Bác thằng bần
Những ngày cuối năm, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bên cạnh những tin liên quan đến thời sự, lương, thưởng Tết…; lại rộ lên những tin tức liên quan đến tiền bạc như bể hụi, đòi nợ, trốn nợ... Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung có thể nói đa phần vì lòng tham của con người.
Lòng tham khiến con người đầu tư hầu hết thời gian và tâm trí vào những việc để có thể đạt được danh vọng đồng thời tích lũy cho được thật nhiều tiền bạc, của cải vật chất. Lòng tham lam sẽ dẫn người đi xa đến mức sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn nào, cách thế nào để có thể vơ vét và gom hết về cho bản thân mình mọi thứ được coi là quý giá dưới mắt con người.
Tệ hơn nữa, vì muốn chiếm hữu hết mọi thứ nên khi đang lo chạy theo tiền của, người ta sẽ mù quáng đến mức quên mất cả sự an toàn cho bản thân mình. Để rồi đến một lúc nào đó không ngờ, họ sẽ bị rơi tõm xuống vực thẳm của nó và có khi phải trả giá đắt bằng chính mạng sống mình. Ðúng như câu nói “tham thì thâm” rất chí lý mà ông bà ta đã để lại.
Đó thường là những người lười biếng, ngán ngại lao động; chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng, ”gặt những thứ mà họ không bao giờ gieo”. Họ nghĩ rằng mình sẽ có thể kiếm tiền, làm giàu dễ dàng bằng chơi cờ bạc, cá độ, xổ số; và lao đầu vào những cuộc đen đỏ. Lúc đầu chỉ là mua một vài tờ vé số cầu may, nhưng rồi ngày càng nhiều hơn; cho đến lúc máu ăn thua nổi lên thì những hình thức cờ bạc bất hợp pháp bắt đầu lôi kéo họ.
Ngày nay có rất nhiều hình thức đánh bạc: người giàu có thể du lịch nước ngoài vào casino, đánh bài với máy, chơi games sử dụng tiền ảo nhưng lại chung chi bằng tiền thiệt, đá gà, cá độ trên mạng internet...; nhưng phổ biến và bình dân nhất là chơi số lô, số đề.
Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi tại nhà bấm điện thoại là người ta có thể ghi “đề”. Thiếu tiền ư ? Đã có đội ngũ những “ngân hàng cột điện” sẵn sàng cho vay với “lãi suất 0%” và thủ tục tối giản! Tất cả những kịch bản này như những cái vòi bạch tuộc len lỏi vào mọi tầng lớp, mọi thành phần… khiến nhiều người (trong đó có không ít những người Công giáo chúng ta) mang nợ nần ngập đầu; tài sản và sự nghiệp tiêu tan, gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát.
Đã là con bạc tất nhiên phải “khát nước”, thắng thì họ nhất định muốn chơi tiếp để kiếm thêm, khi có người can ngăn thì họ nói rằng khi nào kiếm đủ thì sẽ thôi. Nhưng cuộc đời biết thế nào là đủ, biết lúc nào mới đáp ứng được cái lòng tham vô đáy của con người. Rồi lại có lúc thua, thua thì xót xa nhưng vẫn hậm hực muốn chơi tiếp để gỡ lại khoản tiền đã mất. Thế là họ cứ loanh quanh, luẩn quẩn với cái vòng chơi ấy.
Khi hết tiền, họ sẵn sàng vay công mượn nợ với lãi suất cao, mượn đầu này đắp đầu kia. Khi không còn khả năng xoay sở, bị chủ nợ đe dọa, khủng bố; họ “đưa” cha mẹ, anh em, con cháu đứng ra trả thay. Nhục nhã ê chề nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy. Như con thiêu thân liều chết lao đầu vào lửa, họ vẫn tiếp tục quay cuồng đánh cược với những con số, để rồi biết bao đồ đạc trong nhà phải ra đi mà không thèm đội nón. Khi đến cái nhà cũng bị siết nợ thì “bần cùng sinh đạo tặc” làm liều trộm cướp, dấn thân vào con đường phạm pháp tù tội như câu nói dân gian:
Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết tra chân đi cùm.
Có những con bạc đi nhà thờ, hành hương khắp nơi với mục đích cầu xin cho mình được trúng số, trúng lô, trúng đề hoặc thắng bạc để có nhiều tiền dâng hiến cho nhà thờ này, xứ đạo kia hoặc cho các mục đích từ thiện! Nhưng thực sự thì ít có người nào đạt được điều mình xin, từ đó người ta dần dần xa rời đạo Chúa. Còn số ít những người may mắn trúng thì chỉ vài năm sau lại rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn trước khi họ trúng số.
Thi thoảng nếu có người nào đó dùng tiền cờ bạc để làm việc bác ái thì chắc chắn đây không phải là việc đẹp lòng Chúa vì ”Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. (Mt 6, 24; Lc 16, 13). Hàng ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã cảnh báo: ”Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. (Lc 12, 15).
Cờ bạc thể hiện rõ nét nhất qua việc tập trung vào lòng yêu thích, ham muốn tiền của và sức cám dỗ có thể làm giàu nhanh chóng và dễ dàng. Chúng ta hãy cảnh giác với cờ bạc, đừng nghĩ rằng mình chỉ chơi cho vui trong những ngày nghỉ lễ, Tết hoặc với những đồng tiền lẻ là vô hại. ”Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”, thói quen tưởng chừng như vô hại đó sẽ dẫn chúng ta đến sự đam mê tiền bạc và lòng ao ước sự giàu có.
“Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé”. (1Tm 6, 9-10). Thế nên người Kitô hữu hãy tránh xa tệ nạn cờ bạc, lô đề để ”đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật”. (Rm 13, 8).
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
bài liên quan mới nhất
- Tròn một năm Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học Luân lý Y Sinh học Công giáo
-
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Lắng nghe những suy tư của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
“Quyền phá thai” coi thường các tiêu chuẩn luân lý và luật pháp -
ĐTC cổ võ nền luân lý thương xót và có tinh thần truyền giáo -
Thư của Bộ Giáo lý Đức Tin gởi các Giám Mục về đồng tính -
Hội nghị Quốc tế của các Thần học gia Luân Lý tại Sarajevo, Bosnia và Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị -
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế về thần học luân lý -
Khi bác sĩ sản phụ là kẻ vô lương -
Giới thiệu sách: “Thần học về Thân xác” của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Có phải tiền là tất cả ? -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo -
Giới thiệu sách: “Thần học về Thân xác” của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II -
Tròn một năm Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học Luân lý Y Sinh học Công giáo