Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Đời sống Thánh hiến

Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Đời sống Thánh hiến

KHAI MẠC NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
(Hs 2,16.21–22; Pl 3,8–14; Mt 19,16–26)

1. Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta long trọng khai mạc Năm Đời sống Thánh hiến, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã “mở ra”. Đây là một dịp thuận lợi, để tất cả Giáo hội, trong đó có chúng ta, suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa của Đời sống Thánh hiến, và để cho luồng gió mới của Chúa Thánh Thần thổi vào Giáo hội, hầu có thể canh tân đời sống Giáo Hội tốt đẹp hơn. Giáo hội tại Việt Nam quả thật đã và đang là môi trường tốt đẹp cho sự nảy nở các ơn gọi đa dạng của Đời sống Thánh hiến. Trăm hoa đua nở trong Giáo hội tại Việt Nam, và Đất nước Việt Nam còn cung cấp “hoa muôn sắc” cho Giáo hội Chúa Kitô tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

2. Để Thánh lễ mà chúng ta cử hành sáng nay được sốt sắng và có ý nghĩa, trước hết hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi chiếu trên chúng ta. Bài đọc tiên tri Hôsê nhắc lại “hôn ước vĩnh cữu” giữa Thiên Chúa với Dân Người, xây dựng trên Tình thương và Lòng thương xót của Thiên Chúa, Niềm tin và sự trung thành của Dân. Trong lịch sử cứu độ, Dân Thiên Chúa đã nhiều lần bất tín, bất trung, nhưng Thiên Chúa là “Đấng Trung Thành mãi”, với Lời Hứa, với Hôn ước Người đã thiết lập.

3. Bài đọc thư Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê giúp chúng ta đi vào trọng tâm của Đời sống Thánh hiến là “quan hệ thân mật” tối đa giữa tâm hồn được hiến thánh và Đức Giêsu Kitô. Câu nói thời danh và ngắn gọn của Thánh Phaolô là kim chỉ nam cho mọi tâm hồn thánh hiến: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Pl 1,21). Chúa Kitô là “lẽ sống”, là “sự sống”, là Niềm vui của đời thánh hiến. Nơi nào có Chúa, nơi đó có Niềm vui. Nơi nào có các tu sĩ đích thực, nơi đó có niềm vui, vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mà các tu sĩ bước theo cách sát gần. Có Chúa Thánh Thần, là Tình Yêu và là Nguồn Vui.

4. Người tu sĩ say mê bước theo Chúa Kitô, sống cuộc đời hiện tại mà Chúa ban cho mình. Thánh Phaolô đã viết: “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người tu sĩ coi của cải, danh vọng như rác, để “được Đức Kitô, được kết hợp với Đức Kitô”. Tu sĩ muốn sống trọn vẹn ơn gọi phép rửa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người. Không phải như thế là đã đạt được mục đích cuối cùng của đời mình, đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu! Không ai có thể trở nên hoàn thiện trong giây lát, nhưng còn có cả cuộc đời để hành trình, để lao mình về phía trước (x. Pl 3,13).

5. Thánh Phaolô dạy “quên đi chặng đường đã qua”, là quên đi quá khứ của mỗi người, chứ không quên lịch sử của Hội dòng; nguồn gốc và đặc sủng của Hội dòng. Ôn cố nhi tri tân: ôn lại điều cũ, thì biết được điều mới, trở về nguồn, thì mới có thể khám phá ra những điều mới mẽ, chưa được khai thác. Cội nguồn đầu tiên và cơ bản nhất vẫn là Chúa Kitô, và xuất phát lại từ Chúa Kitô là điều hết sức cần thiết để canh tân đổi mới. Theo Thánh Gioan Thánh Giá, Chúa Kitô là “Kho tàng vô giá, không bao giờ khai thác hết được. Từ nơi Thiên Chúa và Chúa Kitô, chúng ta nhận được Thần Khí Sáng Tạo (Spiritus Creator), Đấng đổi mới mọi sự, và hướng chúng ta đến Trời mới Đất mới.”

6. Đức Thánh Cha Phanxicô mong các tu sĩ thực sự đóng vai trò ngôn sứ: “các con hãy đánh thức thế giới”. ‘Tính cách triệt để của Tin Mừng’ là một đòi hỏi đối với mọi Kitô hữu, nhưng là đòi hỏi đặc biệt hơn đối với các tu sĩ. Các tu sĩ phải là những chứng nhân cho Tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Kitô, nơi cuộc sống tại thế, cái chết khổ nhục và sự Phục Sinh vinh quang. Tu sĩ là người nói cho những người khác biết, bằng chính đời sống của mình, ‘Chân Lý tuyệt vời và cao cả’ về Tình yêu của Thiên Chúa: Tình yêu chiến thắng tội lỗi, sự dữ và sự chết.

7. Bài Tin Mừng Mátthêu thì làm nổi bật khía cạnh từ bỏ và tinh thần khó nghèo của đời tu: “muốn theo Chúa Giêsu, phải bán hết tài sản, chia cho người nghèo, sẽ được kho tàng trên Trời” (x. Mt 19,21). Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các tu sĩ đứng về phía các người nghèo và những người cô thế cô thân, giống như các ngôn sứ và như chính Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta sợ và trốn chạy vai trò ngôn sứ, như các tiên tri Êlia, Giêrêmia, và Giôna chẳng hạn, vì ngại nói sự thật, không muốn lội ngược dòng. Hãy can đảm lên và đừng sợ, vì chúng ta luôn có Chúa ở cùng.

8. Tương Lai thuộc về Thiên Chúa, và thuộc về những ai can đảm và kiên trì: ai bền đỗ đến cùng, thì sẽ được cứu thoát. Anh chị em tu sĩ còn được kêu gọi làm chứng cho “hạnh phúc mai này của loài người”. Anh chị em vừa là lữ hành, vừa là phúc nhân giống như Chúa Giêsu, tuy vẫn còn ở giữa muôn vàn đau khổ và thử thách, đã có lúc thoáng thấy “hạnh phúc đời đời”, vì sự sống đời đời là “nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa đích thực và duy nhất và Đấng Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô” (x. Ga 17,3). Theo Đức Thánh cha Phanxicô, cuộc đời tu sĩ là “một lời tuyên xưng liên lỉ Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa (Confessio Trinitatis), là “dấu chỉ của tình huynh đệ phổ quát” (signum fraternitatis), giấc mơ của Chúa Giêsu, thể hiện dần dần trong “cuộc đời phục vụ tình bác ái” (servitium caritatis).

9. Đời sống tu sĩ là một cuộc sống đa chiều, với hai chiều kích cơ bản nối kết chặt chẽ với nhau, giống như “Cây Thánh Giá”: chiều đứng nối kết con người với Thiên Chúa, chiều ngang, nối kết mọi người với nhau. Thánh giá là “lá cờ chiến thắng của Kitô hữu”; Thánh giá dẫn tới Phục Sinh. Chúa Phục Sinh là Hy Vọng, là Lẽ Sống, và là Mục Đích cuối cùng của đời ta, là Cùng Đích mà Thiên Chúa nhắm tới cho chúng ta, và nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến. Chúng ta, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, cùng đồng hành. Có cả Mẹ Maria đồng hành với chúng ta nữa, vậy chúng ta hãy thương yêu, khích lệ nhau và nương tựa vào nhau, để cuộc lữ hành của chúng ta, đi qua trần thế, hướng về Quê Trời, luôn mạnh dạn và phấn khởi.

Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, thứ Bảy ngày 06.12.2014

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

Top