Yoga - Thiền trên thế giới và với Kitô giáo ngày nay (1)
Từ nửa thế kỷ nay, Yoga và Thiền được phổ biến rộng khắp bên Âu Mỹ và bắt đầu hội nhập Việt Nam rồi. Vâng, tại chính Việt Nam chúng ta, sách Yoga được dịch, in bán ngày càng nhiều, đồng thời những khóa Thiền hay Yoga được tổ chức đó đây (Cả trên kênh truyền hình HTV2, cũng có lớp Yoga do thày Ấn Độ dạy), và lác đác có những nhóm hay cá nhân tu sỹ Công giáo đến thọ giáo ở Trúc Lâm Thiền Viện Đà Lạt.
Do đó, không thể không tìm hiểu những kỹ thuật tu luyện rất đông phương ấy, xem ở ngọn của chúng hiện nay trên thế giới ra sao, đồng thời ở gốc là Ấn Độ và Phật giáo, bản chất và hướng nhắm của chúng là gì, có thế mới biết ứng dụng thế nào cho phù hợp với đức tin và lối sống đạo Kitô giáo được.
Thiền và Yoga trên thế giới xưa
Ngay từ thế kỷ III trước công nguyên, từ nước Ấn nhiều đoàn truyền (Phật) giáo đã được hoàng đế Asoka (304-232 tcn) phái đi về hướng Tây đến Ba Tư…, về hướng Đông đến Đông Á và Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam thì miền Bắc tiếp nhận Đại thừa từ Trung Quốc tới, miền Nam đón Tiểu thừa từ Thái Lan, Myanmar… truyền sang. Cũng tại Việt Nam, người Chăm được Ấn hóa (cùng với nhiều nước Đông Nam Á khác) từ rất sớm cũng theo Ấn giáo và Phật giáo (riêng người Chăm Châu Đốc sau này ngả theo đạo Hồi). Chính qua Phật giáo, nhất là Thiền tông, mà việc tham thiền trở thành quen thuộc đối với chúng ta. Chỉ có Yoga (tôi có ý nói Hatha-yoga) là món ăn còn tương đối mới lạ, dù Yoga rất gần gũi với Thiền, như sẽ nói sau này.
Ở Trung Quốc xưa, không thấy ai nhắc đến Yoga, nhưng xem ra Yoga và Tantra đã ngầm ảnh hưởng rất mạnh đến y học và luyện công qua lý thuyết về huyệt (chakra hay luân xa) và lực đạo (nadi). Riêng việc luyện nội lực của một hai phái Đạo giáo : đưa tinh lực từ dưới dọc theo xương sống đi lên về phía huyệt bách hội, thì đó là cách làm quen thuộc của ai tu theo Sakti-giáo (Tantra) ở Bắc Ấn hay Phật giáo mật tông (tantrika) ở Tây Tạng xưa. Vâng, cứ đọc sách Thái nhất kim hoa tông chỉ của Đạo giáo (nói về cách tu luyện kiểu ấy), người không biết có thể tưởng đó là một kinh thư của Tantra (Mật giáo) Ấn Độ. Việc luyện nội lực và luyện phép (cũng là của Yoga) rồi sẽ được khai thác triệt để trong các truyện tiên (luyện phép) và truyện chưởng với người khởi xướng là Kim Dung. Kim Dung cũng đả động đến “thiên lý nhĩ” (nghe xa ngàn dặm), trong khi các truyện như Phong thần thì nói nhiều đến các phép khác như “đằng vân giá vũ” đã được vẽ trong đồ họa cổ về yogi (người tu Yoga).
Về phía Tây, Thiền và Yoga cũng được truyền sang Trung Đông và Đông Âu khá sớm. Dấu vết nay còn tìm thấy trong lời cầu Định an (Hêsukhia) bên Giáo hội đông phương. Đây là lời kinh Xin Chúa thương xót (kurie eleison), lời kinh ấy có thể ngồi mà đọc, vừa đọc vừa tập trung vào rốn mà dùng ý đưa lên trái tim. (x. Hoành Sơn, Niệm tên Giêsu trong an định, ng.s. CGvDT số 108 (th.12/03), tr.75-77). Và đây là phưong pháp Yoga nói đến trong Chú giải-Yoga III.1.
Bẵng đi một thời gian, nay Thiền và Yoga tái xuất hiện gần đây, với một bề thế khác hẳn, bắt đầu từ Âu-Mỹ.
Thiền và Yoga bên Âu Mỹ gần đây
Yoga, và trước hết là Thiền, được Âu châu tái khám phá kể từ thế kỷ XVII qua giới nhà tu KTG. Số là những người như Di Nobili (1577-1656), rồi Monchanin và Henri Le Saux (thế kỷ XIX-XX) đã sang Tây trúc phổ đạo và phổ đạo bằng con đường hội nhập văn hóa. Họ hội nhập bằng cách tu theo kiểu các tu sỹ bỏ đời (samnyasin) bà-la-môn. Mà tu như thế thì cần cả sự hợp tác của thân thể nữa. Và đây là các tọa thế (âsana) và việc điều tiết hơi thở (prânâ-yâma).
Nhờ những nhà tiên phong này, KTG trời Âu mới hiểu được cái lợi của Thiền và Yoga. Thế là nhũng người can đảm nhất bèn mời đón các guru (sư phụ Ấn) và thiền sư Phật giáo sang dạy. Cùng lúc ấy, thấy có thị trường xuất khẩu, nhiều bậc tôn sư khác cũng tự động sang mở các khóa thiền, mở luôn thiền viện hay tu viện nữa. Trong số phải kể trước tiên đến các tu viện của tân Ấn giáo Ramakrisna Mission ở Pháp, Anh, Hoa kỳ…, trong đó người ta vừa thuyết pháp, vừa mở cửa cho những ai muốn vào tu tập một thời gian.
Từ Đông Á, một số thiền sư cũng sang thuyết pháp, dạy thiền và lập chùa. Trong số những vị được Âu Mỹ mến mộ, phải kể đến hòa thượng Thích Thanh Từ của Trúc Lâm thiền viện Đà Lạt.
Sau khi đã thụ giáo với các guru hay thiền sư rồi, một số tu sỹ Công giáo bắt đầu biến chế thiền để đưa thiền vào chiêm niệm chính thức KTG, trong số đó phải kể đến Thomas Merton, John Main, James Finley.
Riêng Yoga -tôi có ý nói Hatha-yoga quen thuộc- thì phổ biến nhanh và được tiếp đón nồng nhiệt như một môn thể thao (và chữa bệnh theo kiểu vật lý trị liệu) kể từ giữa thế kỷ XX. Tại Paris trong thập niên 60, hình như chỉ có những khóa Yoga do Trung tâm văn hóa Ấn Độ tổ chức, mà tôi có đến tập mấy tháng. Thế mà nay đã xuất hiện hàng chục lớp Yoga khác nhau, và có cả một Liên đoàn Yoga Pháp quốc được pháp luật công nhận.
Thật ra, các lớp Yoga, với nhiều cấp khác nhau, được mở trong khắp các thành phố lớn Âu Mỹ, và những thành phố như New York, thì các studio yoga được lập rất rất nhiều, các studio ấy được chính phủ công nhận và những người dạy trong đó được những tổ chức như Yoga Alliance, Yoga Education Instiutute cấp chứng chỉ hành nghề thày dạy Yoga. Điều ấy chứng tỏ rất đông người thích Yoga, học Yoga, luyện Yoga hằng ngày, chuyên gia bơi lội thì để cơ bắp dẻo dai, người khác để có sức khỏe bền và thân thể tráng kiện.
Thế nhưng nếu chỉ nhắm sức khỏe suông, thì ý nghĩa tôn giáo của Yoga bị quên lãng. Cũng như nếu chỉ luyện thiền để tránh stress mà không tuân giữ các quy tắc sống kèm theo, thì ích lợi sẽ rất hạn chế. Ngoài ra, có tu sỹ ngồi thiền mà lại quán (suy niệm) theo kiểu Tây, thì rút cuộc thiền chỉ là cái áo khoác không kém không hơn.
Chính vì thế, trước khi dấn thân vào những kỹ thuật ấy, cần tìm hiểu đúng bản chất của chúng cùng với cả mớ những đòi hỏi kèm theo, nhờ đó xem cái gì phù hợp để khai triển, cái gì chưa phù hợp để biến chế, làm sao cho tất cả thích ứng được với niềm tin và đường lối Phúc âm của chúng ta.
Nhưng trước hết, hãy xem thực sự Thiền và Yoga đang được ứng dụng trên thế giới như thế nào đã.
Thiền và Yoga bắt đầu xâm nhập mạnh vào Phương Tây từ giữa thế kỷ XX, lúc mà giới trẻ học thức ở đó vùng lên trong các phong trào phản biện (contestation), chống lại xu hướng duy lý và những khuôn sống cứng nhắc xưa cũ, cũng như sự ngự trị của những xu hướng tân đại khác, như duy vật chất, duy kinh tế và duy hưởng thụ. Trước tiên, đó là đám hippy bên Mỹ muốn một cuộc sống phóng khoáng, không gò bó nhưng hưng phấn. Đó là đám sinh viên bất mãn thích đập phá bên Âu Châu, bắt đầu từ Paris năm 1968. Họ đập phá vì họ mong muốn một cái gì mới hẳn, nhưng lại không xác định được là gì. Riêng những nhà trí thức thì muốn phá bỏ những nền tảng cũ của văn minh tân đại, và đây là triết học duy lý khởi sụ với Descartes nó khai sinh cho khoa học và giúp phát triển nhanh công nghiệp và kinh tế Tây phương. Chống triết học duy lý nữa, một đằng thì có triết lý hiện sinh nó đề cao con người cụ thể, ở đây và lúc này (dasein), chỉ con người ấy mới có vấn đề như áo cơm, nhà ở để bận tâm (souci), chứ không phải con người trừu tượng. Đằng khác, có thuyết Mác xít nó lấy hạ tầng Nghiệm tác (Praxis) làm cơ sở, chứ không đặt cơ sở từ cao ở lý thuyết nữa. Vâng, Praxis, đó là hành động cách mạng : cứ lao mình vào cách mạng xã hội, thì rồi người ta sẽ phát hiện đúng lẽ phải và công lý nằm ở đâu.
Lúc Tây phương không còn tin vào thế mạnh của mình nữa, cũng là lúc những con rồng và cọp Châu Á bừng thức, hiểu rằng mình cũng có những cái hay để xuất khẩu sang Âu Mỹ: cái hay ấy không nằm ở súng ống và máy móc, nhưng ở cái nó giúp con người tìm ra chân hạnh phúc của mình, và đây là minh triết (wisdom) và các kỹ thuật tu luyện đông phương. Quả thề, giàu có và quyền lực làm gì, khi mà người ta luôn bức xúc, âu lo, nhàm chán, đến nỗi phải chạy trốn bản thân (tức khỏi nội tâm) bằng cách lao mình vào hoạt động và các cuộc truy hoan, kể cả rượu và ma túy nữa! Cái mà thiền và minh triết Á đông có thể mang lại cho họ, đó là sự an lạc “mà thế gian không cho được” (Ga 14, 27).
Sự an lạc này, phải tìm ở chính mình, tức ở nội tâm, chứ không phải từ những gì tích góp từ bên ngoài. Cho nên phẳi vét rỗng khỏi mọi ham muốn, bằng lòng (santosa) với những gì đơn giản thôi (Yoga), và đây cũng là “Tri túc giả phú” của Đạo đức kinh Lão tử. Minh triết phương đông còn chỉ cho thấy rằng thân xác không phải chỉ là phương thế để thụ hưởng, để rồi đi tu không thụ hưởng nữa thì buông bỏ nó đi. Vâng, để tìm an lạc bên trong, thậm chí để thoát khỏi thân xác như Yoga chủ trương, thì thân xác cũng đóng một vai trò quan trọng : và đây là những tọa thế (âsana, do AS có nghĩa là ngồi) và sự điều hòa hơi thở (prânâ-yâma) chúng khiến tâm an định, nhờ đó có thể định thần.
Bắt đầu hiểu ra đâu mới là giá trị thật của nhửng món hàng đông phương ấy, các cô cậu hippy không còn thích Yoga vì cái dáng vẻ rừng rú là lạ của nó nữa, và người ta nghiêm túc đi vào Yoga vì một cuộc sống tốt đẹp hơn (wellness), cũng như đi vào Thiền để tránh những cơn “stress” mà sự âu lo trong cuộc sống làm phát sinh quá dễ.
Như thế, bắt đầu được coi như một cái “mốt” là lạ, nay Yoga đã có một chỗ đứng vững vàng trong xã hội Âu Mỹ. Các lớp, trường dạy Yoga mọc lên như nấm; dạy Yoga trở thành một nghề nghiệp, và người làm thầy được cấp chứng chỉ do những tổ chức như Liên đoàn (Fédération) Yoga, Liên minh (Alliance) Yoga, Viện (Institut) Yoga…có uy tín và được pháp luật công nhận. Chả hạn như bên Pháp năm 1967, các liên đoàn huấn luyện Yoga (fédérations d’enseignement du Yoga) được chính thức nhìn nhận như những hiệp hội (associations) theo qui định của đạo luật 1901. (Ysé Tardan-Masquelier, La réinvention du Yoga par l’Occident, tạp chí Etudes, janv.2002, tr. 48)
Dẫu sao chăng nữa, từ một phương trời xa xăm được nhổ sang trồng nơi đất lạ, Yoga và Thiền không thể không biến dạng rất nhiều. Do đó, để áp dụng chúng một cách hiệu quả hơn, nên tìm lại tận gốc nguồn của chúng, Yoga thì bên Ấn Độ, Thiền thì trong các thiền viện ở Á Châu.
Yoga là gì ở nền tảng của nó
Yoga là một danh từ xuất phát từ động từ Yuj, Yunakti, Yuyoga…, có nghĩa là Buộc (buộc ách vào cổ bò), là Nối với, Đạt tới, Kết hợp. Nên xem ra nó do cùng một nguồn với những chữ có gốc Ấn-Âu như Jungere tiếng la tinh, Joindre tiếng Pháp, To join tiếng Anh. Cụ thể, Yoga biểu thị Con đường (để đạt tới), và đây là đường (hay phương cách) tu luyện. Nói cách khác, Yoga là Đạo.
Còn tiếng Yoga quen thuộc đối với người thường, nhất là người nước ngoài, thì đó là Hatha-yoga hay Yoga mãnh-vận, phải gồng mình lên mới làm nổi. Hatha-yoga có một trong những mục tiêu là luyện cho có một sức khoẻ lành mạnh và dẻo dai. Dẫu sao chăng nữa, mục đích tối hậu của mọi thứ Yoga, kể cả Hatha-yoga hay Kundalini-yoga, đều là tôn giáo : và đây là giải thoát Tinh thần (Purusa) khỏi xiềng xích của vật chất (prakriti) nói chung, đồng thời hiệp nhất hồn với Chúa (Isvara) nếu đây là Yoga chính thống.
Chính vì có nhiều loại Yoga nhưng chúng lại có những điểm tương tự, nên vào đầu công nguyên, Patanjali đã tập hợp những con đường tu luyện quen thuộc nhất thời ấy vào cuốn sách Yoga kinh điển gọi là Kinh Yoga (Yoga-sutra). Thế nhưng vì Kinh Yoga quá vắn tắt nên khó hiểu, Vyâsa phải viết tập Chú giải (Yoga-Bhâsya) vào thế kỷ IV; rồi vào thế kỷ IX Vâcaspati Misra lại viết cuốn Tattva-vaisâradi giải thích rộng hơn chính bản Bhâsya này; và càng bàn giải rộng hơn rất nhiều có bản Phụ chú của Vijnânabhiksu gọi là Yoga-vârttika viết trong thế kỷ XVI.
Trong bài này, để diễn giải vắn tắt nhưng có cơ sở về Yoga, chúng tôi sử dụng vừa Yoga-sutra với ký hiệu YS., vừa bản Yoga-Bhâsya với ký hiệu YBh., và bản Phụ chú với ký hiệu YV..
Trên lý thuyết, Yoga được coi như kỹ thuật giúp thực hiện mục tiêu mà học thuyết nhị nguyên của Sâmkhya đề ra. Theo học thuyết này thì nơi chúng ta có hai thực thể đối đầu nhau, và đây là Tinh thần Purusa bị phong tỏa bởi Vật chất Prakriti (Pra-kriti có nghĩa là cái còn nguyên sơ, chưa làm thành gì cả, nên có gì giống như Materia prima của triết học thánh Tôma, do đó chúng tôi xin phép dịch là Bản nhiên, Thuần nhiên). Chính vì thế, mỗi người phải tìm cách giải phóng Tinh thần, và đây gọi là Cô lập, Kaivalya (cô lập Tinh thần, tách nó ra khỏi mối liên hệ với Bản nhiên). Yoga cùng chủ trương nhị nguyên và cùng nhắm mục tiêu Kaivalya như thế. Chỉ trong cấu trúc tâm lý, để biểu thị tâm trí, họ lại dùng tiếng Citta thay vì tiếng Mahat (Đại) hay Buddhi của Sâmkhya. Thêm vào đấy, nếu Sâmkhya chủ trương vô thần, thì họ lại đề cao Đức Chúa thiêng liêng (Isvâra) và dạy phải sùng mộ Ngài, đặt hết tin tưởng vào Ngài để Ngài giải thoát ta bằng ơn tuệ giác. Đồng thời, tuy không nói đến con đường Thiền (Dhyâna-yoga) của Phật giáo, nhưng trong số những điều kiện luân lý, họ lại đưa Từ-Bi-Hỉ-Xả của Phật môn vô (YS.I.33).
Nói cho đúng ra, tuy kinh thư Yoga tập trung vào Vương-đạo (Râja-yoga) vốn lấy con đường tri thức (Jnâna) cùng với tôn sùng (Bhakti) làm căn bản, nhưng cũng kể thêm làm thí dụ một số các Yoga khác. Thế rồi, tuy không nêu đích danh Hatha-yoga, những tập sách ấy cũng nói đến việc điều tức và kể ra một số các tọa thế của Hatha-yoga.
Kinh Yoga chia thành bốn tập (và các sách Chú giải hay Phụ chú… cũng chia theo như thế) : tập 1 bàn về Đại định (Samâdhi), tập 2 bàn về tu hạnh (đạo đức) và các chuẩn bị khác, tập 3 nói về Nhập định (tức Tập trung tâm trí), và tập 4 nói về việc Giải thoát gọi là Cô lập.
Tất cả những phương thức sử dụng được Kinh Yoga gồm vô trong Bát chi (Asta-anga) : 1) Giới (yama), 2) Giữ (ni-yama), 3) Thế (tọa thế, âsana), 4) Điều tức (Prânâyâma), 5) Thoái giác (pratyâhara), 6) Định thần (Dhyâna), 7) Quán (Dhârana), 8) Đại định (samâdhi). Năm chi đầu là phương thế gián tiếp và cố gắng bên ngoài, trong khi ba chi cuối là con đường chính nó thuộc cố gắng bên trong.
(còn tiếp)