Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa - Năm C
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA - C
Lc 9,11-17
"Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.
Những miếng vụn còn thừa,
người ta thu lại được mười hai thúng."
(Lc 9,17)
Chúng con yêu quí,
1. Hôm nay chúng ta mừng lễ gì chúng con?
- Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa.
- Rất đúng.
- Việc Chúa bảo Chúa lấy Mình Chúa làm của ăn và Máu Chúa làm của uống lần đần tiên được Chúa làm lúc nào chúng con?
- Thưa cha: Trong bữa Tiệc Ly trước khi Chúa đi chịu chết.
- Đúng rồi! Chúng con rất giỏi. Đúng là Chúa đã làm một việc mà con người không thể ngờ tới. Việc Chúa làm mãi về sau người ta mới hiểu được. Chúa làm việc đó để thực hiện một lời hứa: "Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới ngày tận thế" (Mt 28,20).
Chúa hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nhưng làm thế nào để cho lời hứa đó thành sự thật được?
Làm sao mà một người như Chúa lại có thể làm được việc đó. Chúa có phải là một người có đời sống “bất tử” đâu? Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá và như Tin Mùng kể lại Chúa đã lên trời rồi mà! Thế thì làm sao mà Chúa lại bảo là Chúa ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế. Đúng là Chúa không thể nào làm được như thế nếu Chúa chỉ là một con người như bao người khác. Nhưng chúng con nhớ Chúa không phải chỉ là người mà Chúa còn là Thiên Chúa. Và với tư cách là một Thiên Chúa, Chúa có thể làm được tất cả những gì Chúa muốn. Những gì con người không thể nghĩ ra, không thể làm được thì Chúa làm được. Chúng ta đã từng được thấy những việc lạ lùng Chúa làm trong Tin Mừng. Thí dụ như việc Đức Mẹ được chịu thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, thí dụ rõ rệt nhất như việc Chúa tự mình sống lại từ cõi chết. Thế thì việc Chúa muốn ở lại với loài người cho đế ngày tận thế cũng là việc Chúa làm được thôi.
Chúa làm bằng cách nào chúng con biết không?
- Thưa Chúa làm qua con đường Bí Tích.
Chúng con còn nhớ trước khi nộp mình để chịu chết, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh Chúa đã làm gì không?
- Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục.
Bí tích Thánh thể để biến bánh thành Mình Thánh Chúa, biến rượu nho thành Máu Thánh Chúa.
Chúng con có nhớ Chúa nói thế nào không? Tin Mừng còn ghi thật rõ: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.’ Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.’” (Mt 26,26-29) và ngay sau đó Chúa truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19)
Như vậy chúng ta có thể hiếu: Bí tích Thánh Thể Chúa lập để biến bánh thành Mình Chúa, biến rượu thành Máu Thánh Chúa. Còn chức Linh Mục là để cho Chúa được ở mãi với loài người cho đến ngày tận thế. Bao lâu còn con người, thì Bí Tích Thánh Thể còn được cử hành và việc Chúa ở với con người còn tiếp tục.
Cha nói lại một lần nữa. Đây là việc chỉ có quyền phép của Chúa mới làm được. Chúa đã dùng Bí tích Thánh Thể để ban sự sống của Chúa cho chúng ta. Chúng ta hãy cám ơn Chúa về việc quá vĩ đại này.
2. Bây giờ cha hỏi thêm chúng con: Vì Sao Chúa Lại Muốn Trao Ban Sự Sống Cho Chúng Ta?
Chúa muốn trao ban cho chúng ta sự sống của Chúa để chúng ta được sống bằng chính sự sống của Ngài, và sống thật dồi dào.
Chúng con con biết, khi nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh của chính Ngài, nhưng sự sống đó còn non nớt, còn ở trong tình trạng phôi thai, luôn bị đe dọa bởi cám dỗ, tội lỗi, có nguy cơ suy thoái, lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu dùng Mình Máu Ngài để tiếp sức và cho chúng ta có thêm sức sống mới để Ngài gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng đời sống thần linh trong chúng ta. Chẳng những vậy mà còn làm tăng trưởng, làm cho sự sống đó thêm tràn đầy, sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn. Cũng giống như mỗi ngày chúng ta phải ăn uống tiếp nhận thêm thực phẩm để duy trì và bảo vệ sự sống của chúng ta vậy.
Như vậy chúng ta không được coi Bí tích Thánh Thể chỉ như là một thứ phụ thuộc bên ngoài, một thứ gia vị không cần thiết, một thứ quà ăn dặm thêm ngoài bữa. Nhưng là một nhu cầu, một lương thực chính yếu. Nhiều khi Mình Máu Chúa Giêsu còn cần thiết như một phương thế cấp cứu, giống như dưỡng khí, nước biển để cấp cứu bệnh nhân. Không có Chúa Giêsu Thánh Thể bổ dưỡng, chúng ta khó có thể sống một cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Thánh thể giúp đỡ chúng ta khó mà sống được một cuộc sống đáng nể phục.
Cha kể cho chúng con câu chuyện có thục này: Mẹ thánh Têrêxa ở Calcutta có một quy định này: khi một ai mới đến để xin gia nhập vào dòng của Mẹ, Dòng Thừa Sai Bác ái, thì ngay ngày hôm sau, người ấy phải đến Nhà Bệnh nhân Hấp hối.
Một ngày kia, có một cô gái từ bên ngoài nước Ấn Độ đến và Mẹ thánh Têrêxa đã nói với cô: “Chắc là con đã thấy linh mục chạm vào Đức Giêsu trong bánh thánh lúc cử hành thánh lễ với sự yêu thương và chăm sóc như thế nào rồi chứ!. Bây giờ con cũng đi đến Nhà của những người hấp hối và làm như thế, bởi vì con sẽ tìm thấy ở đó, trong những thân thể đau thương của người nghèo. Họ chính là thân thể Đức Giêsu”
Chị ấy ra đi và ba giờ sau chị trở về và với nụ cười trên môi, chị nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, con đã chạm vào thân thể Đức Kitô trong suốt ba giờ!”
- Thế nào? Con đã làm gì? Mẹ Têrêxa hỏi chị.
- Khi con đến đó ", chị đáp “người ta khiêng vào một người đàn ông đã ngã xuống một cống nước, và đã nằm ở đó trong một thời gian. Người ông bẩn thỉu và có vài vết thương. Con đã tắm rửa và lau các vết thương cho ông. Khi con làm như thế, con biết rằng con đã chạm vào thân thể của Đức Kitô". Để có thể sống được cuộc sống đáng nể phục như thế, con người phải cậy dựa vào sự giúp đỡ của chính Chúa mà trên hết là sự giúp đỡ mà Thánh Thể đem lại.
Chính Mẹ Têrêxa cũng đã phải khẳng định: “Trong Bí tính Thánh Thể, tôi nhận được lương thực tâm linh nâng đỡ tôi trong mọi công việc. Không có Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ một ngày hoặc một giờ trong đời tôi"
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể xin làm cho mọi người chúng con biết nhận ra Chúa trong mỗi người chúng con gặp và cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.
MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Lời Chúa: Lc 9,11-17
Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." Đức Giêsu bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
Video: Hoá bánh ra nhiều
A- DÀNH CHO THIẾU NHI
1. Chúa Giêsu đã làm phép lạ gì trong bài Tin Mừng hôm nay?
a. Chúa đã cho người chết được sống lại.
b. Chúa đã hoá bánh và cá ra nhiều cho một đoàn người đông đảo được ăn no nê.
c. Chúa đã làm phép lạ để biến bánh thành Mình Chúa, biến rượu thành Máu Chúa sau này.
d. Chúa đã làm phép lạ cho dân thấy mà tôn Chúa lên làm vua.
2. Chúa làm phép lạ với mục đích gì?
a. Trước hết là tỏ lòng yêu thương đối với những ai theo Chúa.
b. Chúa muốn báo trước một phép lạ trong tương lai Chúa làm còn to lớn hơn.
c. Chúa muốn báo trước việc Chúa lập Bí Tích Thánh thể sau này.
d. Tất cả đều đúng.
3. Chúa muốn chúng ta có thái độ nào đối với việc Chúa làm?
a. Chúa muốn chúng ta biết nhìn xa mà nhận ra những việc kỳ diệu Chúa làm cho chúng ta.
b. Chúa muốn mọi người thấy việc Chúa làm mà tôn Chúa lên làm vua cai trị mình.
c. Chúa muốn chúng ta biết sống cuộc sống chia sẻ với mọi người.
d. Chúa muốn chúng ta phải biết công tác với nhau để xây dựng xã hội.
B- PHẦN SUY NIỆM NGƯỜI LỚN: Chúa lập Bí tích Thánh Thể để làm gì?
a/ Trước hết để thực hiện một lời hứa: "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20)
Thiên Chúa muốn được gần gũi với con người, tạo vật kỳ diệu nhất trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngay từ trong Cựu Ước, ý muốn đó đã được nói lên:
- Nói lên bằng lời: "Niềm vui của Ta là được ở giữa loài người.” (Malaki 2,17)
- Nói lên một cách cụ thể bằng Hòm Bia Thánh.
Sự hiện diện của Chúa trong Cựu Ước cụ thể những chưa đầy đủ và rộng khắp. Hòm bia tuy linh thánh nhưng cũng mới chỉ là dấu chỉ, là biểu tượng. Chúa còn muốn một sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và rộng khắp hơn. Chính vì thế mà Ngài đã lập ra Bí tích Thánh Thể - nói theo Cha Teilhard de Chardin – để Chúa có thể hiện diện tràn lan trên khắp địa cầu.
b/ Để tiếp tục bày tỏ cho con người biết là Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người và cho con người được sống sự sống của Ngài.
Về điểm này Cha Teilhard de Chardin diễn tả rất hay: "Nhờ hiệu quả của việc Ngài dấn mình vào giữa lòng thế giới mà những dòng nước lớn của vật chất êm đềm có đầy sức sống. Nhìn bề ngoài thì chẳng có gì xao động dưới cuộc biến dạng khôn tả này. Tuy nhiên khi tiếp xúc với Lời Bản thể thì vũ trụ đã trở thành nhục thể Ngài cách kỳ diệu".
Con người được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ sự sống của Chúa cho con người. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Chẳng có gì kỳ diệu hơn.
c/ Cuối cùng, Chúa ở trong Bí tích Thánh Thể để giúp cho mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau trong Chúa.
Trong cuộc khủng hoàng con tin xẩy ra ở Pêru cách đây mấy năm. Một cuộc khủng hoảng dai dẳng, nghẹt thở kéo dài nhiều tuần lễ, người ta đã hết lời ca tụng một người. Người đó chính là cha Juan Julio Wicht. Ngài được thả vào ngày nhưng ngài tình nguyện ở lại. Việc Ngài ở lại đã làm nức lòng thủ lãnh của quân khủng bố. Ngày 18/4/1965 nhân ngày sinh nhật của Ngài, Nestor Cerpa Carlotini thũ lãnh quân khủng bố có gửi đến Ngài một điện văn như sau: "Mặc dù giữa chúng ta có những khác biệt nhưng chúng tôi muốn gửi đến cha những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày sinh nhật của cha cũng như lòng kính trọng của chúng tôi với quyết định ở lại của cha".
Sau này khi được hỏi về những ngày bị giam giữ, Cha Juan Julio Wicht đã nói: "Các du kích đã không làm gì xúc phạm đến chúng tôi trong lời nói cũng như trong việc làm"
Chính sự hiện diện của Cha đã làm cho mọi người đối xử tốt với nhau hơn.
Chúa Giêsu còn hơn thế: Cha Teilhard de Chardin nói tiếp: "Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới nhận ra chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô. Có những người mà trước đó gặp ngoài đường, chúng ta dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng ta thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi. Bởi chúng tôi cùng tin Phúc Âm, cũng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô"
Video: Thánh thể: Tấm bánh đặc biệt
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)