6 bảng chỉ đường của đại dịch covid-19
WGPSG / ncregister -- Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra trong vài tháng qua về vai trò của Thiên Chúa (hoặc chẳng có Chúa) trong đại dịch hiện nay. Đại dịch được xem là ý định rõ ràng hoặc cho phép của Thiên Chúa, hay là Thiên Chúa đã tạo ra một thế giới tự trị - trong đó, có những điều muốn thay đổi thì đòi hỏi phải có sự can thiệp của con người hoặc của thiên nhiên: Đã có vô số những câu hỏi và ý kiến như thế được đặt ra.
Dù tranh luận nhiều như thế, nhưng vì là con người, ta vẫn cực kỳ khó khăn để tìm ra được câu trả lời tuyệt đối đúng cho chủ đề này. Tuy nhiên, những gì không chắc chắn ấy cũng không ngăn trở chúng ta tìm ra ý nghĩa và sự sáng tỏ trong những tranh luận ấy. Như Ross Douthat gần đây đã tuyên bố trong bài xã luận của New York Time rằng: “Nỗi đau khổ vô nghĩa là mục tiêu của quỷ dữ, và mang lại ý nghĩa cho đau khổ là công việc cứu độ của Thiên Chúa.”
Dù sao, khi đại dịch vẫn còn, có vẻ như các chủ đề tranh luận cũng đang khơi gợi cho chúng ta hướng giải quyết tìm ra ý nghĩa cho thời gian khó khăn này. Một trong những chủ đề này là nhu cầu đồng cảm với người khác trong hoàn cảnh khó khăn, mà tôi đã nêu chi tiết ở đây. Nhưng ngoài điều này, có những thông điệp khác cần được đưa ra:
1. Không gì có thể thay thế cho sự tiếp xúc trực tiếp của con người
Có một điều kỳ lạ dường như đang xảy ra, đặc biệt là với giới trẻ. Khi tất cả chúng ta phải cách ly với nhau, và phải kết nối với nhau nhờ vào thế giới ảo, dường như tất cả chúng ta ngày càng nhận thức được rằng, không gì có thể thay thế được sự hiện diện thật của người khác và sự thu hút lẫn nhau thông qua các giác quan của chúng ta.
Tại nhà riêng của tôi, tôi đã thấy những đứa con lớn của chúng tôi phải chịu đựng sự thiếu vắng bạn bè, và tôi ngày càng hiểu rõ nỗi mệt mỏi của thiếu niên khi phải kết nối trực tuyến; nhiều giáo viên mệt mỏi với việc học trực tuyến, và bạn bè đã không chịu nổi việc phải chờ đợi mới gặp được nhau (gần như không thể). Mặc dù chắc chắn là vẫn cần sử dụng công nghệ để liên lạc ở một mức độ nào đó, nhưng đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng việc thực sự ở bên nhau là điều không thể thay thế.
2. Dù sức khỏe ở một số phương diện không thể kiểm soát được; nhưng với những gì có thể kiểm soát được, chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc cách nghiêm túc.
Rất lâu trước khi coronavirus đến Mỹ, một dịch bệnh khác đã tấn công đất nước này. Nhiều năm trước, các biến chứng của bệnh béo phì đã chính thức trở thành nguyên nhân gây tử vong số một. Bất chấp sự thật tàn khốc này và xu hướng này có nguy cơ làm sụp đổ hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta, một thực tế kỳ lạ đã xuất hiện.
Như đã lưu ý trong phần giới thiệu một bài báo gần đây của nhà tâm lý học Hoa Kỳ về bệnh béo phì, người Mỹ có vẻ hơi mơ hồ về dịch bệnh béo phì, và thường coi béo phì chỉ là vấn đề thẩm mỹ được trình bày cách thích hợp nhất bởi một cá nhân có trách nhiệm (trang 136).
Tuy nhiên, như đã được đặt ra trong một bài báo trên National Geographic vào năm 2013 có tựa đề “Tình yêu dành cho đường ngọt” , “Tại sao 1/3 người lớn [trên toàn thế giới] bị huyết áp cao [thống kê của Hoa Kỳ là vào khoảng 46%], trong khi năm 1900 chỉ có 5% cao huyết áp?"
Dù câu trả lời là gì đi nữa, thì sự liên quan giữa đại dịch và những vấn đề sức khỏe là điều chúng ta cần phải xem xét nhiều hơn nữa. Ví dụ, có bằng chứng ngày càng tăng cho thấy những người bị huyết áp cao có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, họ có các triệu chứng tồi tệ hơn và tử vong vì tình trạng này. Tại Ý, thống kê cho thấy 76% số người chết vì coronavirus bị huyết áp cao.
Chắc chắn đã có một số người phải đau đớn và tử vong vì virus này mà không có bất kỳ sự phòng ngừa nào, nên chúng ta phải tự hỏi: liệu sự thiếu hiểu biết về các biện pháp ngừa bệnh có nên được xem xét nghiêm túc hơn không?
3) Chúng ta cần tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên đến mức tối đa. Đó là tài nguyên lớn nhất sẵn có, và chúng ta phải quan tâm tối đa như thế.
Trên khắp thế giới, có một điều gì đó tích cực đáng chú ý đang xảy ra trong khi chúng ta đang vật lộn với dịch bệnh. Đó là thế giới tự nhiên đang được tái sinh. Những con sông và đại dương đang trở nên sạch hơn. Ô nhiễm không khí đang giảm; thực vậy, vào tháng 3-2020, Los Angeles đã trải qua giai đoạn chất lượng không khí tốt nhất và dài nhất kể từ năm 1980, khi số liệu thống kê như thế lần đầu tiên được ghi nhận. Và điều này xảy ra đúng lúc bắt đầu có coronavirus.
Trong lúc ấy, con gái tôi cho tôi xem một tấm hình hài hước đầy ý nghĩa. Bức ảnh đầu tiên được chú thích là “gia đình trước thời gian cách ly”, mọi người ngồi quanh bàn với nhau, nhưng chỉ chăm chú vào các thiết bị cá nhân của mình. Bức ảnh thứ hai là “sau khi cách ly”, tất cả gia đình đi dạo bên ngoài cùng nhau. Trong một mùa xuân rực rỡ sắc màu, có vẻ như cuối cùng, chúng ta có thể mang lại cho hành tinh của chúng ta một sự thay đổi rất cần thiết và nhận thức rằng đây là nơi tuyệt vời biết bao.
4. Hầu hết chúng ta đã sống quá vội vã, và chúng ta cần phải sống chậm lại.
Đối với nhiều gia đình như gia đình tôi, một nét tích cực của đại dịch đó là cung cấp cho chúng tôi một lý do tuyệt vời để giảm bớt lịch làm việc điên cuồng và tận hưởng một cuộc sống đơn giản hơn.
Đúng như người ta thường nói: “Quá nhiều thứ tốt, thì cũng chỉ là quá nhiều, thế thôi!” Nhiều người trong chúng ta đã cảm thấy rằng sự bận rộn không dứt của chúng ta trước đây đã kìm hãm khả năng đánh giá cao những gì tốt nhất mà cuộc sống mang lại cho chúng ta.
Bây giờ, tôi phải thừa nhận rằng trở về nhà sau giờ làm việc để ăn tối, nghỉ ngơi và đọc sách, đó là điều thực sự tốt đẹp. Thách thức cho tất cả chúng ta khi chúng ta quay lại bình thường là làm thế nào để những kinh nghiệm này trở nên khả dụng một lần nữa.
5. Nếu chúng ta tiếp tục cãi nhau, chia rẽ và chê bai, nó sẽ chỉ chôn vùi chúng ta hơn nữa.
Có một điều mà đại dịch đã làm được, đó là cho ta thấy những xung đột của chúng ta thật nực cười, vô hiệu và sai lầm biết bao. Cho dù đó là xung đột trong gia đình, trong chính trị, hoặc giữa các quốc gia và nền văn hóa khác nhau, thời kỳ đại dịch này đã cho thấy rằng loài người chúng ta đã lãng phí một số lượng thời gian và tiền bạc khổng lồ cho các xung đột không cần thiết.
Nếu các chính phủ trên toàn thế giới dành một phần ngân sách quân sự của họ để giải quyết bệnh truyền nhiễm, có thể nói rằng tình huống này sẽ khác đi rất nhiều. Nếu các cơ quan báo chí và các chính trị gia phân bổ lại thời gian đang dùng để phô trương và khai thác những bất đồng, thì nơi chúng ta đang sống sẽ là một nơi rất khác. Không phải đại dịch đã làm giảm các cuộc xung đột (mặc dù các nước tham chiến chắc đang phải tái tập trung tài chính của họ), nhưng nó cho thấy rõ hơn rằng các xung đột chỉ dựa trên ‘cái tôi ích kỷ’ và lợi ích cá nhân. Trong khi đó, những mục tiêu chung mà tất cả chúng ta đều có thể ủ ấp (ví dụ như: sức khỏe và sự an toàn, bình đẳng kinh tế) sẽ đạt được nếu chúng ta đặt sự đồng cảm và lẽ phải lên trên cùng và ‘cái tôi ích kỷ’ xuống hàng thứ yếu.
6. Cuộc sống không phải là một kỳ vọng, mà là một món quà. Không có gì bảo đảm hòan toàn cho cuộc sống, và điều duy nhất còn quan trọng hơn việc học hỏi từ cuộc sống, đó là hãy ôm lấy nó.
Huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại của UCLA, John Wooden, đã từng nói: “Khi đã học xong rồi thì cũng cho thông qua luôn!” Khi xem xét tình hình hiện tại, chúng ta thấy nó đặt ra câu hỏi sau đây: Tôi có sẵn sàng chấp nhận và học hỏi từ cuộc sống không, hay tôi chỉ sẵn sàng chấp nhận nó theo các đòi hỏi của tôi? Khi có những thách thức đối với sự tồn vong của mình, thì cũng dễ hiểu nếu chúng ta khao khát có trở lại cảm giác bình thường và mong mọi sự nằm trong dự đoán của mình. Tuy nhiên, như đã nhiều lần xảy ra trong lịch sử, những người sẵn sàng thích nghi với những gì xảy đến, cũng là những người học được rằng: niềm vui không đến từ người khác, mà là xuất phát từ bên trong (và trên hết là từ Thiên Chúa!). Tất cả chúng ta đều có những ‘khu vực cần giữ an toàn’ mà chúng ta luôn sợ sẽ bị lấy mất. Và mặc dù không có gì sai khi cầu nguyện cho những điều này đừng xảy ra, nhưng sẽ là mối nguy hiểm đặc biệt đối với mỗi người và với nhân loại nói chung nếu cứ bám vào những ham muốn này như thể chúng ta không thể tiếp tục sống mà không có chúng.
Như bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Frankl (người đã từng mất hầu hết người thân trong các trại tập trung) từng nói, “khi chúng ta không còn có thể thay đổi được tình hình, chúng ta được thách thức: hãy thay đổi chính mình.”
Jim Schroeder (ncregister) / Quốc Vũ chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm