Bài học bác ái của Ngoại
Ngày ấy tôi chưa trưởng thành, nhưng tôi đã thực sự có “ấn tượng” về bà Ngoại và đến nay vẫn còn nhớ rất rõ những gì về Ngoại. Dù Ngoại rất bình dân, giản dị và học hành không nhiều, nhưng tôi vẫn cảm thấy Ngoại rất đặc biệt về lòng bác ái – dĩ nhiên là Ngoại “đặc biệt” với riêng tôi.
Nửa đời tôi qua đi mà tôi chưa gặp thấy ai có những “cái ngược đời” như Ngoại, những “cái không giống ai” của Ngoại rất tuyệt vời – theo thiển ý của tôi, và đúng Tôn Ý Đức Giêsu. Tôi không dám “khoe” Ngoại tôi mà tôi chỉ muốn chia sẻ về cách sống của Ngoại mà tôi rất “tâm phục khẩu phục” ngay từ khi tôi còn học tiểu học trường làng, và tôi viết để nhớ Ngoại nhân Tháng Cầu Hồn này.
Ông Ngoại mất từ khi tôi chưa sinh ra, tôi chỉ biết bà Ngoại. Chiều chiều mẹ hay dẫn tôi đến Ngoại chơi, và tôi cảm nhận được tình thương Ngoại dành cho tôi khá đặc biệt – không phải vì tôi ngoan, giỏi, hay vì lý do nào riêng với tôi, nhưng vì lý do “đặc biệt” mà tôi không tiện nói ra. Ngoại già nhưng còn khỏe, vẫn mập mạp. Ngày ngày Ngoại thường đi đây đó quanh làng hoặc đến nhà người này, người nọ cho khuây khỏa, rồi Ngoại cũng hay ghé nhà tôi chơi một lúc. Lần nào Ngoại vô cũng cho tôi chiếc bánh hay mấy cục kẹo. Không phải tôi là con cháu nên Ngoại cho đâu. Dọc đường đi hay ghé vô nhà ai, thấy đứa bé nào Ngoại cũng chia một ít quà mà Ngoại đang có. Ngoại luôn xởi lởi và rộng lòng với mọi người, cả trẻ lẫn già.
Điều đặc biệt ở Ngoại là thế này: Ngoại thấy ai nghèo khổ, thiếu thốn, Ngoại sẵn sàng giúp đỡ hết lòng, dù Ngoại nghèo. Ngoại luôn sống rộng lòng, Ngoại cho người ta những chiếc áo mới, còn Ngoại lại cặm cụi vá những chiếc áo cũ để Ngoại mặc. Chính các dì cũng cho là Ngoại “kỳ cục”. Người ta thường cho người khác những gì mình dư hoặc không dùng nữa – gọi là công bằng, còn Ngoại bác ái thực sự vì Ngoại hy sinh cái tốt để cho người, còn mình chỉ dùng những thứ cũ. Có lần Ngoại bán rẻ chiếc chăn bông mới toanh – kiểu vừa bán vừa cho, mẹ tôi thấy tiếc nên đã chuộc về.
Từ những gì tôi biết, tôi thấy Ngoại thật kỳ diệu khi thực hiện bác ái theo lời dạy của Chúa Giêsu. Thật vậy, “Ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2, 5). Thánh Phaolô cũng xác định: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13, 13).
Những năm cuối đời, Ngoại bị mù vì nghe lời lang băm cắt mộng mắt. Thực ra Ngoại còn khỏe, vẫn tự vá quần áo được. Tôi đi xa một thời gian, khi về mới biết... Ngoại không còn nhìn thấy tôi nên chỉ sờ tôi và Ngoại khóc. Tôi thương mà không làm gì được! Rồi một thời gian sau Ngoại mất, lúc đó tôi đã ở tuổi trưởng thành, và Ngoại là người đầu tiên tôi được chứng kiến giây phút hấp hối của một con người.
Tôi tin rằng, với tấm lòng quảng đại và bác ái, Ngoại đã được Thiên Chúa thương cho tận hưởng Phúc Trường Sinh. Cách sống quảng đại và nhân hậu của Ngoại đã ảnh hưởng cuộc đời mẹ tôi, và tôi cũng được thừa kế nhiều. Với tôi, bài học của Ngoại thật vô giá. Cảm ơn Ngoại. Tạ ơn Chúa đã ban cho con bà Ngoại “khác người” như vậy!
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm