Âm thầm và hèn mọn
WGPSG -- Vào những ngày trung tuần của tháng 03/2012, người dân Sài Thành phải đối diện với cái nóng dữ dội có lúc vượt quá 400 C. Vì thế, nhiều người cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, thậm chí không thể ngủ trưa trọn giấc. Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta nghĩ đến những người âm thầm chống trả quyết liệt với cái nóng oi bức như thế nơi chốn đô thành. Họ không có nhà cửa, không có quạt gió, và cũng không có máy lạnh, máy điều hòa v.v… Họ là ai, làm gì và ở đâu?
Nếu một lần nào đó ngồi trong một quán cà phê vỉa hè hay xách xe gắn máy lang lang trên đường Sài Gòn thì chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Vâng, họ là những trẻ em đường phố với nghề đánh giày, bán vé số; họ là những nhà sư “đầu trần chân đất” đang đi khất thực trên một con đường nào đó của Sài Gòn vào những buổi trưa; họ là những cụ già với gánh hàng rong bán trái cây, càphê, thuốc lá trên các vỉa hè hay ở một góc hẻm nào đó.
Bạn thân mến, những hình ảnh và con người đời thường trên đây muốn nói với chúng ta điều gì? Phải chăng, những Kitô hữu chúng ta cảm nhận rằng: họ là những con người âm thầm và hèn mọn? Họ âm thầm vì chẳng mấy ai biết đến. Họ làm những công việc bình thường, nhỏ bé. Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như rất đỗi âm thầm và hèn mọn lại trở nên ý nghĩa cho cuộc đời. Chúng ta cảm nhận điều này nơi thánh Giuse: một con người yêu thích sự âm thầm và hèn mọn. Ngài âm thầm làm việc với nghề thợ mộc nơi gia đình Nagiareth, có Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngài âm thầm dự định lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo (x. Mt 1,19) nhưng cuối cùng lại âm thầm làm theo thánh ý Thiên Chúa: âm thầm đưa Đức Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-17), và cũng âm thầm từ Ai Cập trở về Israel (x. Mt 2,19-23). Vào năm 1870, Đức Giáo hoàng Piô IX đã chọn thánh Giuse làm bổn mạng của toàn thể Giáo hội Công giáo. Thế nhưng, trong suốt 19 thế kỷ, thánh Giuse là người sống trong âm thầm của sự quên lãng. Thật vậy, ngài ít nói nhưng làm nhiều. Ngài không thích xuất hiện trước đám đông để được mọi người chú ý. Ngài không thích bon chen để được người đời ca tụng. Cả cuộc đời của thánh Giuse luôn sống trong âm thầm vâng theo ý Chúa. Đó là sự âm thầm nhưng hiệu quả. Đó là sự âm thầm trong năng động, trong trách nhiệm và trong tình yêu.
Khởi đi từ sự âm thầm của thánh Giuse trong Kinh Thánh, chúng ta suy tư về sự âm thầm và hèn mọn giữa đời thường hôm nay. Đó là sự âm thầm của những người phụ nữ không có ngày 08.03. Họ phải lam lũ với công việc tỉa mạ, cấy lúa, nhổ cỏ ở ngoài đồng. Họ phải âm thầm miệt mài từng ngày với kiếp mưu sinh ở chốn thị thành. Trên trang báo Công giáo và dân tộc (số 1848, tuần lễ từ 09.3 đến 15.3.2012) có những dòng viết về những người phụ nữ thầm lặng giữa Sài Gòn như sau: “Bà Hạ (quê Tiền Giang) gần chục năm nay ngồi bán hoa ở cổng của một chợ tại quận 3, hôm nào bán hết sớm, bà lại đi kiếm việc khác làm thêm như lau chùi nhà cửa, thu lượm ve chai… Ai nhờ việc gì bà cũng nhận, miễn sao kiếm thêm được chút tiền để nuôi chồng bị bại liệt và bốn đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Bà Hạ thổ lộ: “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ được ai tặng bông hoa nào cả. Với tôi ngày nào cũng như ngày nào, dù là ngày lễ gì đi nữa thì cũng phải vất vả từ sáng sớm…” Thật ý nghĩa biết bao bởi sự âm thầm hy sinh làm những công việc mọn hèn của người phụ nữ miền quê này. Thì ra đâu chỉ có những danh nhân, những thần đồng, những nhà khoa học lỗi lạc mới làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa. Thì ra vẫn có những con người âm thầm, những công việc hèn mọn giữa đời thường đem lại cho cuộc đời nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Phải chăng đó chính là những nét đẹp của Tin Mừng được khởi đi từ những con người âm thầm và hèn mọn trong cuộc sống hôm nay?
Vì thế, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chọn cho mình con đường nên thánh từ những việc âm thầm, nhỏ bé giữa đời thường như quét nhà, giặt đồ, nhặt một cọng rác, gác cổng v.v… Ngài vui vẻ làm những việc âm thầm và hèn mọn như thế với cả tình yêu dành cho Chúa Giêsu, cho Giáo hội, cho các linh hồn và cho mọi người. Bởi vậy, thánh nữ đã được Giáo hội chọn làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Tinh thần âm thầm hy sinh và cầu nguyện của thánh nữ đã trở thành linh đạo cho các nữ tu Dòng Kín Sài Gòn hôm nay. Thế nhưng, người đời thường thích khoe khoang, phô trương, thích xuất hiện trước đám đông để khẳng định chính mình. Người ta chỉ để ý đến những ca sĩ nổi tiếng xuất hiện với những bộ quần áo thật “mode”, thật “hot” chứ có mấy ai để ý đến những người âm thầm làm việc nơi hậu trường sân khấu? Người ta chỉ biết đến những bữa tiệc linh đình với những món ăn thật hấp dẫn, đắt tiền ở các nhà hàng sang trọng, chứ có mấy ai quan tâm đến những người âm thầm phục vụ ở nhà bếp? Thật vậy, nếu không có họ thì làm sao người ta có được những buổi xem ca nhạc hấp dẫn hay những món ăn ngon?
Thật vậy, nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng có thể cảm nhận biết bao người đang sống trong âm thầm và yêu thích sự hèn mọn. Thật cảm kích trước cung cách sống của một cha già dòng Phanxicô: ngài ăn mặc giản dị, đi xe buýt để dạy học cho các thầy Đại Chủng viện Sài Gòn, cho các nhà dòng; ngài luôn khiêm tốn trong lời nói mặc dù là một tiến sĩ triết học nổi tiếng. Quả thật, ngài đang sống tinh thần của thánh Phanxicô Assidi: yêu thích sự âm thầm và hèn mọn. Vì thế, dòng Phanxicô còn có một tên gọi khác, đó là Dòng Anh Em Hèn Mọn. Giữa chốn thị thành nhiều xa hoa náo nhiệt như Sài Gòn hiện nay, phải chăng sự tồn tại của dòng Phanxicô ở Thủ Đức, với cung cách sống âm thầm và hèn mọn của các tu sĩ, nhà Dòng đã trở thành dấu chỉ rõ nét mang đậm chất men Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô?
Cuối cùng, cái nóng dữ dội của thời tiết Sài Gòn vào tháng 03 hay trong những buổi trưa hè rồi cũng sẽ lắng dịu. Những ồn ào, rộn ràng của ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08.03.2012 rồi cũng sẽ đi vào dĩ vãng của dòng chảy thời gian. Thế nhưng, ước gì ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu luôn hâm nóng trái tim chúng ta trong mùa Chay Thánh 2012 này như Lời Người đã nói với chúng ta: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Vâng, đó chính là ngọn lửa của bác ái yêu thương bằng những nghĩa cử âm thầm và mọn hèn như lời kinh cầu cùng Thánh Giuse của một linh mục viết như sau: “Lạy Thánh Giuse, xin ban cho con lòng yêu thích làm việc âm thầm như xưa ngài đã làm cho Chúa Giêsu, tuy bao giờ cũng to tát trong tâm hồn nhưng nhỏ bé đối với bên ngoài, hình như không có gì cả, đến nỗi người ta không cảm thấy, ôi điều đó tốt biết bao nhưng cũng khó biết bao!”
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm