Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm C

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm C

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm C

Chúng con yêu quí,

1. Chúng con lại được nghe một bài Tin Mừng dài nữa thuật lại cho chúng ta câu chuyện về việc Chúa Giêsu Phục sinh.

Cha đố chúng con câu chuyện hôm nay xảy ra ở đâu?

- Ở biển hồ Tibêria.

- Biển hồ này ở miền nào của nước Do thái vậy?

- Ở miền Bắc!

- Miền này cò tên gọi là miền gì?

- Miền Gallilê.

- Chúa hiện ra với ai nhỉ?

- Với các môn đệ của Chúa.

- Có phải với tất cả các môn đệ không?

- Thưa không….Chỉ hiện ra với 7 môn đệ là những người trước đây đã sinh sống tại miền này mà thôi.

Đối với Chúa Giêsu thì đây là nơi có thật nhiều kỷ niệm êm đềm.

Chúng con biết nơi đây có làng Nagiareth thân yêu. Và đây là nơi Chúa bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa.

Chính ở nơi đây Chúa đã chọn các môn đệ đầu tiên. Đó là ông Phêrô, An drê, Giacôbê và Gioan.

Vâng đúng là Chúa đã bắt đầu những việc hết sức quan trọng từ vùng đất này và phần lớn công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa diễn ra tại ở đây. Hằng năm Chúa có về Giêrusalem nhưng chỉ về vào những dịp quan trọng nhất là những dịp lễ, về vì bổ phận.

Cha đố chúng con Giêrusalem ở chỗ nào trong nước Do thái?

- Thưa ở miền Nam đất nước Do Thái.

-  Miền này gọi là miền nào chúng con?

- Miền Giuđêa nơi có một địa điểm rất quan trọng và cũng rất nổi tiếng đó là thành thánh Giêrusalem.

Giêrusalem là thủ đô của nước Do thái, nơi mà Chúa Giêsu mới trải qua những ngày đau khổ tột cùng và chết một cách tất tưởi như một tên tử tội tại đây.

Chúng con biết sau khi Chúa từ cõi chết sống lại, đầu tiên Chúa đã hiện ra với Bà Maria Mađalena. Và cũng chính bà là người đầu tiên mang Tin Mừng Phục sinh báo cho các môn đệ. Rồi Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Sau đó đích thân Chúa hiện ra cho các môn đệ. Chúng con còn nhớ không. Lần đầu tiên Chúa hiện ra thì không có mặt ông Tôma ở đó. Tới lần thứ hai ông Tôma mới có mặt. Chúng con còn nhớ câu chuyện của ông Tôma không? Trong câu chuyện này chúng con còn nhớ Chúa nói với ông Tôma thế nào không? Ai nhớ được nói cho cha nghe coi nào?

- Chúa nói với ông Tôma: "Phúc cho những ai không thấy mà tin"

Sau lần hiện ra này như đã báo trước, Chúa hẹn gặp các môn đệ ở Gallilê. Và hôm nay là ngày Chúa thực hiện lời hứa.

2. Theo Tin Mừng thì sau lần hiện ra với các môn đệ trong đó có cả ông Tôma, Chúa Giêsu không hiện ra một lần nào ở Giêrusalem nữa. Chính vì thế mà các môn đệ "Giải tán" và như Tin Mừng ghi lại thì ông Phêrô cũng như nhóm các môn đệ đầu tiên của Chúa cũng trở về quê quán của mình. Quê quán của họ đều ở miền Gallilê.

Trong khi chờ đợi Chúa thực hiện lời hứa thì hôm đó Phêrô nói với một nhóm anh em: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông khác đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh". Đêm hôm ấy họ không bắt được con cá nào…sự việc rất giống với lần đầu tiên lúc họ mới gặp Chúa. Rồi có một người đứng đó. Người ấy bảo đem lưới mà thả bên phải mạn thuyền. Họ làm như thế và bắt được rất nhiều cá. Gioan thốt lên:

- Thầy đó.

Phêrô choáng váng. Ông vội khoác áo vào, nhảy xuống khỏi thuyền bơi thật nhanh vào bờ.

Trên bờ, Chúa đã nhóm lửa sẵn và bảo họ đi lấy cá.

Phêrô vội vàng thi hành. Ông không dám hỏi một lời.

Sau bữa ăn Chúa phá vỡ im lặng. Ngài quay về phía Phêrô. Ông vẫn im lặng. Chúa hỏi:

- Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? (Chúa gọi ông bằng tên riêng của ông chứ không gọi bằng tên Chúa đặt: Phêrô: Đá)  

Ông cảm thấy như đau nhói ở trong lòng. Trả lời với Chúa làm sao bây giờ. Nhìn vào tận cõi lòng ông thấy lòng yêu Chúa vẫn còn nóng bỏng. Ông nói thật và để cho Chúa phán xét:

- Thưa Thầy, thầy biết con yêu mến Thầy.

Chúa lại nhìn ông một lần nữa rồi Ngài lặp lại cũng một câu hỏi như trên:

- Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?

Ông cũng lập lại câu trả lời như ông đã trả lời ở trên.

- Thưa Thầy có. Thầy biết con yêu mến Thầy.

Rồi lần thứ ba Chúa lại hỏi để được nghe lại một lần nữa lời tuyên xưng tình yêu của một kẻ được Chúa yêu thương nhất, nhưng cũng đã vấp phạm nhiều nhất.

- Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không?

- Thưa Thầy, thầy biết mọi sự. Thy biết rằng con yêu mến thầy.

Ba lần ông chối Ngài,

Ba lần Chúa cho ông cơ hội để nhắc lại tiếng nói tình yêu để tuyên xưng lòng tin tưởng của mình.

Không một lời rầy la

Không một lời trách móc

Không một lời buộc tội

Chỉ là cơ hội để xác định lại mối dây liên hệ yêu thương.

Đó là cách Chúa cư xử với những kẻ khiêm nhường và rồi sau đó ông bắt đầu một đoạn đời mới:

- Hãy chăn giữ các chiên của ta.

Phêrô được sai đi đến Giêrusalem, trở về chính nơi ông đã vấp ngã và lúc này ông đủ can đảm để không phản đối.

Ông vâng lời trở về Giêrusalem và ở đó lần đầu tiên ông rao giảng là rao giảng cho những người đã hò la muốn giết chết Thầy của mình.

Ông dùng khả năng của ông để đem về cho Chúa 3000 tín hữu sau bài giảng đầu tiên.

Ông phải giáp mặt với gian nguy, bắt bớ.

Trước kia ông run sợ trước câu hỏi của một đứa con gái. Giờ đây ông đối diện với cả một đám đông mà không hề run rẩy.

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày cuối cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Roma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bách đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang thập giá đang đi ngược hướng về phía thành.

Ông hỏi:

- "Quo vadis": Ngài đi đâu đó?

Người ấy trả lời:

- Ta đi vào Roma để cho người ta đóng đinh Ta một lần nữa

Phêrô hiểu ý. Ông quay đầu trở lại. Ông vào Roma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được chịu đóng đinh một cách như thầy nên ông xin được chết trên thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.

Ông thực hiện đúng lời của Chúa:

- Khi về già ngươi sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn" (Ga 21,18-19)

Đó là câu chuyện về ông Phêrô.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top