Ai là chủ tế thực sự của Thánh lễ?
WGPSG -- Khi nói đến các chức vụ Linh mục, Giám mục, Tổng Giám mục, Hồng Y và Giáo Hoàng là nói đến những phẩm trật (hierarchy) và nhiệm vụ khác nhau trong Giáo Hội của các vị này và đồng thời cũng nói đến các cấp bậc cao thấp của Chức Thánh nữa (Holy Orders). Nói về Chức Thánh thì chỉ có 3 cấp bậc sau đây: Phó Tế (diaconate), Linh mục (Presbyterate), Giám mục (Episcopate) (x. SGLCG,số 1536).
Như thế, chức Giám mục là chức thánh cao nhất của Giáo Hội Công Giáo. Tổng Giám mục, Hồng Y và Giáo Hoàng cũng chỉ có chức Giám mục mà thôi, nhưng có địa vị cao và trách nhiệm lớn hơn Giám mục. Cụ thể: Phó tế phụ tá cho Linh mục và Giám mục. Linh mục là “cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là công cụ của hàng Giám mục.” (x.Lumen Gentium, số 28).
Giám mục coi sóc một Giáo phận (Diocese). Tổng Giám mục đứng đầu một Tổng Giáo phận (Archdiocese). Hồng Y là phụ tá thân cận cho Đức Giáo Hoàng và là ứng viên (dưới 80 tuổi) bầu Tân Giáo Hoàng khi đương kim Giáo Hoàng qua đời. Đức Giáo Hoàng là Đại Diện (Vicar) của Chúa Kitô trên trần thế, là Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, là Thủ lãnh Giám Mục Đoàn, và cũng là Giám Mục của Giáo phận Roma.
Thánh Lễ (the Eucharist)
Thánh Lễ là việc cử hành phụng vụ quan trọng nhất của Giáo Hội cho mục đích tôn thờ, ca tụng, cảm ta và xin ơn cứu độ củaThiên Chúa nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Thánh lễ tái diễn lại qua nghi thức phụng vụ hai biến cố quan trọng nhất để kết thúc công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu: đó là Bữa Tiệc Ly cuối cùng và Hy Tế Thập giá sau đó trên đồi Golgotha. Nhờ bí tích truyền chức thánh mà Chúa Giêsu đã thiết lập cùng với bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, các linh mục và giám mục được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Giêsu, Thầy Cả Thượng Phẩm, và do đó được phép “làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19) nghĩa là tiếp tục dâng Thánh Lễ để làm sống lại cách bí tích hai biến cố quan trọng đó trên bàn thờ ngày nay. Theo tín lý của Giáo Hội thì chính Chúa Giêsu tái diễn lại hai biến cố nói trên qua tác vụ (ministry) của các thừa tác viên có chức thánh (ordained ministers) là linh mục và giám mục.
Nói khác đi, Linh mục hay Giám mục chỉ là thừa tác viên và nhân danh Chúa Giêsu Kitô (in persona Christi) để cử hành mọi bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Do dó, thánh lễ do một Linh mục cử hành hay do Giám mục, Hồng Y hoặc Đức Thánh Cha cử hành thì tuyệt đối không có sự khác biệt nào về giá trị và ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ vì Linh mục, Giám mục, Hồng Y hay Giáo Hoàng chỉ là công cụ, là thừa tác viên, còn chính Chúa Giêsu mới là Thầy Cả, là Linh Mục Thượng Phẩm diễn lại cách bí tích Bữa Tiệc Ly và Hy Tế thập giá qua công cụ con người là linh mục, giám mục hay Giáo Hoàng mà thôi. Nghĩa là chính Chúa Giêsu là Chủ Tế thực sự của mọi Thánh Lễ do các thừa tác viên con người cử hành ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội ngày nay.
Như vậy, không có sự phân biệt nào về giá trị thiêng liêng của thánh lễ do ai cử hành vì lý do vừa trình bày ở trên. Chúng ta cần nắm vững điều này để an tâm tham dự mọi Thánh Lễ, một việc đạo đức tốt đẹp nhất, có giá trị thiêng liêng cao nhất để cảm tạ Thiên Chúa và cũng để xin ơn cứu độ của Người qua việc cử hành lại Mầu Nhiệm cứu chuộc này của Chúa Kitô. Cũng cần nói thêm ở đây là trong tinh thần của cụm từ Latinh “Ex Opere Operato” thì ơn Chúa ban qua các bí tích vì bí tích được cử hành đúng với nghi thức, công thức và ý muốn (intentio) của Giáo Hội chứ không phải vì phẩm chất của người cử hành bí tích.
Nói rõ hơn, khi cử hành một bí tích nào, thí dụ bí tích Rửa tội, thì nghi thức đòi hỏi của Giáo Hội là nước và công thức Chúa Ba Ngôi. (the Trinitarian baptismal formula). Nếu làm đúng với công thức này thì bí tích thành sự (validly) dù - trong trường hợp khẩn cấp- người cử hành có thể cũng chưa được rửa tội. (x. SGLCG,số 1256). Ngược lại, cho dù là Linh mục hay Giám mục mà cử hành Thánh Lễ ngoài Nghi thức qui định của Giáo Hội (Lễ qui Roma=Missale Romanum) như tự ý đọc Kinh Nguyện Thánh Thể của riêng mình và dùng bánh tráng và rượu đế thay cho rượu nho và bánh bột mì không men thì chắc chắn không phải là Thánh Lễ của Giáo Hội Công Giáo dâng lên Thiên Chúa với mục đích tôn thờ, ngơị khen, cảm tạ và xin ơn cứu độ.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm