Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên

Lc 24, 46-53

     

Chúng con yêu quí,

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa lên trời. Hay nói cho có văn vẻ và đẹp hơn thì chúng ta gọi là lễ Thăng Thiên. Thăng thiên hay lên trời cũng là việc Chúa Giêsu của chúng ta không còn có mặt trên trái đất này như một con người nữa mà Chúa đã đi vào một thế giới khác rồi.

Cha thử hỏi qua sự việc này Chúa muốn nhắn nhủ gì với mỗi người chúng ta?

Có nhiều điều Chúa muốn nhắn nhủ:

1. Trước hết là Chúa muốn củng cố niềm tin của chúng ta vào cuộc sống mai sau, cuộc sống đàng sau cuộc sống hôm nay của chúng ta.

Cha thấy đọc ở trong Tin mừng có mấy trường hợp người chết được Chúa cho sống lại, chẳng hạn như người con gái ông Giarô, người thanh niên con một bà góa thành Naim và nhất là Lagiarô, người đã chết 4 ngày mà Chúa đã cho sống lại...Nhưng tất cả những người ấy chẳng có người nào để lại cho thế hệ mai sau một chút kinh nghiệm gì về cái chết họ đã trải qua.

Thánh Gioan Maria Vianney một lần kia đã nói thật lớn với các bổn đạo của Ngài rằng: “Sự chết có thật chứ không phải Thiên Chúa bày đặt ra để hù dọa anh chị em đâu” – Vâng sự chết là có thật. Bao nhiêu cái chết của người đã ra đi trước chúng ta nói cho chúng ta điều đó. Nhưng đàng sau cái chết là cái gì thì chẳng ai trong chúng ta biết được.

Chính thánh Augustinô vị thánh tiến sĩ của Hội thánh, khi đứng trước thực cái chết, Ngài cũng cảm thấy bất lực.

Chỉ có Chúa Giêsu, bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã hé mở cho chúng ta thấy và hiểu một phần nào về cuộc sống đàng sau cái chết là gì để rồi đối với chúng ta là những người có niềm tin thì chúng ta ít ra cũng thấy được rằng cuộc sống không phải là con đường cụt mà nó đã có một lối ra.

2. Tiếp theo, việc Chúa lên trời đã đem đến cho chúng ta một niềm hy vọng và chính niềm hy vọng này là một nâng đỡ lớn lao cho mỗi người chúng ta để chúng ta xây dựng cho mình một cuộc sống cao cả, tốt đẹp và có ý nghĩa trong cõi đời này.

* Không thể sống mà không có hy vọng.

Cha nhớ một vở kịch đã được các sinh viên Y khoa diễn cách đây khá lâu, nhưng mỗi khi nhớ lại cha vẫn cảm thấy thấm thía. Vở kịch co tên là "Vì những bước đi”. Kịch diễn lại cảnh một cô nữ điều dưỡng giúp một chàng thanh niên vì một tai nạn nên chân anh đã bị liệt. Bây giờ phải tập luyện để trả lại những bước đi cho đôi bàn chân. Trong một lần tập cho người thanh niên tàn tật này, cô Kim Loan, tên của cô nữ điều dưỡng trong vở kịch đó đã khích lệ người thanh niên bằng những lời rất đẹp như thế này:

"Cô gắng một chút nữa anh ạ.

Mỗi bước đi hôm nay là cả một đường dài ngày mai.

Vịn vào vai em mà đi.

Em hát cho anh nghe nhé.

Anh thích nhất là bài ca hy vọng phải không? "

Thánh Antôn sống một cuộc sống thật khắc khổ trong rừng. Một ngày kia có mấy người đạo đức đến thăm Ngài. Thấy Ngài sống như thế mà vẫn tươi vui. Họ thắc mắc hỏi Ngài về cái bí quyết làm sao mà Ngài có thể sống tươi vui được như thế, thì Ngài dẫn họ đi vào sâu trong hang, tới một chỗ có cái lỗ có thể nhìn lên trời được. Ngài dừng lại và chỉ cho họ biết: Đó là tất cả bí mật về cuộc sống mà tôi đang sống: Bầu trời...niềm hy vọng của ngày mai.

3. Vấn đề còn lại là trong khi chờ đợi niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu trở thành sự thật, mỗi người chúng ta phải làm gì?

Thánh Augustino nói hay lắm chúng con. Thánh nhân bảo:" Hãy tập sống cuộc sống thiên đàng ngay từ hôm nay". Đúng vây chúng con. Hãy sống thiên đàng mai sau bằng chính thiên đàng hôm nay. Đó là cách chuẩn bị chắc ăn nhất. Nhưng chuẩn bị bằng cách nào? Bằng cách can đảm sống noi gương Chúa Giêsu nhất là đối với giới luật yêu thương của Chúa. Trong Tin Mừng thánh Luca 17,20 Chúa Giêsu đã nói rất hay: “Thiên đàng ở ngay trong lòng của các ngươi”.

 Đức Cha Tiamer Toth trong một cuốn sách gửi cho các bạn trẻ, đã nói một câu mà cha nhớ mãi. Đức Cha nói: “Trong trận đại chiến vừa qua, người ta đã nhắc đi nhắc lại câu châm ngôn: “Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”. Câu châm ngôn thật hợp lý. Người ta không thể không thấy rằng khi bắt đầu cuộc chiến đấu tức là đã có một phần thắng quân địch. Trong cuộc chiến đấu vĩ đại của tâm hồn cũng vậy, phương pháp tốt nhất để phòng bị những thất trận là hằng ngày phải “đột kích” với quân đích ẩn  náu trong mình: lười biếng, vô tâm, vị kỷ, hay thay đổi, tò mò và còn nhiều nữa.

Ngày nọ có một hiệp sĩ Samurai thô lỗ hung bạo tìm đến với một vị thiền sư. Chàng nói với thiền sư.

- Xin ngài chỉ dạy cho cha biết thiên đàng và hỏa ngục là gì?

Vị thiền sư đưa mắt nhìn con người thô bạo từ bàn chân đến đỉnh đầu rồi thất vọng trả lời:

+ Dạy cho ngươi biết thế nào là thiên đàng, thế nào là hỏa ngục ư? Ta không thể dạy cho ngươi bất cứ điều gì cả. Ngươi là một con người hung bạo thô lỗ. Ngươi là nỗi nhục cho hàng hiệp sĩ Samurai. Hãy cút khỏi mặt ta, ta không thể chịu đựng được ngươi nữa. 

Nghe những lời sỉ vả ấy, chàng hiệp sĩ liền rút gươm và định chém đầu vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đã giơ tay cản lại và nói:

+ Hỏa ngục là thế đó!

Chợt nhận ra bài học cụ thể của nhà tu hành, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và cản thông bỗng trào dâng lên trong tâm hồn, chàng hiệp sĩ mới hiểu ra rằng vị thiền sư muốn hy sinh cả mạng sống của mình để dạy cho chàng bài học về hỏa ngục. Từ từ hạ gươm xuống, cho vào vỏ, rồi chàng đến quì gối trước mặt vị thiền sư với tất cả lòng thành và sám hối. Đỡ chàng dậy, vị thiền sư nhìn sâu vào đôi mắt của chàng và nói nhỏ :

- Thiên đàng là thế đó.

Thánh Phaolô bảo: Trên Thiên đàng sẽ chỉ còn một điều duy nhất: Đó là tình yêu. Sống tình yêu thương tức là sống thiên đàng hôm nay để chuẩn bị cho thiên đàng vĩnh cửu mai sau vậy.

Cha chúc chúng con kiên trì và chiếm được hạnh phúc thiên đàng Chúa hứa mai sau. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top