Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Thường niên năm B
Mc 1, 40-45
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Cha hỏi chúng con: Chúng con đã thấy người mắc bệnh phong cùi bao giờ chưa ?
- Thưa cha, con đã thấy.
- Con thấy ở đâu ?
- Con thấy trong phim.
- Cám ơn con. Cha cũng thấy…thấy trong phim và cha còn thấy cả những người mắc bệnh phong trong trại người ta chăm sóc cho những người mắc bệnh phong nữa. Cha đã thấy họ tại phong Di linh gần Đà Lạt.
1. Chúng con có biết bệnh phong cùi là bệnh như thế nào chúng con ?
Đây là một bệnh rất hay lây. Vì là một bệnh rất dễ lây cho nên trước đây người ta rất sợ những người mắc bệnh phong cùi.
Vì sợ như thế nên người ta đã đặt ra rất nhiều cấm kỵ và rào cản để cách ly những mắc chứng bệnh này.
Luật Cựu Ước ngày xưa buộc người phong phải mặc áo rách, để tóc xoã, phải che râu và nếu ở ngoài đường mà thấy hay gặp ai đó ở xa xa thì phải la to: “Ô uế! ô uế!” (Lv 13,45-46) để người ta biết mà tránh.
Luật pháp còn liệt kể ra sáu mươi mốt trường hợp bị coi là ô uế đối với những ai tiếp xúc với người phong, và sự ô uế này chỉ đứng sau sự ô uế vì đụng vào xác chết. Luật còn qui định: Nếu người phong thò đầu vào nhà nào thì nhà đó bị ô uế đến tận cây kèo trên mái. Không ai được phép chào hỏi người phong ở ngoài đường và không được đến gần người phong trong khoảng cách hai mét. Nếu người phong đứng ở đầu gió người ở cuối gió phải giữ một khoảng cách bốn mươi lăm mét. Ngay cả một quả trứng, các rabi Do Thái cũng không ăn nếu bán ở chợ có người mắc bệnh phong đi qua.
Đến thời của Chúa Giêsu thì người phong còn bị đối xử khắc nghiệt hơn: Họ bị cấm không được ở trong thành Giêrusalem và bất cứ thành phố nào có tường bao bọc.
Thật là những cấm kỵ và những cách đối xử thật tàn nhẫn, tàn nhẫn đến mức độ nhiều khi không còn một chút tình người nào nữa.
Chúng con hãy nghe câu chuyện này:
Raoul Folereau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kẻ lại mẩu chuyện thương tâm như sau:
Trong một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi...Tuy không là một phán quyết dứt khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc lại càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che dấu con người mà họ coi như là một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường. Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng: đó là trốn thoát được cái nơi giam giữ anh ta này... Ngày nọ, anh đã bỏ trốn nhưng không may, người ta chặn bắt lại được.
Lần này, người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ còn muốn tìm sự giải thoát qua cái chết...
Lần thứ hai, anh trốn khỏi vũ trụ tối tăm đang giam hãm anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn không tìm được sự tin tưởng và giúp đỡ nào của những người khác và anh đã tìm đến cái chết như một lời biện hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận trước mặt mọi người. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử thi.
Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong cùi...
2. Còn Chúa Giêsu thì sao ?
Thái độ của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với mọi thái độ của những người đương thời.
Chúa Giêsu đã vượt qua mọi cấm kỵ của Luật Pháp để đến gần người bệnh phong. Chúa còn vượt qua cả nỗi sợ hãi và ghê tởm như nhiều người thường có khi phải tiếp xúc với người bị bệnh phong cùi. Không những Chúa đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình của bệnh nhân.
Tại sao Chúa làm như thế thì câu trả lời rất rõ là bởi vì Chúa thương. Lòng thương yêu đã khiến Đức Giêsu dám làm tất cả. Đây là thái độ thường có của Chúa Giêsu đối với những người bị xã hội loại trừ. Tất cả chỉ vì tình yêu thương.
Hơn nữa, với sự hiểu biết của một Thiên Chúa làm người, Chúa biết thật rõ vi trùng gây ra bệnh phong cùi chẳng phải là loại vi trùng ghê gớm làm cho những người chẳng may bị lây nhiễm có thể chết mà không ai có thể cứu được.
Vâng quả đúng như thế! Từ khi ông Hansen tìm ra vi trùng bệnh phong năm 1871, người phong đã có được niềm hy vọng được chữa lành. Ngày nay những mới mắc bệnh nếu được khám phá sớm họ có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Đã có thuốc đặc trị và họ sẽ hoàn toàn có thể được chữa khỏi. Bệnh phong ngày nay không còn lả bệnh bị liệt vào loại “tứ chứng nan y” nữa. Số người mắc bệnh phong hiện nay rất ít, nhưng con số bị tàn tật vì mắc bệnh cách đây vài chục năm lúc chưa có thuốc chữa thì có nhiều. Và họ là những người rất cần được giúp đỡ vì họ rất khó khăn trong cuộc sống và sinh kế.
Theo Bác sĩ Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Nhìn chung cả thế giới, số người bệnh phong đã giảm đi rất nhiều, trước đây có khi lên đến mười mấy triệu nhưng đến cuối năm 2004 thống kê cho thấy toàn cầu chỉ còn gần 300 ngàn người mắc bệnh phong mà thôi.
Riêng ở Việt nam tỷ lệ bệnh phong hiện nay cũng đã giảm xuống rất nhiều, đã đạt được tiêu chuẩn dưới 1/10 ngàn bệnh nhân do Tổ chức y tế thế giới đặt ra.
Chúng con hãy tập cho mình thói quen biết quan tâm và thương yêu những người bị bỏ rơi, bị loại trừ như Chúa Giêsu đã làm.
Chúng con đừng tưởng mình phải có thật nhiều tiền mới có thể làm được việc này.
Đây cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này: Tại một trung tâm bài phong nọ, đa số các bệnh nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Chỉ có một người đàn ông cũng bị bệnh vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.
Nữ tu coi sóc trung tâm đã tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, nữ tu ấy khám phá ra rằng ngày ngày có một người đàn bà đến vách tường của trung tâm nhìn qua một lỗ nhỏ và nở một nụ cười rất trìu mến với ông ta.
Đó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười rồi biến mất. Vậy mà nó đã đem lại niềm vui thật lớn lao cho một con người đang bị căn bệnh khốn khổ đang gặm nhấm cuộc đời mình.
Người đàn ông giải thích cho chị nữ tu như sau:
- Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chạy chữa cho tôi. Mỗi ngày nàng ân cần chăm sóc tôi và luôn tỏ ra vui tươi trìu mến. Nhưng nàng đã không thể giữ tôi ở nhà lâu hơn được. Người ta đã đến đưa tôi vào đây. Nhưng vợ tôi vẫn không bỏ tôi. Mỗi ngày nàng đến nhìn qua lỗ hổng ở vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng tôi biết rằng tôi còn sống. Và nhờ nàng tôi vẫn còn muốn sống.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để con quên Lời Chúa nói:
“Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta.”
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm B -
Bài giảng thiếu nhi: CN tuần 8 TN năm C (+ video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 14 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo