Bài giảng Lễ Kim Khánh Linh Mục của cha Antôn Nguyễn Tuế, Gp. Phát Diệm
Thương tích của Chúa Phục Sinh và của người Linh Mục
Bài giảng Lễ Kim Khánh Linh Mục của Cha Antôn Nguyễn Tuế
tại Nhà thờ Phát Diệm Phú Nhuận Chúa Nhật 22.04.2012 (Lc 24,35-48)
Cuộc xuất hiện của Chúa Phục Sinh giữa các môn đệ theo Tin Mừng Luca (Lc 24,35-48) và cuộc xuất hiện của cha Antôn Nguyễn Tuế mừng Kim Khánh Linh Mục hôm nay chắc hẳn có một mối tương quan. Đó là chan hoà niềm vui và bình an. Nhưng để được điều đó phải qua một quá trình.
Các môn đệ gặp Chúa tưởng được bình an, nhưng nhìn thương tích của Chúa chỉ toàn là ngộ nhận tưởng thấy ma, nghi ngờ có phải Chúa hay thần linh nào đó, hoang mang, hốt hoảng, sợ hãi. Tại sao Chúa đưa tay chân ra mà không lộ mặt ra. Tay chân của ai cũng giống nhau, khuôn mặt mới khác biệt, nên người ta nói là nhận diện, chứ đâu nhận tay chân. Tại sao Chúa không lộ khuôn mặt vinh hiển như ngày hiển dung trên núi cao: mặt ngài rực rỡ như mặt trời, để rồi nói với các môn sinh: Anh không chết đâu em!
Một chi thể cũng nói cả toàn thể, như ta nói: giúp tôi một bàn tay, hiểu là cả người. Chúa có lý do để đưa cạnh sườn và tay chân, đầy thương tích mà đầy thương yêu: đó là từ trái tim đến trái tim và từ trái tim đến bàn tay. Tình yêu đã mở ra một cách cụ thể. Chúa tỏ mình ra là một Thiên Chúa bị bầm dập mà không vùi dập người khác, bị bầm dập mà vẫn vui sống và sống dồi dào.
Chúa Giêsu phải kiên trì giải thích, trấn tĩnh thuyết phục bằng một thực tế: nghe không bằng thấy, thấy không bằng sờ. Thương tích của Chúa như một thông điệp: Chúa đã sống lại từ những tan nát của thân xác, thân xác đầy thương tích bất động trong mồ cũng là thân xác với thương tích đang sống động trước mắt các môn đệ. Các thương tích mở ra để cho biết đằng sau thương tích là bao nhiêu phản bội, bất công, gian ác: nay đã được tha thứ. Vì thế Chúa Phục Sinh đã không hỏi tội ai, kể cả các môn đệ. Quên đi tất cả, một bệnh quên dễ thương, bỏ qua tất cả, để khi gặp lại chỉ còn là vui mừng và bình an. Thương tích của Đấng sống lại để không bao giờ chết nữa nay đã trở thành chiến tích toàn thắng tội lỗi và thần chết, trở nên thành tích của ơn cứu độ hoàn tất, dấu tích của ơn tha thứ và chứng tích của tình yêu. Thương tích biểu hiện thương yêu, cũng giống như kiểu nói: thương yêu là chấp nhận thương đau.
Chúng ta phải cảm ơn về những phản biện của các tông đồ và cách ứng xử đặc biệt của Chúa, nhờ đó hôm nay chúng ta mới vui mừng xác tín: Chúa đã sống lại và ban bình an cho chúng ta.
Linh mục là Chúa Kitô khác hay Chúa Kitô thứ hai, cũng là một người phải mang thương tích, mới đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hoà vào nơi tranh chấp. Cha Antôn Nguyễn Tuế mừng Kim Khánh LM vui mừng và bình an: bên ngoài rạng rỡ, khoẻ mạnh, minh mẫn, đầy phong độ, nhưng bên trong chắc hẳn cũng giống Chúa Kitô đầy thương tích của 50 năm phục vụ.
Ngài đã giảng lễ mở tay năm 1971 của tôi và lễ mở tay năm 1974 của cha Phạm Trung Dong với nhận xét rất thực tế: những tưng bừng hoa lá của ngày chịu chức và mở tay với áo lễ đẹp, chén vàng, những lời chúc mừng và quà cáp rồi sẽ qua đi… sau đó là một đời sống vất vả làm việc, đau khổ hạnh phúc, vui buồn lẫn lộn… áo lễ sẽ bạc mầu, cảnh đời vẫn đen bạc, một mình đối diện với cuộc sống. Đời là thế!
Giảng cho chúng tôi tức là ngài đã có một trải nghiệm thực tế. Ngài từng làm Phó xứ Phúc Nhạc kiêm Giám Đốc trường học, chính xứ Đại An nhưng bất an vì chiến cuộc, chính xứ Định Quán và xây nhà thờ, chính xứ Phương Lâm: xây nhà thờ và nhà sinh hoạt giáo lý, hơn nữa còn làm Hạt Trưởng Phương Lâm nhiều năm. Bao công trình xây dựng nhà thờ và xây dựng cộng đoàn, bao công tác từ nơi nọ đến nơi kia làm hao tâm tổn sức người mục tử.
Thương tích của người Linh mục tức là mở cạnh sườn, mở trái tim ra để yêu thương mọi người, đưa bàn tay ra để giúp đỡ mọi người: nắm lấy tay cụ già và trẻ thơ, bước chân đi rao giảng Tin Mừng yêu thương.
Thương tích đã nói lên thành tích phấn đấu: cha Antôn rất cầu tiến hiếu học, chậm mà chắc: quyết tâm lấy bằng Tú tài trước năm 1975, mãi đến năm 1999 với 66 tuổi lấy bằng cử nhân Anh Văn, năm 2005 với 72 tuổi lấy bằng Thạc sĩ, và năm nay 79 tuổi lấy bằng Tiến sĩ về giáo dục: tất cả văn bằng đều là của nước Úc cấp phát, thật uy tín. Ngoài khả năng tiếng Anh, khi còn làm chính xứ Định Quán ngài đã học tiếng dân tộc thiểu số và làm lễ giảng lễ bằng tiếng của họ. Quả là tấm gương hiếu học hiếm có. Không lạ gì với tài hùng biện, ngài đã từng giảng tĩnh tâm năm cho các cha Gp. Xuân Lộc, từng thuyết trình trong Hội nghị về Giáo dục tại Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra ngài còn có tài năng về âm nhạc và hội họa: ngài trước tác bức họa thánh Giuse tặng cho cha bề trên Trần Thanh Khâm sau này làm Giám Mục Phụ Tá Sàigòn và bức họa Đức Mẹ Lên Trời, ngày xưa tôi từng được chiêm ngắm, nay không biết lưu lạc nơi đâu.
Không làm gì thì chẳng ai để ý. Nhưng có làm và làm được việc thì thường vẫn bị phê bình và chỉ trích. Đúng như lời Kinh Thánh: vì lòng nhiệt tâm nhà Chúa mà tôi phải thiệt thân. Chúa Giêsu đã kiệt ngã và đầy thương tích là như thế đó. Người LM cũng phải làm việc hết mình, hết sức, có khi đến kiệt sức. Có người khen một LM: cha đã làm việc đến kiệt sức, thì được trả lời: làm LM mà không làm đến kiệt sức thì đâu phải là LM, tự bản chất LM là Mục Tử, theo cách cắt nghĩa nôm na: Mục là tan nát, Tử đích thị là chết. Đức Kitô đã sống chết với 2 chữ Mục Tử này rồi.
Có người nói về hành trình của đời LM rất hiểm ác: khi mới chịu chức thì như con nai vàng ngơ ngác, 5 năm sau thì như con nai vàng dáo dác, 5 năm sau nữa thì hốc hác, 5 năm sau nữa thì tan tác, 5 năm nữa thì xơ xác, thời gian cuối cùng là thối thác về Bình Hưng Hoà! Người ta đã bôi bác đời LM làm cho chúng tôi buồn man mác! Ngày trước thày Nguyễn Tuế đi giúp tại Đan viện Phước Lý Xoài Minh, đã từng bị bọn cướp trói và trấn lột ngay trong nhà dòng. Sau đó, đời linh mục của ngài kinh qua bao biến động và gian khổ, nhưng cũng bao thành công, bao niềm vui khi thu phục các linh hồn. Hôm nay chúng ta chỉ nên đếm phúc chứ không đếm họa.
Không tan tác hay xơ xác, cha Antôn hôm nay có khác: vẫn đầy phong độ và hăng say làm việc, dù đã U80. Ngài sinh năm 1933 tại Gx. Phát Diệm miền Bắc, định cư cũng tại Gx. Phát Diệm Phú Nhuận, để gắn bó với Phát Diệm, xin chọn nơi này làm quê hương. Gx. Phát Diệm trong Nam và ngoài Bắc phải tự hào hãnh diện về người ưu tú của mình: tài năng, đức độ, uy tín, trí thức… Tuổi tây là 79, tuổi ta là 80, vậy phải mừng 2 trong 1: Kim Khánh LM và mừng thọ Bát Tuần, để ở nhà mát ăn bát vàng! Yêu làm việc, yêu học tập, yêu cuộc sống, nên Chúa ban cho ngài khoẻ mạnh về thể xác lẫn tinh thần, đúng như châm ngôn la-tinh “Mens sana in corpore sano”: một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể mạnh khoẻ. Chắc chắn ngài có cái gen sống lâu sống khoẻ của Bà Cố của ngài. Bà Cố qua đời ngay tại Gx. Phát Diệm Phú Nhuận cách đây 6 năm vào năm 2006, hưởng thọ những 107 tuổi, một tuổi vô cùng hiếm có, từng được nhà nước truy tặng ngợi khen, nhưng nhất là được Thiên Chúa tưởng thưởng Nước Trời.
Cha Antôn mừng Kim Khánh LM còn khoẻ mạnh, vẫn tiếp tục làm Chính Xứ, Hạt Trưởng, làm công tác của Tiến sĩ về giáo dục, thật hiếm có. Trong khi đó tất cả các bạn cùng lớp đều đau yếu và về hưu hoặc rơi rụng: cha Trần Hoà hưu tại Nhà Vãng lai Phát Diệm Phú Nhuận, cha Tô Ngọc Liên hưu tại Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, cha Phan Lâm nghỉ việc tại Oakland, California, sắp về hưu tại Việt Nam. Đáng tiếc hơn cả là cha Luca Trần Khánh Tích qua đời giữa năm ngoái tại Nhà hưu Chí Hoà và Đức ông Đa Minh Vũ Văn Thiện qua đời cuối năm ngoái tại Rôma: hai vị này sớm ra đi không kịp mừng Kim Khánh Linh Mục. Cha Antôn hôm nay mừng cho mình và mừng thay cho anh em.
Tất cả là hồng ân, chúng ta cùng với cha Antôn tạ ơn Chúa, để xin ơn Chúa: ơn bình an mà tiếp tục phục vụ Giáo Hội cho đến cùng. Theo kiểu nói quảng cáo của truyền hình: cha Antôn Nguyễn Tuế 50 năm Linh Mục và 80 năm tuổi đời: chạy vẫn còn tốt! Và sẽ chạy đến hết đường mà vẫn giữ vững đức tin (2 Tm 4,7).
Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Chính Xứ Hoà Hưng
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm