Ba ngọn nến lung linh giữa đời thường
WGPSG -- Tôi bắt gặp một hình ảnh thật cảm động trong Thánh lễ chiều thứ Ba, 28.08.2012 tại giáo xứ Hy Vọng, giáo hạt Tân Sơn Nhì, giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. Đó là hình ảnh của ba người trong một gia đình bắt tay chúc bình an cho nhau trong Thánh lễ. Người chồng bắt tay vợ và con. Người vợ cũng làm như thế. Và người con bắt tay cha mẹ. Ngoài ra, họ cùng cất lên những tiếng hát thật thánh thót. Họ cùng nhau lên rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Thật đẹp và dễ thương. Thật ấm áp và hạnh phúc.
Bạn thân mến, những hình ảnh trên đây làm tôi nhớ đến hình ảnh ba ngọn nến mà nhạc sĩ Ngọc Lễ dùng để diễn tả về gia đình: “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh… gia đình, gia đình ôm ấp ta những ngày thơ cho ta bao nhiêu niềm thương mến… Lung linh, lung linh tình mẹ, tình cha. Lung linh, lung linh cùng một mái nhà. Lung linh, lung linh cùng buồn cùng vui. Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình.”
Phải chăng nhắc đến ngọn nến là đề cập đến việc thắp lên ánh sáng? Phải chăng ngọn nến đang cháy sáng cũng là lúc nó bị tiêu hao hình hài đi? Vậy, ba ngọn nến trong gia đình thường thắp lên những ánh sáng lung linh như thế nào?
Ngọn nến lung linh được thắp lên từ người chồng-người cha
Trước hết, ngọn nến lung linh đầu tiên được người chồng-người cha trong gia đình thắp lên. Đó là ngọn nến của sự hy sinh vì vợ con. Tôi biết được một câu chuyện cảm động về sự hy sinh cao cả của một người cha. Ông ta là một kỹ sư điện tử rất giỏi, làm việc ở Singapo. Tuy nhiên, ông lại bị bệnh tim thường hay mệt đột xuất. Dù vậy, ông không dám đi bác sĩ vì sợ người ta phát hiện sức khỏe của ông có vấn đề. Ông sợ mất việc. Nếu ông mất việc thì ai sẽ là người lo cho đứa con trai và vợ của ông đang sống ở Việt Nam. Ông sống trong một căn nhà chẳng có đồ đạc gì quý giá. Chiếc nệm ông đang nằm là của người con trai. Đó là thứ quý nhất trong căn phòng của ông. Vâng, sự hy sinh của người cha trong gia đình này thật vĩ đại biết bao! Bởi thế, người ta thường bảo rằng: “Mất cha là mất cả một bầu trời.”
Khởi đi từ đó, hình ảnh người đàn ông trong Thánh lễ chiều nay thật ý nghĩa biết mấy! Ông đã chủ động bắt tay vợ và con. Phải chăng đó là cái bắt tay truyền hơi ấm yêu thương che chở mang lại bình an cho vợ con ông? Vậy, người vợ và con cảm nhận thế nào?
Người vợ - người mẹ cảm nhận được ngọn nến yêu thương được thắp lên từ chồng - con
Người phụ nữ mỉm cười khi bắt tay với chồng con trong Thánh lễ chiều nay. Đó là nụ cười của hạnh phúc. Nụ cười của bình an ấm áp trong tâm hồn. Nụ cười có thể xua tan đi bao vất vả lo toan và giận hờn trong đời sống gia đình. Ngồi ở phía sau, tôi lắng nghe giọng chị hát thánh ca rất hay. Phải chăng chị cảm nhận được sự yêu thương của chồng nên mới hát hay như thế?
Bạn thân mến, cuộc sống đô thị hiện đại thường dễ dẫn đến những rạn nứt trong đời sống hôn nhân gia đình. Thực tế đã xảy ra biết bao cảnh bạo hành bạo lực gia đình. Biết bao vụ án vợ chồng ra tòa ly dị vì sống không hợp nhau. Vậy, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự không hợp nhau ấy là gì? Có phải do họ sống thiếu ngọn nến của tình yêu? Có phải họ sống thiếu ngọn nến của sự hy sinh và tin tưởng lẫn nhau? Bởi thế, Thánh Augustinô mà Giáo hội mừng lễ chiều nay đã trải nghiệm đời mình: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.”
Những gì nêu trên khiến tôi nhớ đến cái bắt tay mà người phụ nữ đã dành cho con của chị. Chị nắm lấy tay con thật nhẹ nhàng. Chị mỉm cười với con bằng ánh mắt trìu mến. Cái bắt tay và nụ cười ấy nói lên cả một tình thương dạt dào của một người mẹ. Thế nên, một người con hiếu thảo đã từng cảm nghiệm thật thấm thía như sau: “Niềm vui như nhân lên, nỗi buồn như lắng xuống, sự yếu đuối được thay thế bằng ý chí, nghị lực, bởi con được tiếp thêm sức mạnh khi nghĩ về đôi bàn tay chai sạn ẩn chứa tình yêu thương, những hy sinh thầm lặng mẹ dành cho chúng con.”
Người con thắp lên ánh sáng hiếu thảo với cha mẹ
Tiếp đến, ngọn nến yêu thương của cha mẹ được lan tỏa đến người con. Vậy người con cần phải làm gì để ngọn nến lung linh ấy luôn thắp sáng đời mình? Trong Thánh lễ chiều này, bạn cảm nghiệm được gì nơi con người Thánh Augustinô? Những thói hư tật xấu của ngài đã làm cho Thánh nữ Mônica ròng rã suốt mười tám năm trời sống trong nước mắt. Như thế, Augustinô là một người con làm cho mẹ ngài đau khổ. Thế nhưng, ngài đã thức tỉnh và sám hối nhận ra những sai lầm trong cuộc đời. Vâng, ngọn nến nơi người con luôn rực sáng khi biết nhận ra và đáp lại tình thương của cha mẹ.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống hôm nay đâu có mấy người con hiếu thảo với cha mẹ. Bởi vậy, có một bạn trẻ tâm sự chân thành: "Con từng bị đeo bám bởi tâm lý hổ thẹn, mặc cảm vì mẹ là một người nông dân nghèo khó, quanh năm chân lấm tay bùn trong khi mẹ của các bạn con người thì là giáo viên, người là kế toán, văn thư, thậm chí có người còn là giám đốc một cơ quan danh tiếng.” Bạn nghĩ gì về những câu nói này? Vậy, chúng ta cần phải làm gì để nhận ra ánh sáng yêu thương luôn rực sáng mà cha mình đã dành cho đời mình?
Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian
Chúa Giêsu nói với người Do Thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Ga 8,12). Thế nhưng, mỗi Kitô hữu chúng ta thường chuộng bóng tối hơn ánh sáng. Bởi vậy, chúng ta còn sống trong sự tối tăm mờ ám. Vì thế, cuộc đời chúng ta cần cắm neo gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Bởi lẽ, Ngài đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất. Và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” ( Lc 12,49). Phải chăng đó là lửa tình yêu thắp sáng tình thương cho nền văn minh thiếu tình thương hôm nay? Phải chăng đó là lửa sự thật được thắp sáng lên nơi những việc làm mờ ám, gian dối của phần đông con người thời đại hôm nay?
Cuối cùng, xin mượn lời nguyện của giờ kinh phụng vụ trưa thứ Năm, 30.08.2012 để chúng ta tiếp tục trầm lắng suy nghĩ về bản thân, cha mẹ và về Chúa Giêsu: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nơi Chúa, chẳng có gì là tối tăm mờ ám. Xin giãi ánh sáng Chúa trên chúng con, để một khi đã nghe biết lề luật cùng huấn lệnh Chúa, chúng con cảm thấy lòng thơ thới hân hoan, mà trung thành bước đi trong đường lối Chúa… Amen.”
bài liên quan mới nhất
- Tình chị em
-
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi Phần I của Tông huấn -
Năm “Gia đình Amoris Laetitia”: Học hỏi phần Dẫn nhập của Tông huấn -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Chương trình Chuyên đề Giáo Dục: Giới thiệu Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Chuyên đề: “Đồng hành với người trẻ trong gia đình” ngày 21-10-2020 -
Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót
bài liên quan đọc nhiều
- Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông
-
Hôn nhân khác đạo -
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Nghệ thuật Giáo dục Con cái -
Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Chào tiễn ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn -
Năm giai đoạn của tình yêu -
Để hôn nhân được tốt đẹp: Bí quyết 'Bàn Thạch' -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Về hôn nhân đồng tính -
Phóng sự: Báu vật Chúa ban