Anh chị Friso: hôn nhân không phải chỉ hai người lấy nhau nhưng còn có Chúa Giêsu ở với họ

Anh chị Friso: hôn nhân không phải chỉ hai người lấy nhau nhưng còn có Chúa Giêsu ở với họ

Vatican -- Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, anh chị Alberto và Anna Friso đã cho biết những mong chờ của họ đối với Đại hội gia đình Công giáo thế giới tại Dublin.

Vợ chồng anh chị Alberto và Anna Friso, đặc trách hiệp hội “Hành động cho các gia đình mới”, phát sinh từ phong trào Tổ Ấm (do chị Chiara Lubich thành lập), đã tham gia tất cả các kỳ Đại hội gia đình và trong đại hội tại Dublin tuần tới, anh chị sẽ chia sẻ chứng từ tại hội nghị mục vụ. Sau đây là những câu trả lời hai người dành cho đài Vatican về các thách đố mà các gia đình Kitô giáo phải đương đầu, cũng như các mong chờ cho cuộc gặp gỡ tại Dublin trong những ngày này. 

Đã từng tham dự tất cả mọi cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình Công giáo trong 25 năm qua, theo anh chị, có gì thay đổi hơn cho các gia đình Kitô trong một phần tư thế kỷ qua hay không?

Anna: Càng ngày càng có một thách đố liên quan tới các thế hệ trẻ, nghĩa là sự kiện họ không còn tin nơi “sự vĩnh viễn” của hôn nhân nữa. Khi đó thách đố chúng ta phải tiếp nhận là làm cho giới trẻ nhận thức được rằng tình yêu là một thành phần đặc biệt của cuộc sống, và nó là nguồn hạnh phúc mà lứa đôi đem lại. Hướng tới hôn nhân không có nghĩa là mất đi sự tự do, nhưng trái lại là có được một khả thể sống đẹp.

Alberto: Một cách đặc biệt, tôi thấy có hai vấn đề, hai khía cạnh định tính cho ngày nay cả trong xã hội của chúng ta: đó là cá nhân chủ nghĩa và chủ nghĩa tương đối. Hai sức đẩy này đã đưa tới chỗ mà chúng ta hiện trông thấy là thiếu thúc đẩy cho sự gắn bó, cho sự hiệp nhất lứa đôi. Điều này đỏi hỏi chúng ta, là Kitô hữu, các gia đình Kitô giáo, phải nhìn sâu hơn vào chương trình của Thiên Chúa, và xem Ngài đã mời gọi chúng ta sống theo hình ảnh Ngài như thế nào.

Như là gia đình làm chứng tá cho cuộc sống Kitô từ bao lâu nay, anh chị thấy cần phải nói gì trước tiên với một cặp bạn trẻ trong bước đầu tiên tiến tới hôn nhân và tình yêu trọn đời?

Alberto: Điều mà chúng tôi cảm thấy cần nói là hãy nhớ rằng tình yêu mà các bạn đã cảm nhận trong lúc đầu tiên, trong đó hai bạn đã cảm thấy nảy sinh ra tình cảm này, có một tầm kích ngoại thường, vĩnh cửu. Nó là một tia lửa của giá trị sâu thẳm nhất sẽ làm thành nền tảng toàn cuộc sống của các bạn, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa, cả khi các bão táp sẽ tới. Vì thế các bạn không phải là hai người lấy nhau, mà là ba, bởi vì Chúa Giêsu sẽ ở với các bạn. Và điều này, cám ơn Chúa, chúng tôi đã thấy có các đáp trả. Rồi trong cuộc sống, tới phiên các người trẻ này cũng trở thành các chứng nhân và cộng sự viên trong việc phổ biến niềm vui. Họ cảm thấy họ là hình ảnh của Thiên Chúa và là chứng nhân của thực tại này.

Anna: Thách đố đó là không để cho mình bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa thống trị cho thấy tính cách trung tâm của các tâm tình hay các quyền lợi cá nhân thắng thế trên các tâm tình và quyền lợi của người khác, hay của giá trị lứa đôi. Nhận ra rằng ở bên trong, trong chương trình hôn nhân có dấu ấn của hạnh phúc có thể thành toàn, chính bởi vì nó là phần của số phận con người, tôi không biết phải nói làm sao, nó là yếu tố di truyền của con người.

Trong đại hội gia đình tại Dublin, Tông huấn “Niềm vui yêu thương” hiển nhiên sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tông huấn hậu Thượng HĐGM này đang trao ban điều gì cho các gia đình Công giáo và không phải chỉ cho các gia đình Công giáo không thôi?

Alberto: Một cách đặc biệt, nó thúc đẩy chúng ta làm chứng cho thực tại Kitô của tình yêu Thiên Chúa với cuộc sống. Đứng trước thế giới, chúng ta không phải bênh vực một ý nghĩ, một tư tưởng, một giá trị, cho bằng làm chứng rằng Thiên Chúa là tình bác ái và bác ái ở sâu trong con tim, cả của người đang sống trong các cuộc khủng hoảng đen tối và sâu thẳm nhất.

Anna: Chúng tôi đánh giá Tông huấn rất nhiều, chính vì sự tỏa rạng, cụ thể của nó, vì nó không xuống thỏa hiệp với giáo lý, mà biết thông cảm và đưa tay ra cho người đang sống vết thương cuộc đời. Và chính nó trao ban cho những người này niềm hy vọng có thể đạt tới một con đường hạnh phúc, mặc dù phải đi qua các con đường ngang, trong các khó khăn, nhưng vẻ đẹp của nó chính là một bài thánh thi tình yêu. Chúng tôi đã trông thấy trong tài liệu này tất cả sự dịu hiền của Giáo hội. Tôi tin rằng đó chính là một món quà cho các thế hệ trẻ sẽ lấy nhau.

Nguồn: Đài Vatican

Top