Ánh sáng cuối đường hầm
Ngày 16 tháng 12 năm 2014, một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra. Đó là vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng. Đang khi các công nhân làm việc, bỗng một khối lượng đất đá khổng lồ sập xuống, vít chặt cửa hầm. Một số người nhanh chân chạy thoát. Trong số này, 12 người không chạy kịp nên bị giam trong hầm tối. Sự kiện sập hầm Đạ Dâng được nhiều người quan tâm theo dõi. Những người có trách nhiệm, từ trung ương đến địa phương, khẩn trương lập ra phương án giải cứu các nạn nhân. Các chuyên viên từ nhiều tỉnh thành được phái tới Lâm Đồng để tham gia giải cứu nạn nhân. Những người dân thì quan tâm theo dõi và gửi lời bình luận trên các trang mạng, bày tỏ ước nguyện mong cho các nạn nhân được bình an vô sự và sớm được cứu. Sự liên lạc từ bên ngoài đã được thực hiện nhờ điện thoại di động, nhờ đó, có thể chuyển đồ ăn là cháo và sữa qua hệ thống ống dẫn.
Trong số 12 người bị giam trong hầm tối, có một người phụ nữ. Họ sống trong kinh hoàng sợ hãi. Mặc dầu đã liên lạc được với bên ngoài, hy vọng cứu thoát vẫn rất mỏng manh. Mỗi phút qua đi thật nặng nề. Đói khát, tối tăm, lạnh lẽo, nhất là tâm trạng hoảng loạn làm cho họ đuối sức. Họ cảm thấy bị tách khỏi thế giới người sống và đã chạm tới sự chết.
May mắn thay, vào lúc 16h34 ngày 19-12, tức là sau 81 giờ trong ngục tối, những nỗ lực cứu hộ đã thành công. Từ một ánh sáng le lói ban đầu, các nạn nhân đã thấy cửa hầm mở ra, và họ được cứu thoát trong niềm vui vỡ òa của mọi người, nhất là những người thân đang từng giờ từng phút nghẹt thở theo dõi tiến trình cứu hộ. Qua các trang mạng, rất nhiều độc giả bày tỏ niềm vui và thán phục nỗ lực của những người tham gia cứu hộ. Những nạn nhân đã được cứu thoát. Họ đã từ cõi chết trở về cõi sống.
Trả lời nhà báo, các nạn nhân được cứu thoát đều kể lại tâm trạng của họ khi bị giam trong hầm tối. Trong lúc cái chết cận kề, họ nghĩ nhiều đến cha mẹ, họ hàng và những người thân. Họ khao khát nhìn thấy ánh mặt trời và thấy rằng sự sống vô cùng quý giá. Trong hầm tối, những nạn nhân rất thương nhau. Họ nhường nhau từng chút sữa bên ngoài chuyển vào. Họ động viên những người đang thất vọng, giúp họ tin rằng bên ngoài đã cố gắng bằng mọi giá để đưa các nạn nhân về với cuộc sống.
Giáo Hội công giáo đang mừng lễ Phục Sinh. Chúa Giêsu đã chết trên cây thập giá và được an táng trong huyệt mộ. Chính quyền La Mã và các vị lãnh đạo tôn giáo của người Do Thái cẩn thận cho người canh gác huyệt mộ. Tuy vậy, quyền lực thế gian không thể khuất phục quyền năng Thiên Chúa. Vào lúc rạng đông ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ đi thăm mộ và thấy thân xác Chúa Giêsu không còn ở đó nữa. Các sứ thần cho biết, Người đã từ cõi chết sống lại. Chúa Giêsu đã bước ra khỏi hầm tối để trở về cõi sống. Người đã phục sinh như lời Người đã nói trước đó.
Đức Giêsu Phục Sinh đem cho chúng ta niềm hy vọng vào cuộc sống sau khi chết. Người khẳng định với chúng ta rằng, chúng ta được dựng nên để sống chứ không phải để chết. Huyệt mộ tối tăm không phải là điểm dừng cuối cùng của kiếp con người, nhưng đó chỉ là bến đỗ tạm thời trong khi chờ đợi quyền năng của Chúa can thiệp. “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Người công giáo tuyên xưng như thế trong Kinh Tin kính. Thân xác con người dù có mục nát sau khi được an táng trong lòng đất, cũng sẽ được sống lại tromg ngày tận cùng của lịch sử – ta vẫn gọi là ngày phán xét cuối cùng hay ngày tận thế. Tất cả mọi xác phàm sẽ sống lại, nhưng hậu vận của họ không giống nhau. Kẻ lành sống lại để được hạnh phúc muôn đời; kẻ dữ cũng được sống lại nhưng để trầm luân vĩnh viễn. Sự phục sinh của Chúa như ánh sáng cuối đường hầm. Căn hầm tăm tối mà chúng ta đang cảm nhận, đó là những khó khăn và bi quan chán nản của cuộc sống. Nhiều người trong cuộc sống hôm nay đang đứng trước ngõ cụt của cuộc đời. Họ không tìm được lối thoát khi phải đối diện với bạo lực, tệ nạn, chia rẽ, suy đồi luân thường đạo lý. Đó là lý do ngày càng nhiều người tự tử, hoặc tiêu cực tìm đến giải sầu trong men rượu và ma túy.
Lễ Phục Sinh mời gọi chúng ta giã từ tối tăm để vươn tới ánh sáng. Khi phạm tội là con người sống trong tối tăm. Từ bỏ tội lỗi là vươn ra ánh sáng, nhờ đó, mọi tư tưởng hành vi được minh bạch ngay thẳng. Chúa Giêsu là Ánh Sáng thế gian. Làm môn đệ của Người, tức là sống trong ánh sáng. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 2,9-10). Như thế, sống trong yêu thương là một điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ của Đức Giêsu, vì Đạo của Chúa là Đạo Yêu Thương. Thiếu đức ái, danh xưng “người môn đệ của Chúa” chỉ còn là hư danh trống rỗng.
Lễ Phục Sinh còn nhắc bảo chúng ta: sự sống là quà tặng vô cùng quý giá của Thiên Chúa, cần phải trân trọng. Những công nhân bị giam trong hầm tối đã cảm nhận giá trị của cuộc sống. Cũng như những bệnh nhân từng giờ từng phút đang chiến đấu với tử thần, họ thấy sự sống thực sự có giá trị. Trong cảnh tối tăm của công trình bị sập, những nạn nhân thấy mọi người mọi vật đều rất thân thiết và đáng quý giá: từ cha mẹ người thân đến xóm làng; từ căn nhà, ngõ xóm đến bông hoa, ngọn cỏ. Tất cả đều dễ mến dễ thương. Sau khi được cứu thoát khỏi hầm tối, họ mong được về nhà để gặp gỡ những người thân. Mấy ngày xa cách đối với họ dài đằng đẵng như cả một thế kỷ, vì tưởng sẽ không bao giờ gặp lại. Cảm nhận cuộc sống này hữu hạn giúp ta sống tốt với mọi người và tránh làm họ tổn thương. Ý thức cuộc đời chóng qua nhắc bảo ta biết tận dụng thời gian để mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa.
Sống ở thế gian là tranh đấu không ngừng. Đó là cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa bóng tối và ánh sáng. Cuộc giao tranh này có những lúc khốc liệt cam go, khiến ta phải đổ máu. Chúa Giêsu đã chiến thắng trong trận chiến giữa Thánh ý của Chúa Cha và mưu mô của ma quỷ. Người đã phục sinh, đi lên vinh quang từ cõi chết. Sự Phục Sinh của Chúa là lời khẳng định: nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ sống với Người (x. Rm, 6,8-11). Người là Ánh Sáng cuối đường hầm cuộc đời để giải thoát chúng ta khỏi những đam mê, tối tăm và tội lỗi.
(Nguồn: WGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm