Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm A

Mt 14, 22 - 23

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng con vừa nghe một bài Tin Mừng rất đặc biệt. Chúng con có thấy đặc biệt ở chỗ nào không ? Phần cha thì cha có cảm tưởng như Chúa xếp đặt mọi sự. Các diễn tiến trong bài Tin Mừng dường như xảy ra đúng như sự xếp đặt của Chúa. Chúa có ý làm như thể để huấn luyện các môn đệ của Ngài.

Bây giờ chúng con hãy nhìn vào bài Tin Mừng.

Hôm đó sau khi Chúa làm phép lạ thật lớn. Từ hai con cá và năm chiếc bánh Chúa hoá ra nhiều để nuôi một số là hơn 5000 người ở trong nơi hoang vắng. Việc làm của Chúa đã làm cho mọi người vui mừng đến ngất ngây. Các môn đệ thì còn hơn nữa. Các ông ấy hạnh phúc, sung sướng nhất là khi thấy dân chúng nhân cơ hội này muốn tôn Chúa lên làm vua. Tương lai xem ra sắp huy hoàng rồi. Chúa mà làm vua thì các môn đệ chắc chắn sẽ có phần trong đó. Thế nhưng sự việc đã không diễn ra như các môn đệ mong muốn.

Như chúng con thấy, sau Phép lạ bánh hóa nhiều thì Chúa giục các tông đồ của Chúa phải xuống thuyền và trở về bờ bên kia trước. Chúa không cùng đi với các Ông. Một mình Chúa ở lại.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy ít khi Chúa xử sự như thế. Một mình Chúa ở lại và Chúa lên núi cầu nguyện một mình. Tại sao Chúa lại làm như vậy ? Thánh Matthêo không nói, nhưng thánh Gioan cho chúng ta một chi tiết rất đặc biệt. Gioan ghi lại như thế này :”Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thi nói: Hẳn ông này là vị Ngôn sứ phải đến trong thế gian.” và câu này mới quan trọng: “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm Vua, nên Người lại lánh mặt đi lên núi một mình” (Ga,14-15).

Chúa Giêsu ở lại và cầu nguyện một mình. Tin Mừng không cho chúng ta biết Chúa cầu nguyện những gì và như thế nào, nhưng lại cho chúng ta biết một chi tiết rất hay này...đó là đang lúc Chúa cầu nguyện một mình trên núi như thế thì con thuyền của các môn đệ đã ở giữa biển khơi và gặp sóng gió bão táp. Chúa có biết điều đó không ? Chc chắn là Chúa biết. Chúa biết các môn đệ phải vất vả lắm mới có thể gìn giữ được con thuyền để nó khỏi bị lật úp. Suốt một thời gian dài, dài cả 9-10 tiếng đồng hồ, suốt từ chiều cho đến lúc canh tư tức là vào khoảng 3-6 giờ sáng, vậy mà con thuyền của các môn đệ vẫn còn lênh đênh giữa biển khơi. Có lẽ mọi cố gắng để đưa con thuyền đi tới đã hoàn toàn vô ích. Và chính lúc đó thì Chúa quyết định can thiệp. Dường như Chúa chỉ can thiệp khi mọi sự đã thành tuyệt vọng và chỉ can thiệp vào những giờ phút sau cùng. Trong phép lạ bánh hóa nhiều chúng ta cũng thấy Chúa làm như vậy.

Sự có mặt của Chúa giữa biển khơi vào thời gian canh tư đêm tối lúc đầu đã khiến cho các môn đệ hoảng sợ. Cảm giác đầu tiên là các ông ấy tưởng mình thấy “Ma”.

Chúa đã không để cho các môn đệ của Ngài phải hốt hoảng lâu dài. Ngài đã lập tức lên tiếng. Với sắc tiếng và giọng nói quen thuộc: “Hãy an tâm! Chính Thầy đây....Đừng sợ”. Vâng, chính bằng những lời bảo đảm của Chúa, các môn đệ đã cảm thấy một phần nào an tâm, nhưng sự an tâm chưa trọn vẹn.

Phêrô muốn có một bằng chứng cụ thể và chắc ăn, ông đã lên tiếng, gần như là một lời thách thức: “Lạy Thầy, nếu quả thực là Thầy thì xin Thầy cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Chúa nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị của ông: “Cứ đến” và Phêrô đã bước xuống nhưng niềm tin của ông chưa trọn vẹn.... Lúc này sóng gió bão táp lại nổi lên mạnh hơn, Phêrô hoài nghi, chân ông bắt đầu chìm xuống ....Ông kêu lên. May thay Chúa đã có mặt ngay trước mặt ông. Chúa đưa tay kéo ông lên và sau khi đưa ông lên thuyền thì sóng gió bão táp liền im lặng. Tất cả mọi người hoan hỉ và bằng những lời thật chân thành họ thưa với Chúa: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”

2. Bài học.

Bài học mà hầu hết các nhà đạo đức muốn nói ở đây là sự có mặt của Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống, cuộc sống chung của thế giới, của Giáo Hội hay cuộc sống của mỗi người. Trong bài chia sẻ hôm hôm nay cha chỉ muốn dừng lại việc Chúa luôn có mặt trong Giáo Hội của Ngài.

Đối với Giáo Hội thì đây là bài học mà mọi người đều thấy. Trước khi về trời Chúa đã long trọng đoan hứa: “Thầy sẽ ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Sự có mặt của Chúa trong Giáo Hội là một điều không còn ai dám hoài nghi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay có nhiều người cứ tưởng Chúa không cùng đi với các môn đệ là Chúa bỏ rơi các ông. Hoàn toàn không phải thế. Chúa xem ra như vắng mặt nhưng thực tế là Chúa luôn có mặt. Chúa biết mọi sự đang xảy ra cho các môn đệ và Chúa đã xuất hiện thật đúng nơi và đúng lúc. Thời đó chưa có điện thoại để liên lạc. Tuy vậy khi phải xuất hiện thì Chúa đã có mặt ngay lập tức. Điều đó chứng tỏ Chúa biết tất cả mọi sự. Việc này phải là một sự thật nâng đỡ nim tin của mọi người vào Chúa nhất là những môn đệ hay chúng ta là những đang sống trong con thuyền Giáo Hội do Chúa thiết lập.

Cha kể cho chúng con câu chuyện này: Thi sĩ Anh Ô. Byron viết một câu truyện như sau: Hôm ấy có một con tàu chở hành khách rẽ sóng lướt đi trên mặt biển bao la. Bỗng chốc bầu trời bị che phủ đen đặc... rồi giông tố ầm ầm thổi tới, .. mưa càng to .. gió bão càng lớn. Mọi người lo lắng .. Nhưng chỉ có một mình cậu bé cứ ngồi chơi trên cầu tàu, bình tĩnh nhìn con tàu nghiêng ngửa và đôi khi còn tỏ ra như thích thú giữa lúc con tàu bị nghiêng ngửa vì sóng gió... như không có gì xảy ra.

Lạ lùng một thủy thủ giương to đôi mắt hỏi:

- Em không sợ chết sao!

Em bé lắc đầu thản nhiên trả lời .

- Sao lại sợ ! Chính ba tôi cầm lái con tàu này mà .

Chúng con tiếp tục nghe câu chuyện này: Khi được làm Giáo Hoàng, một việc hết sức trọng đại. Đức Piô XI đã can đảm làm xong mọi thủ tục thuộc nghi lễ đăng quang, xong việc, Ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáo Hoàng Benedicto XV, thì tự nhiên một lo âu bao trùm tâm hồn Ngài. Giáo Hội đang bị tấn công mọi mặt. Cuộc đệ thế chiến I vừa chấm dứt và cuộc đệ thế chiến II đang âm ỉ. Giáo Hội phải trải qua một giai đoạn thử thách gắt gao.

Nghĩ đến tất cả những điều ấy, Đức Piô XI thấy mình tràn ngập lo âu. Lúc ấy Ngài làm chỉ làm một công việc duy nhất mà một người lo sợ có thể làm đó là Ngài quì xuống, cầu nguyện. Trong khi Ngài cầu nguyện như thế, tay Ngài đưa ra, chạm phải một tấm ảnh còn lại trên bàn giấy của Đức Benedicto XV. Ngài cầm mẫu ảnh lên xem và tự nhiên nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn Ngài tràn ngập bình an. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Những làn sóng lo âu, sợ sệt trong tâm hồn Đức Piô XI êm lặng lại. Ngài giữ bức ảnh ấy trên bàn giấy của Ngài luôn. Từ đó về sau, mỗi khi lo âu gì, ngài chỉ việc nhìn vào bức ảnh để trên bàn đó và nhớ rằng Chúa Giêsu chỉ phán một lời là sóng gió phải yên lặng. Và tâm hồn Ngài luôn sống trong bình an. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top