Ảo Ảnh
WGPSG -- Cuối năm, tôi soạn lại đống hồ sơ bề bộn trên bàn viết, một bức ảnh đen trắng lộ ra. Ảnh chân dung của tôi đây mà. Ảnh trắng đen, một tác phẩm hơn bốn mươi năm rồi. Tôi xăm soi nhìn thật kỹ bức chân dung như lâu ngày gặp lại hình ảnh của một người bạn xa cách. Thật vậy, ảnh chân dung này quá khác biệt với bức ảnh tôi vừa chụp trong lễ cưới của cô gái út nhà tôi, cách nay vài tháng.
Chúng không chỉ khác biệt về kỹ thuật hay màu sắc, hoa lá lung linh của tác phẩm nhiếp ảnh hiện đại. Nhưng hai tấm ảnh của một con người lại khác nhau một trời một vực như hai tấm ảnh của hai con người nào đó khác nhau về dòng tộc, huyết thống, tâm lý, giáo dục, môi trường…
Một tấm ảnh của một thanh niên hai mươi xuân xanh, chưa lập gia đình. Tấm kia là ảnh của cụ ông sáu mươi nhăm, ông nội cũng là ông ngoại của một lũ nhóc tì. Mới đây đã bốn mươi lăm năm trôi qua. Nhanh thật!
Bà nhà tôi nói:
- Mau quá hả ông. Mới Giáng sinh đây, bây giờ lại Giáng sinh. Mới tết Con Mèo Tân, giờ lại tết Con Nhâm Rồng.
Một năm nhanh thật, nhưng bốn mươi năm nhanh hơn. Tôi mường tượng như vừa diện bộ cánh trẻ trung này và chụp bức ảnh trắng đen mới sáng hôm qua đây thôi. Suy nghĩ của tôi hiện giờ không khác suy nghĩ của tôi cách đây 45 năm là mấy. Nhân sinh quan, vũ trụ quan… của tôi ngày nay cũng không có gì khác. Chỉ có khác ở chỗ ngày xưa còn bé, tôi thường mang kính màu hồng. Giờ già rồi, do tia cực tím của thời gian, màu hồng thắm ấy đã ngả sang sậm màu một tí. Thế thôi. Tôi chợt nhớ đến lời của một giảng sư triết đã nói: "Chủ thể tâm hồn của con người không bao giờ thay đổi. Cái thay đổi là hình thức bên ngoài mà thôi."
Mỗi lần tắm gội, kỳ cọ tay chân, tôi thấy rất nhiều tế bào chết của cơ thể mình đào thải ra ngoài dưới dạng cáu bẩn. Khoa học cho biết theo chu kỳ bảy năm, tất cả tế bào trong cơ phận con người thay mới hoàn toàn. Cũng gương mặt này, cũng tay chân này… vào ngày này bảy năm sau được đổi thay mới hoàn toàn. Dĩ nhiên tiến trình lột da sống đời ấy xảy ra rất tiệm tiến và âm thầm, nên tôi không cảm nhận được lộ trình ấy.
Người ta thường châm biếm: Già mà như con nít. Nhưng đó là một thực tế khó tránh. Một người bạn vừa đến thăm tôi sau hơn ba mươi năm xuất ngoại. Anh cũng như ngày nào. Cũng cậu tớ, cũng ngôn từ têu tếu như ngày chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường với nhau. Giang sơn thay đổi, bản tánh khó dời. Nhưng hình dáng bên ngoài có khác. Khác nhiều lắm. Trước khi về nước mấy tháng, anh ấy có gửi cho tôi một bức ảnh chụp chung với nhiều người bạn trong công ty. Tôi không tài nào nhận ra người bạn nối khố của mình ngày xưa, đứng ở góc nào trong ảnh. Bạn của tôi ngày nào có mái tóc đen nhánh, bồng bềnh đầy nghệ sĩ tính, ôm lấy gương mặt căng hồng bầu bĩnh, giờ tóc anh đã ngả bạc khói lam chiều, kèm hơi hói một tí…
Già lão, tóc bạc da mồi là qui luật Tạo hóa. Nhưng con người lại muốn lách luật như thường quen lách luật dân sự, luật hình sự… Quý ông, quý bà rủ nhau tắm bùn, tắm nắng, tắm sữa… nhuộm tóc, nhuộm da, căng da mặt, treo mày, cấy mi, nối mi, cắt mắt, cắt cằm, độn mũi, độn ngực… Người già không muốn người ta thấy mình già, họ luôn tránh né lệnh truy nã của thần thời gian.
Vào cuối thập niên tám mươi, thế kỷ trước, sau năm 1975, nhiều loại hình giải trí đã bị xóa sổ: bi da, đua ngựa, tennis, võ thuật, chiếu bóng, ca nhạc, hòa tấu… duy nhất còn lại là sân khấu Cải lương. Một buổi tối, sau xuất diễn dài tại rạp cải lương Cao Đồng Hưng, cạnh chợ Bà Chiểu, vợ chồng tôi theo chân đám khán giả mộ điệu ào đến cửa hậu trường để đón lỏng cô đào chính nổi tiếng tại đất Sài Thành này từ thập niên 60. Cô đào vừa bước ra khỏi cửa, cố lách đi giữa đám fan mộ điệu, bỗng có tiếng của một phụ nữ thốt lên rõ mồn một: Già rồi!
Nụ cười xinh xắn trên môi cô đào vụt biến mất. Cô sa sầm nét mặt, hét lên: Bảo vệ đâu hết rồi. Lập tức có hai thanh niên vạm vỡ đến vén đám đông và đưa cô đào nhanh ra xe hơi chờ sẵn trước cổng rạp, vọt mất. Già theo tuổi là quy luật. Tiếng nhạc ngũ âm, ánh đèn bảy màu, lớp phấn son trên mặt ngôi sao, dễ dàng đánh lừa khán giả. Nhưng khi ánh đèn sân khấu vụt tắt đi thì sự thật phũ phàng lại phơi bày nguyên vẹn. Cách đây vài tháng, báo chí Sài Gòn đưa tin ngôi sao màn bạc Liz Taylor vừa qua đời trong tuổi U 80, kèm bức ảnh của cụ vào những năm tháng cuối đời trên chiếc xe lăn. Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy bức chân dung mới của bà. Cũng con người này, cách đây hơn 40 năm, trong vai nữ hoàng Cléopatre, Ai Cập, đã làm hàng triệu triệu quả tim trai trẻ mê mệt.
Già theo tuổi là nỗi đau của người già. Nhưng trong những tháng cuối năm, báo chí lại vừa phát giác tại Việt Nam có những trường hợp già không theo tuổi. Một quái bệnh đã làm sưng rộp, chảy xệ da mặt cô gái 25 tuổi, tại xứ dừa Bến Tre. Bỗng chốc cô gái biến thành bà lão 65 tuổi, y như những câu chuyện cổ tích thần kỳ có mụ phù thủy áo đen chuyên phù phép hại người vô tội. Những bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác ấy phải đau khổ đến mức độ nào? Chỉ có họ mới thấu: “Đoạn trường, ai có qua cầu mới hay”.
Ngày xưa còn bé, tết đến, xun xoe trong bộ quần áo mới thơm, xanh xanh đỏ đỏ, tôi chúc tết Ông Bà và Ba Mẹ tôi sống đến đầu bạc răng long. Bây giờ tết đến, lũ cháu con của tôi cũng chúc tôi như vậy. Kinh Thánh cũng viết: “Người đầu bạc thì đáng được kính trọng”. Nhưng từ hơn ba năm nay tôi phải nhuộm tóc vì bà nhà tôi nói: “Để tóc bạc nhìn phản cảm lắm!” Mới đây, báo chí lại đưa tin “Liệt não vì thuốc nhuộm tóc”. Phải chăng đó là lời cảnh tỉnh cho người già nhuộm tóc đen, người trẻ nhuộm tóc đỏ.
Tôi không còn răng long, vì tôi đã nhổ tất trước khi chúng long ra. Giờ tôi đã có hai hàm răng giả cứng chắc hơn răng thật. Các cụ thích sống lâu, nhưng không thích đầu bạc răng long.
Cụ Tú Xương khuyên thiên hạ chớ: Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Vì ông sợ: Bống bế nhau lên nó ở non.
Cụ cũng khuyên chớ: Chúc nhau bạc tiền đầy mâm, xài không hết.
Vì ông sợ: Phen này chắc hẳn gà ăn bạc.
Gà ăn bạc, gà phải chết. Ông không còn mồi để chén thù chén tạc với chiến hữu của mình.
Tiền bạc ai cũng ham. Gặp nhau đầu năm người ta luôn miệng chúc nhau: Năm mới phát tài hơn năm cũ. Suốt một đời làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối, chấp nhận bán rẻ lương tâm, dẫm đạp lên đồng nghiệp, miễn sao có tiền, vàng đầy két. Của công cũng mạnh tay vơ vét, mặc cho quốc dân đồng bào khốn khổ. Có tiền rồi cũng không dám xài. Ky cóp, nhịn ăn, nhịn mặc cho có đồng dư. Không dám du lịch đó đây, thăm viếng thân bằng quyến thuộc cũng rất hạn chế. Đến tuổi về hưu, lắm tiền, thì sụm bà chè, không đi đâu được nữa. Lên mâm cơm, thịt cá ê hề, nhưng không gắp được miếng nào cho bao tử. Bộ tiêu hóa đã lão suy trước tuổi rồi. Ai cũng cảm nhận đời là bể khổ, nhưng ai cũng muốn sống lâu trăm tuổi.
Cụ Nguyễn Công Trứ đã thốt lên:
“Đã sinh ra thì đà khóc chóe.
Đời có vui sao chẳng cười khì”.
Thời trung học, trường nội trú tôi theo học rất kỷ luật. Tết về sum họp với gia đình vỏn vẹn chỉ hai tuần chẵn. Sáng mồng một tết, chúng tôi mừng tuổi Bà trước rồi mới đến Ba Mẹ. Năm nào Bà cũng rơm rớm nước mắt nói: “Không biết tết năm sau bà có còn sống với các cháu hay không”. Mọi người lặng thinh, trân trọng lời tâm sự đầu năm của bà. Thằng Xuân, con dì út, là tay nghịch ngợm nhất, lúc đó cũng đứng yên há mồm trố mắt nhìn chằm chằm vào mắt bà, quên mất mai vàng, dưa đỏ, bánh chưng xanh. Thương Bà quá, tôi không rời Bà nửa bước trong buổi sáng mồng một. Bà còn tâm sự với tôi nhiều điều khó quên: “Sau một ngày, sau một năm là càng bước gần đến mồ cháu ạ. Con người cần sống sao cho có ý nghĩa, để khi nằm xuống thì yên lòng nhắm mắt, không còn gì để hối tiếc.”
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của Chúa, tôi phải chấp nhận. Có người vừa sinh ra, chưa bệnh, chưa lão, đã tử. Buồn hơn, vì bố mẹ sợ mất chức vụ, mất bạc tiền, nên có người chưa sinh ra đã tử trong lòng mẹ ruột mình. Sinh: khổ, bệnh: khổ, lão: khổ, tử: khổ. Nhưng không ai muốn chết trẻ. Con cháu hãnh diện khi cha mẹ mình hưởng thọ 60, 70, 80… Không ai muốn bảng cáo phó của cha mẹ chỉ ghi hưởng dương, 30, 40, 50. Thọ là Phúc lớn nhất của con người. Phúc – Lộc – Thọ tóm lại chỉ còn là hai điều ước trên hết của con người đó là LỘC và THỌ. Do đó, tết đến người người luôn chúc nhau An khang - Thịnh vượng.
Tan hợp – hợp tan, kiết hung – hung kiết, vui buồn – sướng khổ, sinh ly – tử biệt, sinh – bệnh – lão… tôi đã trải qua. Tôi cảm nhận một ngày sống là một món quà quý giá mà Thiên Chúa trao ban cho mình. Dĩ nhiên ngày nào cũng đều có niềm vui và nỗi buồn của ngày ấy. Tôi mãn nguyện vì Chúa đã cho phép tôi hưởng thọ hơn sáu mươi năm, dù cuộc đời tôi đã hằn đậm nhiều vết đắng cay giữa chốn trần ai này.
Sài Gòn, cuối năm Tân Mão 2011
Minh Tâm
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm