Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Lc 24,1-12
"Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi,
và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại" (Lc 24,7).
Chúng con thân mến!
Hôm nay chúng ta mừng lễ gì chúng con?
- Lễ Phục sinh!
- Phục sinh là thế nào nhỉ?
- Phục sinh là chết rồi sống lại.
- Chúng con đã thấy người nào chết rồi sống lại chưa?
- Chưa thấy bao giờ.
- Cha cũng chưa thấy nhưng đọc trong Tin Mừng cha có thấy. Đố chúng con biết câu chuyện của ai đó?
-……của con gái ông Giarô, của con trai bà góa thành Naim và đặc biệt là của Lazaro.
- Giỏi! Chúng con giỏi.
- Bạn nào kể sơ cho cha biết về ba câu chuyện này xem nào.
Một là chuyện của người con gái ông Giarô. Ông Giarô là ông trưởng hội đường của người Do thái. Con gái ông mới chết. Ông Giarô không biết làm sao cho con ông sống lại. Ông nghĩ đến Chúa. Ông tin là chỉ có Chúa mới có thể giúp ông. Ông tìm đến với Chúa và quả thực ông đã được Chúa giúp. Con gái ông được sống lại. Thật là không còn gì vui hơn!
Chuyện thứ hai là chuyện người thanh niên con trai của một bà góa thành Naim. Cậu ta đã chết được mấy ngày rồi. Hôm đó người ta đem cậu đi chôn. Trên đường đi, họ may mắn gặp Chúa Giêsu. Nhìn cảnh đau thương của người mẹ mất con, Chúa thương quá. Chúa cho dừng đoàn người đang tiễn đưa người thanh niên đi chôn lại. Tự ý Chúa làm điều này chứ chẳng có ai xin Chúa. Khi đoàn người đã dừng lại, Chúa đến bên nói với người thanh niên đã chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (Lc 7,15). Lạ thật chỉ bằng một Lời của Chúa vậy mà người đã chết đang được người ta đem đi chôn được sống lại. Chẳng cần nói nhiều chúng ta cũng biết người mẹ của người thanh niên đó vui mừng đến thế nào.
Và cuối cùng mới là chuyện đáng nói. Lazaro là người em của hai bà chị Matta và Maria. Ba chị em chưa ai lập gia đình. Chúa Giêsu rất thân với gia đình này. Mỗi khi có dịp lên Giêrusalem, Chúa Giêsu thường nghe thăm gia đình này. Giữa Chúa Giêsu và gia đình này có một sự thân tình hiếm có.
Anh Lazarô còn trẻ nhưng không biết lý do tại sao anh chết. Lúc anh chết thì Chúa ở xa. Lạ thật chẳng ai báo tin mà Chúa biết. Chúa nói với các tông đồ: “Lazarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy dậy”(Ga 11,12), và Tin Mừng thánh Gioan ghi: “Đức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường”. Bấy giờ Người mới nói rõ: “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy” (Ga 11,13-14).
Khi tới nơi Chúa hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Và Tin Mừng ghi: “Đức Giê-su liền khóc”. Chúa Giêsu khóc chúng con ạ! Chứng kiến việc Chúa khóc người Do thái đã phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!” Chúa thương Lazarô thật, thương đến nỗi xúc động mà khóc lên được.
Rồi sau Tin Mừng bảo Chúa đi tới mộ. Ngôi của người Do thái không giống mộ bên chúng ta. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đứng trước ngôi mộ của Lazarô Chúa ra lệnh: “Đem phiến đá này đi”. Lệnh truyền của Chúa khiến chính cô Matta cũng phải sợ. Cô nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Một người đã chết, đã chôn trong mộ 4 ngày. Nói một cách dễ hiểu: đã bắt đầu “thối rồi”. Một người như thế làm sao có thể làm được gì nữa. Vậy mà Chúa đứng trước mộ ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con nói để họ tin là Cha đã sai con”. Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.
Có lạ không chúng con? Chúa đã cho một người chết đã được bốn ngày sống lại. Chỉ có Chúa mới làm được như thế.
Bây giờ cha hỏi chúng con, các phép lạ trên Chúa làm để làm gì? Theo cha thì Chúa làm là để chuẩn bị cho mọi người đón nhận việc Chúa Phục sinh dễ dàng hơn. Việc Chúa cho con người được phục sinh và việc chính Chúa tự mình phục sinh cả hai đều có chung một kết quả. Chỉ khác có một điều một đàng là do Chúa làm và một đàng là chính Chúa tự làm cho mình. Điều đó chẳng có gì khó hiểu nếu chúng ta tin vào quyền năng của Chúa.
Nói tới đây cha nhớ tới một câu chuyện rất cảm động đã xảy ra hồi thế chiến thứ hai tại Liên Xô.
Một người đàn bà bị bắt làm tù nhân trong một trại giam tại Liên Xô cũ. Chính bà kể lại câu chuyện mà bà đã mắt thấy tai nghe, để mọi người tin vào sức mạnh của mầu nhiệm phục sinh của Chúa.
Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi đã kề miệng vào tai tôi hỏi khẽ:
- Chị biết hôm nay là ngày gì không?
Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp:
- Hôm nay là ngày lễ Phục sinh.
Nghe thế tôi tự hỏi:
- Lễ Phục sinh đã đến rồi sao? Lễ của niềm vui và của hy vọng, nhưng trong tù niềm vui của chúng tôi đã héo úa, khô cằn, còn niềm hy vọng thì ta để lại trong lòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề:
- Đức Kitô đã sống lại!
Tôi quay lại nhìn mặt cô gái vừa cất tiếng tuyên xưng đức tin và bắt gặp đôi mắt cô ánh lên sự lung linh huyền diệu. Cùng lúc ấy, từ mọi phía của các phòng giam khác vang lên câu trả lời:
- Ngài đã sống lại thật.
Quá sửng sốt, các nhân viên trại giam đứng bất động như tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí họ đang giận dữ lên án một việc chưa bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến phòng giam của chúng tôi, rồi phòng bị mở tung cửa, hai nhân viên hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan đó, và hùng hổ túm lấy cô gái lôi sền sệt ra khỏi phòng.
Qua tuần lễ Phục sinh, họ giam riêng cô vào phòng không có lò sưởi để qua cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ một con người mà họ cho là cuồng tín sẽ phải gục ngã.
Một tuần sau, cô gái được trả lại phòng giam chung với chúng tôi. Mặt cô xanh xao, người cô gầy đi thấy rõ. Sau khi nằm yên tại một góc phòng, cô gái khều bọn tôi lại, và thều thào:
- Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục sinh trong trại giam, những cái khác không quan trọng gì cho lắm.
Nói xong, cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn ánh lên như dạo nào.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho chúng con được can đảm sống cuộc đời tràn đầy ánh sáng Phục sinh của Chúa. Amen.
Bài 2: Chúa Nhật Phục Sinh Năm C
Lc 24,1-12
1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. 2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. 4 Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. 5 Ðang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? 6 Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, 7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại".
8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Ðức Giêsu đã nói. 9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10 Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Ðồ như vậy. 11 Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tín. 12 Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.
Video: Câu chuyện Chúa Phục sinh hiện ra với Maria Madalena
1. Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về vấn đề gì?
a. Về việc Chúa chịu nạn chịu chết.
b. Về những việc xảy ra ngày thứ nhất trong tuần sau ngày Chúa chết.
c. Về việc Chúa gặp gỡ các tông đồ trước khi về trời.
d. Về việc Chúa sai các tông đồ đi loan báo Tin Vui Chúa đã phục sinh.
2. Đứng trước sự việc Chúa Phục sinh, thái độ của các tông đồ như thế nào?
a. Hoàn toàn vui mừng và tin tưởng.
b. Tất cả đều hoài nghi và chưa có ai tin.
c. Tất cả các tông đồ đều cảm thấy hoang mang sợ hãi.
d. Câu b+c là đúng.
3, Chúa Giêsu mong ở nơi chúng ta điều gì?
a. Biết mở rộng lòng đón nhận Tin Vui Phục sinh của Chúa.
b. Biết cảm ơn Chúa vì tình thương cao quí Chúa dành cho.
c. Vững tin vào những việc Chúa làm vì yêu thương.
d. Tất cả đếu đúng.
Video: Tuyên xưng Đức tin của Phêrô
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm B -
Bài giảng thiếu nhi: CN tuần 8 TN năm C (+ video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 14 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo