Xuân Bích ở Việt Nam (4)
Trong giai đoạn từ 1945 tới 1954, có thể phân chia làm hai thời kỳ không đều: 1. 1945-1946 ; 2. 1946-1954.
1. Từ 1945-1946
Trong bài thứ nhất về Xuân Bích ở Việt Nam, Nhìn về quá khứ, chúng tôi đã tóm tắt ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh 1940 tới sinh hoạt chủng viện Hà Nội: do quân đội Nhật Bản xâm nhập, đã có ba giáo sư phải tái nhập ngũ, nhập ngũ không lâu, nhưng có thay đổi trong chương trình dạy học. Vì chính quyền Pháp phải thỏa hiệp với quân đội Nhật bản, nên sẽ xảy ra những cuộc hành quân của đồng minh Trung-Mỹ kèm theo ném bom oanh tạc. Cho nên sẽ phải thay đổi thời khóa biểu và đối phó khác (thí dụ đào hầm trú ẩn). Thế nhưng sinh hoạt chủng viện thường xuyên được tiếp tục và tâm tình chủng sinh vẫn tín nhiệm và cố kết với các giáo sư. Cũng nên nhắc là trong nạn đói mùa đông (1944-1945), các chủng sinh đã cộng tác đắc lực vào việc phát gạo do chủng viện tổ chức cho những người từ những tỉnh đói kém lê chân về Hà Nội (121).
Mồng 9 tháng 3 năm 1945.
Rất bất ngờ, quân đội Nhật đã tấn công các đồn quân Pháp ở các tỉnh chính yếu.
Quân đội Pháp bị bắt làm tù binh, trừ những đồn quân đóng xa quân đội Nhật, họ có thể di tản qua Trung Quốc.
Người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập, nhưng hoàng đế Bảo Đại và thủ tướng Trần Trọng Kim buộc phải làm việc chặt chẽ với người Nhật, không gì làm mà không có thỏa thuận của họ. Nơi đa số người Việt nam, niềm khát vọng độc lập bùng nổ, dĩ nhiên họ cảm thấy thỏa thuê, mặc dầu độc lập này cũng chỉ là tương đối. Đó cũng là tâm trạng các chủng sinh, nhưng niềm tin tưởng vẫn được duy trì. Năm học được tiếp tục trong thanh thản, như những năm trước.
15 tháng 8 năm 1945.
Sau hai vụ ném bom nguyên tử vào Hiroshima và Nagasaki, quân đội Nhật đã đầu hàng. Quân đội Trung hoa được Đồng minh chỉ định tước khí giới quân đội Nhật ở Bắc Việt; ở Nam Việt thì quân đội Anh. Những ai theo cụ Hồ Chí Minh thì hoàn toàn được tự do hoạt động. Chính phủ Trần Trọng Kim bị lật đổ, Bảo Đại không còn là hoàng đế, nhưng là cố vấn cho cụ Hồ Chí Minh. Cụ cho thành lập một chính phủ lâm thời, và ngày 19 tháng 8 cụ tuyên bố độc lập. Cũng trong ngày ấy, cụ Hồ Chí Minh công bố ngày mồng 2 tháng 9 sẽ là lễ độc lập, mọi người đều được mời đi họp mặt.
Các chủng sinh đã có phản ứng thế nào? Họ tựu trường hôm mồng 1 và mọi người đều vui mừng và phấn khởi. Có các đại diện sinh viên Việt Nam tới mời các chủng sinh đi biểu tình. Trước hết, hợp ý với vị đại diện tông tòa Hà Nội (122), cha bề trên cấm các chủng sinh đi dự biểu tình. Nhưng có mấy thầy thần học và đa số triết học làm thành một nhóm và cứ đi, cờ đỏ sao vàng mở đường, giữa những nhóm khác trong biển người mênh mông hôm đó. Lúc trở về, chủng sinh kỳ cựu nhất, nhân danh anh em, xin phép được vào chủng viện, Bề trên chấp nhận.
Kể từ lúc này, và là lần đầu tiên, có bầu khí nghi kỵ giữa anh em với nhau, chia rẽ giữa các chủng sinh, chia rẽ giữa chủng sinh với các cha. Chủng sinh miền Nam thì “ủng hộ các cha” và chống đối người Bắc (123). Có chủng sinh nói với một cha: các cha về phe chúng tôi. Nhưng những người khác thì không. Dẫu sao, các lớp học vẫn tiếp tục (124).
Thế rồi quân đội Trung hoa tới. Quân đội Trung hoa có nhiệm vụ tước khí giới quân đội Nhật, họ phái sĩ quan và binh lính tới chiếm đóng chủng viện. Ban đầu họ không đông lắm, nhưng vào giữa tháng mười con số tăng lên nhiều: từ 500 tới 600. Thế là rất khó chung sống giữa chủng sinh và quân đội Trung hoa (125). Rồi bầu khí chia rẽ còn tiếp tục giữa các chủng sinh. Có tin đồn rằng trong số những chủng sinh trẻ hơn, họ dự tính tự mình ra đi, và trước khi bỏ về, sẽ đập vỡ hết các kính và đèn. Tôi không còn nhớ chính xác ngày có quyết định : đầu hay cuối tháng 11? Dẫu sao kể từ nay cho tới hè 1946, đó sẽ là chung sống của sáu cha Xuân bích với quân đội Trung hoa.
Nhưng chung sống thế nào? Về liên hệ giữa người và người, thì không có gì khó khăn : các sĩ quan kính nể chúng tôi và bắt binh lính cũng kính nể chúng tôi. Nhưng về vệ sinh, vào buổi đầu, chúng tôi phải đương đầu với những binh sĩ đến từ những miền man rợ nhất nước Tàu (126), họ như bất ngờ được tới một tổ chức vật chất mà họ chưa từng biết : thí dụ họ không biết rằng nước thành phố đầy hai bể nước không thể dùng liên tục được nếu không được bơm tiếp ; cho nên thường thiếu nước. Quan trọng hơn, họ đào giữa sân những hố xí rất thô sơ. Mà vào lúc này, như thường xảy ra vào mùa khô, có nguy cơ dịch tả. Các cha, các nữ tu Việt nam, các người làm đã được tiêm chủng chống dịch tả, trừ nữ tu người Pháp, Clémentine, đã từ chối không chịu tiêm. Chị đã ra đi vào ngày 21 tháng 11 năm 1945. Có mấy binh sĩ Trung hoa cũng chết vì dịch tả.
Không có các chủng sinh thì chúng tôi làm gì? Chúng tôi mất khá nhiều thời giờ với quân đội Trung hoa.
Thỉnh thoảng có thông dịch viên : trong một thời gian ngắn, có một nữ tu người Pháp, đã sống nhiều năm ở Vân Nam. Nhiều lần khác, chúng tôi đã dùng tới chữ Hán. Có khi nói tiếng Anh, Antôn Cả nói tiếng Anh và có một sĩ quan Trung Hoa nói được tiếng này. Mỗi người tìm cách giết thời giờ bằng đọc sách, nhưng đừng trông đi ngao du vùng ngoại ô: chỉ có thể không nguy hiểm, khi đi vào thành phố Hà Nội.
Những hiệp định tháng 3 năm 1946.
Chúng tôi chủ ý rình tin tức ; nó chỉ đến qua mấy người Pháp chúng tôi gặp, hoặc qua máy thu thanh rất thô sơ do Anrê Lịch lắp ráp. Chúng tôi được biết là sư đoàn của tướng Leclerc đã tới Sàigòn ; ở Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Leclerc đã ký một hiệp định theo đó quân đội Pháp có quyền có mặt trong mấy thành phố ở Việt nam, đặc biệt là Hà nội. Tôi không thể quên ngày hôm đó (vào khoảng ngày 20 tháng 3) tôi phải vào Hà nội để chuẩn bị lễ tấn phong giám mục cho Đức Cha Mazet, tân đại diện tông tòa Hưng Hóa. Phố xá hoàn toàn không có bóng một người Việt, nhưng tràn ngập người Pháp phấn khởi đón tiếp chào mừng quân đội của tướng Leclerc. Ở phố Nhà Chung có tòa đại diện tông tòa ở, có các cha Hội Truyền Giáo Nước Ngoài, các ngài cũng không ít nhiệt tình phấn khởi… Thật là những phản ứng nói lên ý nghĩa những tâm trạng tương phản.
Chúng tôi cũng được các linh mục tuyên úy quân đội Pháp đến thăm bằng xe jeep, do đó những mảng tin thiếu sót của chúng tôi được bổ túc thêm về tình hình ở Pháp và ở Âu Châu. Các ngài cũng xin một người trong chúng tôi chủ tọa những buổi đàm thoại thiêng liêng cho nhóm các tuyên úy hiện diện ở Hà Nội.
Trong khi đó thì các chủng sinh về nghỉ trong gia đình hay trong xứ đạo cha bảo lãnh đã trở nên thế nào ? Đây là thời kỳ có tuyên truyền Việt minh rất mạnh. Tuyên truyền bằng lời nói, nhưng cũng bằng việc làm. Việt minh tìm mọi cách, có khi bằng bạo lực, để chống ảnh hưởng các đảng phái khác, những đảng này cũng nêu cao ngọn cờ độc lập, nhưng không cộng sản. Các chủng sinh hiểu biết về việc này và lãnh nhận sự thu hút của những tư tưởng cộng sản. Dĩ nhiên họ mong muốn cho xứ sở họ được độc lập tự do, nhưng họ cho rằng phải tránh cho quê hương họ khỏi nguy cơ cộng sản. Quan điểm này gần với quan điểm của các giáo sư, và những người trước đây xa quan điểm này thì bây giờ sát lại gần nhau hơn.
Vào tựu trường tháng 9 năm 1946 có các chủng sinh các địa phận Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Hóa và Vinh. Tôi quên con số chính thức, chừng mấy chục thôi (127). Tâm trạng khá tốt, bầu khí có tin tưởng, và trong buổi đốt lửa trại, các chủng sinh tỏ ra có tinh thần chống cộng khá mạnh.
Trước khai trường, quân đội Trung hoa đã rời bỏ trường, chúng tôi cho dọn sạch sẽ gọn ghẽ. Nên chú ý rằng ngay sau đó đã có một đội ngũ dân quân xã đến canh phòng ở cửa nhà trường, gây khó dễ các người đến thăm chúng tôi và các chủng sinh.
Nói chung sinh hoạt hằng ngày trở lại bình thường trong trường, thế nhưng các biến cố xảy ra ở nơi khác không được yên tâm lắm. Có nhiều đụng độ giữa quân đội Pháp và Việt nam. Trái lại, có thông tin khác, trong đó có nguồn từ vị đại diện tông tòa, cho biết có thể có trao đổi tốt đẹp hơn.
Chúng tôi tiếp tục công việc cho tới ngày 18 tháng 12, một trưởng dân quân xã tới và rất lịch sự hỏi xem chúng tôi có tàng trữ vũ khí không? Dĩ nhiên là không, nhưng tôi không nhớ là có lập biên bản hay không (128).
Ngày 19 tháng 12, chúng tôi ăn cơm tối gần xong, vào khoảng 19g30, thì điện bị cúp và nghe từ trong thành có tiếng nổ. Mọi người đều nấp tản mác trong nhà, có mấy cha lên sân thượng, nghe rõ tiếng lựu đạn nổ trong sân (do một dân quân xã ném vào, nhưng sau này người ta tố cáo chúng tôi). Tức khắc, các chủng sinh lên phòng chúng tôi cho biết là nhóm dân quân buộc chúng tôi phải xuống tầng trệt. Khi mọi người đã xuống tất cả rồi, thì dân quân cho tập hợp tất cả chủng sinh trong nhà hội, còn để các cha trong sân vào nhà. Mấy phút sau, họ dẫn chúng tôi tới một ngôi chùa gần đấy, nơi đã hội lại nhiều người khác cũng bị dân quân bắt như chúng tôi.
Thế là chúng tôi bị bắt làm tù nhân cho tới ngày 24 tháng 12 năm 1949.
2. Từ 1946-1954
Có thể chia giai đoạn mới này làm hai thời kỳ. Trước hết, 1946-1949 : sáu giáo sĩ Xuân Bích là Léon Paliard (Đoán) (129),Paul Uzureau (Lý), Pierre Gastine (Tín), Daniel Bouis (Cẩn), Antoine Carret (Cả), André Courtois (Lịch) bị bắt làm tù nhân. Ngày 2.1.1948, Daniel Cẩn chết vì bị sốt rét rừng ; và đến ngày 24.12.1949, các người khác được tha. Nhưng năm 1949, trước khi được tha, đã có mấy cha Xuân Bích khác tới chủng viện Hà nội. Tất cả đều bắt tay vào việc đào tạo linh mục từ 1949 đến 1954, cho tới khi cùng với chủng sinh, họ phải lên đường vào Nam.
a. 1946-1949
Tôi sẽ không tường thuật tỉ mỉ lại ba năm chúng tôi đi tù, vì một bài tường thuật vừa linh động vừa chính xác đã được Phaolô Đoán viết đăng trong Tạp chí Cựu học sinh Xuân bích (số 200, 15.5.1950, trang 21-25; số 201-202, 15.11.1950, trang 10-14). Tôi chỉ vắn tắt ghi lại ở đây.
Chúng tôi bị đưa đi tù ở nhiều nơi. Thực ra chúng tôi không bị “tù” theo nghĩa hẹp. Chúng tôi cùng ở trong nhà tù với hai người Pháp chính tông và ba người lai trong đó có một phụ nữ. Đó là trong thành tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội 50 cây số về phía đông bắc. Chúng tôi chỉ ở đó chừng mấy tuần. Rồi tới thời kỳ giam lỏng cứ tiếp tục cho tới sau cùng này, từ nơi này đến nơi khác. Tất cả chừng sáu nơi trước địa điểm cuối cùng. Ba địa điểm sau cùng, dài hơn hết, thì ở vào vùng ngoại ô thị xã Tuyên Quang, cách Hà Nội chừng 140 cây số, xa tất cả dân cư đông đúc quan trọng, trong vùng đồi núi, khe suối và rừng rậm.
Thái độ của các nhân viên canh gác chúng tôi thế nào ? Phải nhận rằng họ khá nể trọng chúng tôi. Trong cách xưng hô và gọi chúng tôi, họ vẫn giữ tư cách lịch sự trong phép xã giao cổ kính Việt nam. Tôi còn nhớ chỉ có một lần, khi họ khóa tay chúng tôi, họ đã xin lỗi chúng tôi. Đó là vào buổi đầu khi họ dẫn chúng tôi đi bộ cùng với một nhóm khác khá đông, thế nhưng đoạn đường không dài…
Điều kiện sống thì thực ra có thể chịu đựng được. Khi chúng tôi bị tù ở Sơn Tây, có một nữ tu người Việt thuộc dòng thánh Phaolô thành Chartres đã được phép đem cho chúng tôi mỗi người một chiếc mùng, một chiếc mền đắp và một khăn lau nhỏ. Rồi trong ba hay bốn tháng đầu, thỉnh thoảng có một linh mục Việt, một trong các học trò cũ của chúng tôi, đem cho chúng tôi mấy quần áo, nhờ đó chúng tôi chịu đựng được cho tới cùng. Lúc đầu chúng tôi vẫn còn mặc áo chùng thâm, nhưng rồi chúng tôi để dành, cứ thế cho tới khi được tha chúng tôi mới lại mặc vào. Về thức ăn, trên nguyên tắc, chính quyền đã trao một số tiền khoán tùy theo số người cho nhân viên nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi được kín đáo biết rằng số tiền cho mỗi người chúng tôi này có thể cho chúng tôi ăn uống tương đối đầy đủ. Thực ra người thứ nhất đã quản dưỡng chúng tôi đầy đủ, còn người tiếp theo sau thì vừa lâu dài vừa tiêu xài dè xẻn hết sức, để còn thể kinh doanh với dân địa phương. Hắn đã quá lạm dụng đến độ chúng tôi đã cho hắn một biệt danh là con quỉ hút máu – vampire. Ngoài cơm đầy đủ, còn ra thì thiếu hụt trầm trọng. Các anh em cao tuổi không quen với cơm, thì khổ hơn chúng tôi.
Trong chừng ba tháng, chúng tôi có thể dâng thánh lễ mỗi ngày, nhưng rồi vì không liên hệ được với các linh mục Việt Nam, nên không thể làm được nữa. Các linh mục đã cho chúng tôi sách kinh nguyện, mỗi người chúng tôi đều có một quyển. Thế nhưng khi chắp lắp lại thì chỉ được một hay hai phần trong bốn phần phải có. Thế là tùy tiện mà sử dụng thôi. Cũng nhờ các cựu chủng sinh, chúng tôi có được một cuốn sách cũ nhan đề “Thủ bản Kitô giáo” – Manuale Christianum – bằng tiếng Latinh, Tân ước, sách Gương Phúc (130) và Tiểu Kinh Nhật khóa Đức Trinh Nữ. Đó là tất cả thư viện của chúng tôi. Hàng ngày, chúng tôi lần chuỗi hạt chung với nhau. Còn về nguyện gẫm thì không thiếu thời giờ và để được yên tĩnh, mỗi người chúng tôi tìm một con đường nhỏ trong rừng để có thể đi đi lại lại trong tịch mịch và thanh thản. Ngoài những việc đó, chúng tôi có những công việc riêng. Những ai khéo tay thì lấy tre làm bàn làm ghế ; người khác lấy gỗ làm guốc. Những ai vụng về thủ công thì đi đẵn gỗ trên rừng, phơi khô để rồi nhóm lửa trong nhà khi trời trở lạnh. Có người còn trồng dưa hấu hay thuốc lá. Léon Đoán (Paliard) dành cho mình việc câu cá. Trong dịp qua lại các nhà, chúng tôi lượm được ít sách vở : hai quyển tiểu thuyết Pháp, hai hay ba số Tạp chí hai thế giới (Revue des deux Mondes) (131), một vài sách cỏn con tiếng Việt hay chữ Hán và mỗi người tùy theo sở thích, có thể đem ra sử dụng.
Còn về sức khỏe của chúng tôi thì thế nào? Câu trả lời khá nặng nề và nhất là khá đau lòng, bởi vì Daniel Cẩn đã chết vì bệnh trong đất tù đày. Bệnh sốt rét rừng thực ra vẫn hoành hành ngự trị nơi chúng tôi sống trong nhiều tháng, không thể trốn thoát được, nhất là khi không có thuốc men ngăn ngừa chống đỡ. Cả sáu người chúng tôi đều bị sốt rét, mỗi người mỗi cách, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng Daniel Cẩn là người chịu bệnh đầu tiên vào khoảng tháng 5 năm 1947 và bệnh tình tăng dần cho tới cơn đau ghê gớm cuối cùng vào khoảng cuối năm, còn chúng tôi thì nặng nhẹ ít nhiều tùy người. Khi Daniel Cẩn chết ngày 02.01.1948, thì ba đồng sự anh em nằm liệt, chỉ còn Léon Đoán và Phêrô Tín có theo quan tài cho tới huyệt được đào dưới một gốc cây bên bờ một con suối (132). Tôi phải nói rằng khi bệnh tình trở lại rất nặng thì có một y tá đến tiêm cho Daniel Cẩn, nhưng muộn quá rồi. Ít lâu sau cái chết này, các viên chức đã gửi tiền đến cho chúng tôi để mua thuốc chống sốt rét, chúng tôi đã sử dụng mãi cho tới khi được thả tự do.
Trừ vào buổi đầu, còn thì chúng tôi vẫn có liên hệ với các viên chức Việt nam vào hai dịp Noel và Tết, ngày đầu năm Việt nam. Vào hai dịp lễ này, có người được phái tới tặng chúng tôi món quà nhỏ và thêm lời chúc mừng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi không tìm được người nào để than phiền. Một lần chúng tôi trao cho một nhân viên cảnh vệ sống với chúng tôi lá thư, nhưng không được gửi tới nơi. Thế nhưng, một hôm có một viên chức hầu như khá cao cấp đến sống với chúng tôi một ngày, nói chuyện khá có cảm tình và nghe chúng tôi trình bày về hoàn cảnh sống của chúng tôi. Rồi thời gian qua đi, và sau mấy tháng, vào cuối tháng 11, một viên chức khác cao cấp hơn người trước vì đi ngựa và ăn mặc chỉnh tề, kèm theo chủ tịch xã và mấy dân quân tự vệ. Nói thành thạo tiếng Pháp, ông hỏi chúng tôi lâu giờ, cho chúng tôi hay là ông không biết về cái chết của bạn đồng sự, hỏi chúng tôi xem chúng tôi có dâng lễ hằng ngày ; rồi ông gợi ý cho chúng tôi viết một lá thư (133) lên chủ tịch Hồ Chí Minh xin được thả tự do. Ông còn nói với: “Đơn hẳn sẽ được chấp thuận, vì chủ tịch rất tốt.” Thế là chúng tôi đã viết và ký đơn, rồi gửi đi. Cuối tháng 11 chúng tôi được chuyển chỗ ở – không có tên quỉ hút máu – tới một nơi rất gần Tuyên Quang. Ở đây chúng tôi được đối xử khá hơn và nuôi dưỡng cũng khá hơn. Hai ngày trước Noel, một viên chức đến và trao cho chúng tôi lá thư của chủ tịch Hồ Chí Minh viết những lời thân thương, báo ngày chúng tôi được “giải phóng”. Ngày 24.12.1949, một nhóm binh sĩ dẫn chúng tôi tới cách chừng hai trăm thước một đồn quân đội Pháp đóng thuộc tỉnh Việt Trì. Chúng tôi thắng áo chùng thâm, và vừa hô lớn tiếng “Tù nhân Pháp”, vừa vẫy một tấm vải trắng, chúng tôi tiến về đồn, và được một sĩ quan tiếp đón. Chúng tôi đã được tự do (134).
b. 1949-1954
Khi bị tù, chúng tôi thường nhắc nhớ tới chủng viện và các chủng sinh, nhưng chúng tôi không biết là vào tháng 11.1948, Yves Hémon (Liêu) và Jean Theuret (Phước) (135) đã tới Hà nội để dạy học ở chủng viện. Thực vậy, ngày 19.12.1946, các chủng sinh đã phải tản mát đi ở các nơi hay trở về giáo xứ của mình. Vị đại diện tông tòa Hà nội đã gọi họ về và trao cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế (136). Thế rồi đã mở lại đại chủng viện trong tòa giám mục ở phố Nhà Chung, bởi vì chủng viện Xuân Bích vẫn còn là nơi quân đội Pháp đóng. Cha Chính địa phận làm giám đốc cùng với các linh mục Việt Nam làm giáo sư (137). Năm 1948 vị đại diện tông tòa Hà Nội cùng cha Bề Trên Cả Pierre Boisard, đồng tình đề cử cha Hémon (Liêu) và Jean Theuret (Phước) tới Hà nội. Sau đó ít lâu, Jean Theuret làm tuyên úy quân đội Pháp và Yves Hémon làm giám đốc chủng viện (138). Chính cha Liêu đã đón tiếp rất thân thương những tù nhân Xuân Bích được trở về Hà nội. Tất cả năm người đều lấy máy bay hay tàu đại dương mà về Pháp tĩnh dưỡng. Năm 1950, cha Adrien Villard (Vi) tới giúp cha Hémon, chủng viện sinh hoạt bình thường, nhưng chỉ có chủng sinh địa phận mà thôi. Năm 1950, số giáo sư được tăng lên. Ba trong năm “cựu tù nhân” xin ở lại Pháp để tĩnh dưỡng là Léon Đoán, Phaolô Lý, Antôn Cả, còn hai bạn đồng sự, Phêrô Tín và Anrê Lịch tình nguyện trở lại Việt Nam vào đầu niên khóa 1951-1952. Cha Raymond Deville (Ville : Thành), chuyên về Kinh Thánh tự nguyện đi theo. Cả ba có thể lấy tàu cho kịp niên học vào tháng chín. Thế nhưng vào tháng bảy, bất ngờ xảy ra tai nạn lớn : khi đi nghỉ hè với các chủng sinh ở bờ biển, Yves Liêu đã chết trong một tai nạn xe hơi. Thế là đã mất đi một con người mà hết các chứng nhân đều công nhận là một tài năng trí tuệ vượt mức, đồng thời cũng là linh mục sống theo lý tưởng cao thượng vượt bậc (139). Cha Phêrô Tín được đề cử làm bề trên thay và đã cấp tốc lấy máy bay đi Hà nội để chuẩn bị khai trường, với Adrien Villard (Vi) làm quản lý.
Tháng 9 năm 1951, chủng viện Xuân Bích (ở Liễu Giai, Hà Nội) vẫn bị quân đội Pháp chiếm đóng. Các chủng sinh phải ở Nhà Tập cũ của địa phận trong địa bàn khu Nhà Chung, (40 phố Nhà Chung, Hà Nội) cạnh nhà thờ chính tòa. Ban giáo sư gồm có Phêrô Tín : bề trên, dạy triết ; Anrê Lịch: khoa học, lịch sử và hướng dẫn mục vụ ; Adrien Vi : quản lý, thần học tín lý, phụng vụ, giáo phụ học ; Raymond Thành : kinh thánh và thánh nhạc ; Nguyễn Huy Mai (sau này làm giám mục Ban Mê Thuột) : luân lý cơ bản.
Các học sinh thì chia làm hai chu kỳ, lúc đó được gọi là Triết học và Thần học. Ngoài chủng sinh Hà nội, còn có chủng sinh các địa phận Thanh Hóa, Hưng Hóa, Vinh. Trong đó, có nhiều chủng sinh đã bí mật bỏ vùng Việt Minh nên không thể trở về lại được. Cho nên trong kỳ nghỉ hè, chủng viện không trống rỗng và cũng tốt nếu cho đi nghỉ ở bờ biển, trong một nơi chủ nhân cho mượn (gọi là Bãi Cháy) thuộc Hải Phòng. Đó là vào những năm 1952-1953 (140).
Tinh thần chủng sinh thì tốt, tôi muốn nói, họ làm cho chúng tôi tín nhiệm, nhưng họ băn khoăn về tình hình đất nước họ, dĩ nhiên thôi. Đứng đầu là vua Bảo Đại, trên nguyên tắc, ngài cai trị một nước độc lập, nhưng thực ra chỉ có thể đứng được do sự có mặt của quân đội Pháp. Quân đội Pháp cũng muốn đào tạo cho thành một quân đội quốc gia Việt Nam hùng mạnh (141). Nhưng lực lượng mới này có thể đủ mạnh để đương đầu với quân đội cộng sản không? Trong những tổ chức lễ hội vào những dịp đại lễ như ngày Tết chẳng hạn, người ta nhận thấy nỗi băn khoăn về tương lại của đất nước họ. Thế nhưng họ vẫn chuyên chú học để tự mình chuẩn bị chịu chức linh mục.
Năm 1952 có thêm hai linh mục mới, Vincent Corpet (Xuân) và Renée Oger (Thu) (142). Vừa học tiếng, hai cha vừa dạy học, cha Xuân dạy triết và cha Thu dạy xã hội học, còn cha Tín thì điều khiển hai lớp học về phép Giải tội và phép Hôn phối. Cha Nguyễn Huy Mai làm cha tổng đại diện địa phận và giám đốc tiểu chủng viện (143). Nhưng lại xảy ra một tai nạn mới : đang khi nghỉ ở học viện các cha Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, cha Renée Thu đã chết đuối trong tai nạn xảy ra ở thác Pongour. Nhảy xuống tắm, cha bị nước lôi cuốn và chết mất tích không tìm thấy xác, mặc dầu đã có nhiều cố gắng. Rất có khả năng dạy học và đã bắt đầu học tiếng, cha Thu có một tinh thần cởi mở và chiếm được lòng quí mến của các chủng sinh (144). Cuối năm học 1953-1954, khi bắt đầu nhắc tới việc đi Nam, cha Thành đã phải về Pháp vì vấn đề sức khoẻ. Ai chẳng luyến tiếc một vị thày xuất sắc về môn chuyên nghiệp là kinh thánh, về tiếng Việt đã thành thạo, về tính khí hồn nhiên vui vẻ?
Vậy chỉ còn thời gian thuyên chuyển chủng viện vào Nam. Về tình hình chính trị thì là thế này. Hội nghị Genève gồm chín quốc gia họp từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1954 và quyết định tạm thời chia nước Việt Nam : Bắc kể từ vĩ tuyến 17 trở ra, thuộc về chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam trên lý thuyết thuộc về Bảo Đại làm quốc trưởng, Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức (thế nhưng sẽ không bao giờ được thực hiện) để định đoạt số phận chung cục nước Việt Nam. Trong khi chờ đợi, thì có tự do thông thương hoàn toàn giữa hai miền Nam Bắc. Có từng hàng trăm ngàn người Bắc, vì sợ chế độ cộng sản, đã di cư vào Nam (145).
Vấn đề được đặt ra cho các chủng sinh là thế này: Có nên vào Nam hay không? Câu trả lời rất nhanh chóng là nên. Đức cha Trịnh Như Khuê giám mục Hà Nội đồng ý cho phép vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Nhưng đi đâu? Bằng cách nào?
Chúng tôi liên hệ với đức giám mục Sàigòn và được biết sẽ có thể được trực tiếp nhận trên một khu đất thuộc giáo xứ Chợ Đũi (Sài Gòn), dĩ nhiên sẽ bắt đầu có mấy căn nhà gỗ tạm bợ. Chủng viện khởi hành vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, có các xe tải nhà binh đưa người và của, đồ vật tới bến Hải Phòng, rồi từ đây được xuống tàu Anna Salem, thuộc Bắc Âu, chuyên môn chở người di cư tới Úc. Sau hai ngày chúng tôi cập bến Sàigòn. Vì “lều chõng” chưa kịp dựng, chúng tôi phải cư ngụ hơn một tháng trong trường Puginier thuộc các sư huynh La Salle. Trong khi đó, các chủng sinh Bùi Chu cũng rời khỏi Bắc cùng đức cha Phạm Ngọc Chi, và đến ở trong những lều trại dành cho chúng tôi và cương quyết ở lại đó. Để đổi lại, người ta bảo đảm cho chúng tôi khu đất đức cha Ngô Đình Thục dành cho chúng tôi trong địa phận Vĩnh Long. Thế là Phêrô Tín và Adrien Vi đi Vĩnh Long ngay tức khắc (chừng 130 cây số về phía Nam Sàigòn) để gặp ngài. Chúng tôi được tiếp đón rất niềm nở và được ngài cho một phần lớn của khu nhà rộng rãi mới chỉ có các học sinh nội trú ở. Thế rồi, một lẫn nữa các xe tải nhà binh lại chở chúng tôi, người cùng của, tới Vĩnh Long …
Thế là kết thúc giai đoạn thứ hai trong lịch sử Xuân Bích ở Việt Nam, kể từ 1945 tới 1954 (146).
Phêrô Bùi Đức Tín, Linh mục Xuân Bích
Issy-les-Moulineaux, 1990
Hồng Nhuệ dịch
————————————————
(121) Trong thời kỳ đói kém này, chúng tôi còn ở tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên. Chúng tôi phải bớt bữa ăn về chất lượng và số lượng. Từ ba bữa ăn mỗi ngày giảm đi còn hai bữa, nhưng vì ở miền quê nên ít có người từ vùng đói kém như Thái Bình tới xin ăn. Dẫu sao, chúng tôi đã “lượm” được hai em bé gần chết ở chợ Bái Vàng đem về cho nhà trường nuôi. Chúng tôi đặt tên cho hai em là : thằng Đỏ, thằng Đen, theo màu da của hai em. Kỳ lạ làm sao, 55 năm sau (1945-2000), chúng tôi đã tình cờ gặp lại “em Đỏ” bây giờ đã lớn, có gia đình và có con đang theo đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã ôm chầm lấy “em” và thực tình rất cảm động. Thực ra chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những cảnh tượng bi đát và đau thương này, ở Hà Nội cũng như ở quê chúng tôi, xứ Kẻ Rùa, cách Hà Nội 18 km về phía Nam.
(122) Lúc này là đức cha Thịnh (Mgr Chaize), người Pháp, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài, MEP. Ngài cầm quyền giáo phận, làm giám mục phó từ 1925, rồi giám mục chính từ 1935. Ngài mất năm 1949. Ngài là vị giám mục cuối cùng thuộc Hội Truyền Giáo MEP trong địa phận Hà Nội.
(123) Chủng viện cũng nhận một số chủng sinh miền Nam, nhưng xem ra, chủng sinh miền Nam có tinh thần ôn hòa hơn, hay “theo Pháp” hơn chăng?
(124) Thực ra hậu quả của việc này đã ảnh hưởng tới quyết định của đức giám mục. Không hiểu có sự đồng tình của các giáo sư hay không, nhưng vào dịp khai trường năm sau, có mấy chủng sinh không được gọi về tiếp tục học: họ bị khai trừ vì đã không vâng lời mà đi biểu tình ngày 2-9-1945. Vì đa số cũng là bạn thân của chúng tôi nên chúng tôi còn nhớ danh sách các anh bị khai trừ, đa số đã ra đời, lập gia đình, thí dụ các anh Hùng Lân, Tâm Bảo, Thiên Phụng, Thiết, Hùng Thái Hoan, Thanh Tùng… Đa số các anh hiện nay đã là người thiên cổ, trừ một vài!
(125) Lúc này quân đội Trung hoa rất tồi tệ, binh phục không rách rưới thì cũng bệ rạc. Họ cũng đói, cũng khát, cũng nhũng nhiễu kiếm ăn. Nhân dân gọi họ là “Tàu phù”, vì trông họ như bị bệnh phù vì thiếu ăn thiếu uống. Chúng tôi được chứng kiến và cũng được biết ông Hải Thần (Quốc Dân Đảng) cũng có mặt ở Hà Nội vào thời kỳ này và có cho ấn hành một tờ báo.
(126) Một hiện tượng tương tự xảy ra năm 1975 khi quân đội kháng chiến vào Sài Gòn. Vì ở bưng biền lâu năm dài tháng, nên không hề biết văn minh vật chất ở Sài Gòn hoa lệ, cầu tiêu men trắng ngỡ là chậu rửa mặt, lạp xưởng hay lạp xường hảo hạng coi như con sâu nướng… Các phu nhân cao cấp lúc đó thảy đều quần đen áo đen, không biết áo lót quần lót là gì ! Thế nhưng là đội quân chiến thắng oanh liệt !
(127) Như chúng tôi đã nói ở trên, vào dịp tựu trường này, không có mấy anh em gây rối loạn nói trên.
(128) Nên nhắc lại, khi các cha phải tái nhập ngũ trong quân đội Pháp ở Hà Nội, trong bản văn có nói, sự việc này hẳn không qua mắt dân quân xã. Các giáo sư cũng còn là sĩ quan trừ bị trong quân đội Pháp cơ mà?
(129) Tên Việt Nam thường do đức giám mục địa phận đặt cho và thường theo cách đọc lấy ra từ một vài vần nào đó trong tiếng mẹ đẻ hoặc từ tên thánh. Ở đây mấy chữ Lý, Đoán, được lấy ra từ Lý Đoán trong tiếng cổ có nghĩa là thần học, còn Gastine: Tín, Bouis: Cẩn, Carret: Cả, Courtois có nghĩa là lịch sự. Hai đại diện tông tòa tiên khởi Đàng Ngoài có tên Việt là đức cha Phan (Phanchicô Deydier + 1693) và Gia (Giacôbê Bourges + 1714)
(130) Sách Gương phúc, sách danh tiếng về việc theo gương Chúa Giêsu, phù hợp cho tu sĩ và giáo sĩ hơn là cho giáo dân. Đã có mấy bản dịch Việt ngữ. Sách đã nuôi dưỡng tinh thần và thiêng liêng từ mấy thế kỷ nay. Tiểu Nhật khóa Đức Trinh Nữ, một thứ sách kinh nguyện không thay đổi ngày, mùa, năm, vắn tắt và chính yếu, gồm đủ các giờ theo Sách Nguyện Rôma. Thời trước công đồng Vaticanô, sách này là sách kinh nguyện của nhiều dòng anh em, dòng chị em. Dĩ nhiên vẫn bằng tiếng latinh. Đã có lần trong tuần cấm phòng đầu năm học đại chủng viện, chúng tôi đã thử xin phép dùng bản dịch tiếng Việt cổ, nhưng không thành, chỉ vì bản dịch tiếng Việt cổ lỗ sĩ quá, khi đọc lên chỉ gây buồn cười, thí dụ Sự công chính và hòa bình hôn nhau lời một thánh vịnh.
(131) Tạp chí này rất danh tiếng, có cả tranh ảnh.
(132) Các công nhân công giáo Thái Bình lên Tuyên Quang làm đường được một gia đình (vợ Việt, chồng Mường ?) chỉ cho biết đó là mộ một Cố đạo, họ đã bốc và chôn ở nghĩa địa linh mục xứ Cát Đàm thuộc địa phận Thái Bình.
(133) Sau này, chúng tôi được biết, lá thư Hồ Chủ Tịch, cha Tín đã đem về Pháp, nhưng chúng tôi tò mò xin làm kỷ niệm, một kỷ niệm rất quí, thì cha không còn tìm thấy trong tủ sách của cha, thật là đáng tiếc.
(134) Tháng 12.1949 này, chúng tôi đã có mặt tại chủng viện Xuân Bích lúc đó tọa lạc ở tòa giám mục, 40 phố Nhà Chung Hà Nội. Chừng một tuần trước, đài phát thanh đã loan tin. Thế rồi vào một buổi chiều, trong khi chúng tôi đang chơi bóng ở sân, thì thấy bóng 5 cha vào tới chủng viện. Thật là bất ngờ, tuy đã được báo trước.
(135) Đức giám mục địa phận đã lấy tên hai giám mục danh tiếng Mgr Retord (Liêu + 1858), Mgr Puginier (Phước + 1892) mà đặt cho, để nhắc nhở người xưa có công với giáo phận.
(136) Dòng đã được thành lập ở Thái Hà Ấp, ngoại thành, cách trung tâm chừng 4 cây số về phía Tây Hà Đông (nay là Hà Tây). Chắc chắn là Dòng đã tới Việt Nam năm 1927, nhưng tới Hà nội thì sau hơn một chút, sau 1930 chăng? Ở Hà nội đã có một học viện và nhà nguyện dành cho giáo dân. Năm 1947, địa phận bắt đầu gọi chủng sinh về học, nhưng vì chưa có người và nơi thuận tiện, cho nên đã gửi qua học viện. Năm 1948 mới tái lập chủng viện đặt trong tòa giám mục, 40 phố Nhà Chung.
(137) Năm 1948, trong đại chủng viện Hà Nội có cha Chính Huy (Vuillard) làm bề trên. Ngài thuộc hội truyền giáo nước ngoài MEP, cũng là cựu giáo sư chủng viện cũ, tác giả bộ Giáo luật hệ trợ hai tập, gần 500 trang, 1935-1936. Đức cha Thịnh, giám mục địa phận, cựu giáo sư, cựu giám đốc chủng viện cũ, đã viết Cốt yếu bài giảng, 1925, 608 trang, Cốt yếu bài giảng, 1933, 717 trang. Ngài dạy môn Luân lý. Các giáo sư đều là những linh mục địa phận du học Pháp về với văn bằng đại học đạo đời rủng rỉnh: Cha Nhân, dạy Triết học, sau này chết vì bom Mỹ ném xuống cạnh nhà thờ Nam Định (+1970 hay 1971 ?); cha Vinh, dạy Thần học và thánh nhạc, sau này chết trong tù (+1971); cha Bồng, dạy Triết học, sau này chết trong rừng Blao (197..?), cha Khiết, dạy Lịch sử Giáo Hội ; cha Mai, dạy Kinh Thánh, sau làm giám mục Ban Mê Thuột, mất năm 1990. Chúng tôi không bảo đảm về các môn, bởi vì đã qua đi lâu năm, nên không còn nhớ rành mạch. Chúng tôi còn nhớ hình ảnh cha Bề trên Huy lúc đó đã cao niên nhưng rất hiền hậu và thánh thiện.
(138) Chúng tôi còn nhớ cha Theuret lúc đó còn khá trẻ và rất giỏi về triết học. Có thể ngài có bằng cao về môn này. Thế nhưng chúng tôi vẫn chưa biết tại sao ngài lại ra làm tuyên úy quân đội Pháp. Hình như lúc này đã có người dạy môn triết (cha Nhân) và cũng vì ngài thấy học tiếng Việt rất khó, không trông vượt được chăng? Thật là rất đáng tiếc.
(139) Là học trò quí mến thầy và cũng là chứng nhân trong tai nạn xảy ra ở Bãi Cháy thuộc Hòn Gai trước vịnh Hạ Long danh tiếng. Hôm đó vào ngày Chúa nhật, cha đi làm lễ ở một trại lính Pháp trên đỉnh núi không quá cao. Vào chừng sau trưa một chút, khi chúng tôi đang thiu thiu giấc ngủ trưa dưới bóng mát vườn của biệt thự mà chúng tôi thuê ở Bãi Cháy, thì từ xa nghe tiếng thắng xe và tiếng đổ xe. Hóa ra là xe sĩ quan Pháp đưa cha Liêu trở về sau thánh lễ và bữa cơm trưa. Hẳn cũng vì hơi quá chén cho nên viên sĩ quan không làm chủ được tay lái trong khúc quặt đường đèo. Xe lăn xuống vực không quá sâu. Người ta đưa cả hai nạn nhân qua nhà thương Hòn Gai. Cha Liêu chết tại chỗ, còn viên sĩ quan thì đưa đi Ấn Độ để chữa chạy không biết kết quả ra sao. Thật là một mất mát lớn. Đức cha địa phận, Trịnh Như Khuê, đã từ Hà nội ra Hòn Gai cử hành đám tang lớn. Ngài được chôn cất ở nghĩa trang Hòn Gai.
(140) Đó là một biệt thự đã đổ nát, có thể tạm dùng được, nằm ở Bãi Cháy, trước mặt là vịnh Hạ Long, bên kia là Hòn Gai, qua một bến phà. Biệt thự nằm lưng chừng đồi. Chúng tôi dọn sạch, không có giường, trải chiếu mắc mùng nằm sát cạnh nhau chừng mươi người một phòng rộng. Tổ chức nội bộ, chia phiên nhau trong các nhóm : làm bếp, đi chợ, bổ củi. Chợ thì qua Hòn Gai, củi thì chặt ở khe đồi khe núi, tự làm lấy hết… Thích thú nhất là tổ chức đi tham quan vịnh Hạ long với các hòn đảo kỳ diệu, những hang thiên nhiên kỳ thú như hang Đầu Gỗ, hang Trinh Nữ…. Đã có lần chúng tôi bơi từ Hòn Gai sang hòn đảo kế bên giữa biển, rồi đã táo bạo leo núi cấm, tuyệt đối cấm, núi Bài Thơ danh tiếng và bị cảnh binh Pháp gọi ra hầu tòa. Thực ra chưa ai dám cả gan leo núi Bài Thơ, nếu không nấp bóng theo chân cha Hémon (Liêu), người Pháp và là một người thích thú mạo hiểm.
Ngoài việc đi nghỉ mát Bãi Cháy, ở Hà nội, vào mùa hè, chính trong chủng viện, chúng tôi còn tổ chức dạy hè, để có chút kinh tài, những lớp Pháp văn và Toán Lý Hóa rất được trọng. Học trò Hà Nội rất tín nhiệm chúng tôi. Nếu chúng tôi không lầm thì lớp hè đã tổ chức được hai hay ba năm.
(141) Thực ra vấn đề không đơn giản. Quan điểm này của Pháp có thể chỉ là trá hình, vì còn muốn duy trì chế độ thực dân ở Việt Nam, chứ chưa hẳn dễ dãi nhả ra đâu.
(142) Chính đức cha Trịnh Như Khuê đã đặt hai tên này cho hai cha Xuân Bích mới tới.
(143) Được thành lập kể từ hơn một trăm năm ở Hoàng Nguyên, huyện Phú Xuyên. Vào năm 1949 hay 1950, trường được đưa về Hà Nội, một phần để tránh nguy cơ chiến tranh du kích ở các vùng này, phần khác cũng để nâng trình độ đào tạo và huấn luyện. Trường được đặt ở Trung học Lacordaire cũ thuộc các cha Đaminh, sau nhường cho các nữ tu dòng Đức Bà (Chim Trắng), rồi nhường cho trung tâm Cô Nhi viện, cuối cùng là tiểu chủng viện. Có một tổ chức mới, theo chương trình trung học, có các giáo sư có bằng cấp cao du học Pháp về, như cha Nguyễn Văn Vinh, cha Nguyễn Huy Mai. Cha Fontaine, thạc sĩ địa chất học vừa dạy chủng viện vừa dạy đại học quốc gia Hà Nội và đi nghiên cứu địa chất ở nhiều nơi. Cha Lê Văn Lý tiến sĩ văn chương Pháp cũng dạy chủng viện và đại học. Tiểu chủng viện này ở gần trường đua ngựa không xa vườn bách thú cũ, ngày nay là bệnh viện nhi đồng.
(144) Nhận được tin đau đớn, các chủng sinh, trong đó có chúng tôi, đã khóc nhiều. Năm 1954 nhân dịp qua Pháp, chúng tôi có tìm đến gặp cụ bà thân sinh ra cha Thu, để tỏ tình quí mến, thương tiếc, chia buồn. Cụ thân mẫu cha đã khóc trước mặt chúng tôi. Thật là một cái tang lớn cho Hội và cho địa phận.
(145) Tác giả chỉ hết sức vắn tắt và sơ lược kể lại một biến cố vô cùng quan trọng. Riêng phần chúng tôi, vào những tháng 4,5 ở Hà Nội, mặc dầu sống trong chủng viện và dưới quyền các cha người Pháp, chúng tôi, các chủng sinh đã rất hồi hộp theo dõi diễn biến các trận chiến. Mỗi khi được tin Việt Minh thắng thì dẫu sao, trong thâm tâm vẫn phấn khởi. Phần chúng tôi đã đi Pháp vào tháng 5 và không tham dự trực tiếp vào cuộc di cư năm 1954.
(146) Thật ra cũng là hết sức vắn tắt. Bởi vì cũng nên nhắc lại là vào khoảng năm 1952-1954, hai chủng viện Bùi Chu và Phát Diệm đã phải di tản đưa về Hà Nội, hoặc thuê nhà (như Bùi Chu) hoặc gửi địa phận Hà Nội (như Phát Diệm). Chúng tôi không còn nhớ rõ, nhưng chắc chắn là chúng tôi đã được học chung với mấy chủng sinh địa phận Phát Diệm ở Hà Nội và đó cũng là một điều bổ ích về giao lưu trao đổi, cho tới khi đi di cư năm 1954. Chúng tôi còn nhớ cha Vũ Đình Trác danh tiếng, lúc đó cùng học với chúng tôi ở Xuân Bích Hà Nội.
Cũng nên nói qua tới chủng viện Bùi Chu, Quần Phương, có cha Trần Văn Hiến Minh, người đã nâng cao ngọn cờ dạy các môn bằng tiếng Việt và đã đứng đầu ban dịch thuật và soạn cuốn Tự vị Thần học Triết học đầu tiên.
Cũng vậy cha Phạm Ngọc Chi trước khi làm Giám mục Bùi Chu, đã làm giám đốc đại chủng viện Phát Diệm và soạn bộ sách Phúc Âm Dẫn Giải bằng tiếng Việt được nhiều người ca tụng.
Cũng vào những năm trước 1954, ở Nam Định trong chủng viện Khoái Đồng, đã nhóm họp và thành lập Tạp chí Liên chủng viện Khoái Đồng, Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội để bàn về những từ ngữ thần học và triết học. Tạp chí đã ra mắt được ba hay bốn số.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12