tâm thức này còn sống dai dẳng và tiếp tục phát hiện đó đây cho tới những năm sau cùng này. Vào năm 1960 một chủng sinh thú với tôi rằng đã làm linh mục để làm vui lòng mẹ (104), và một người khác không muốn làm linh mục, lưỡng lự không bỏ để không làm phiền lòng cha đỡ đầu.
Vậy chúng tôi phải làm gì để cho chủng sinh có tự do chọn tương lai của mình ? Trước hết một nỗ lực về lý thuyết, làm cho đương sự hiểu thực sự thế nào là ơn gọi, nó không thể đơn thuần là một môi trường, một hoàn cảnh, một vị trí đã được ấn định (105), nhưng hiểu là một tinh thần trưởng thành, suy nghĩ trước mặt Thiên Chúa, có ý thức về những khát vọng của mình, khả năng của mình, các ơn lãnh nhận được, rồi rất tự do theo con đường chuẩn bị tới chức linh mục. Đọc sách tu đức, sách thiêng liêng, bài giảng tuần tĩnh tâm, đàm thoại với đương sự, tất cả đều qui hướng về việc đó. Đó là cho các chủng sinh. Còn cho giáo dân và linh mục, chúng tôi đã cộng tác với nhiều linh mục triều và dòng để phổ biến một tư tưởng đích thực về ơn gọi : bài báo, diễn văn, thuyết trình, tất cả đã nhằm vào việc làm sáng tỏ vấn đề. Rồi cùng với chiến dịch cho hiểu biết hơn về ơn gọi, chúng tôi tìm cách kích động chủng sinh vừa có ý thức về những áp lực xã hội có thể ảnh hưởng tới họ, vừa có sức lực để chống đối. Thật là một công trình không đơn giản, phức tạp, thay đổi tùy theo từng người, từng đương sự và có những hậu quả không ngờ, việc phải kéo dài nhiều năm sau thời hoàng kim. Vậy có những kết quả đáng giá nào ngay trong những năm đầu này không ? Có, nhờ những thiên kiến sẵn có, và lôi cuốn những người ít can đảm hơn. Tôi nghĩ tới một người, sau làm linh mục và đã đóng vai trò trọng yếu trong địa phận. Học trò xuất sắc, dễ thương đối với chúng bạn, đã chịu chức nhỏ sau năm thứ hai thần học, rồi trước sự bỡ ngỡ của mọi người, xin đi thử, nhưng không trong khuôn khổ Nhà Chúa, mà đi thử làm một nghề (106). Với tâm lý người đồng thời, trong giới giáo dân và giáo sĩ, chỉ có một dư luận: với lý do đi thử, để gác bỏ ơn gọi. Hai năm sau, đương sự trở về chủng viện và học tới khi chịu chức linh mục. Thí dụ này và những thí dụ khác đã giúp giải độc vấn đề chọn một ơn gọi. Năm 1967 hay 68, có một chủng sinh tôi biết, đã đưa tin cho bố mẹ đẻ là sẽ bỏ chủng viện : luôn trong hai tháng, ông bố nhất định không tiếp nhận con.
d. “Thử thực tế suy nghĩ về tinh thần mục vụ”.
Đã xảy ra những gì trong những năm đầu sau 1930 trong phạm vi mục vụ ở những địa phận đã gửi chủng sinh vào học chủng viện chúng tôi, đặc biệt trong địa phận Hà Nội? Có thể nói rằng vào thời kỳ này, tinh thần mục vụ nhằm hai mục tiêu chính : duy trì và củng cố lòng đạo đức sốt sắng trong các xứ đạo, xúc tiến công việc trở lại (107). Phải hiểu thế nào là giáo xứ đạo đức sốt sắng ? Trước hết trong các giáo xứ có nhiều việc đạo đức (108). Lễ hằng ngày tập hợp rất nhiều giáo dân, lễ cử hành rất sớm, vì luôn luôn được cử hành trước giờ lao động (trong vùng Thượng du Bắc kỳ, cư dân trong giáo xứ phải đi thu lượm một thứ sơn mài trước khi mặt trời mọc, thế là thánh lễ được cử hành trong đêm tối dày đặc. Sau thánh lễ, linh mục và các thày giảng còn có thời giờ ngủ gỡ). Sau cơm tối, khoảng 6 hay 7 giờ còn có hội họp ở nhà thờ : đọc kinh chiều hay kinh tối (khá lâu) và còn nghe một đoạn sách do thầy giảng đọc (109). Xưng tội và rước lễ thì thường xuyên (110). Các linh mục ngồi tòa nhiều giờ liên tục, rất nhiều giáo dân rước lễ hằng ngày. Nhưng chưa phải là lý tưởng : tại sao trong những xứ tốt lành này, các vị quan viên trùm trưởng lại rất ít rước lễ ? Có gì khó khăn hay cản trở ? Cờ bạc chăng? Thuốc xái chăng ? Tội phạm công bằng trong việc quản lý tài sản của giáo xứ chăng ? Có những thời gian trọng yếu trong năm, trong đó có sự chăm chỉ làm nhiều việc đạo đức hơn : mùa Chay thánh hai lần mỗi tuần, cử hành những việc á phụng vụ, gồm có kinh và ngắm hay đọc sách, các tuần tĩnh tâm hay cấm phòng (111) có các tu sĩ dòng hay linh mục từ các nơi khác đến hướng dẫn. Họ đi thăm viếng hết các gia đình gặp khủng hoảng, khó khăn và cố gắng đưa mọi người tới dự thánh lễ. Trong tuần cấm phòng hay các vào dịp các lễ lớn, còn tổ chức rước kiệu, trong đó mỗi đoàn thể có y phục riêng, tượng Đức Mẹ hay thánh quan thày được rước trên kiệu sơn son thiếp vàng, tương tự như kiệu mà người lương dân vẫn sử dụng trong các lễ hội ở đình. Nên chú ý tới các lễ Phục sinh và các thánh, có các cuộc thi kinh bổn do các chức sắc tổ chức trước mặt các linh mục của giáo xứ. Đó là những cuộc thi tập đoàn, từng đoàn, đoàn thanh niên thiếu nữ, đoàn thanh niên nam, đoàn nhi đồng v.v… Người ta đặt câu hỏi cho nhóm, tất cả những người trong nhóm bàn bạc với nhau trong vòng mấy giây, để rồi cùng nhau xướng lên hay đọc lên những lời giải đáp. Nếu thưa sai, không đúng thì có hiệu lệnh gõ vào tang trống hay gõ hai thanh gỗ (112). Một giáo xứ sốt sắng nhiệt thành cũng là giáo xứ có sự đồng tình ăn ngay ở lành phù hợp với đòi hỏi Phúc Âm. Trong những làng sốt sắng, có nhất trí giữa cha sở và trùm trưởng trong việc tạo điều kiện cho người ta sống theo luân lý đạo Chúa, canh chừng bằng những lời khuyên răn, chỉ dẫn, đe loi, trừng phạt. Trừng phạt bằng cách nộp tiền để vào quĩ chung. Cũng có khi, nhất là trong việc trừng phạt người chơi cờ bạc, các trùm trưởng có thể dùng tới roi vọt (113).
Nỗi lo lắng chung để rao giảng Phúc Âm. Linh mục, thầy giảng, trùm trưởng, giáo dân, mọi người đều làm việc rao giảng Phúc Âm, có nghĩa là truyền giáo, vào dịp hằng ngày đi chợ, trong công việc hằng ngày, hay trong dịp giúp đỡ công việc. Đó là những dịp có thể trò chuyện lâu dài, như người dân thường thích thú về việc này, và có dịp nói về đạo (114). Các linh mục,vì hoàn cảnh riêng biệt của mình, nên thường được yêu cầu can thiệp vào những bất công do cá nhân hay đoàn thể chịu. Sự giúp đỡ này, nếu thắng thì cũng là cơ hội cho người ta tin theo đạo. Đó là ở thôn quê. Còn ở tỉnh thành, có tiến triển về văn hóa Pháp (115), thấm nhuần kitô giáo, đã thúc đẩy các sinh viên đặt vấn đề về kitô giáo. Những năm trước chiến tranh đã thấy có nhiều người trở lại. Có khi cả một thôn xã xin theo đạo (116), nghĩa là đăng ký để học giáo lý chuẩn bị chịu phép rửa do một thầy giảng chu toàn phận sự. Trong dịp này, cha xứ và trùm trưởng tổ chức lễ hội mời giáo dân, linh mục và thỉnh thoảng cả giám mục tới nữa. Cả trẻ em cũng tham dự vào việc làm cho lương dân trở lại đạo : trong những buổi hội họp cũng như trong Thánh lễ dành riêng cho chúng, trong những buổi trình bày hoạt động, có đề cập tới việc truyền giáo.
Vậy phải nhận xét thế nào về hoạt động mục vụ này? Ở đây, không nên phân biệt những gì đã làm được rất tốt, trung bình hay yếu kém trong hoạt động hay hành động, nhưng là một phê phán chung mà thôi : người ta chưa suy xét cho đủ về việc đã làm. Những hoạt động hay hành động này chỉ là những thói quen từ lâu năm lâu tháng, hay chỉ là những lời răn bảo trích ra từ những thư chung của giám mục hay từ những nội qui của địa phận. Người ta chỉ việc tuân thủ, mà không suy nghĩ về cơ bản thần học một bên và việc thích nghi với những hoàn cảnh xã hội hay tâm lý một bên khác. Nhờ vào suy nghĩ này mà người ta có thể thay đổi cách làm việc, hoàn bị phương thức, có khi bỏ hẳn và tìm những phương thức mới khác. Thế nhưng nhiều khi người ta chỉ theo những gì đã làm trước, mà không đặt lại câu hỏi. Khi bắt đầu có chủng viện Xuân Bích, thì suy tư thần học mới chỉ ở vào buổi ban đầu, nhưng đã được các dòng mới đến Việt nam khuyến khích và ủng hộ. Phần chúng tôi, chúng tôi muốn cộng tác vào công việc suy tư này. Hai năm sau khi thiết lập chủng viện, học trò thần học của chúng tôi đã bắt đầu suy nghĩ về thực hành. “Suy nghĩ”, “Thực hành”, hai cặp chữ này là rất cần thiết, nhưng nhiều khi nỗ lực chỉ là những công việc thuộc trí tuệ. Trước hết phải phiên dịch. Trong thời này, sách đạo bằng tiếng Việt đều là những sách tiếng Việt cổ, không còn thích nghi với văn chương đang trong thời kỳ tân tiến (117) được thể hiện trong văn chương Việt nam (118). Đã có những sách tốt, vững chãi, nhưng bị vướng trong nhãn giới hẹp hòi. Cho nên chúng tôi khuyến khích học trò bắt tay vào việc dịch, cũng là dịp cho họ làm quen với những từ ngữ mới được sử dụng trong ngôn từ và ý nghĩa phản ánh từ những từ ngữ đó. Thế rồi, các chủng sinh được giúp đỡ và khuyến khích, họ hăng hái tham gia vào việc suy nghĩ về “làm tông đồ truyền giáo”. Hoạt động này được phân chia làm hai : soạn một tập thông tin ấn hành mỗi năm hai hay ba lần, thuyết trình ngắn gọn trước cộng đồng kèm theo tranh luận và bàn luận. Thực ra mới chỉ là những sáng kiến khiêm tốn thôi, nhưng đã chuẩn bị cho những gì sẽ được làm trong tương lai, trong những giai đoạn sau của sinh hoạt chủng viện Xuân Bích ở Việt nam.
Nhưng đồng thời với việc suy nghĩ thuộc trí tuệ tư tưởng, kể từ năm 1935-1936, chúng tôi đã bắt đầu bắt tay vào thực hành, nhưng không xa lìa những suy tư thần học. Các chủng sinh thần học chia nhau đi dạy giáo lý và suy nghĩ về việc dạy giáo lý này ở những giáo xứ Hà Nội và vùng ngoại ô. Theo tôi, thì sáng kiến cho các chủng sinh đi dạy giáo lý này không mới lạ gì. Bởi vì theo tục lệ, khi đi thực tập ở các xứ (119), họ cũng đã dạy giáo lý. Có lẽ nhiều người cho rằng việc này không đặt thành vấn đề và không đòi hỏi nỗ lực nào mới. Thế nhưng chính lại là điều chúng tôi đòi hỏi họ : đòi ở họ một nỗ lực suy nghĩ về những phương pháp họ đã theo “ngày xưa”. Có thể làm tốt hơn chăng ? Và bằng cách nào ? Thí dụ, có nên theo phương pháp giáo dục tốt hơn xưa chăng? Và như vậy, có phải chuẩn bị đầy đủ hơn cho mình để đi vào việc dạy này tốt hơn chăng ? Để giúp các chủng sinh biết suy nghĩ, thì có các bài thuyết trình, sách vở, nhưng chúng tôi không để cho cá nhân một mình làm, một mình suy nghĩ, chúng tôi để các giáo sư phụ trách dạy giáo lý, cộng tác vào công việc và cả những chủng sinh thuộc nhóm này nữa. Thế nhưng thực ra, vẫn là một sai sót, thiếu sót, sự cộng tác này vẫn còn trong giai đoạn ước nguyện, chỉ dẫn, chứ chưa phải là một đòi hỏi quyết liệt cho phép thực hiện một cách có hiệu quả thật. Cho nên ở đây vẫn chỉ là những bước chập chững trên đoạn đường còn rất dài.
Bùi Đức Tín, Linh mục Xuân Bích (120)
La Solitude, Issy
Hồng Nhuệ dịch
——————
(29) Đó cũng là thời kỳ của những tạp chí danh tiếng như Nam Phong vào đoạn chót (1917-1934), Phong Hóa, Ngày Nay, Tri Tân (1941-1945), Thanh Nghị (1941-1944), thời kỳ Thi Nhân Việt Nam, Nhà Văn Hiện Đại… và nhiều trào lưu tư tưởng khác, không quên Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản (1930).
(30) Thị trấn Sapa danh tiếng ngày nay. Chúng tôi chưa điều tra xem hiện nay ngôi nhà này thuộc về cơ quan hành chánh nào ?
(31) Dĩ nhiên tương đối thôi.
(32) Tên vị Toàn quyền người Pháp.
(33) Route mandarine
(34) Đây là giá cả trong những năm tác giả nói tới : 1929-1930.
(35) Tác giả hẳn nói lên sự thật, nhưng cũng có thể chỉ biết bề mặt do thực dân Pháp cho thấy mà thôi chăng ?
(36) Chính chúng tôi, trong một giây phút ngẫu hứng, đã hát bài “Uất Hận”, thơ của Búa Thép (?) nhạc của Nguyễn Xuân Khoát thời danh, tác giả “Tiếng chuông nhà thờ”, nghiên cứu “Hát Ả Đào” v.v..
(37) Dĩ nhiên chưa phải quan điểm của Cách Mạng Việt Nam.
(38) Dĩ nhiên, như đã nói và nói sau này nữa, chưa phải là quan điểm của Cách Mạng Việt Nam. Nhiều nhân tài về nước, trong Giáo Hội công giáo cũng như trong hành chính thực dân, họ chưa được đặt vào vị trí xứng đáng.
(39) Coi thêm : Nguyễn Khắc Xuyên, Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, Sàigòn, 1968.
(40) Trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tờ Phong Hóa, Ngày Nay ; coi thêm: Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan.
(41) Vẫn là quan điểm của tác giả, không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Cách Mạng, như chúng tôi đã nói.
(42) Tác giả rất hiểu biết phong tục. Khi người Pháp thấy rượu được dân mua nhiều, thứ rượu do chính người dân làm ra, rất ngon, rất tốt, thì thực dân cho mở nhà máy sản xuất thứ rượu kỹ nghệ không ngon bằng rượu thủ công. Bởi vì người dân vẫn tiếp tục nấu thứ rượu thủ công danh tiếng, nên chính quyền thực dân phái người đi kiểm tra và lùng bắt rượu danh tiếng, gọi là rượu lậu, rượu làm trái phép nhà nước thực dân, nhưng cho dân, vì dân, của dân…
(43) Rất tiếc là chúng tôi không biết tên chủng sinh này, có thể anh thuộc giáo phận Vinh ?
(44) Vấn đề khá quan trọng, chúng tôi không đề cập tới ở đây. Người công giáo tham gia cách mạng thế nào, khi nào ?
(45) Nói chung, dầu sao chính sách thực dân vẫn nêu cao việc bảo vệ kitô giáo sau những cuộc bắt đạo, còn về cách mạng, thì thường bị tuyên truyền – có thật – là vô thần, không tôn giáo, chống tôn giáo như ở Nga vào những năm sau 1917. Chưa kể sau này việc Mao Trạch Đông thành công ở Trung quốc và chính sách bài trừ tôn giáo thực hiện ở đây.
(46) Dẫu sao tác giả chỉ đưa ra quan điểm sai lạc của thực dân mà thôi !
(47) Ở đây cũng chỉ là những tâm tưởng che đậy mưu đồ của thực dân mà thôi !
(48) Nhân tiện, chúng tôi cũng nói qua tới Bản án chế độ thực dân, trong đó có nhiều điều chưa chính xác về các tài sản Giáo Hội Công Giáo. Một việc tra xét lại cần được làm, để sáng tỏ vấn đề hơn.
(49) Génibrel, Tự vị Việt Pháp, Sài gòn, 1898 ; Cadière với nhiều thiên khảo cứu về nhiều vấn đề có giá trị đăng tải trong tạp chí Những Người Bạn Cố Đô Huế, (BAVH), ấy mới là đại khái về nhà học giả thời danh này; Hue, Tự vị Việt Trung Pháp, Hà nội, 1937 ; Gouin, Tự vị Việt Trung Pháp I, đồ sộ, Sài gòn, 1956.
(50) Có thể nói, đây là những lý luận trá hình của thực dân.
(51) Có ý đề cập tới trí thức theo Pháp và đồng tình với chế độ, khác hẳn với những nhà cách mạng.
(52) Đó là quan điểm che đậy, chứ thực ra, trong gần một trăm năm, người Pháp chưa làm được công việc giáo huấn làm cho dân Việt Nam được tự do độc lập… Họ khai hoang để trục lợi, phần lớn là về phía họ, phần nhỏ về dân bản xứ, chứ không phải để đưa dân lên tự do độc lập, tự mình cầm vận mệnh của mình. Ở đây cũng như nhiều chỗ khác, tác giả chỉ đưa ra tâm tư của người khác mà không phê phán.
(53) Trước biến cố 19.8.1945, còn có biến cố Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp.
(54) Đã xảy ra vào năm 1944-1946 (?) mấy vụ ám sát chưa được tra cứu tường tận : một thừa sai bị giết ở Hà Nội, tại trụ sở các thừa sai phố Nhà Chung, một ở Nam Định (Cố Cao, Vacquier), hai thuộc dòng Salésien bị thủ tiêu ở Kẻ Sở.
(55) Cũng chỉ là chủ quan, bởi vì năm 1930 đã thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam để tranh đấu cho độc lập đất nước.
(56) Cha Paliard đã soạn một tập Hồi ký Hành Trình từ Pháp tới Hà Nội, 1929, bản viết tay hiện còn được lưu trữ ở Văn khố Hội, 6 rue du Regard, 75006 – Paris.
(57) Chúng tôi chưa biết là xứ nào, có thể là giáo xứ Kẻ Bạc, cách thành phố Hà Nội về phía Bắc chừng 10 cây số.
(58) Tòa Giám Mục ở 40 phố Nhà Chung, Hà Nội ; còn trường trung học cơ sở Pháp, Ecole Puginier, do các sư huynh điều khiển thì ở phố Carreau, nay là trường trung học Lý Thường Kiệt, ở phố cùng tên.
(59) Chúng tôi viết địa phận cho gọn, vì thực ra là tòa đại diện tông tòa, vì lúc đó chưa thành lập tòa giám mục.
(60) Ngày nay là Hà Tây. Tỉnh trưởng lúc đó là người Pháp.
(61) Nguyên văn nói trống là “haut dignitaire de la cour impériale”.
(62) Chúng tôi biết chắc chắn điều này : cha Gastine học tiếng ở Kẻ Bạc, còn cha Bùi thì chúng tôi không được biết học ở đâu.
(63) Biến cố nói đây là đại chiến Pháp-Đức hay Đức-Âu Châu.
(64) Cũng có thuyết cho rằng lúc đó có thể chuyển thóc gạo ra Bắc để cứu đói, thế nhưng Pháp không làm, chủ ý cho nhân dân Việt Nam kiệt quệ và chết đói hơn là nổi dậy làm cách mạng.
(65) Chúng tôi viết “bồi bõ”, nhưng thực ra là “bõ”, nghĩa là những giáo dân đã lớn tuổi tự hiến làm việc phục dịch trong phạm vi nhà cha xứ. Thường cũng là những người tàn tật nhẹ, nhưng còn khỏe mạnh có thể lao động được.
(66) Đây là trên nguyên tắc và giấy tờ. Thực ra, của cải riêng không có nhiều, thế nhưng ít mà hóa ra nhiều về tinh thần từ bỏ, thí dụ bà góa trong Phúc âm dâng cúng có hai đồng tiền. Thực ra, nguồn lợi chính yếu thời đó là hoa lợi ruộng vườn nhà xứ, thuộc nhà xứ để cho nhà xứ sử dụng, nuôi tất cả Nhà Đức Chúa Trời, tiếp sau là bổng lễ. Cha sở hay cha xứ phải nuôi dưỡng tất cả cộng đồng này.
(67) Tinh thần tương thân tương ái và sống chung là cốt yếu, nhưng cũng vì hoàn cảnh cha mẹ nghèo khó, không thể cho theo học được, nên có tổ chức này giúp rất đắc lực. Riêng kinh nghiệm của chúng tôi là thế này : khi vào Trường Thử (Probatorium), chúng tôi có 36, tới tiểu chủng viện còn 18, và qua đại chủng viện còn 9 thành 9 linh mục. Coi thêm luận án tiến sĩ của Nguyễn Viết Cử, Tổ chức Nhà Đức Chúa Trời trong các xứ truyền giáo Đàng Ngoài, Roma, Đại Học Grêgoriana, 1954.
(68) Chúng tôi có kinh nghiệm và được biết, ở các xứ lạnh như Âu Châu không ai nghỉ trưa. Họ làm việc liên tục mà không tỏ ra mệt mỏi như ở các miền nhiệt đới.
(69) Theo kinh nghiệm riêng chúng tôi, thì vào những năm 1935-1939, ở Trường Thử, còn có hình phạt roi vọt mà chính chúng tôi, ít ra một lần, cũng đã được lãnh đủ. Còn ở tiểu chủng viện thì không còn nữa.
(70) Vào thời gian này, các đại chủng viện thường được điều khiển do các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Nước Ngoài MEP, ít ra về giám đốc và một số giáo sư chính yếu. Trong địa phận Hà Nội, về sau này mới có mấy cha du học Rôma về tham gia, thí dụ cha Phạm bá Trực, sau này là Đại biểu Quốc hội, mất năm 1954. Cũng nên nhắc ở đây, cha đã xin phép đức cha Thịnh để tham gia hoạt động chính trị.
(71) Không biết ở các địa phận khác thế nào, chứ vào thời chúng tôi, đã rộng rãi hơn nhiều rồi.
(72) Ngoặc đơn của chúng tôi.
(73) Suy rộng này là của chúng tôi : tam cương (vua-tôi, cha-con, chồng-vợ) ; ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).
(74) Chúng tôi hiểu ý tác giả thế này : tâm lý người thành thị khác tâm lý người nông thôn. Và đa số các chủng sinh nếu không phải là tất cả, đều xuất phát từ nông thôn, cho nên tâm lý nông thôn cũng khác tâm lý thành thị. Người thành thị tế nhị hơn, kín đáo hơn. Người nông thôn bốp chát, thiếu tế nhị và dè dặt.
(75) Là nhà truyền giáo, thế nhưng họ là người Pháp, cho nên rất hiếm và hầu như không có người nào biết thoát ra khỏi tâm tư người Pháp, người Pháp thực dân, để có thể có những tâm tư người cách mạng, lên án chế độ thực dân, hoặc như trào lưu thần học giải phóng ở Nam Mỹ hiện nay.
(76) Nguyên văn là “không yêu” – tác giả dùng từ “aimer”, yêu, mến.
(77) Chúng tôi đã nhắc tới nhóm Tự lực văn đoàn, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Châu, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, rồi còn có Nhóm Tri Tân, Nhóm Thanh Nghị. Chắc chắn là nơi thâm tâm đa số những nhân vật danh tiếng này, cũng như nơi mục tiêu các tạp chí nói trên đây, đều có mầm mống cách mạng, hoặc trong Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Quốc Dân Đảng, nhất là Việt Nam Quốc Dân Đồng Minh Hội hay Việt Minh. Coi : Hồng Nhuệ, Mục lục phân tích Tạp chí Tri Tân, Hà Nội, 1998, tr.6 « Thời Tiền Cách Mạng ».
(78) Chúng tôi không được biết những bài viết chống các tác giả cổ điển Trung hoa này. Dĩ nhiên, ít ra, trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay và Tự lực văn đoàn, đã có cách mạng văn hóa, đúng hơn cải cách phong tục, điển hình trong các tác phẩm của Khái Hưng và Nhất Linh như Gia đình, Đoạn Tuyệt, Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Thoát ly v.v..
(79) Thực ra cho tới nay, chúng ta chỉ có các thừa sai Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP) và các cha Đaminh người Pháp được đánh giá là thuộc giới trí thức. Có truyền thuyết phân biệt các thừa sai rậm râu và không râu nữa !
(80) Thực ra ban đầu, nhà chức trách Pháp cần có một số người biết tiếng Pháp để làm trung gian cho ngành cai trị thực dân Pháp. Thế rồi, ngoài cái mục tiêu thực dụng, nhiều người Việt vượt qua nhãn giới này để tìm hiểu và thâu thái văn hóa văn học Pháp, để có thể làm giầu cho văn hóa văn học Việt Nam.
(81) Phần chúng tôi, chúng tôi không được biết sự cấm đoán này. Là vì địa phận Hà Nội có trung tâm văn hóa văn học Pháp là thủ đô Hà Nội. Ngay từ Trường Thử, chủng sinh tí hon đã được và phải theo chương trình Pháp Việt mà bằng cấp mãn khóa không phải là Sơ Học Yếu Lược, nhưng là Sơ Học Pháp Việt. Trường Puginier ở Hà Nội đảm nhận công việc này. Thế nhưng thực ra, trong những năm học ở Tiểu chủng viện lúc đó đã có chương trình Tú Tài Pháp, với ngoại ngữ, sinh ngữ tiếng Anh hay tử ngữ tiếng Latinh. Cho nên thỉnh thoảng giáo sư la ngữ cũng nhắc nhở : có anh lười học La ngữ và chăm chỉ học Pháp ngữ để rồi bỏ tu đi làm kiếm tiền. Thực ra, đã có nhiều người danh tiếng học trường đạo hay chủng viện, rồi sau xuất ra giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội. Chúng tôi có trong đầu óc một số tên không tiện nói ra đây. Thế nhưng, một thiên nghiên cứu về vấn đề cũng sẽ rất bổ ích.
(82) Vẫn theo sự hiểu biết nhỏ mọn của chúng tôi. Chúng tôi thấy vào thời này, ngoài địa phận Hà Nội cho học tiếng Pháp và cho chuẩn bị thi tú tài Pháp như đã nói, thì có địa phận Thanh Hóa cũng rất tiến trong việc học tiếng Pháp và thi Tú Tài Tây.
(83) Thực ra, có giáo sư người Pháp ban đầu đã phải dạy bằng tiếng Pháp, trong những năm thuộc thế hệ chúng tôi, 1948-1954. Còn vào năm 1930-1945 này thì không dễ dạy bằng tiếng Việt, tuy nhiên theo như chúng tôi biết được, có người đã dạy bằng tiếng Việt, điển hình là cha Gastine, dạy triết bằng tiếng Việt.
(84) Ơn kêu gọi, dịch theo người xưa “vocation”, mỗi người đều được “gọi” làm một phận sự, một chức vị, đặc biệt về chức linh mục, được gọi cách riêng, vì thế có người còn dùng “thiên triệu”, Chúa gọi, Trời gọi, như thế ở các cấp bậc khác không phải « Chúa gọi » mà do số mệnh ???
(85) Thực ra, ngày nay, vào đầu thiên niên thứ ba, chúng ta mới thấy cần đặt vấn đề khác xưa. Vấn đề học được một ngoại ngữ là thiết yếu để mở ra thế giới ngày nay : tiếng Pháp trong thời Pháp thuộc, tiếng Anh trong thời kỳ Mỹ Diệm, tiếng Nga trong thời Xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, có nên cho người bản xứ đi học để rồi về dạy, việc mà địa phận Hà Nội đã làm khá sớm, nhưng khi áp dụng thì lại trượt. Có phải vấn đề chính trị đã có ảnh hưởng tới công việc này hay không ? Nói chung, phải đợi cho tới những biến cố lớn 1954, 1975, Giáo Hội Công giáo Việt Nam mới được liệt vào phẩm trật chung của Giáo Hội toàn thể thế giới.
(86) Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì ở Dòng Chúa Cứu Thế do các giáo sĩ người Canada nói tiếng Pháp điều khiển, chủng sinh nói tiếng Pháp với các cha và giữa anh em với nhau. Cho nên, về mặt này họ thông thạo tiếng Pháp và nói tiếng Pháp lưu loát hơn.
(87) Vào thế hệ chúng tôi, những năm 1950-1954, hầu hết các bài đều được giảng bằng tiếng Việt, bài huấn dụ thiêng liêng hàng ngày cha Bề trên Tín cũng giảng bằng tiếng Việt rất thích thú.
(88) Hai tiểu chủng viện này đã có chương trình đi thi lấy bằng Tú tài Pháp, vào những năm 1944-1954.
(89) Thực ra, người ngoại quốc, thí dụ như người Pháp, vì quen với phong tục dân chủ và bình đẳng ở nước mình, khi tới Việt Nam thời đó, họ nhận xét khá tinh vi và rất thực về những « thuần phong mỹ tục » có thể nói là « lạc hậu », « cổ hũ » của chúng ta. Đó là vào những năm xa xôi nhưng còn gần, 1930-1945. Với thời gian và sự tiếp xúc với Âu châu và xã hội tân tiến, đã có thay da đổi thịt.
(90) « Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con ».
(91) Khi thiết lập chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội, thì ở Kẻ Sở vẫn tiếp tục có mấy lớp cuối cùng của chủng viện cũ. Cho nên, Xuân Bích thuộc “chế độ mới”, còn Kẻ Sở là “chế độ cũ” với những tập tục và lề thói thời xưa hơn. Việc thay da đổi thịt ở Xuân Bích cũng được ghi nhận và chấp nhận, hợp với thời thế: thời đại mới, thể chế mới.
(92) Chúng tôi cũng lưu ý độc giả là các dòng này đều là người Pháp hay người Canada nói tiếng Pháp. Trong một buổi họp đại hội nghị của Xuân Bích 1929 đã có ý kiến đưa một vài người Mỹ Xuân Bích hay Xuân Bích Mỹ, thế nhưng khá bất tiện, cũng như đưa Xuân Bích Gia nã đại, tuy ít bất tiện hơn.
(93) Trường được gọi bình dân là trường Bưởi vì nằm trong địa hạt làng Bưởi cạnh Hồ Tây. Trường đã sản xuất nhiều danh nhân như Nguyễn Tuân, nhà văn danh tiếng và nhiều người nữa chúng tôi không nhớ hết. Trường Albert Sarrault là trường Trung học Pháp ở Hà Nội, nếu tôi không lầm thì nay là cơ sở bộ Ngoại giao Việt nam. Trường này cũng đào tạo được nhiều người có tên tuổi, tỉ như luật gia danh tiếng Nguyễn Mạnh Tường.
(94) Đây có thể là một sự mới lạ, một tân tiến. Nói chung các nhà truyền giáo “cổ điển” cho tới nay, họ bận rộn nhiều về mục vụ, cho nên về trí thức sinh viên, họ ít để ý tới. Như đã nói vào thời này ở Hà Nội, người ta đã phân biệt các giáo sĩ ngoại quốc “có râu” vì các ngài thường để râu dài, và “không râu”, thuộc thời đại mới, thời tân tiến, Xuân Bích, Đaminh Pháp chẳng hạn – Đaminh Tây ban nha để râu!!!
(95) Chúng tôi phỏng đoán đây là ông Nguyễn Huy Bảo, giáo sư và viện trưởng Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975. Có thể nói giáo sư là bạn thân của Xuân Bích, đặc biệt cha Bùi Đức Tín. Giáo sư là một kitô hữu gốc Phùng Khoang. Riêng chúng tôi, chúng tôi cũng thường được biết và trao đổi học vấn.
(96) Nghĩa là giúp việc cha sở, các công việc nhà thờ nhà xứ, dạy học trường tư thục, chăm sóc các hội đoàn như Nghĩa binh Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh niên Công giáo thôn quê, Phụ nữ công giáo thôn quê, tức nói chung là Phong trào Thanh Sinh Công. Thời gian thường là một năm. Sau đó vào đại chủng viện ban Triết (hai năm), rồi lại đi thực tập (một năm nữa) ngoài xứ như trên, rồi cuối cùng trở về đại chủng viện ban Thần học (bốn năm). Sau cùng là chịu chức linh mục. Đó là con đường thông thường. Năm 1945-1946 có chiến tranh, cho nên phần riêng chúng tôi đã đi thử ở một xứ trong ba năm 1945-1948, chứ không phải một năm như trong thời bình.
(97) Trong địa phận Hà Nội, từ năm 1927, có thêm Trường Thử (Probatorium), học chương trình Pháp Việt với các sư huynh La Salle ở Hà Nội, như đã nói qua ở trên. Thời gian ba hay bốn năm, sau đó mới về tiểu chủng viện, lúc đó đã có một hành trang Pháp ngữ khả quan, để tiếp tục trung học, với các môn học chính là la ngữ, vì thế thời này vẫn còn gọi là trường latinh, chứ không phải là Trung học cổ điển và Pháp.
(98) Coi số 68, vào Trường Thử trước khi vào Tiểu chủng viện.
(99) Trong dư luận nghiêm khắc, có cách nói nhà thầy xuất, thầy tu xuất, dòng xuất, chữ “xuất” là “ra khỏi”, là “bỏ” này nặng trĩu hậu quả. Có thể nói sau Công đồng Vaticanô II, dư luận đã dịu đi rất nhiều, nếu không thì còn tiếp tục cái dư luận ghê gớm này.
(100) Trong danh từ thời xưa có cụm từ “đỗ cụ”, cụ là linh mục, “đỗ” là đậu, như đi thi đỗ làm quan, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Liên kết “quan” với “cụ” là một quan niệm thời xưa, “cụ” là linh mục bản xứ, “cố” là linh mục thừa sai, “đức cụ” là giám mục.
(101) Ngày nay, đã ồn lên tiếng về những lễ lạc linh đình, thụ phong linh mục, giám mục với khá nhiều tổn phí ăn uống. “Chúng tôi nhớ trong dịp mừng lễ Ngân khánh cha xứ nọ, người ta tổ chức lớn lao quá cỡ : diễn văn, văn nghệ, tiệc tùng, quà cáp, quan khách sang trọng ra vào tấp nập…” (Cao Vĩnh Phan, Năm hai nghìn đọc và học Kinh Thánh, 2000, trang 211) Cha mẹ có con làm linh mục thì được gọi là “ông bà cố”. Việc xưng hô này tỏ ra lòng quí trọng chức “đấng bậc làm thầy cả”, cũng là điều tốt thôi, nhưng làm cho chúng ta biết ăn ở sao cho xứng đáng và nhất là biết thích nghi “lại” với thời thế, thời đại và sẵn sàng sửa chữa uốn nắn theo.
(102) Nếu “ông cố, bà cố” được dùng để gọi cha mẹ linh mục thì “cha cố” được dùng để gọi linh mục bảo lãnh hay cha đỡ đầu.
(103) Ở thế hệ chúng tôi, 1954, và nhất là sau công đồng Vaticanô II và sau 1975, đã bớt đi rất khả quan.
(104) Chúng tôi còn nhớ một bài nói về ảnh hưởng của người mẹ đối với ơn gọi linh mục của con mình và nhất là một cuốn tiểu thuyết Pháp của một tiểu thuyết gia hạng trung bình nhưng khá tâm lí, nhan đề: Tôi đã giết con tôi thế nào? Vì không có can đảm cưỡng lại áp lực tinh thần của mẹ, người con đã miễn cưỡng nhận làm linh mục, thế nhưng sau đó đã tự tử. Chúng tôi không có trong trí nhớ tên tác giả. Dĩ nhiên không phải Bernanos, tác giả trứ danh cuốn: Nhật ký một cha sở miền quê (Journal d’un curé de campagne).
(105) Khó dịch cụm từ une situation donnée.
(106) Chúng tôi được biết chủng sinh này đã làm công chức sở Hỏa xa, tức Đường sắt, rồi sau trở về chủng viện, làm linh mục. Linh mục đáng kính này, đã mất mấy năm hay nhiều năm trước đây thôi.
(107) Từ ngữ cổ điển “trở lại” người lương dân tin theo kitô giáo, trong thí dụ “Phaolô trở lại”, bỏ Do thái giáo và tin theo Chúa Giêsu.
(108) Cách thức thực hành niềm tin của mình, như đọc kinh sáng tối, “xem” lễ, lần hạt hay lần chuỗi, rước kiệu, tuần cấm phòng hay tĩnh tâm, chầu Thánh Thể v.v…
(109) Trong giáo xứ quê chúng tôi, xứ Kẻ Rùa, cách Hà Nội 18 km về phía Nam, trước 1954, vẫn có kinh sáng rồi thánh lễ khá sớm, vào 4 hay 5 giờ sáng, viếng Thánh Thể vào 4 hay 5 giờ chiều, rồi kinh chiều hay kinh tối vào 7 hay 8 giờ tối.
(110) Nói theo cổ văn thì gọi là “rất năng xưng tội rước lễ” hay rước lễ hằng ngày.
(111) Cấm phòng, từ ngữ cổ để chỉ việc tĩnh tâm, vào phòng riêng đóng cửa lại để một mình với Chúa, suy niệm, đối thoại thiêng liêng. Trong những ngày này và trong buổi kinh nguyện, nhất là nguyện gẫm, người ta đọc “sách cấm phòng” dựa theo sách của thánh Inhã sáng lập dòng Tên.
(112) Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm về việc thi kinh bổn này vào những năm 1945-1947. Chúng tôi ghi các câu hỏi trong một tờ giấy nhỏ, ghi rõ câu bổn nào trong trang nào, bản chữ quốc ngữ cũng như bản chữ nôm, bởi vì trong ban giám khảo, các chức sắc trùm trưởng, có người chỉ biết đọc chữ quốc ngữ, có người chỉ biết đọc chữ nôm. Có phần thưởng dành cho các nhóm được điểm cao. Phần thưởng thường là ảnh đeo tay hay bánh dầy được làm phép. Đây cũng là một thứ lễ hội nên duy trì và cải tiến.
(113) Về phần chúng tôi, chúng tôi chưa được chứng kiến việc trừng phạt bằng roi vọt này. Thế nhưng các ông quản giáo giữ trật tự và điều khiển trật tự và điều khiển nhóm trẻ em, các ông có dùng roi vọt trong nhà thờ để giữ trật tự và đe loi.
(114) Trong thực tế, không phải là dễ. Theo kinh nghiệm, trong làng chúng tôi, ba phần giáo một phần lương… Thế nhưng cũng hiếm có những dịp thuận lợi để trực tiếp nói về đạo. Dẫu sao bên cạnh nhà thờ có chùa và nếu có tiếng chuông nhà thờ ngân thì cũng có tiếng chuông chùa thanh thoát và từ bi hiền dịu.
(115) Trên nguyên tắc thì có vậy, nhưng trong thực hành, chính quyền thực dân lúc này, một đàng đã theo chính sách phân chia nhà nước và tôn giáo, và đàng khác, có khuynh hướng Tam Điểm chống tôn giáo. Nếu nhà nước thực dân ve vãn đạo thì cũng không che chở vì như thế có cơ nguy phần đa dân chúng không kitô giáo phản đối. Đừng quên kitô giáo chỉ chiếm 1/10. Chúng tôi nhớ câu nói danh tiếng của nhà nước thực dân trả lời Đức Cha Phước (Mgr Puginier), khi ngài nại tới thực dân để che chở dân có đạo trước những nguy cơ có thực của Văn Thân, Bình Tây sát tả : « Chúng tôi không đến xứ này làm Nghĩa Binh để bảo vệ đạo của các ngài ».
(116) Thường chữ “đạo” trong nhiều văn bản cổ, chỉ kitô giáo. Từ 1651, tự vị Việt Bồ La cũng đã đề cập tới cách nói này : theo đạo, bỏ đạo, giảng đạo, chối đạo… Đạo : đạo Kitô, kitô giáo, đạo công giáo.
(117) Nói chung, hầu hết sách đạo có trươc đây đều do các thừa sai ngoại quốc soạn. Từ ngữ kitô giáo còn rất thô sơ. Cố gắng của các soạn giả thật rất đáng khen. Những pho sách về thần học, triết học, luân lí, giáo luật, lịch sử Giáo hội, Kinh Thánh bằng tiếng Việt thời đó, thật là cả một cố gắng “tày trời”. Nhưng kể từ những năm 1930-1940, tiếng Việt đã hiện hình “hiện đại và tân tiến”, bỏ xa những tác phẩm soạn từ trước, đặc biệt các sách đạo. Cho nên cái “văn nhà thờ” không có sức thu hút học viên và người trí thức. Vậy phải thay đổi, phải “lột xác” thôi.
(118) Chúng tôi nhắc lại, chính yếu là hai bộ sách: Thi nhân Việt nam và Nhà văn hiện đại, đã kể ở trên.
(119) Xứ từ ngữ cổ để chỉ một “giáo xứ”, một cộng đồng được giáo luật công nhận là một “đơn vị” chính thức trong tổ chức Giáo hội. Xứ thực ra là một “tỉnh” lớn theo từ ngữ hành chính chính thức. Trong từ ngữ “nhà thờ”, chúng ta có xứ, rồi chung quanh có các đơn vị phụ thuộc hay lẻ là họ, họ lẻ phụ thuộc vào xứ, linh mục phụ trách được gọi là cha xứ (Bắc), cha sở (Nam).
(120) Các linh mục Hội này thường viết tắt là PSS (Prêtre de Saint-Sulpice). La Solitude tên nơi làm nhà tập của Hội, có nghĩa là Tịch Liêu: tịch mịch và hoang vắng, ở Issy, tên thị xã ngoại ô Paris, sát nách Paris. Ở đây có một đại chủng viện đồ sộ và mênh mông dành cho tổng giáo phận Paris và những giáo phận ngoại ô Paris. Nhà Tịch Liêu sau này thành nhà hưu trí của các cha Xuân Bích.
(30) Thị trấn Sapa danh tiếng ngày nay. Chúng tôi chưa điều tra xem hiện nay ngôi nhà này thuộc về cơ quan hành chánh nào ?
(31) Dĩ nhiên tương đối thôi.
(32) Tên vị Toàn quyền người Pháp.
(33) Route mandarine
(34) Đây là giá cả trong những năm tác giả nói tới : 1929-1930.
(35) Tác giả hẳn nói lên sự thật, nhưng cũng có thể chỉ biết bề mặt do thực dân Pháp cho thấy mà thôi chăng ?
(36) Chính chúng tôi, trong một giây phút ngẫu hứng, đã hát bài “Uất Hận”, thơ của Búa Thép (?) nhạc của Nguyễn Xuân Khoát thời danh, tác giả “Tiếng chuông nhà thờ”, nghiên cứu “Hát Ả Đào” v.v..
(37) Dĩ nhiên chưa phải quan điểm của Cách Mạng Việt Nam.
(38) Dĩ nhiên, như đã nói và nói sau này nữa, chưa phải là quan điểm của Cách Mạng Việt Nam. Nhiều nhân tài về nước, trong Giáo Hội công giáo cũng như trong hành chính thực dân, họ chưa được đặt vào vị trí xứng đáng.
(39) Coi thêm : Nguyễn Khắc Xuyên, Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, Sàigòn, 1968.
(40) Trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tờ Phong Hóa, Ngày Nay ; coi thêm: Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan.
(41) Vẫn là quan điểm của tác giả, không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Cách Mạng, như chúng tôi đã nói.
(42) Tác giả rất hiểu biết phong tục. Khi người Pháp thấy rượu được dân mua nhiều, thứ rượu do chính người dân làm ra, rất ngon, rất tốt, thì thực dân cho mở nhà máy sản xuất thứ rượu kỹ nghệ không ngon bằng rượu thủ công. Bởi vì người dân vẫn tiếp tục nấu thứ rượu thủ công danh tiếng, nên chính quyền thực dân phái người đi kiểm tra và lùng bắt rượu danh tiếng, gọi là rượu lậu, rượu làm trái phép nhà nước thực dân, nhưng cho dân, vì dân, của dân…
(43) Rất tiếc là chúng tôi không biết tên chủng sinh này, có thể anh thuộc giáo phận Vinh ?
(44) Vấn đề khá quan trọng, chúng tôi không đề cập tới ở đây. Người công giáo tham gia cách mạng thế nào, khi nào ?
(45) Nói chung, dầu sao chính sách thực dân vẫn nêu cao việc bảo vệ kitô giáo sau những cuộc bắt đạo, còn về cách mạng, thì thường bị tuyên truyền – có thật – là vô thần, không tôn giáo, chống tôn giáo như ở Nga vào những năm sau 1917. Chưa kể sau này việc Mao Trạch Đông thành công ở Trung quốc và chính sách bài trừ tôn giáo thực hiện ở đây.
(46) Dẫu sao tác giả chỉ đưa ra quan điểm sai lạc của thực dân mà thôi !
(47) Ở đây cũng chỉ là những tâm tưởng che đậy mưu đồ của thực dân mà thôi !
(48) Nhân tiện, chúng tôi cũng nói qua tới Bản án chế độ thực dân, trong đó có nhiều điều chưa chính xác về các tài sản Giáo Hội Công Giáo. Một việc tra xét lại cần được làm, để sáng tỏ vấn đề hơn.
(49) Génibrel, Tự vị Việt Pháp, Sài gòn, 1898 ; Cadière với nhiều thiên khảo cứu về nhiều vấn đề có giá trị đăng tải trong tạp chí Những Người Bạn Cố Đô Huế, (BAVH), ấy mới là đại khái về nhà học giả thời danh này; Hue, Tự vị Việt Trung Pháp, Hà nội, 1937 ; Gouin, Tự vị Việt Trung Pháp I, đồ sộ, Sài gòn, 1956.
(50) Có thể nói, đây là những lý luận trá hình của thực dân.
(51) Có ý đề cập tới trí thức theo Pháp và đồng tình với chế độ, khác hẳn với những nhà cách mạng.
(52) Đó là quan điểm che đậy, chứ thực ra, trong gần một trăm năm, người Pháp chưa làm được công việc giáo huấn làm cho dân Việt Nam được tự do độc lập… Họ khai hoang để trục lợi, phần lớn là về phía họ, phần nhỏ về dân bản xứ, chứ không phải để đưa dân lên tự do độc lập, tự mình cầm vận mệnh của mình. Ở đây cũng như nhiều chỗ khác, tác giả chỉ đưa ra tâm tư của người khác mà không phê phán.
(53) Trước biến cố 19.8.1945, còn có biến cố Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp.
(54) Đã xảy ra vào năm 1944-1946 (?) mấy vụ ám sát chưa được tra cứu tường tận : một thừa sai bị giết ở Hà Nội, tại trụ sở các thừa sai phố Nhà Chung, một ở Nam Định (Cố Cao, Vacquier), hai thuộc dòng Salésien bị thủ tiêu ở Kẻ Sở.
(55) Cũng chỉ là chủ quan, bởi vì năm 1930 đã thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam để tranh đấu cho độc lập đất nước.
(56) Cha Paliard đã soạn một tập Hồi ký Hành Trình từ Pháp tới Hà Nội, 1929, bản viết tay hiện còn được lưu trữ ở Văn khố Hội, 6 rue du Regard, 75006 – Paris.
(57) Chúng tôi chưa biết là xứ nào, có thể là giáo xứ Kẻ Bạc, cách thành phố Hà Nội về phía Bắc chừng 10 cây số.
(58) Tòa Giám Mục ở 40 phố Nhà Chung, Hà Nội ; còn trường trung học cơ sở Pháp, Ecole Puginier, do các sư huynh điều khiển thì ở phố Carreau, nay là trường trung học Lý Thường Kiệt, ở phố cùng tên.
(59) Chúng tôi viết địa phận cho gọn, vì thực ra là tòa đại diện tông tòa, vì lúc đó chưa thành lập tòa giám mục.
(60) Ngày nay là Hà Tây. Tỉnh trưởng lúc đó là người Pháp.
(61) Nguyên văn nói trống là “haut dignitaire de la cour impériale”.
(62) Chúng tôi biết chắc chắn điều này : cha Gastine học tiếng ở Kẻ Bạc, còn cha Bùi thì chúng tôi không được biết học ở đâu.
(63) Biến cố nói đây là đại chiến Pháp-Đức hay Đức-Âu Châu.
(64) Cũng có thuyết cho rằng lúc đó có thể chuyển thóc gạo ra Bắc để cứu đói, thế nhưng Pháp không làm, chủ ý cho nhân dân Việt Nam kiệt quệ và chết đói hơn là nổi dậy làm cách mạng.
(65) Chúng tôi viết “bồi bõ”, nhưng thực ra là “bõ”, nghĩa là những giáo dân đã lớn tuổi tự hiến làm việc phục dịch trong phạm vi nhà cha xứ. Thường cũng là những người tàn tật nhẹ, nhưng còn khỏe mạnh có thể lao động được.
(66) Đây là trên nguyên tắc và giấy tờ. Thực ra, của cải riêng không có nhiều, thế nhưng ít mà hóa ra nhiều về tinh thần từ bỏ, thí dụ bà góa trong Phúc âm dâng cúng có hai đồng tiền. Thực ra, nguồn lợi chính yếu thời đó là hoa lợi ruộng vườn nhà xứ, thuộc nhà xứ để cho nhà xứ sử dụng, nuôi tất cả Nhà Đức Chúa Trời, tiếp sau là bổng lễ. Cha sở hay cha xứ phải nuôi dưỡng tất cả cộng đồng này.
(67) Tinh thần tương thân tương ái và sống chung là cốt yếu, nhưng cũng vì hoàn cảnh cha mẹ nghèo khó, không thể cho theo học được, nên có tổ chức này giúp rất đắc lực. Riêng kinh nghiệm của chúng tôi là thế này : khi vào Trường Thử (Probatorium), chúng tôi có 36, tới tiểu chủng viện còn 18, và qua đại chủng viện còn 9 thành 9 linh mục. Coi thêm luận án tiến sĩ của Nguyễn Viết Cử, Tổ chức Nhà Đức Chúa Trời trong các xứ truyền giáo Đàng Ngoài, Roma, Đại Học Grêgoriana, 1954.
(68) Chúng tôi có kinh nghiệm và được biết, ở các xứ lạnh như Âu Châu không ai nghỉ trưa. Họ làm việc liên tục mà không tỏ ra mệt mỏi như ở các miền nhiệt đới.
(69) Theo kinh nghiệm riêng chúng tôi, thì vào những năm 1935-1939, ở Trường Thử, còn có hình phạt roi vọt mà chính chúng tôi, ít ra một lần, cũng đã được lãnh đủ. Còn ở tiểu chủng viện thì không còn nữa.
(70) Vào thời gian này, các đại chủng viện thường được điều khiển do các giáo sĩ Hội Truyền Giáo Nước Ngoài MEP, ít ra về giám đốc và một số giáo sư chính yếu. Trong địa phận Hà Nội, về sau này mới có mấy cha du học Rôma về tham gia, thí dụ cha Phạm bá Trực, sau này là Đại biểu Quốc hội, mất năm 1954. Cũng nên nhắc ở đây, cha đã xin phép đức cha Thịnh để tham gia hoạt động chính trị.
(71) Không biết ở các địa phận khác thế nào, chứ vào thời chúng tôi, đã rộng rãi hơn nhiều rồi.
(72) Ngoặc đơn của chúng tôi.
(73) Suy rộng này là của chúng tôi : tam cương (vua-tôi, cha-con, chồng-vợ) ; ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).
(74) Chúng tôi hiểu ý tác giả thế này : tâm lý người thành thị khác tâm lý người nông thôn. Và đa số các chủng sinh nếu không phải là tất cả, đều xuất phát từ nông thôn, cho nên tâm lý nông thôn cũng khác tâm lý thành thị. Người thành thị tế nhị hơn, kín đáo hơn. Người nông thôn bốp chát, thiếu tế nhị và dè dặt.
(75) Là nhà truyền giáo, thế nhưng họ là người Pháp, cho nên rất hiếm và hầu như không có người nào biết thoát ra khỏi tâm tư người Pháp, người Pháp thực dân, để có thể có những tâm tư người cách mạng, lên án chế độ thực dân, hoặc như trào lưu thần học giải phóng ở Nam Mỹ hiện nay.
(76) Nguyên văn là “không yêu” – tác giả dùng từ “aimer”, yêu, mến.
(77) Chúng tôi đã nhắc tới nhóm Tự lực văn đoàn, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Châu, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, rồi còn có Nhóm Tri Tân, Nhóm Thanh Nghị. Chắc chắn là nơi thâm tâm đa số những nhân vật danh tiếng này, cũng như nơi mục tiêu các tạp chí nói trên đây, đều có mầm mống cách mạng, hoặc trong Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Quốc Dân Đảng, nhất là Việt Nam Quốc Dân Đồng Minh Hội hay Việt Minh. Coi : Hồng Nhuệ, Mục lục phân tích Tạp chí Tri Tân, Hà Nội, 1998, tr.6 « Thời Tiền Cách Mạng ».
(78) Chúng tôi không được biết những bài viết chống các tác giả cổ điển Trung hoa này. Dĩ nhiên, ít ra, trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay và Tự lực văn đoàn, đã có cách mạng văn hóa, đúng hơn cải cách phong tục, điển hình trong các tác phẩm của Khái Hưng và Nhất Linh như Gia đình, Đoạn Tuyệt, Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Thoát ly v.v..
(79) Thực ra cho tới nay, chúng ta chỉ có các thừa sai Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP) và các cha Đaminh người Pháp được đánh giá là thuộc giới trí thức. Có truyền thuyết phân biệt các thừa sai rậm râu và không râu nữa !
(80) Thực ra ban đầu, nhà chức trách Pháp cần có một số người biết tiếng Pháp để làm trung gian cho ngành cai trị thực dân Pháp. Thế rồi, ngoài cái mục tiêu thực dụng, nhiều người Việt vượt qua nhãn giới này để tìm hiểu và thâu thái văn hóa văn học Pháp, để có thể làm giầu cho văn hóa văn học Việt Nam.
(81) Phần chúng tôi, chúng tôi không được biết sự cấm đoán này. Là vì địa phận Hà Nội có trung tâm văn hóa văn học Pháp là thủ đô Hà Nội. Ngay từ Trường Thử, chủng sinh tí hon đã được và phải theo chương trình Pháp Việt mà bằng cấp mãn khóa không phải là Sơ Học Yếu Lược, nhưng là Sơ Học Pháp Việt. Trường Puginier ở Hà Nội đảm nhận công việc này. Thế nhưng thực ra, trong những năm học ở Tiểu chủng viện lúc đó đã có chương trình Tú Tài Pháp, với ngoại ngữ, sinh ngữ tiếng Anh hay tử ngữ tiếng Latinh. Cho nên thỉnh thoảng giáo sư la ngữ cũng nhắc nhở : có anh lười học La ngữ và chăm chỉ học Pháp ngữ để rồi bỏ tu đi làm kiếm tiền. Thực ra, đã có nhiều người danh tiếng học trường đạo hay chủng viện, rồi sau xuất ra giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội. Chúng tôi có trong đầu óc một số tên không tiện nói ra đây. Thế nhưng, một thiên nghiên cứu về vấn đề cũng sẽ rất bổ ích.
(82) Vẫn theo sự hiểu biết nhỏ mọn của chúng tôi. Chúng tôi thấy vào thời này, ngoài địa phận Hà Nội cho học tiếng Pháp và cho chuẩn bị thi tú tài Pháp như đã nói, thì có địa phận Thanh Hóa cũng rất tiến trong việc học tiếng Pháp và thi Tú Tài Tây.
(83) Thực ra, có giáo sư người Pháp ban đầu đã phải dạy bằng tiếng Pháp, trong những năm thuộc thế hệ chúng tôi, 1948-1954. Còn vào năm 1930-1945 này thì không dễ dạy bằng tiếng Việt, tuy nhiên theo như chúng tôi biết được, có người đã dạy bằng tiếng Việt, điển hình là cha Gastine, dạy triết bằng tiếng Việt.
(84) Ơn kêu gọi, dịch theo người xưa “vocation”, mỗi người đều được “gọi” làm một phận sự, một chức vị, đặc biệt về chức linh mục, được gọi cách riêng, vì thế có người còn dùng “thiên triệu”, Chúa gọi, Trời gọi, như thế ở các cấp bậc khác không phải « Chúa gọi » mà do số mệnh ???
(85) Thực ra, ngày nay, vào đầu thiên niên thứ ba, chúng ta mới thấy cần đặt vấn đề khác xưa. Vấn đề học được một ngoại ngữ là thiết yếu để mở ra thế giới ngày nay : tiếng Pháp trong thời Pháp thuộc, tiếng Anh trong thời kỳ Mỹ Diệm, tiếng Nga trong thời Xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, có nên cho người bản xứ đi học để rồi về dạy, việc mà địa phận Hà Nội đã làm khá sớm, nhưng khi áp dụng thì lại trượt. Có phải vấn đề chính trị đã có ảnh hưởng tới công việc này hay không ? Nói chung, phải đợi cho tới những biến cố lớn 1954, 1975, Giáo Hội Công giáo Việt Nam mới được liệt vào phẩm trật chung của Giáo Hội toàn thể thế giới.
(86) Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì ở Dòng Chúa Cứu Thế do các giáo sĩ người Canada nói tiếng Pháp điều khiển, chủng sinh nói tiếng Pháp với các cha và giữa anh em với nhau. Cho nên, về mặt này họ thông thạo tiếng Pháp và nói tiếng Pháp lưu loát hơn.
(87) Vào thế hệ chúng tôi, những năm 1950-1954, hầu hết các bài đều được giảng bằng tiếng Việt, bài huấn dụ thiêng liêng hàng ngày cha Bề trên Tín cũng giảng bằng tiếng Việt rất thích thú.
(88) Hai tiểu chủng viện này đã có chương trình đi thi lấy bằng Tú tài Pháp, vào những năm 1944-1954.
(89) Thực ra, người ngoại quốc, thí dụ như người Pháp, vì quen với phong tục dân chủ và bình đẳng ở nước mình, khi tới Việt Nam thời đó, họ nhận xét khá tinh vi và rất thực về những « thuần phong mỹ tục » có thể nói là « lạc hậu », « cổ hũ » của chúng ta. Đó là vào những năm xa xôi nhưng còn gần, 1930-1945. Với thời gian và sự tiếp xúc với Âu châu và xã hội tân tiến, đã có thay da đổi thịt.
(90) « Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con ».
(91) Khi thiết lập chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội, thì ở Kẻ Sở vẫn tiếp tục có mấy lớp cuối cùng của chủng viện cũ. Cho nên, Xuân Bích thuộc “chế độ mới”, còn Kẻ Sở là “chế độ cũ” với những tập tục và lề thói thời xưa hơn. Việc thay da đổi thịt ở Xuân Bích cũng được ghi nhận và chấp nhận, hợp với thời thế: thời đại mới, thể chế mới.
(92) Chúng tôi cũng lưu ý độc giả là các dòng này đều là người Pháp hay người Canada nói tiếng Pháp. Trong một buổi họp đại hội nghị của Xuân Bích 1929 đã có ý kiến đưa một vài người Mỹ Xuân Bích hay Xuân Bích Mỹ, thế nhưng khá bất tiện, cũng như đưa Xuân Bích Gia nã đại, tuy ít bất tiện hơn.
(93) Trường được gọi bình dân là trường Bưởi vì nằm trong địa hạt làng Bưởi cạnh Hồ Tây. Trường đã sản xuất nhiều danh nhân như Nguyễn Tuân, nhà văn danh tiếng và nhiều người nữa chúng tôi không nhớ hết. Trường Albert Sarrault là trường Trung học Pháp ở Hà Nội, nếu tôi không lầm thì nay là cơ sở bộ Ngoại giao Việt nam. Trường này cũng đào tạo được nhiều người có tên tuổi, tỉ như luật gia danh tiếng Nguyễn Mạnh Tường.
(94) Đây có thể là một sự mới lạ, một tân tiến. Nói chung các nhà truyền giáo “cổ điển” cho tới nay, họ bận rộn nhiều về mục vụ, cho nên về trí thức sinh viên, họ ít để ý tới. Như đã nói vào thời này ở Hà Nội, người ta đã phân biệt các giáo sĩ ngoại quốc “có râu” vì các ngài thường để râu dài, và “không râu”, thuộc thời đại mới, thời tân tiến, Xuân Bích, Đaminh Pháp chẳng hạn – Đaminh Tây ban nha để râu!!!
(95) Chúng tôi phỏng đoán đây là ông Nguyễn Huy Bảo, giáo sư và viện trưởng Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975. Có thể nói giáo sư là bạn thân của Xuân Bích, đặc biệt cha Bùi Đức Tín. Giáo sư là một kitô hữu gốc Phùng Khoang. Riêng chúng tôi, chúng tôi cũng thường được biết và trao đổi học vấn.
(96) Nghĩa là giúp việc cha sở, các công việc nhà thờ nhà xứ, dạy học trường tư thục, chăm sóc các hội đoàn như Nghĩa binh Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh niên Công giáo thôn quê, Phụ nữ công giáo thôn quê, tức nói chung là Phong trào Thanh Sinh Công. Thời gian thường là một năm. Sau đó vào đại chủng viện ban Triết (hai năm), rồi lại đi thực tập (một năm nữa) ngoài xứ như trên, rồi cuối cùng trở về đại chủng viện ban Thần học (bốn năm). Sau cùng là chịu chức linh mục. Đó là con đường thông thường. Năm 1945-1946 có chiến tranh, cho nên phần riêng chúng tôi đã đi thử ở một xứ trong ba năm 1945-1948, chứ không phải một năm như trong thời bình.
(97) Trong địa phận Hà Nội, từ năm 1927, có thêm Trường Thử (Probatorium), học chương trình Pháp Việt với các sư huynh La Salle ở Hà Nội, như đã nói qua ở trên. Thời gian ba hay bốn năm, sau đó mới về tiểu chủng viện, lúc đó đã có một hành trang Pháp ngữ khả quan, để tiếp tục trung học, với các môn học chính là la ngữ, vì thế thời này vẫn còn gọi là trường latinh, chứ không phải là Trung học cổ điển và Pháp.
(98) Coi số 68, vào Trường Thử trước khi vào Tiểu chủng viện.
(99) Trong dư luận nghiêm khắc, có cách nói nhà thầy xuất, thầy tu xuất, dòng xuất, chữ “xuất” là “ra khỏi”, là “bỏ” này nặng trĩu hậu quả. Có thể nói sau Công đồng Vaticanô II, dư luận đã dịu đi rất nhiều, nếu không thì còn tiếp tục cái dư luận ghê gớm này.
(100) Trong danh từ thời xưa có cụm từ “đỗ cụ”, cụ là linh mục, “đỗ” là đậu, như đi thi đỗ làm quan, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Liên kết “quan” với “cụ” là một quan niệm thời xưa, “cụ” là linh mục bản xứ, “cố” là linh mục thừa sai, “đức cụ” là giám mục.
(101) Ngày nay, đã ồn lên tiếng về những lễ lạc linh đình, thụ phong linh mục, giám mục với khá nhiều tổn phí ăn uống. “Chúng tôi nhớ trong dịp mừng lễ Ngân khánh cha xứ nọ, người ta tổ chức lớn lao quá cỡ : diễn văn, văn nghệ, tiệc tùng, quà cáp, quan khách sang trọng ra vào tấp nập…” (Cao Vĩnh Phan, Năm hai nghìn đọc và học Kinh Thánh, 2000, trang 211) Cha mẹ có con làm linh mục thì được gọi là “ông bà cố”. Việc xưng hô này tỏ ra lòng quí trọng chức “đấng bậc làm thầy cả”, cũng là điều tốt thôi, nhưng làm cho chúng ta biết ăn ở sao cho xứng đáng và nhất là biết thích nghi “lại” với thời thế, thời đại và sẵn sàng sửa chữa uốn nắn theo.
(102) Nếu “ông cố, bà cố” được dùng để gọi cha mẹ linh mục thì “cha cố” được dùng để gọi linh mục bảo lãnh hay cha đỡ đầu.
(103) Ở thế hệ chúng tôi, 1954, và nhất là sau công đồng Vaticanô II và sau 1975, đã bớt đi rất khả quan.
(104) Chúng tôi còn nhớ một bài nói về ảnh hưởng của người mẹ đối với ơn gọi linh mục của con mình và nhất là một cuốn tiểu thuyết Pháp của một tiểu thuyết gia hạng trung bình nhưng khá tâm lí, nhan đề: Tôi đã giết con tôi thế nào? Vì không có can đảm cưỡng lại áp lực tinh thần của mẹ, người con đã miễn cưỡng nhận làm linh mục, thế nhưng sau đó đã tự tử. Chúng tôi không có trong trí nhớ tên tác giả. Dĩ nhiên không phải Bernanos, tác giả trứ danh cuốn: Nhật ký một cha sở miền quê (Journal d’un curé de campagne).
(105) Khó dịch cụm từ une situation donnée.
(106) Chúng tôi được biết chủng sinh này đã làm công chức sở Hỏa xa, tức Đường sắt, rồi sau trở về chủng viện, làm linh mục. Linh mục đáng kính này, đã mất mấy năm hay nhiều năm trước đây thôi.
(107) Từ ngữ cổ điển “trở lại” người lương dân tin theo kitô giáo, trong thí dụ “Phaolô trở lại”, bỏ Do thái giáo và tin theo Chúa Giêsu.
(108) Cách thức thực hành niềm tin của mình, như đọc kinh sáng tối, “xem” lễ, lần hạt hay lần chuỗi, rước kiệu, tuần cấm phòng hay tĩnh tâm, chầu Thánh Thể v.v…
(109) Trong giáo xứ quê chúng tôi, xứ Kẻ Rùa, cách Hà Nội 18 km về phía Nam, trước 1954, vẫn có kinh sáng rồi thánh lễ khá sớm, vào 4 hay 5 giờ sáng, viếng Thánh Thể vào 4 hay 5 giờ chiều, rồi kinh chiều hay kinh tối vào 7 hay 8 giờ tối.
(110) Nói theo cổ văn thì gọi là “rất năng xưng tội rước lễ” hay rước lễ hằng ngày.
(111) Cấm phòng, từ ngữ cổ để chỉ việc tĩnh tâm, vào phòng riêng đóng cửa lại để một mình với Chúa, suy niệm, đối thoại thiêng liêng. Trong những ngày này và trong buổi kinh nguyện, nhất là nguyện gẫm, người ta đọc “sách cấm phòng” dựa theo sách của thánh Inhã sáng lập dòng Tên.
(112) Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm về việc thi kinh bổn này vào những năm 1945-1947. Chúng tôi ghi các câu hỏi trong một tờ giấy nhỏ, ghi rõ câu bổn nào trong trang nào, bản chữ quốc ngữ cũng như bản chữ nôm, bởi vì trong ban giám khảo, các chức sắc trùm trưởng, có người chỉ biết đọc chữ quốc ngữ, có người chỉ biết đọc chữ nôm. Có phần thưởng dành cho các nhóm được điểm cao. Phần thưởng thường là ảnh đeo tay hay bánh dầy được làm phép. Đây cũng là một thứ lễ hội nên duy trì và cải tiến.
(113) Về phần chúng tôi, chúng tôi chưa được chứng kiến việc trừng phạt bằng roi vọt này. Thế nhưng các ông quản giáo giữ trật tự và điều khiển trật tự và điều khiển nhóm trẻ em, các ông có dùng roi vọt trong nhà thờ để giữ trật tự và đe loi.
(114) Trong thực tế, không phải là dễ. Theo kinh nghiệm, trong làng chúng tôi, ba phần giáo một phần lương… Thế nhưng cũng hiếm có những dịp thuận lợi để trực tiếp nói về đạo. Dẫu sao bên cạnh nhà thờ có chùa và nếu có tiếng chuông nhà thờ ngân thì cũng có tiếng chuông chùa thanh thoát và từ bi hiền dịu.
(115) Trên nguyên tắc thì có vậy, nhưng trong thực hành, chính quyền thực dân lúc này, một đàng đã theo chính sách phân chia nhà nước và tôn giáo, và đàng khác, có khuynh hướng Tam Điểm chống tôn giáo. Nếu nhà nước thực dân ve vãn đạo thì cũng không che chở vì như thế có cơ nguy phần đa dân chúng không kitô giáo phản đối. Đừng quên kitô giáo chỉ chiếm 1/10. Chúng tôi nhớ câu nói danh tiếng của nhà nước thực dân trả lời Đức Cha Phước (Mgr Puginier), khi ngài nại tới thực dân để che chở dân có đạo trước những nguy cơ có thực của Văn Thân, Bình Tây sát tả : « Chúng tôi không đến xứ này làm Nghĩa Binh để bảo vệ đạo của các ngài ».
(116) Thường chữ “đạo” trong nhiều văn bản cổ, chỉ kitô giáo. Từ 1651, tự vị Việt Bồ La cũng đã đề cập tới cách nói này : theo đạo, bỏ đạo, giảng đạo, chối đạo… Đạo : đạo Kitô, kitô giáo, đạo công giáo.
(117) Nói chung, hầu hết sách đạo có trươc đây đều do các thừa sai ngoại quốc soạn. Từ ngữ kitô giáo còn rất thô sơ. Cố gắng của các soạn giả thật rất đáng khen. Những pho sách về thần học, triết học, luân lí, giáo luật, lịch sử Giáo hội, Kinh Thánh bằng tiếng Việt thời đó, thật là cả một cố gắng “tày trời”. Nhưng kể từ những năm 1930-1940, tiếng Việt đã hiện hình “hiện đại và tân tiến”, bỏ xa những tác phẩm soạn từ trước, đặc biệt các sách đạo. Cho nên cái “văn nhà thờ” không có sức thu hút học viên và người trí thức. Vậy phải thay đổi, phải “lột xác” thôi.
(118) Chúng tôi nhắc lại, chính yếu là hai bộ sách: Thi nhân Việt nam và Nhà văn hiện đại, đã kể ở trên.
(119) Xứ từ ngữ cổ để chỉ một “giáo xứ”, một cộng đồng được giáo luật công nhận là một “đơn vị” chính thức trong tổ chức Giáo hội. Xứ thực ra là một “tỉnh” lớn theo từ ngữ hành chính chính thức. Trong từ ngữ “nhà thờ”, chúng ta có xứ, rồi chung quanh có các đơn vị phụ thuộc hay lẻ là họ, họ lẻ phụ thuộc vào xứ, linh mục phụ trách được gọi là cha xứ (Bắc), cha sở (Nam).
(120) Các linh mục Hội này thường viết tắt là PSS (Prêtre de Saint-Sulpice). La Solitude tên nơi làm nhà tập của Hội, có nghĩa là Tịch Liêu: tịch mịch và hoang vắng, ở Issy, tên thị xã ngoại ô Paris, sát nách Paris. Ở đây có một đại chủng viện đồ sộ và mênh mông dành cho tổng giáo phận Paris và những giáo phận ngoại ô Paris. Nhà Tịch Liêu sau này thành nhà hưu trí của các cha Xuân Bích.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12