Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật Truyền Giáo - Năm C
Chúa nhật Truyền giáo - Năm C
Chúa Nhật Truyền Giáo
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Cha đố chúng con hôm nay là lễ gì nào?
- Ngày lễ Giáo Hội cầu cho việc truyền giáo.
- Lễ khánh nhật Truyền giáo.
Truyền giáo là gì chúng con?
…….
Chúng con đã có bao giờ nghe thấy người ta nói về truyền thanh, truyền hình chưa?
- Dạ có.
- Thế truyền thanh là gì?
- Là đem những gì có liên hệ đến âm thanh như tiếng nói, tiếng hát vvv đến cho người khác.
- Rất đúng.
- Còn truyền hình?
- Là đem hình ảnh thí dụ như phim ảnh, video clips cũng như các thứ hình ảnh mà người ta ghi được gửi đến cho người khác.
- Cha đố chúng con: đã có giờ chúng con làm việc truyền hình chưa?
- Có.
- Lám lúc nào nào?
- Chúng con gửi hình chúng con cho bạn trên face book hay email chẳng hạn.
- Rất trúng! Thiếu nhi của cha rất giỏi.
- Vậy bây giờ cha con mình nói tới truyền giáo:
Truyền giáo là làm một việc tương tự truyền thanh, truyền hình như cha vừa nói. Cha nói là giống như thôi chứ việc truyền giáo quan trọng hơn nhiều, hay hơn nhiều.
Truyền giáo không phải chỉ là đem âm thanh hay hình ảnh đến cho người khác, mà truyền giáo là đem cả một Thiên Chúa đến cho người khác. Truyền giáo là đem Chúa Giêsu đến cho những người chưa biết Chúa.
Cha hỏi chúng con: Làm sao có thể đem Chúa Giêsu đến cho người khác?
Chúng con còn nhỏ. Chúng con không thể làm những việc to lớn như những người lớn. Thí dụ như người lớn có thể rao giảng về Chúa. Người lớn có thể làm được những việc lớn như tổ chức những hoạt động truyền giáo qui mô rộng lớn để nói cho những người khác về Chúa.
Còn chúng con, cha tưởng chúng con chỉ có thể làm hai việc này:
Trước hết chúng con hãy cầu nguyện.
Cầu nguyện cho việc truyền giáo là điều mà chính Chúa Giêsu mong muốn. Rồi chúng con hãy cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người biết mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa. Chúng con biết thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín. Hằng ngày ngài cầu nguyện cho việc truyền giáo. Giáo Hội đã chính thức xác nhận việc làm của ngài bằng cách đã đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê.
Tiếp theo là chúng con có thể truyền giáo bằng một đời sống tốt đẹp thánh thiện của chúng con. Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện rất hay đã xảy ra tại Mỹ.
Một buổi chiều năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phải phủ Hoa Kỳ tập trung ở một nhà ga xe lửa tại Chicago để chào đón người được giải thưởng Nobel hòa bình năm 1953 trở về.
Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông cao lớn, tóc quăn, có một chòm râu mép dài. Các máy ảnh chớp liên hồi. Các nhân vật cao cấp của thành phố giang rộng tay đón chào vị thượng khách.
Người được giải Nobel hòa bình cám ơn mọi người rồi rồi đưa mắt nhìn về một một chỗ xa xa ở trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng đó. Mọi người tưởng ông để quên hành lý nào đó. Ông băng qua đám đông, trực chỉ đến một người đàn bà da đen lớn tuổi đang khệ nệ với hai va ly nặng trên tay. Ông đưa tay xách cả hai va ly, rồi đưa người đàn bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông, ông xin lỗi vì đã bắt mọi người chờ đợi.
Người được giải thưởng hòa bình năm 1953 ấy không ai khác hơn là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho người nghèo tại Phi Châu.
Chứng kiến cử chỉ của ông, một người thuộc ủy ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó nói với các ký giả: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy được một bài giảng biết đi"
Một bài giảng biết đi. Hay quá. Chúng con hãy tập sống tốt, sống yêu thương, sống quan tâm bác ái để chúng con cũng trở thành một bài giảng biết đi như câu chuyện của Bác sĩ Albert Schweitzer trên đây.
Đúng là một việc tốt lành thánh thiện có sức lôi cuốn người ta đến với Chúa Giêsu nhiều khi còn tốt hơn nhiều việc khác.
Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Sống như thế có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo". Đây là một chứng từ:
Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này.
Cha NATARINÔ ROCHKY, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye, cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:
"Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Tin mừng, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Tin Mừng, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo cho ông nghe.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy như vị giáo sư thông minh này đã có vẻ sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy ông lui tới với tôi nữa... Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
- Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con con cũng như hai đứa con của con nữa.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
- Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ với con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Tin Mừng, nhưng con muốn xem Cha có sống Tin mừng thực sự hay không".
Đó chúng con thấy Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn cả bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!
Ước mong chúng con cũng biết làm như thế để chúng con trở thành người ra giảng Tin Mừng cho Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy tuần 18 Thường niên năm II (Mt 17,14-21)
-
Thứ Tư tuần 18 Thường niên năm II (Mt 15,21-28) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (Ga 8,1-11) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9) -
Chúa nhật 2 mùa Chay năm C - Biến đổi (Lc 9,28b-36) -
Chúa nhật 1 mùa Chay năm C (Lc 4,1-13) -
Chúa nhật 8 Thường niên năm C (Lc 6,43-49) -
Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Sáu tuần thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42)
-
Thứ Bảy tuần thánh - Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8) -
Thứ Năm tuần thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 5 Thường niên năm A -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A -
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A -
Bài giảng lễ Mồng Hai Tết -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)