Ăn giỗ
WGPSG -- Vừa qua, tôi đi ăn giỗ một người thân. Xin được tản mạn đôi điều về “Ăn giỗ” như: “Giỗ là gì? Giỗ một người thân trong bao lâu? Qua đó, nói đến đạo hiếu của người Việt Nam chúng ta. Rồi lễ Vu Lan. Cuối cùng là ngày Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
Vậy giỗ là gì? Giỗ là lễ tưởng nhớ đến người thân đã qua đời, được tổ chức tại tư gia, tại nhà thờ hay tại chùa, tùy theo niềm tin tôn giáo của gia chủ, tùy theo ý muốn của gia đình. Ngày giỗ còn được gọi là kỵ nhật hay ngày kỵ, ngày kỷ niệm người thân đã ly trần.
Các ngày giỗ
Khi một người thân trong gia đình đã trút hơi thở cuối cùng, thì gia đình lo việc mai táng. Ba ngày sau khi đã mồ yên, mả đẹp rồi, người nhà làm lễ “mở cửa mả” tức là ra thăm mộ, để người thân đỡ cô đơn nơi huyệt lạnh. Sau 7 ngày có lễ tuần 7. Sau 7 tuần có nhớ giỗ 49 ngày. Rồi sau 100 ngày có nhớ giỗ nữa.
Giỗ đầu hay Tiểu tường, tức kỷ niệm người thân đã ra đi được tròn một năm, tính theo Dương lịch hay Âm lịch tùy người. Dịp này gia đình thường tổ chức trọng thể hơn các lần giỗ trước, có mời họ hàng, bà con, bạn bè thân tham dự lễ giỗ, và sau lễ, mọi người cùng chia sẻ bữa ăn. Ai tham dự bữa ăn này là ăn giỗ. Từ đây chỉ tổ chức giỗ hằng năm.
Giỗ hết hay giỗ mãn tang, còn gọi là Đại tường. Theo Toan Ánh, tác giả cuốn “Tín ngưỡng Việt Nam” quyển thượng, do nhà xuất bản Hoa Đăng in năm 1969 tại Sài Gòn, thì lễ giỗ này được tổ chức khi người thân của chúng ta ra đi được tròn hai năm. Theo thói thường, chúng ta hiểu là sau ba năm. Vì con cái để tang cha mẹ trong ba năm để báo hiếu cha mẹ đã chín tháng cưu mang và ba năm bú mớm.
Giỗ thường hay cát kỵ là lễ giỗ sau giỗ mãn tang hay đoạn tang, còn gọi là Đại tường. Sau ngày này, con cháu người quá cố có thể làm lễ cải táng cho người thân, còn gọi là bốc mộ. Đặt hài cốt của người thân vào trong một tiểu sành rồi chôn ở một nơi khác.
Ngày Tiên thường, có nơi gọi là cáo giỗ, tổ chức vào ngày trước ngày giỗ. Hôm đó, con cháu báo cáo cho người đã khuất sự cúng giỗ ngày hôm sau. Chỉ những ngày giỗ lớn, mời nhiều người tham dự mới có ngày Tiên thường.
Giỗ giúi là làm giỗ sơ sài cho nhớ ngày.
Giỗ hậu là tổ chức giỗ linh đình ở đình, chùa. Tục ngữ có câu: “Sống không hậu, chết giỗ hậu ai ăn”.
Giỗ chạp là các kỳ giỗ và ngày rước ông bà vào cuối tháng Chạp. Dân gian nghĩ là dịp Tết gia đình sum họp đông đủ, mời ông bà về cùng ăn Tết với con cháu. Đó là một hình thức bày tỏ lòng hiếu thảo của người Việt Nam chúng ta.
Giỗ quải cũng có nghĩa như giỗ.
Giỗ tết cũng như giỗ chạp là mời ông bà về ăn Tết với cho cháu. Có thể là từ ghép gồm giỗ và tết. Đối với một vị ân nhân nào đó của gia đình, cha mẹ dặn dò con cái là “sống tết, chết giỗ” để tỏ lòng biết ơn đối với vị ân nhân này.
Một câu hỏi được đặt ra là giỗ đến bao giờ? Theo thói tục người Việt Nam thì việc cúng giỗ này được tổ chức hằng năm cho đến năm vị này vào hàng ngũ đại (tức đời thứ năm) thì thôi không giỗ nữa, mà thờ chung ở từ đường.
Các hình thức giỗ trên đây nói lên đạo hiếu của người Việt Nam chúng ta cách chung. Và những người có tín ngưỡng khác nhau thì có những ngày lễ khác nhau để tưởng nhớ đến người thân của mình.
Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan đối với những người theo Phật giáo. Lễ này được tổ chức trọng thể tại các chùa vào rằm tháng Bảy hằng năm. Đúng ra phải gọi là Vu Lan bồn, (bồn là cái chậu) nhưng chỉ gọi tắt là Vu Lan.
Lễ Vu Lan là lễ dâng hoa quả và các phẩm vật đựng trong chiếc chậu Vu Lan, dâng cúng chư tăng với mục đích xin cho vong hồn người thân của mình được thoát khỏi địa ngục.
Tích xưa kể rằng: Mục Liên, một người con có hiếu, có phép thần thông, xuống được địa ngục thấy mẹ mình là Thanh Đề đang ở đó, nhưng không thể cứu được mẹ. Về lại trần gian, Mục Liên sắm sửa hoa thơm quả ngọt dâng cho chư tăng trong chiếc chậu vu lan để xin uy đức của các ngài chuyển nghiệp tham si của vong nhân, để cứu vong nhân ra khỏi địa ngục, nhân lúc rằm tháng Bảy là lúc chư tăng mãn hạ (Mãn hạ cũng tựa như ra phòng bên Công giáo). Việc làm đó đã cứu được mẹ ra khỏi ngục. Từ đó, người ta cử hành lễ Vu Lan cầu phá ngục vào rằm tháng Bảy.
Lễ Vu Lan cũng là Tết Trung Nguyên, người ta tin rằng, hôm ấy là ngày các vong hồn được tha tội, có thể trở về trần gian hưởng lễ của con cháu dâng cúng, nên rằm tháng Bảy cũng gọi là ngày xá tội vong nhân.
Mấy chục năm gần đây, người dự lễ Vu Lan tại chùa, được gắn một bông hoa hồng trên áo có màu khác nhau. Máu đỏ để chỉ người còn mẹ. Màu trắng để chỉ người mà mẹ đã khuất bóng, được gọi là bông hồng cài áo.
Lễ Các Linh Hồn
Người Công giáo theo điều răn thứ bốn Chúa dạy: “Thảo kính cha mẹ” nên giữ chữ hiếu rất kỹ và chu đáo. Chúng ta không cúng nhưng cầu nguyện cho người thân đã qua đời. Cũng tổ chức lễ giỗ tại tư gia, tại nhà thờ. Khi dâng Thánh lễ tại nhà thờ thì trước lễ có rao ý lễ, để cả cộng đoàn phụng vụ cùng hợp lời cầu nguyện theo ý người xin. Chúng ta cũng tổ chức lễ giỗ đầu, giỗ mãn tang v.v… cho người thân của mình. Con cái cầu nguyện cho cha mẹ suốt đời chẳng những là vào các ngày giỗ mà có thể cầu nguyện hằng ngày trong các giờ kinh nguyện sớm tối. Đặc biệt là trong các Thánh lễ mà mình tham dự.
Hằng năm, Giáo hội Công giáo có một Thánh lễ đặc biệt cầu cho các tín hữu đã qua đời. Mỗi năm dành ra một tháng để cầu nguyện cách riêng, cách đặc biệt cho các tín hữu này. Tháng 11 hằng năm là tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời. Ngày 1-11 là lễ Các Thánh, ngày nhớ mừng chung các vị đang được hưởng phúc thiên đàng. Ngày 2-11 là lễ Cầu Hồn, cầu cho các tín hữu đã qua đời, và những ngày còn lại trong suốt tháng này cũng để cầu cách đặc biệt cho các tín hữu này.
Sở dĩ Giáo hội chọn tháng 11 để tưởng nhớ đến những người đã khuất, vì tháng này vào mùa Đông, mùa lạnh lẽo, cảnh vật u buồn, cây cối xác xơ, trụi lá. Cành cây khẳng khiu như những khúc xương khô nhô lên bầu trời u ám. Cảnh đó làm người ta dễ nhớ đến người chết hơn.
Trong mỗi Thánh lễ hằng ngày, các linh mục cử hành theo phận vụ, luôn luôn có lời cầu cho “những người đã ra đi trước chúng con” được về hưởng tôn nhan Chúa. Làm vậy là
Giáo hội nhớ đến tất cả con cái mình đã về đời sau, không quên một ai, không sót một người! Cho nên có thể nói trong Giáo hội không có linh hồn mồ côi. Vì dù con cháu có quên ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất, thì Giáo hội vẫn nhớ đến các Ngài trong mỗi Thánh lễ được các linh mục cử hành hằng ngày trên khắp thế giới.
Vậy, ai dám bảo những người theo Chúa là bỏ ông bà? Đó chỉ là suy diễn, thiếu hiểu biết, hay có ác ý hoặc có thành kiến, cố ý xuyên tạc mà thôi.
Người xưa dạy rằng: “Tam bất hiếu vô hậu vi đại”, nghĩa là có ba điều bất hiếu với cha mẹ là: cha mẹ còn sống mà không phụng dưỡng, cha mẹ chết làm ô danh cha mẹ, và không có con nối dõi tông đường. Bất hiếu thứ ba là lớn nhất. Nhưng nay, thời thế đã thay đổi, người ta vẫn có thể: “Vô nam dụng nữ”, tức không có con trai thì dùng con gái, ý nói con nào cũng là con, cần là lòng hiếu thảo của con thôi.
Tóm lại, thảo hiếu với cha mẹ là điều quan trọng. Đạo nào cũng dạy phải tuân, phải giữ. Quý là ở tấm lòng. Khi cha mẹ còn sống thì lo mà phụng dưỡng cho phải đạo để khi các ngài qua đi lòng không phải ân hận. Đừng có mà: “Khi sống thì chẳng cho ăn, để cho khi chết làm văn cúng ruồi!”
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Quà Tết cho người vô gia cư -
Thông điệp của mùa xuân -
Sống tâm tình tạ ơn trong ba ngày Tết -
Tây Tạng: Tết Losar của lòng hiếu khách và từ tâm -
Giờ kinh Giao Thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Trăng vàng mùa thu